admin@phapluatdansu.edu.vn

PHÁP ĐIỂN HÓA ĐỂ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

ĐẶNG VĂN CHIẾN – PHÓ CN UBPL CỦA QUỐC HỘI

Hệ thống hóa, pháp điển hóa văn bản pháp luật là hoạt động hoàn toàn không đơn giản, đòi hỏi những người tiến hành hệ thống hóa, pháp điển hóa phải hiểu biết sâu sắc về hệ thống pháp luật, phải được trang bị các kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc. Bất kỳ nhà nước nào cũng đều coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

      Một quốc gia đương đại không được tổ chức và hoạt động trên cơ sở một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển và hội nhập. Pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là thước đo trình độ phát triển của các thiết chế dân chủ đang tồn tại trong nội tại của một quốc gia. Chính vì vậy, công tác hệ thống hóa, pháp điển hóa các văn bản quy phạm pháp luật là nhằm bảo đảm cho hệ thống pháp luật được thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm minh bạch, cụ thể và đáp ứng kịp thời các yêu cầu của xã hội khi có sự thay đổi.
      Ở Pháp, cách đây 15 năm, người ta rất chú ý tới công tác pháp điển hóa và đã đưa ra được những khuôn mẫu nhất định. Nhưng thực ra ở Pháp, Bộ luật Napoleon năm 1804 mới là một ví dụ điển hình về công tác pháp điển hóa. Với Bộ luật này, người ta nhìn nhận Naponeon không những là một vị tướng giỏi mà còn là một luật gia giỏi trong lĩnh vực luật dân sự với vai trò là kiến trúc sư của một trong những bộ luật dân sự có ảnh hưởng đến nhiều hệ thống pháp luật trên toàn thế giới. Ở Việt Nam thì như thế nào? Qua những công trình nghiên cứu của các chuyên gia Việt Nam cho thấy từ thời nhà Lý (1010), Việt Nam đã có một công trình mang dáng dấp của pháp điển hóa, đó là Bộ hình thư. Đến thời nhà Trần, chúng ta đã có Bộ Hình luật thư.  Đời nhà Lê có Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức). Gần đây nhất, dưới chính thể phong kiến, chúng ta có Hoàng Triều Luật lệ hay còn gọi là Bộ luật Gia Long. Như vậy, trong lịch sử nước ta, dưới các triều đại phong kiến, Việt Nam đã có các công trình mang tính chất pháp điển hóa. Những công trình này là tập hợp các quy định pháp luật, kể cả luật tục, luật thành văn và những kinh nghiệm tiếp thu của pháp luật nước ngoài (chủ yếu là pháp luật của các triều đại phong kiến Trung Hoa). Trong điều kiện hiện nay, các công trình pháp luật trên vẫn còn nguyên giá trị nghiên cứu, tham khảo. Nó chứng tỏ một điều rằng ông cha ta đã nhận thức được pháp điển hóa là một công việc rất cần thiết cho một quốc gia, một chế độ, để bảo đảm cho một nền thịnh trị của một quốc gia. Nhìn lại lịch sử, chúng ta tự hào vì đã có những công trình pháp điển hóa, pháp điển hóa trở thành truyền thống trong lịch sử lập pháp của Việt Nam.

      Hội thảo về pháp điển hóa (diễn ra ngày 12-13.12 tại Lâm Đồng) do Ban Công tác lập pháp của UBTVQH tổ chức là một nội dung trong khuôn khổ hợp tác với Dự án hỗ trợ thể chế (ISP) do Liên minh châu Âu tài trợ. Mục tiêu tổng thể của Dự án này là đóng góp vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam, hỗ trợ các cải cách đang được tiến hành nhằm hướng đến một nền quản trị minh bạch, có trách nhiệm và mục tiêu cuối cùng là góp phần xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Một trong những mục tiêu cụ thể của Dự án là hỗ trợ về mặt kiến thức, kinh nghiệm để tiến hành pháp điển hóa hệ thống pháp luật Việt Nam, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của QH, các cơ quan của QH và bộ máy giúp việc cho Quốc hội.

      Khi nhà nước dân chủ nhân dân ra đời, tại Quốc hội Khóa đầu tiên (1946), công tác pháp điển hóa vẫn tiếp tục được thực hiện như một truyền thống tốt đẹp. Cho đến nay, trong hệ thống pháp luật của chúng ta đã có 219 luật, bộ luật và 198 pháp lệnh được ban hành. Các văn bản đều có các chương, mục, điều khoản cụ thể. Bên cạnh đó, chúng ta còn có một hệ thống đồ sộ các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành, các văn bản liên tịch… Những văn bản lớn như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hàng hải (những văn bản này đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay đổi ít nhất một lần) là những công trình mang tính pháp điển hóa rất cao. Xét cho cùng, các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhưng không phải chỉ do mình Quốc hội quyết định mà phải qua một quá trình, có sự tham gia bắt đầu từ người đưa ra ý tưởng, các cơ quan tham mưu cho Quốc hội trong giai đoạn soạn thảo, thẩm tra, các cơ quan thực thi và cả của những đối tượng chịu sự tác động của văn bản.
      Với những con số nêu trên, ta có thể cho đấy là một thành tích. Từ khi Đảng và Nhà nước ta chủ trương công cuộc đổi mới thì một nguyên tắc được đặt ra, đó là không có pháp luật, không có “luật chơi” thì không thể đi vào nền kinh tế thị trường. Như vậy, phải chăng công tác làm luật chính là pháp điển hóa các quy định trong những lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, biến các quy định đó thành những văn bản có giá trị pháp lý cao, có tầm vóc quốc gia để điều chỉnh các quan hệ trong xã hội ngày càng phát triển của Việt Nam. Suy rộng ra, công tác pháp điển hóa chính là việc đưa ra những vấn đề của cuộc sống trở thành các văn bản, vào trong các văn bản để toàn dân cùng thực hiện. Đây là yêu cầu, là một khâu của quy trình làm luật.
      Mặc dù vậy, đến nay, hệ thống của chúng ta cũng còn có không ít vấn đề. Trong các báo cáo tổng kết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan phục vụ Quốc hội đều cho rằng: Chúng ta đã rất cố gắng để đáp ứng được các yêu cầu hội nhập, để đủ luật cho việc vào WTO, nhưng chúng ta vẫn còn thiếu rất nhiều. Hiện nay, Việt Nam đã có Chiến lược lập pháp đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đến thời điểm này, hệ thống pháp luật của Việt Nam về cơ bản phải được hoàn thiện đối với tất cả các lĩnh vực. Nhu cầu của xã hội là các vấn đề lớn, liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân, tổ chức phải được điều chỉnh bằng Luật (không phải là Pháp lệnh, Nghị định) và từng lĩnh vực phải có luật để điều chỉnh. Luật phải được cụ thể, chi tiết. Vậy để có được một hệ thống pháp luật đầy đủ như Chiến lược đã định thì phải biết được hiện tại hệ thống đang thiếu gì, cần gì, điều gì đã lỗi thời, đã thừa. Phải biết được những điều này, chúng ta mới vạch được đường đi, hướng tới đích hoàn thiện cơ bản hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển KT – XH, đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp, hội nhập với thế giới không chỉ về mặt kinh tế mà cả về lập pháp.
      Quay lại với hệ thống pháp luật của chúng ta, hiện tại hệ thống vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa thống nhất, còn có sự mâu thuẫn, chia cắt, chồng chéo giữa các văn bản; Tính minh bạch trong hệ thống pháp luật chưa cao. Hệ thống văn bản của chúng ta được cảm nhận như một “mê cung”. Sẽ rất khó để nhận biết được trong một lĩnh vực thì văn bản của Quốc hội kiểm soát đến đâu, văn bản của Chính phủ, các bộ tiếp tục như thế nào? Do đó, nếu không làm pháp điển hóa, chúng ta sẽ không biết được văn bản nào thực sự đang điều chỉnh các hoạt động xã hội (Luật hay là Thông tư). Như vậy, về góc độ thẩm quyền, thứ bậc văn bản, hệ thống pháp luật của chúng ta có vấn đề. Vậy, việc đặt ra ở đây là chúng ta phải xử lý các vấn đề để cho hệ thống của chúng ta có thứ bậc theo quy định của pháp luật. Khi đó các văn bản của các bộ không thể trái với Văn bản của Chính phủ, văn bản của Chính phủ không trái với văn bản của Quốc hội và bản thân văn bản của Quốc hội không thể vượt qua các quy định của Hiến pháp. Đây cũng là cái đích của pháp điển hóa. Tức là chúng ta làm rõ những văn bản nào được ban hành không đúng thẩm quyền, trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị định (kể cả văn bản của cấp thấp nhất là cấp phường, xã). Pháp điển hóa là công việc để bảo đảm trật tự của hệ thống pháp luật.
      Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, pháp điển hóa là một công việc, một nội dung có tính lịch sử, có truyền thống. Pháp điển hóa cần thiết cho mỗi nhà nước với vai trò là công cụ quan trọng hỗ trợ cho việc đặt ra luật, bảo đảm cho sự phát triển hưng thịnh của quốc gia.
      Ở Việt Nam, công tác pháp điển hóa luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và trên thực tế đã đạt được một số thành tựu. Một trong những mục tiêu của Chiến lược lập pháp là phải làm tốt công tác pháp điển hóa. Tuy nhiên, như đã trình bày, hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết. Cùng một lĩnh vực, có rất nhiều văn bản, do nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau ban hành. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều lúc không biết vấn đề kết thúc ở đâu, văn bản nào là chính và sẽ thực thi theo văn bản nào. Đòi hỏi chúng ta phải làm công tác pháp điển hóa, để góp phần làm cho hệ thống pháp luật được minh bạch, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân.
      Về các hệ thống pháp điển hóa, các quan niệm về pháp điển hóa trên thế giới, xin được trình bày ngắn gọn, mang tính chất tổng quan như sau:
      Theo một số nhà phân tích, ở nhiều quốc gia không coi pháp điển hóa là công tác lập pháp. Tức là nó sẽ không kết thúc bằng việc ban hành một đạo luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có ý kiến cho rằng pháp điển hóa chịu ảnh hưởng rất ít từ phía các cơ quan lập pháp. Đây là công việc có tính kỹ thuật, đơn thuần là việc tập hợp các văn bản (đang có hiệu lực) do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Các văn bản được pháp điển hóa có thể là văn bản của Quốc hội, Chính phủ, các bộ hoặc của chính quyền địa phương do pháp luật quy định được phép ban hành. Ở đây xuất hiện một trong những khái niệm về pháp điển hóa: là một quá trình tập hợp, sắp xếp, hệ thống hóa pháp luật theo một lĩnh vực riêng biệt, theo một ngành luật nhất định để tạo thành một bộ luật hay một bộ pháp điển hóa có tính trật tự. Quá trình này là hoàn toàn cơ học, một sự sắp xếp cơ học. Quá trình này không có vai trò của cơ quan lập pháp, không có vai trò của nhà làm luật, không có vai trò của cơ quan ban hành văn bản. Đây là một quan niệm.
      Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng pháp điển hóa có mục tiêu (mục tiêu duy nhất) là hệ thống hóa những quy định đang có hiệu lực một cách trung thực, khách quan (các quy định trong văn bản của Quốc hội, văn bản của Chính phủ, các bộ và các quy định trong văn bản liên tịch). Các văn bản, quy định này được sắp xếp theo một logic, một trình tự do nhà pháp điển hóa xác định. Tuy nhiên, hoạt động này không có tính cách mạng. Tức là không có sự đổi mới, đích chung của mọi quốc gia, là làm thế nào để cho hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống văn bản đối với từng lĩnh vực nói riêng tiếp cận hơn với cuộc sống, gần hơn với nhân dân, thân thiện với người thực hiện hơn. Đây là cái đích mà pháp điển hóa hướng tới. Với ý nghĩa đó, khi một văn bản ra đời thì nhà hoạch định chính sách phải kiểm soát được chu trình hình thành văn bản từ ý tưởng ban hành ban đầu là của ai, được ai soạn thảo và soạn thảo như thế nào, đã lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân nào (ý kiến của người dân, của đối tượng chịu sự chi phối của văn bản, ý kiến của các nhà hoạch định chính sách, ý kiến của các nhà quản lý), việc trình ra Quốc hội, công bố văn bản thực hiện như thế nào? Đây là vấn đề cần được quan tâm.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Trích dẫn từ:

http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/10/ContentID/28634/Default.aspx

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: