admin@phapluatdansu.edu.vn

CÔNG CHỨNG TƯ CẦN ĐƯỢC ĐỐI XỬ BÌNH ĐẲNG

PHẠM NGỌC TRƯỜNG

8 văn phòng công chứng (được gọi là công chứng “tư”) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vừa được thành lập, tình trạng quá tải tại các phòng công chứng Nhà nước (được gọi là công chứng “công”) sẽ giảm và người dân cũng có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ công chứng phù hợp. Tuy nhiên, điều quan tâm nhất hiện nay của các VPCC là sớm được “đối xử bình đẳng”.

Thuận tiện cho dân

Lâu nay, mỗi khi có hợp đồng, hồ sơ, giấy tờ cần công chứng, người dân phải xếp hàng chờ đợi rất lâu do các Phòng công chứng nhà nước (PCCNN) luôn bị quá tải. Giờ đây, người dân có thể đến các Văn phòng công chứng (VPCC) để được phục vụ nhanh chóng mà không sợ rằng vì gắn với chữ “tư” mà giá cả cao hơn, hiệu lực thấp hơn so với PCCNN. Bởi lẽ, Luật Công chứng đã quy định rõ, chứng nhận hợp đồng, giao dịch ở VPCC có giá trị pháp lý như ở PCCNN; Đồng thời, các VPCC thu phí công chứng bằng mức phí mà các PCCNN thu theo quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2001/TTLT/BTC-BTP ngày 21.11.2001. Đây sẽ là nền tảng tạo nên sự cạnh tranh giữa các PCCNN với các VPCC: cùng mức phí, công chứng cùng có hiệu lực ngang nhau thì nơi nào phục vụ tốt hơn sẽ được người dân lựa chọn. Một lợi thế khác của VPCC là sẵn sàng cử công chứng viên đến công chứng tại nhà người dân, công chứng ngoài giờ hành chính, phụ phí phát sinh do hai bên tự thỏa thuận – điều mà các PCCNN hiện chưa được làm, trừ số ít trường hợp đặc biệt. Vì vậy, ra đời vào thời điểm này là thời cơ lớn của VPCC trong việc giành “thị phần” công chứng.

Cần được chia sẻ thông tin về bất động sản

Đối với các VPCC, mối quan tâm lớn nhất là làm thế nào có được thông tin về tình trạng pháp lý của bất động sản – chẳng hạn như bất động sản đó có bị cầm cố, thế chấp hoặc có bị cơ quan chức năng nào ra quyết định ngăn chặn giao dịch và hàng loạt vấn đề pháp lý khác? Đây là “chuyện sống còn” của các VPCC vì hầu hết hợp đồng, giao dịch người dân muốn công chứng đều có liên quan đến bất động sản, nếu công chứng viên công chứng không có đầy đủ thông tin sẽ dễ có khả năng tranh chấp về sau. Không nắm được thông tin về tình trạng pháp lý của bất động sản, sẽ không có công chứng viên nào dám công chứng vào hợp đồng, giao dịch. Theo quy định của Luật Công chứng thì công chứng viên phải tự đi xác minh tình trạng pháp lý của đối tượng giao dịch, nhưng như vậy rất mất thời gian, trong khi chỉ cần vào được mạng nội bộ của Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh thì tất cả thông tin sẽ được cung cấp đầy đủ. Mong mỏi của các công chứng viên là sớm có thể vào mạng của Sở tra cứu thông tin như các PCCNN vẫn thực hiện từ trước đến nay. Một số Trưởng VPCC cũng ưu tư: nếu xuống tận địa phương xác minh tình trạng pháp lý của bất động sản thì hồ sơ bị “ngâm” ít nhất một buổi, trong khi chỉ “nhấp chuột” vào mạng là hồ sơ có thể giải quyết xong trong vòng 30 phút. Điều này khiến cho cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực công chứng giữa “công” và “tư” khó có được sự công bằng, vì lúc đó người dân thà đến các PCCNN để chờ đợi 2 giờ còn hơn đến VPCC mất cả buổi. Để giải tỏa băn khoăn này, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Chính cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các VPCC được kết nối vào mạng dữ liệu của Sở, qua đó giúp các VPCC tránh rủi ro trong công việc. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với các VPCC.

Bảo hiểm trách nhiệm – quy định chưa sát thực tế

Hoạt động công chứng ảnh hưởng trực tiếp đến tính an toàn pháp lý trong các giao dịch của người dân. Vì vậy, Luật Công chứng đã quy định VPCC có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình. Tuy nhiên, do hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể về vấn đề này nên tại Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại TP Hồ Chí Minh vừa ban hành mới đây, UBND thành phố bắt buộc VPCC phải ký quỹ tại một ngân hàng trước khi đăng ký hoạt động, số tiền này được sử dụng vào mục đích bồi thường thiệt hại do lỗi mà công chứng viên gây ra cho người yêu cầu công chứng. Đây là quy định cần thiết, nhưng chưa phù hợp với thực tế. Các giao dịch có liên quan đến bất động sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có giá trị rất lớn, vì vậy khi việc công chứng có sai sót, gây ra hậu quả thì số tiền ký quỹ tối thiểu 100 triệu đồng đối với một công chứng viên như quy định tại đề án không đủ bồi thường toàn bộ thiệt hại vật chất cho người dân. Mong muốn người dân hoàn toàn yên tâm khi chọn dịch vụ của mình, các VPCC đang xây dựng hướng giải quyết bảo hiểm sao cho quyền lợi của người dân được bảo vệ cao nhất. Có VPCC đặt hàng cho một công ty bảo hiểm lớn thiết kế riêng cho VPCC của mình một sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm công chứng, bảo đảm 100% thiệt hại xảy ra đều được công ty bảo hiểm bồi thường, là một cách làm tích cực theo hướng này.
      Về vấn đề nghiệp vụ, do mới hành nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm nên không ít công chứng viên của VPCC e ngại sẽ không nhận diện được hết mọi lắt léo trong các loại hợp đồng, giao dịch cũng như dễ sa vào “mê hồn trận” của hàng chục loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với bất động sản hiện vẫn còn hiệu lực. Vì vậy, các VPCC đều mong muốn Sở Tư pháp xem VPCC như những đơn vị nghiệp vụ khác của mình (trong đó có PCCNN), thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho các công chứng viên, chuyên viên của VPCC.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Trích dẫn từ:

http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/7/ContentID/56829/Default.aspx

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: