admin@phapluatdansu.edu.vn

THẦY – TRÒ VÀ NIỀM TIN BỊ ĐÁNH MẤT

LAN HƯƠNG (Ghi)

Cùng vào thang máy, thầy bị trò “đánh bật” ra ngoài. Trò đưa “phong bì”, thầy từ chối thì bị xì xào là… hâm hoặc đòi hỏi nhiều hơn. Có những thầy đổi mới… như cũ hoặc chưa dám chấp nhận những giá trị mới. Những người thầy đang đứng trên bục giảng rất đau lòng bởi dường như một số SV không còn giữ được sự tôn trọng và niềm tin ở họ.

Thầy Nguyễn Minh Hùng (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng): Trò hư một phần tại thầy

image Tôi đi dạy đã gần 30 năm. Trước kia, có lẽ do số lượng SV ít hơn nên mình dạy lớp A thì lớp B bên cạnh cũng biết, cũng quý thầy. Bây giờ thì khác, SV chỉ biết thầy đang dạy mình, còn thầy lớp khác thì kệ.

Thầy đi trong sân trường, trò lao xe máy ầm ầm, tông vào thầy là chuyện bình thường. Nhiều khi SV còn chen vào thang máy, đánh bật thầy ra. Thầy đứng ngoài nhìn SV đi thang lên trước mà trong lòng rất buồn, giờ giảng hôm đó cũng kém vui vì thầy ức chế.

Nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng trò hư một phần tại thầy.

Thứ nhất là nhiều thầy bây giờ không chỉ đi dạy mà cũng phải bon chen đi làm ở bên ngoài nên lên bục giảng rồi đầu óc vẫn nghĩ về chuyện khác, thậm chí lời lẽ vẫn mang tính chất của một anh làm việc ở công trường. SV tinh lắm, họ biết thầy nào chăm chú giảng dạy, thầy nào chỉ đến dạy cho hết giờ rồi về nên thái độ ứng xử cũng khác.

Thứ hai là bây giờ nhiều thầy chỉ chú trọng dạy chữ mà không coi trọng dạy người. Thầy vào lớp rất nghiêm túc nhưng đúng chuông hết giờ là thầy ra khỏi lớp, không cần biết SV ngồi dưới kia là ai. Cũng có thể là do SV quá đông, thầy cũng không thể nhớ mặt, nhớ tên được nên dẫn đến thói quen thầy làm việc thầy, trò làm việc trò, chẳng quan tâm đến nhau.

Cũng có thầy trong quá trình dạy có hỏi han chia sẻ với SV thì được học trò rất quý. Bản thân tôi từng rất cảm động khi vô tình vào một diễn đàn trên mạng của SV, đọc được dòng tâm sự giàu tình cảm của SV viết về mình chỉ vì lý do đơn giản là tôi đã dành một chút thời gian trong giờ nghỉ trò chuyện, động viên học trò.

Thầy Lê Đình Tân (Giảng viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường ĐH Thương mại): Có những giá trị mới chưa được thừa nhận

image Khoảng 5 năm gần đây, tôi đã thấy có sự thay đổi lớn trong mối quan hệ thầy-trò, không chỉ trong giao tiếp mà còn thay đổi về mặt tương tác trong tác nghiệp khoa học.

Đặc quyền của người thầy không còn là tri thức nữa mà còn phải có sự thay đổi về phương pháp, dẫn đến thay đổi hành vi của thầy trên giảng đường.

Slogan của tôi khi đi dạy là “góp phần tạo tư duy khoa học và phong cách làm việc chuyên nghiệp hơn”.

Nhờ các công cụ hỗ trợ, thầy và trò còn có thể tương tác trên diễn đàn, điện thoại, internet… Điều này góp phần mở ra nhiều sự tương tác khác ngoài khoa học như tư vấn nghề nghiệp, cuộc sống, tình yêu… Điện thoại di động của tôi réo thường xuyên bởi các cuộc gọi chia sẻ của SV.

Phương pháp giảng dạy mới và những không gian tương tác ngoài khoa học tạo ra môi trường cởi mở, thân thiện và dân chủ hơn.

Tuy nhiên, điều này cũng có mặt trái là đôi khi lễ nghĩa bị xem nhẹ. Một số cá nhân cho phép mình ngang hàng với thầy theo kiểu “cá mè một lứa”.

