admin@phapluatdansu.edu.vn

VẤN ĐỀ XỬ LÝ VẬT CHỨNG LÀ TÀI SẢN BẢO ĐẢM TIỀN VAY NHÌN TỪ MỘT VỤ ÁN

LS. ĐỖ HỒNG THÁI

Nguyễn Thị A (ngụ tại thành phố (TP) Vũng Tàu) là chủ sở hữu 3 tàu đánh cá (số hiệu: BV-9244-TS, BV-9342-TS, BV-5741-TS) và đã thế chấp cho Ngân hàng Công thương Việt Nam (NHCT) Chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu (cho 3 hợp đồng tín dụng (HĐTD) với tổng nợ gốc 2.250 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng và 60 tháng) theo các hợp đồng thế chấp số 0612.0278 ngày 24/11/2006, số 0612.0299 ngày 28/12/2006 và số 0744.0003 ngày 10/01/2007 (các hợp đồng thế chấp đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm tại TP. Hồ Chí Minh).

Trong tháng 4/2007, Nguyễn Thị A cùng 4 đồng phạm khác dùng 3 tàu trên đi biển để cắt cáp viễn thông. Khi bị khởi tố hình sự, cơ quan điều tra đã kê biên và giao 3 tàu cá cho gia đình A quản lý. Tại bản án sơ thẩm số 83/2008/HS-ST ngày 04/04/2008, Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tuyên: Nguyễn Thị A và các đồng phạm khác phạm vào tội “phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”, với các mức án từ 3 đến 12 năm tù; xét thấy: trước khi các bị cáo sử dụng 3 tàu đánh cá làm phương tiện phạm tội thì 3 tàu này đã được thế chấp hợp pháp cho ngân hàng nên bản án đã giao cho NHCT Chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng Thi hành án và gia đình bà A thanh lý trước hạn 3 HĐTD, xử lý bán 3 tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay, phần giá trị còn lại, nếu có, tịch thu sung quỹ nhà nước. Ngày 18/04/2008, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có kháng nghị số 210/VKS đề nghị Toà phúc thẩm căn cứ Điều 41 Bộ luật Hình sự (BLHS) tuyên xử tịch thu 3 chiếc tàu để sung quỹ nhà nước (các bị cáo cũng có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt).

Giao dịch bảo đảm hợp pháp cũng trở nên vô nghĩa!

Tại phiên toà phúc thẩm ngày 19/9/2008, đại diện VKSND tối cao giữ nguyên kháng nghị và Hội đồng xét xử đã tuyên: bác các kháng cáo và chấp nhận kháng nghị về việc xử lý tịch thu 3 tàu cá là vật chứng, với nhận định: mặc dù 3 tàu cá được thế chấp hợp lệ nhưng việc thế chấp không làm mất đi quyền sở hữu (của A với 3 tàu cá) nên vẫn đủ điều kiện tịch thu. Phán quyết này đã đẩy các khoản nợ vay có tài sản bảo đảm hợp pháp của bà A tại ngân hàng trở thành các khoản nợ không có bảo đảm, giao dịch bảo đảm trên thực tế cũng trở nên vô nghĩa. Và không ai khác, chính ngân hàng – người đã làm tất cả những việc mà luật quy định phải làm, là người phải gánh chịu một tình huống rủi ro vốn không thể lường định.

Việc cấp tín dụng và xác lập các giao dịch bao đảm tiền vay là quyền và nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng (Điều 49 và Điều 52 Luật Các tổ chức tín dụng). Hiển nhiên, các giao dịch bảo đảm giữa NHCT Chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu với bà Nguyễn Thị A, một khi đã được tiến hành hoàn toàn hợp lệ, ngay tình, thủ tục hoàn toàn hợp pháp, thì phải có đầy đủ hiệu lực pháp lý – quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch bảo đảm sẽ phải được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Khoản 3 Điều 323 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 quy định: giao dịch bảo đảm đựơc đăng ký thì có giá trị pháp lý đối với người thứ ba; và tại Điều 5 Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 (có hiệu lực tại thời điểm giao kết)1 quy định rõ: “Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong việc bảo đảm tiền vay. Không một tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào việc bảo đảm tiền vay và việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay của các bên”.

Nguyễn Thị A phải gánh chịu các hậu quả pháp lý (trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự) bởi hành vi phạm pháp của mình. Tuy nhiên, việc xem xét, quy buộc các trách nhiệm pháp lý cho A sẽ thiếu tính toàn diện, tính thuyết phục nếu vì đó mà bỏ qua mọi quan hệ pháp lý đã được xác lập hợp pháp, đã phát sinh hiệu lực, xâm hại lợi ích hợp pháp, ngay tình của người khác. Xét về lỗi, trong biện pháp thế chấp tài sản vẫn thuộc quyền quản lý, khai thác, sử dụng của bên thế chấp, bên nhận thế chấp (ngân hàng) chỉ quản lý giấy tờ là chứng thư sở hữu tài sản, do đó NHCT Chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu không có lỗi trong việc Nguyễn Thị A sử dụng tài sản bảo đảm làm phương tiện gây án bởi ngoài phạm vi kiểm soát của mình, nên ngân hàng không thể là bên phải gánh chịu rủi ro mà mình đã phòng ngừa bằng biện pháp luật định, nhất là trong khi pháp luật cho phép và thực tiễn còn có giải pháp khác.

Phán quyết của Toà phúc thẩm có trái luật?

Hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự (thể chế hoá các quy định của BLHS năm 1985 và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 1988), tại mục I.5.a và II.3.a Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT ngày 24/10/1998 của Toà án nhân dân tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã quy định: đối với các phương tiện sản xuất, kinh doanh mà trước đó bị can, bị cáo đã thế chấp, cầm cố để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án xử lý:

– Nếu hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản vẫn còn thời hạn, thì tuỳ trường hợp cụ thể, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho bên đang giữ tài sản cầm cố, thế chấp tiếp tục khai thác, sử dụng tài sản đó;

– Nếu hợp đồng thế chấp, cầm cố hợp pháp đã hết thời hạn thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, tài sản thế chấp, cầm cố được giao cho bên nhận bảo đảm khai thác, sử dụng hoặc xử lý để thu hồi vốn và lãi sau khi đã lập đầy đủ hồ sơ bảo đảm giá trị chứng minh của tài sản là vật chứng. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản thế chấp, cầm cố sau khi đã trừ các chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài sản thế chấp, cầm cố và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, được dùng để thanh toán nợ cho bên nhận thế chấp, nhận cầm cố.

– Căn cứ quyết định, bản án của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án tiến hành xử lý bán đấu giá tài sản. Số tiền bán đấu giá tài sản cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, nhận thế chấp hợp pháp sau khi trừ các chi phí cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng và chi phí cho việc tổ chức bán đấu giá; phần còn lại để thi hành án.

Mặc dù là hướng dẫn cho việc xử lý vật chứng theo BLHS năm 1985 (Điều 33) và BLTTHS năm 1988 (Điều 58), nhưng cho đến nay, Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT chưa bị thay thế bởi văn bản nào, và điều quan trọng là tinh thần của Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT về vấn đề này vẫn tương thích với BLHS năm 1999 (Điều 41) và BLTTHS năm 2003 (Điều 76), cũng như nhất quán với các chế định có liên quan của pháp luật dân sự (cũ và mới). Như vậy, chiểu theo Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT thì phán quyết của Toà phúc thẩm như trên là không phù hợp.

Sự xung đột pháp luật hay vấn đề trách nhiệm?

Về việc xử lý tịch thu vật chứng là phương tiện phạm tội, nội dung Điều 41 BLHS năm 1999 (và điều 76 BLTTHS năm 2003) quy định hoàn toàn tương thích với nội dung Điều 33 BLHS năm 1985 (và Điều 58 BLTTHS năm 1988). Điều dễ nhận thấy là theo quy định của pháp luật hình sự thì vật chứng là phương tiện phạm tội sẽ bị xử lý tịch thu sung quỹ Nhà nước (không có giải pháp khác, trừ khi chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp không có lỗi thì được trả lại). Tuy nhiên, đó là nguyên tắc chung của pháp luật hình sự, để giải quyết quan hệ pháp luật này trong mối quan hệ hữu cơ với các lĩnh vực pháp luật khác, Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT đã được ban hành, theo đó nguyên tắc bảo vệ hiệu lực của giao dịch bảo đảm của pháp luật dân sự được đồng thời tôn trọng. Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT là văn bản duy nhất trong lĩnh vực hình sự có hướng dẫn về việc xử lý đối với các vật chứng là tài sản bảo đảm tiền vay (mà không dẫn đến việc tịch thu toàn bộ vật chứng), được xem là “cầu nối của hai lĩnh vực pháp lý” định dạng giải pháp giải quyết thoả đáng cho sự kiện: vật chứng là tài sản bảo đảm tiền vay. Pháp luật thuộc bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều tôn trọng và bảo vệ lợi ích hợp pháp, ngay tình của các chủ thể, dù còn những quan điểm khác nhau về tính hiệu lực của Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT vào thời điểm hiện nay(2), song có thể thấy ngay, phương án giải quyết của Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT mang tính thực tiễn rất cao, có tính đến và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan, là phù hợp với chế định bảo đảm nghĩa vụ dân sự của pháp luật dân sự và bảo đảm tính thống nhất của pháp luật nói chung. Với quan điểm ấy có thể thấy sự xung đột pháp luật, ở một cấp độ nhất định dường như đã được giải quyết3.

Việc tiếp cận nội dung Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT là điều không khó với các cơ quan tiến hành tố tụng. Vấn đề phải chăng là ở quan điểm áp dụng, sức mạnh của niềm tin nội tâm, dũng khí người cầm cân nảy mực,… Sẽ là “cái khó cho người tiến hành tố tụng” bởi sự chưa an tâm nếu phải vận dụng một “hướng dẫn cũ”, và thực tiễn còn cho thấy việc thuyết phục Toà án khi xét xử một vụ án hình sự cần xem xét, đối chiếu, áp dụng cả các quy định của pháp luật dân sự có liên quan, vốn dĩ là điều không phải luôn dễ dàng được chấp thuận. Ở góc độ này, cái thiếu có lẽ chính là việc cần tái lập một văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề vật chứng là tài sản bảo đảm tiền vay dựa trên cơ sở kế thừa ngay tính hợp lý trong nội dung của Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT, qua đó tái tạo hành lang pháp lý an toàn cho các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại, điều mà các BLHS và BLTTHS hiện chưa thể cụ thể hoá hơn.

Trở lại thực tiễn giải quyết vụ án

Việc ngân hàng “bỗng dưng bị tước mất quyền” trong trường hợp trên cần được xem xét thấu đáo, hợp lý, nhất là khi chiểu theo nguyên tắc cơ bản cũng như các quy định cụ thể của pháp luật dân sự thì ngân hàng không thể bị ai tước bỏ quyền này. Yêu cầu của NHCT Chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc cần kháng nghị giám đốc thẩm vụ án theo hướng: công nhận giá trị pháp lý của các giao dịch bảo đảm hợp pháp, từ đó chấp thuận việc giao cho ngân hàng (hoặc qua cơ quan Thi hành án) quyền xử lý tài sản bảo đảm theo các hợp đồng thế chấp đã ký để thu hồi các khoản nợ vay đã được bảo đảm, phần còn lại, nếu có, giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo phán quyết tịch thu tài sản của Toà án, thiết nghĩ là chính đáng, vừa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Ngân hàng này (cũng chính là bảo toàn tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp) vừa không ảnh hưởng đến tính nghiêm minh, răn đe trong việc xử lý vụ án hình sự, phù hợp nội dung Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT và phù hợp thực tiễn (dưới góc độ kinh tế, việc tịch thu tài sản sung quỹ Nhà nước hay bảo toàn khoản thu hồi nợ cho doanh nghiệp nhà nước là cân bằng).

Trên thực tế, 3 tàu cá đã/đang được cơ quan điều tra kê biên và giao cho gia đình bà A quản lý. Việc Toà phúc thẩm không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý khác để quản lý, bảo quản tốt tài sản, nhất là sau khi đã phán quyết tịch thu các tài sản này cũng là một vấn đề thực tiễn cần quan tâm, bởi tài sản đứng trước nguy cơ bị mất mát, hư hỏng. Một khi không còn được xem là tài sản của mình để bảo đảm thanh toán nợ vay cho mình (có một phần lợi ích) – người được quản lý sẽ thấy họ không còn quyền lợi gì trong việc bảo quản (do sẽ phải tốn kém khá nhiều chi phí để bảo quản nhằm duy trì tình trạng hoạt động bình thường của tàu) thì thiệt hại sẽ đến cho mọi chủ thể, cho xã hội là điều có thể thấy trước.

Trách nhiệm hình sự các bị án đã phải gánh chịu, như vậy, phải chăng trong vụ án này việc tuyên tịch thu tài sản là quá cứng nhắc, không cần thiết, thậm chí có thể xem là bất hợp lý, trái với tinh thần chủ đạo của hệ thống pháp luật thực định hiện hành? Chúng tôi hy vọng là Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao, với thẩm quyền và trọng trách của mình sẽ xem xét đầy đủ các yêu cầu, kiến nghị để sớm có quyết định xử lý lại vụ án một cách chính xác nhất.

Chú thích:

(1) Nay đã được thay thế bởi Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006, nhưng nguyên tắc trên là không thay đổi.

(2) Theo Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thì văn bản hướng dẫn sẽ hết hiệu lực khi văn bản được hướng dẫn hết hiệu lực.

(3) Lẽ tất nhiên, sẽ triệt để hơn nếu BLHS chính thức ghi nhận phương án xử lý vật chứng là tài sản bảo đảm tiền vay, bằng việc sửa đổi, bổ sung điều 41, đồng thời cơ chế “tịch thu một phần tài sản” (với giá trị tương ứng khoản nợ được bảo đảm) có thể được bổ sung để tạo sự nghiêm khắc và cân bằng chung của các chế tài trong lĩnh vực hình sự.

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 21/2008

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: