ÁI PHƯƠNG
Do chủ nợ không yêu cầu tòa án kê biên tài sản nên con nợ đã kịp thời chuyển nhượng ngay trước lúc bị ngăn chặn. Theo bản án năm 2007 của TAND TP.HCM, vợ chồng bà P. phải trả cho bà N. (cùng ngụ quận 10, TP.HCM) gần 200 triệu đồng. Sau khi bản án này có hiệu lực, Thi hành án dân sự quận 10 đã ra quyết định thi hành án. Để chắc ăn, bà N. đã yêu cầu Thi hành án quận 10 ra quyết định ngăn chặn các giao dịch đối với căn nhà của vợ chồng bà P. Nhưng cơ quan này cho biết căn nhà ấy đã bị ngăn chặn vào đầu năm 2007 trong một vụ án khác nên không cần phải ngăn chặn lần thứ hai.
Trở tay không kịp
Không ngờ là công văn ngăn chặn lần thứ nhất của Thi hành án quận 10 chẳng có “ép phê” gì. Bởi lẽ khi công văn đó đến tay Phòng Công chứng số 4 thì bà P. đã hoàn tất thủ tục bán nhà cho người khác. Sáu ngày sau khi được công chứng hợp đồng mua bán nhà, người mua đã đóng lệ phí trước bạ tại Chi cục Thuế quận 10. Tuần sau nữa thì người mua hoàn tất nốt thủ tục đăng bộ nhà.
Cho rằng việc thu trước bạ của Chi cục Thuế quận 10 đã vô tình giúp người phải thi hành án tránh né nghĩa vụ trả nợ, bà N. đã kiện đòi cơ quan này bồi thường gần 200 triệu đồng.
Ngày 11-8-2008, TAND quận 10 đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. Tòa này nhận định: Chi cục Thuế quận 10 thu trước bạ căn nhà của bà P. trước thời điểm bản án của bà N. có hiệu lực pháp luật. Do đó không thể nói việc thu lệ phí trên đã gây thiệt hại cho bà N. Lại nữa, công văn ngăn chặn của Thi hành án quận 10 chỉ yêu cầu Phòng Công chứng số 4 và Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 10 “không chứng nhận hồ sơ chuyển dịch, mua bán, thế chấp” đối với căn nhà trên chứ không đả động gì đến việc cho hay không cho trước bạ. Bản thân người chủ nợ trước của bà P. (người được thi hành án trong bản án trước đó) cũng không tranh chấp đối với việc mua bán này.
Trên cơ sở đó, TAND quận 10 đã xử cho bà N. thua kiện. Bà N. đã kháng cáo và đang chờ TAND TP xét xử phúc thẩm vụ án.
Có thể hủy hợp đồng mua bán nhà?
Tuy căn nhà trên đã được sang tên cho người khác nhưng cơ quan thi hành án có quyền áp dụng Thông tư liên tịch số 12 ngày 26-2-2001 của Bộ Tư pháp và VKSND tối cao để kê biên nhà? Theo khoản 1a mục IV thông tư này, “đối với các trường hợp sau khi có bản án, quyết định của tòa án, người phải thi hành án đã chuyển nhượng các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình thì chấp hành viên có quyền kê biên tài sản đó và có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ giao dịch đó. Người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện yêu cầu tòa án hủy bỏ giao dịch đó”.
Rất tiếc, ông Võ Nhật Tân, Trưởng Thi hành án huyện Long Thành (Đồng Nai), cho biết: “Điều khoản trên chỉ được áp dụng nếu đương sự bán nhà sau khi có bản án. Đằng này, trước khi tòa xét xử vụ tranh chấp giữa bà N. với bà P. thì quyền sở hữu nhà đã được chuyển giao cho người thứ ba. Việc bà P. đang là người phải thi hành án (trong vụ án khác trước đó) tại thời điểm bán nhà cũng không đủ cơ sở để hủy bỏ giao dịch này. Vì tất cả các bên liên quan (người mua nhà, người được thi hành án trong bản án trước) đều không tranh chấp”.
Còn theo ông Lê Hữu Hòa, Trưởng Thi hành án quận 10, tại thời điểm thụ lý vụ án, nếu bà N. yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì sự cố trên có thể đã không xảy ra. Theo Điều 99 Bộ luật Tố tụng dân sự, trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo việc thi hành án. Các biện pháp đó gồm kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm chuyển dịch đối với tài sản, phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ… Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án có hiệu lực ngay. Do bà N. không làm thủ tục này và tại thời điểm bà gửi đơn yêu cầu thi hành án thì căn nhà của bà P. đã đường hoàng thuộc về người khác nên cơ quan thi hành án quận không thể làm gì khác hơn cho đến khi xác minh được bà P. có tài sản khác.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=234616
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 7. TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN, CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT |
Leave a Reply