Bên cạnh đó, thầy chỉ là chuyên gia về một lĩnh vực nhưng SV tiếp xúc với nhiều nguồn tri thức nên ở một lĩnh vực nào đó có thể hiểu biết hơn thầy. Khi SV lôi các kiến thức đó ra để trao đổi nhằm hạ thấp thầy và tự nâng mình lên, nếu thầy không làm chủ được vấn đề thì sẽ biến thành bi hài kịch trên bục giảng.

Cũng nhờ môi trường dân chủ học thuật, sẽ có những giá trị mới ra đời nhưng tạm thời chưa được thừa nhận ở Việt Nam.

Thứ nhất là trong quá trình tương tác, một số giảng viên bộc lộ rằng họ chưa đáp ứng được nhu cầu của SV. Khi SV nêu vấn đề, thầy lảng tránh hoặc khi quan điểm chưa đồng nhất, thầy không thuyết phục được SV mà lại gây không khí căng thẳng. Giảng viên phải coi đây là tranh luận về mặt khoa học và đánh giá quan điểm chứ không phải đánh giá con người.

Thứ hai là người thầy phải đi tiên phong trong học tập và sáng tạo, đạt đến tầm nhất định và không ngần ngại “học” từ học trò. Thầy nên cổ vũ học trò đi “lượm lặt” thông tin để tranh luận góp ý với thầy. Coi đó là nguồn tư liệu sống để cập nhật tri thức từ học trò, tôi thấy mình “học” được từ trò rất nhiều.

Thực chất những giá trị này đã được giảng viên ở nước ngoài thừa nhận từ lâu và trở thành giá trị cơ cấu của nhiều nền giáo dục phát triển.

Tôi muốn nhắn gửi tới SV rằng chúng tôi đã chuẩn bị và sẵn sàng chấp nhận các giá trị mới, điều chúng tôi cần là SV cũng chấp nhận tương tác là một phần của quá trình đào tạo. Nhưng tương tác phải đặt lợi ích chung lên đầu và duy trì trong môi trường có văn hóa.

Cô Hoàng Hải Hà (Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội): Không ở đâu thầy trò gắn bó như Việt Nam

image Trước kia, khi mới sang ĐH Maastricht ở Hà Lan, tôi bị shock vì chưa kịp thích nghi với môi trường học tập hoàn toàn mới nên quyết định lên gặp thầy trưởng khoa để trao đổi về cách tiếp cận phương pháp học mới. Thầy rất tận tình nhưng chỉ gợi mở vấn đề chung chung, không chỉ dẫn cụ thể như kiểu “gạo nấu thành cơm” như các thầy cô Việt Nam. Kể cả giảng viên hướng dẫn luận văn cũng chỉ xem đề cương chứ không đọc và chữa tỉ mỉ như thầy cô nhà mình.

Cách làm việc này có cả hai mặt, tích cực và hạn chế. Mặt tích cực là nó giúp SV độc lập, không áp đặt ý kiến lên SV. Nhưng với những SV yếu thì sẽ làm họ thêm mù mờ, không định hướng được đường đi vì bản thân họ chưa có đủ năng lực tự định hướng vấn đề.

Trải nghiệm này cũng là một bài học cho tôi sau khi quay về Việt Nam tiếp tục công việc giảng dạy ở Trường ĐH Sư phạm và cũng là kinh nghiệm tôi muốn chia sẻ cho học trò của tôi, những thầy, cô giáo tương lai.

Một kinh nghiệm khác tôi học được từ các giáo sư ở Hà Lan là thầy trò coi nhau như “đồng nghiệp” về mặt khoa học, không có khoảng cách xa về thứ bậc, trật tự nên cách cư xử có phần cởi mở hơn. Có lẽ vì thế nên mối quan hệ thầy trò ít phức tạp. Họ xử lý mối quan hệ thầy trò trên nguyên tắc bình đẳng, theo nguyên tắc công việc và khoa học.

Tuy nhiên, có lẽ không ở đâu mà giữa thầy và trò có sợi dây gắn kết bền chặt như Việt Nam. Giáo viên chủ nhiệm có thể nắm rất rõ hoàn cảnh của từng HS trong lớp mình cũng như HS có thể tâm sự và chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ và tình cảm với thầy cô giáo. Đây là điều mà mối quan hệ thầy trò ở nước ngoài không có.

Lê Thu Uyên (SV City University of New York, Mỹ): Không nên để HS sợ giáo viên

Ở Mỹ, mối quan hệ thầy trò rất cởi mở. Thầy trò có thẻ nói chuyện với nhau như bạn bè, tranh luận thoải mái mà không sợ bị ghét bỏ hay trù dập. Không khí trong lớp cũng thoải mái hơn ở Việt Nam vì HS được tự do bộc lộ những suy nghĩ, quan điểm của mình với bạn bè, thầy cô.

Tuy nhiên, thầy cô giáo ở Mỹ không nghiêm khắc như ở Việt Nam nên nhiều khi dẫn đến tình trạng HS không thật sự tôn trọng giáo viên, thậm chí không nghe lời hoặc nói xấu thầy cô trước mặt.

Hơn nữa, trong một số tiết học, đôi khi vì mải nói chuyện với HS mà thầy cô quên cả dạy học hoặc dạy sai chủ đề.

Vì thế tôi mong muốn ở Việt Nam, thầy trò vẫn duy trì được mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, tuy nhiên vẫn phải có sự thoải mái tranh luận. Thầy cô cần giữ sự nghiêm khắc nhất định để HS đi vào nề nếp nhưng không nên để HS có tâm lý sợ giáo viên.

Tôi tin rằng với sự hội nhập và thay đổi nhanh chóng hiện nay, mối quan hệ giữa thầy và trò ở Việt Nam sẽ ngày càng cởi mở, dân chủ hơn.

Hồ Nguyên Phương Thảo (SV Trường ĐH Kookmin, Hàn Quốc): Quan hệ thầy-trò có thể bị suy giảm

image Hàn Quốc là đất nước chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Nho giáo nên tư tưởng “quân, sư, phụ” vẫn còn in đậm ở xứ sở kim chi.

Bạn có thể bộc lộ cá tính, ý kiến cá nhân rất tự do nhưng phải tuyệt đối thể hiện sự tôn trọng với thầy cô giáo. Tôi đã từng chứng kiến một SV suýt bị đuổi về nước vì giáo sư Hàn cho rằng người này “có thái độ không tôn trọng” mình.

Ở Hàn Quốc, các giáo sư ĐH thường nhiệt tình tham gia vào các hoạt động của SV hơn ở Việt Nam. Các buổi cắm trại luôn có sự tham gia của đông đảo thầy cô trong khoa, thỉnh thoảng thầy kéo cả lớp đi uống bia, đi leo núi là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, ở đây vẫn thấy rõ hệ quả chung về quan hệ thầy trò tại các nước phát triển, đó là tình cảm thầy trò có lẽ không được sâu đậm như xưa. Ngày nhà giáo Hàn Quốc chỉ thấy vài băng rôn chúc mừng treo lên chứ không có các hoạt động thi đua, văn nghệ sôi nổi như ở Việt Nam. Sinh viên Hàn trước khi tốt nghiệp thường tổ chức tiệc để cảm ơn thầy cô nhưng gần đây các bữa tiệc đó thường bị lãng quên hoặc rất ít sinh viên đến dự.

Điều tôi thích ở giáo viên Hàn Quốc đó là sự đầu tư nghiêm túc vào bài giảng và việc họ rất đề cao tinh thần sáng tạo, ý kiến cá nhân của học trò. Điều này thể hiện ở cách ra đề bài tập về nhà và đề thi, vấn đề luôn ngắn gọn và đi vào trọng tâm, nhất là yêu cầu khả năng tư duy của học sinh, chứ không chỉ để “dò bài”.

Trong tương lai, với sự phát triển của công nghệ thông tin, SV có thể tham gia các lớp học ảo, có thể tìm thấy thông tin rất dễ dàng, điện thoại di động cũng sẽ trở thành cuốn từ điển bách khoa. Khi đó, vai trò của thầy cô và mối quan hệ thầy trò có thể bị suy giảm. Tuy nhiên, tôi tin rằng thầy cô vẫn sẽ là cầu nối tri thức quan trọng không thể thiếu và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của mỗi người.

SOURCE: VIETNAMNET

Trích dẫn từ: http://vietnamnet.vn/giaoduc/2008/11/814418/

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: