HỒ KHẢI HÀ
Hơn hai năm nay, đương sự phải chạy đi chạy lại yêu cầu chính quyền cho dời một ngôi mộ trong đất của mình nhưng vẫn không có kết quả… Theo bà N., trước đây bà được cha mẹ cho một miếng đất ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (TP.HCM). Năm 2000, bà được quận cấp “giấy đỏ”. Do trên đất rải rác có vài ngôi mộ của gia đình bà nên “giấy đỏ” này ghi mục đích sử dụng là đất nghĩa địa.
Chính quyền khó xử lý
Hai năm trước, một người anh của bà N. qua đời. Gia đình người anh đã qua hỏi xin chôn trên đất của bà thì bà không đồng ý. Tuy nhiên, do ở xa, không trực tiếp quản lý đất nên sau đó, gia đình người anh vẫn tiếp tục chôn mà bà N. không hay biết gì.
Đến khi biết chuyện, bà N. đã làm đơn gửi khu phố cùng UBND, HĐND phường Bình Hưng Hòa nhờ can thiệp nhưng chờ mãi mà không thấy hồi âm. Cuối năm 2007, một lần nữa bà gửi đơn đến UBND phường. Lần này, ủy ban mời hai bên đến giải quyết nhưng đến hẹn, phía gia đình người anh đều vắng mặt. Thiếu một bên đương sự, phường cũng chỉ có thể lập biên bản hòa giải không thành rồi dừng lại…
Bà N. tiếp tục làm đơn lên UBND quận Bình Tân. Nơi đây tiếp nhận và gửi công văn yêu cầu phường giải quyết, đồng thời báo cáo với quận. Nhận công văn, phường mời hai bên đến nhưng do phía gia đình người anh lại… vắng mặt nên phường không thể xử lý được gì. Phường đã báo cáo lại sự việc và chờ quận hướng dẫn nhưng đến nay quận cũng chỉ biết… động viên phường tiếp tục xử lý.
Tòa trả đơn kiện
Giữa năm 2007, thấy sự việc kéo dài không có kết quả, trong một lần hòa giải (vẫn vắng mặt phía gia đình người anh), bà N. đã yêu cầu phường chuyển tất cả hồ sơ đến TAND quận Bình Tân. Phường đã ghi nhận ý kiến này và chuyển hồ sơ. Về phần mình, bà N. cũng làm đơn khởi kiện nhờ tòa tuyên dời mộ người anh ra khỏi đất của bà. Tuy nhiên nhận đơn, tòa đã lắc đầu, bảo không thể thụ lý vì tranh chấp này không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.
Khởi kiện không được, bà N. quay về khiếu nại lên phường, quận nhưng như đã nói, các nơi này tiếp nhận rồi cũng chỉ dừng lại ở việc mời hai bên đến hòa giải. Vụ việc lại bị bế tắc vì phía gia đình người anh không chịu đến làm việc.
Thấy bị thiệt thòi, giữa năm nay, bà N. tiếp tục gửi đơn kiện đến TAND quận. Cũng như lần trước, tòa trả đơn. Bà khiếu nại quyết định trả đơn này thì chánh án TAND quận bác khiếu nại vì theo quy định, việc trả lại đơn kiện trong trường hợp này là đúng.
Mới đây, bà N. lại phải quay về phường để nhờ phường can thiệp. UBND phường lại gọi các bên đến để tiếp tục xử lý vụ đòi di dời mồ mả này…
Không thể tự ý di dời
Trong nhiều đơn khiếu nại lẫn ở những lần hòa giải tại phường, bà N. đã bày tỏ nỗi niềm: Bản thân bà không thể tự ý dời mồ mả của người anh được vì như thế sẽ xâm phạm mồ mả người khác, không khéo sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, bà rất bức xúc bởi đất thuộc quyền sử dụng của bà, dù có mục đích sử dụng là nghĩa địa nhưng nếu bà không đồng ý thì không phải ai muốn chôn ở đó cũng được.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng đều không chịu xử lý rốt ráo, một phần vì phía gia đình người anh vắng mặt, một phần vì đụng đến mồ mả là chuyện tâm linh, nhạy cảm. Thậm chí cán bộ tiếp dân ở phường, quận còn bảo bà N. rằng “Đây là đất hương hỏa chung của gia đình thì nên để họ hàng được chôn ở đó”. Bà N. đã nhiều lần khẳng định đây không phải là đất hương hỏa, họ hàng cũng không ai ủy quyền cho bà quản lý mà đây là đất của riêng bà được cha mẹ cho và đã được công nhận chủ quyền.
Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý về trường hợp này. Họ đều nhận xét việc TAND quận Bình Tân từ chối thụ lý tranh chấp là đúng bởi mồ mả không phải là “tài sản trên đất” nên tòa không có thẩm quyền tuyên buộc di dời. Theo họ, cơ quan có trách nhiệm giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp này vẫn là UBND phường Bình Hưng Hòa và UBND quận Bình Tân.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://thuvienphapluat.com./?CT=NW&NID=17911
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 7. TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN, CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT |
Dạ em xin thưa, em nhờ pháp luật giải quyết và hộ trở pháp lý cho gia đình của em, quê gia đình của em ở sóc trăng hiện tại đất của gia đình em có hơn một hết ta mà trong phần đất của gia đình em có một cái mộ lâu năm, em nghe ba mẹ kể lại thời hơn ba mươi mấy năm trước em cũng không thể xác định rõ khoản vào thời gian và năm mấy? Hồi đó gia đình của mộ họ cho ba mẹ em giữ mộ dùm cho họ, rồi họ cho đất 1 hết ta này, rồi sau này cơ quan nhà nước cấp giấy quyền sở hữu đất cho gia đình ba mẹ em, còn hiện tại giờ thì đất này đã chia cho tất cả thành viên trong gia đình của em, có một người thành viên không hài lòng về tấm mộ này trên đất của mẹ đã chia, Dạ em xin thưa vậy em có nên di dời bỏ mộ này ra được không? diện tích của mộ cũng khá rộng nên chiếm vị trí phần đất hơi nhiều, chị muốn độ tôm cá được như các phần của anh chị nhưng không thể làm được,gia đình của mộ rất là ích khi qua thăm mộ khoản 2/3 năm họ mới qua thăm mộ một lần, lúc gia đình của mộ qua thăm mộ, mẹ em cũng nhắc tới chuyện di dời bỏ mộ đến gia đình của mộ, nhưng gia đình của mộ không nói gì cả, vì vậy em có thể nhờ pháp luật hộ trở xử lý vụ việc của em đã nêu trên và em có thể di dời bỏ mộ này được hay không?
Em cũng kính mong pháp luật hồi đáp cho em sớm nhất, Em xin kính trọng cảm ơn và biết ơn,
Pháp luật giúp em qua địa chỉ: danhsakiep@gmail.com