admin@phapluatdansu.edu.vn

THỰC THI LUẬT PHÁP: KHOẢNG TRỐNG TỪ BÊN TRONG

HOÀNG QUỐC VIỆT

Lâu nay người ta vẫn nói tới các doanh nghiệp không hiểu rõ luật pháp nên dẫn tới thực thi pháp luật sai. Thế nhưng, ngay cả nhiều công chức nhà nước, những người “cầm cân nảy mực”, có khi cũng chẳng khá hơn…

Các bộ đổ lỗi cho nhau

Câu chuyện trách nhiệm về tình trạng sản xuất phân bón giả cho đến nay vẫn chưa có hồi kết. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có phản ứng khá mạnh mẽ với văn bản được chứng minh là trái luật của Bộ Công Thương khi đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các cơ sở sản xuất không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Bộ Công Thương vẫn chưa có phản hồi.

Phải nói rõ thêm là văn bản của Bộ Công Thương nhằm khắc phục tình trạng phân bón giả, kém chất lượng đang lan tràn, khó kiểm soát. Bộ này cho rằng, một phần nguyên nhân của tình trạng này là cơ quan đăng ký kinh doanh khi cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã không tham khảo ý kiến chuyên môn của sở Công thương; và rằng ngành kế hoạch cũng không có trách nhiệm tham gia giải quyết tình trạng phân bón giả khi đây là cơ quan cấp phép sản xuất, kinh doanh phân bón…

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, trách nhiệm kiểm tra, giám sát  việc thực thi các điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương. Điều này tương tự như hoạt động của các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện khác. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không phải là một loại giấy xác nhận một doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh mà chỉ là “giấy khai sinh” của doanh nghiệp mà thôi.

Việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ được thực hiện khi doanh nghiệp có những vi phạm như giả mạo nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh; những người thành lập doanh nghiệp thuộc đối tượng bị cấm kinh doanh; không đăng ký mã số thuế đúng thời hạn; không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn quy định; ngừng hoạt động kinh doanh một năm liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề bị cấm… Có nghĩa là đề nghị của Bộ Công Thương với UBND các tỉnh về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định là vi phạm pháp luật.

Công chức cũng không thạo luật

Một lời bình từ ông Nguyễn Đình Cung, trưởng Ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương rằng, trong nhiều trường hợp, khoảng trống pháp luật, vùng tối mà Luật Doanh nghiệp chưa rọi tới lại ở ngay trong các cấp quản lý nhà nước. Đây là lý do mà sau 8 năm Luật Doanh nghiệp (gồm cả Luật Doanh nghiệp 1999 và Luật Doanh nghiệp 2005) được đưa vào áp dụng, việc tuyên truyền, giải thích nội dung của văn bản luật vẫn phải đặt ra không phải cho riêng các đối tượng là doanh nghiệp.

Điều đáng nói là khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa hiểu và nắm rõ quy định của pháp luật, thì đối tượng chịu tác động tiêu cực lại là các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, và rộng hơn là môi trường kinh doanh của Việt Nam. Ông Đậu Anh Tuấn – Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần phải đặt vấn đề này trong thói quen hành xử của các cơ quan quản lý chuyên ngành.

“Trên thực tế, hoạt động của các ngành thường được thực hiện theo chỉ đạo của ngành dọc. Đã có khá nhiều trường hợp những quy định của ngành dọc đã vô hiệu hóa các văn bản pháp luật khác”- ông Tuấn phân tích. Việc các địa phương “vận dụng” quy định các thủ tục tổng hợp gồm cả đăng ký đầu tư, thủ tục xây dựng, đất đai… đã khiến nhà đầu tư nhiều khi phải mất tới vài trăm ngày để hoàn thành các thủ tục cho dự án của mình thay vì vài ngày để làm thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định.

Có lẽ cũng phải nhắc tới hàng loạt những đề nghị mới đây của các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế gửi các bộ, ngành về việc ban hành những văn bản uỷ quyền trách nhiệm cho họ theo quy định của pháp luật. Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ về Khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế đã quy định hàng loạt trách nhiệm quản lý nhà nước được uỷ quyền cho các ban quản lý các khu. Tuy nhiên, sau gần 8 tháng có hiệu lực, câu trả lời từ phía nhiều bộ như Bộ Xây Dựng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Nội vụ… vẫn là: đang soạn thảo văn bản hướng dẫn. Như vậy, cơ chế “một cửa” cho hoạt động của các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mà nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ tiếp tục phải chờ hướng dẫn thực hiện.

Trong một điều tra mới đây của Công ty truyền thông Việt Gate về Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, 73% số cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế được hỏi cho rằng cần tiếp tục tuyên truyền về hai bộ luật này. Tuy nhiên, có vẻ như lý do của quan điểm này là việc nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ và làm theo đúng các quy định của các luật này. Những căn cứ nêu ra phần lớn là: doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa chủ động vận dụng các quy định của pháp luật trong hoạt động của mình…

Thế nhưng, có lẽ cũng cần phải đặt các câu hỏi ngược lại như: Các doanh nghiệp đã từng bị thiệt hại khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa hiểu rõ luật hay chưa có cần phải tuyên truyền pháp luật tới các cán bộ nhà nước hay không? Câu trả lời chắc sẽ không làm hài lòng các cơ quan quản lý nhà nước cũng như giới công chức.

SOURCE: BÁO DOANH NHÂN

Trích dẫn từ: http://dddn.com.vn/2008112104065171cat104/Thuc-thi-luat-phap-Khoang-trong-tu-ben-trong.htm

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading