GIA HI – VI TRẦN
Đổi mới hệ thống tòa án là tất yếu nhưng đổi mới như thế nào thì còn đang gây tranh cãi… Ngày 21/11/2008, trong hội thảo “Đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án, VKS theo định hướng cải cách” do Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tổ chức, nhiều chuyên gia bàn thảo đã sôi nổi về mô hình tòa án trong tương lai. Nhiều người nói cần phải xây dựng mô hình tòa ba cấp, bốn cấp nhưng cũng có người bảo nên giữ y như hiện nay là chỉ hai cấp xét xử mà thôi…
Đổi mới để san sẻ công việc
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhìn nhận: Việc lập ra tòa án sơ thẩm khu vực là cần thiết, giải quyết được nghịch lý là có nơi “đầu tắt mặt tối” làm không hết việc trong khi có những nơi lại ít việc để làm. Đặc biệt, đây cũng là định hướng mà Nghị quyết 49 Bộ Chính trị đã đề ra.
Ngay sau đó, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Quyền đã phác thảo đề án với hai phương án để bàn thảo: Thứ nhất, tòa sơ thẩm khu vực không phụ thuộc đơn vị hành chính nhưng được thành lập trong phạm vi địa giới cấp tỉnh. Thứ hai, tòa này có thể bao gồm các quận, huyện của các tỉnh khác.
Các đại biểu đã thống nhất cao việc thành lập tòa sơ thẩm khu vực nhưng bàn đến địa giới hành chính thì lại có hai luồng quan điểm.
Đại diện TAND tỉnh Long An, Đồng Nai và Công an tỉnh Tiền Giang cho rằng tòa sơ thẩm khu vực chỉ nên tổ chức trong phạm vi tỉnh, không nên có thêm quận, huyện của tỉnh khác bởi sẽ gây xáo trộn lớn, không thuận lợi cho việc quản lý về mặt tổ chức ở địa phương. Phó Chánh án TAND TP.HCM Trần Văn Sự bổ sung: Khi nghiên cứu thành lập tòa sơ thẩm khu vực cần gom những quận, huyện gần nhau, giúp người dân thuận tiện khi có việc cần đến tòa.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp tiến sĩ Chu Hải Thanh và Phó Trưởng khoa Dân sự Trường đại học Luật TP.HCM Nguyễn Hoài Phương lại cho rằng không nhất thiết phải bố trí như trên. Trước mắt cần có những tiêu chí như khu vực đó bao nhiêu dân, lượng án là bao nhiêu… thì thành lập một tòa sơ thẩm khu vực. Có thể tòa này sẽ bao gồm các quận, huyện của tỉnh, thành khác.
Mô hình tòa bốn cấp?
Đây là vấn đề được đề cập rất nhiều, trong đó không ít ý kiến cho rằng nên tổ chức tòa án theo bốn cấp.
Theo Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM Phạm Hùng Việt, việc bố trí theo mô hình tòa bốn cấp gồm tòa sơ thẩm khu vực, tòa phúc thẩm, tòa thượng thẩm và tòa tối cao sẽ đáp ứng được việc giảm tải án tồn ở địa phương, giảm gánh nặng cho TAND tối cao… Đại diện TAND tỉnh Đồng Tháp, Long An, Đồng Nai, TP.HCM… cũng cho rằng cách lựa chọn mô hình này là hợp lý.
Viện trưởng Viện phúc thẩm VKSND tối cao tại TP.HCM Lê Thành Dương lập luận: “Chúng ta đã có bước đệm là tăng thẩm quyền cho tòa cấp huyện và họ làm tốt. Vì thế, khi lập tòa sơ thẩm khu vực sẽ không bỡ ngỡ. Ở cấp xét xử thứ hai là tòa phúc thẩm sẽ xử phúc thẩm án sơ thẩm của khu vực và sơ thẩm một số án phức tạp. Tòa thượng thẩm sẽ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm và phúc thẩm một số án sơ thẩm của tòa phúc thẩm… Điều này sẽ giảm áp lực về án giám đốc thẩm, tái thẩm cho TAND tối cao như hiện nay”.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua cũng đồng tình và cho rằng đây là mô hình hay, giúp các tòa tập trung hơn vào công tác xét xử, san sẻ công việc cho nhau và trong chừng mực nào đó rất dễ trao đổi nghiệp vụ.
Hay ba cấp?
Ngược lại, đại diện TAND tỉnh Tiền Giang tán đồng mô hình ba cấp gồm tòa sơ thẩm khu vực, tòa phúc thẩm và tòa tối cao để tinh gọn bộ máy, tránh cồng kềnh.
Tiến sĩ Nguyễn Hoài Phương nối tiếp: “Chưa có cơ sở nào cho rằng bốn cấp xét xử là hiệu quả. Đôi khi việc tổ chức ra bốn cấp tòa này còn dẫn đến sự thiếu thống nhất thẩm quyền, khó hiểu đối với người dân. Trong khi đó, ba cấp tòa xét xử cũng đang được nhiều nước áp dụng và đảm bảo quy định, không nhầm lẫn thẩm quyền. Hơn nữa, án tồn, án sai không phải có nguyên nhân từ cấp xét xử mà do con người tạo ra”.
Tiến sĩ Chu Hải Thanh đưa ra các số liệu: “Chúng ta có 689 quận, huyện với 756 tòa các cấp. Đội ngũ thẩm phán đang thiếu, dàn trải ra cho các tòa như thế đã không đảm bảo chứ chưa nói đến chất lượng. Khi lập tòa sơ thẩm khu vực, chúng ta sẽ có khoảng 100 tòa và các tòa này sẽ xử từ cảnh cáo cho đến tử hình. Với tòa phúc thẩm, chỉ chuyên xử án phúc thẩm của tòa sơ thẩm mà thôi và nó được thành lập trên cơ sở hai, ba tỉnh gộp lại, không phụ thuộc vào địa giới hành chính… Với mô hình ba cấp, chúng ta sẽ có khoảng 120 tòa, bộ máy xét xử sẽ tinh gọn, tập trung được nguồn lực thẩm phán”.
Tiếp thu, học hỏi có chọn lọc!
Ở một góc nhìn khác, nguyên Hiệu phó Trường đại học Luật TP.HCM Nguyễn Thái Phúc lại cho rằng nên tập trung hoàn thiện hơn những cái chúng ta đang có. Theo ông Phúc, nhiều đơn thư khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm như hiện nay là do con người chứ không phải do mô hình tòa mấy cấp. Cạnh đó, khi đụng đến mô hình của tòa án và VKS là đụng đến hai trong bốn hệ thống cơ quan nhà nước nên cần thận trọng…
Ông Nguyễn Văn Hiện, thành viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, nói ngay: “Mô hình tòa án và VKS chỉ là một trong hàng núi công việc trong Nghị quyết 49. Trước mắt chúng ta sẽ tìm cho ra mô hình phù hợp nhất và sẽ bàn tính đồng bộ các cơ quan liên quan như VKS, cơ quan điều tra… nhưng trên cơ sở là tiếp thu thành tựu của dân tộc và học hỏi các mô hình tiến bộ trên thế giới”.
“Gút” hội thảo, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng khái quát: “Chúng ta đang hội nhập kinh tế, tòa án phải vươn lên cho phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới là lập tòa án khu vực. Tuy nhiên, chúng ta không bê nguyên xi mô hình của họ mà cần học hỏi để áp dụng vào nước ta cho phù hợp. Đây chỉ là một trong các hội thảo, sắp đến chúng ta sẽ nghe ý kiến của nhiều khu vực khác, chắt lọc các ý kiến phù hợp với quy luật để hoàn thiện mô hình tòa án và trình Bộ Chính trị xem xét”…
Mô hình tòa án theo Nghị quyết 49
Tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; tòa án phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và xử sơ thẩm một số vụ án; tòa thượng thẩm theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm; TAND tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc thành lập tòa án chuyên trách phải căn cứ vào thực tế xét xử của từng cấp tòa án, từng khu vực. Đổi mới TAND tối cao theo hướng tinh gọn với đội ngũ thẩm phán là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm trong ngành…
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=234748
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 5. Quan điểm của Tòa án và về Tòa án |
Leave a Reply