admin@phapluatdansu.edu.vn

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ ĐẠI DIỆN TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

TƯỞNG DUY LƯỢNG –  Chánh Tòa Dân sự – Tòa án Nhân dân tối cao

Qua công tác giám đốc thẩm, chúng tôi nhận thấy có một số trường hợp thẩm phán xác định sai địa vị pháp lý của người tham gia tố tụng như xác định ng ười đại diện của đương sự là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, hoặc có lúng túng trong việc xác định ai là người đại diện cho bên mất năng lực hành vi dân sự trong vụ án ly hôn hay họ có quyền khởi kiện xin ly hôn hay không? Đây là vấn đề phức tạp, trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập một vài vấn đề sau đây.

1. Xác định địa vị pháp lý của người đại diện trong quan hệ tố tụng dân sự

a. Đại diện theo pháp luật đối với cá nhân

Giám hộ và đại diện là hai chế định khác nhau, nh ưng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Ng ười giám hộ sẽ là một trong những ng ười có quyền đại diện theo pháp luật đối với ng ười đ ược giám hộ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) thì người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đ ương sự mà mình đại diện và theo quy định tại các khoản 4, 5 Điều 57 BLTTDS thì nếu đ ương sự là người chưa đủ 15 tuổi hoặc ng ười mất năng lực hành vi dân sự thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những ng ười này tại Tòa án do ng ười đại diện hợp pháp của họ thực hiện. Vì vậy, ng ười đại diện theo pháp luật có toàn quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho ng ười được đại diện, kể cả về quan hệ nhân thân. Trong trường hợp này, trong bản án phải ghi rõ ng ười được đại diện là nguyên đơn, còn ng ười đã thực hiện hành vi khởi kiện vì lợi ích của nguyên đơn thì phải ghi họ là ng ười đại diện cho nguyên đơn, chứ không phải như một số bản án đã ghi người đại diện là nguyên đơn.

Đ ương sự là ng ười từ đủ 15 tuổi đến ch ưa đủ 18 tuổi, đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc tham gia giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình khởi kiện với t ư cách nguyên đơn và tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó; nh ưng Tòa án vẫn có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo pháp luật. Đối với những việc khác, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tại Tòa án do ng ười đại diện hợp pháp của họ thực hiện (khoản 6 Điều 57 BLTTDS).

Điểm cần lưu lý: người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì người bị thiệt hại có quyền kiện cha mẹ của người gây thiệt hại; cha, mẹ sẽ là bị đơn của vụ kiện và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người bị thiệt hại có quyền kiện người giám hộ yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình. Người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Người giám hộ sẽ là bị đơn vụ kiện.

Tuy nhiên, nếu người chưa thành niên dưới 15 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại nhưng bố, mẹ, người giám hộ chứng minh được người khác có trách nhiệm quản lý, giáo dục người dưới 15 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự trong thời điểm người đó gây thiệt hại, thì “người” có trách nhiệm quản lý, giáo dục đó sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và người bị thiệt hại có quyền kiện “người” có trách nhiệm quản lý, giáo dục bồi thường thiệt hại cho mình. Người chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục đối tượng nói trên sẽ là bị đơn của vụ kiện (Điều 606, Điều 621 Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS 2005); khoản 3, 4 Điều 56 BLTTDS).

b. Đại diện theo pháp luật đối với cơ quan, tổ chức

Theo quy định tại Điều 161, Điều 162 BLTTDS thì cơ quan, tổ chức khởi kiện có thể thuộc một trong ba trường hợp sau:

– Cơ quan tổ chức khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

– Cơ quan tổ chức có thể khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của người khác.

– Cơ quan tổ chức khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 57 BLTTDS thì cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng thông qua người đại diện hợp pháp. Nếu cơ quan, tổ chức là người khởi kiện vì lợi ích của cơ quan, tổ chức đó hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước thì cơ quan tổ chức đó tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn. Nếu cơ quan tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của người khác thì người được cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích cho mình sẽ là nguyên đơn của vụ kiện, còn cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện bảo vệ lợi ích của nguyên đơn. Nếu cơ quan, tổ chức bị khởi kiện thì trong bản án, quyết định phải xác định cơ quan, tổ chức đó là bị đơn.

Đối với các chi nhánh được pháp nhân giao cho tham gia một số quan hệ pháp luật, nếu có tranh chấp xảy ra thì không được xác định các đơn vị này là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, kể cả trường hợp các văn phòng đại diện, sở giao dịch, giám đốc chi nhánh… được pháp nhân ủy quyền thường xuyên tham gia tố tụng như trong Quyết định số 900 ngày 23/11/2000 của Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp vàPhát triển nông thôn thì cũng không được xác định văn phòng đại diện, sở giao dịch hay giám đốc chi nhánh là nguyên đơn hay bị đơn… như có một số bản án đã nhầm lẫn mà phải xác định pháp nhân của chi nhánh mới là đương sự của vụ án.

c. Đại diện theo ủy quyền

Theo quy định tại khoản 1 Điều 142 BLDS 2005 thì đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện.

Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự theo nội dung văn bản ủy quyền. Căn cứ điểm 1.4 mục 1 Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn thihành các quy định trong phần thứ hai “thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” thì việc khởi kiện phải do người ủy quyền quyết định, người ủy quyền phải là người ký vào đơn khởi kiện, và họ là nguyên đơn của vụ án. Người được ủy quyền tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền sau khi có đơn khởi kiện. Tuy nhiên, có bản án, quyết định lại xác định người đại diện theo ủy quyền là nguyên đơn, hoặc người ủy quyền chưa ký vào đơn khởi kiện, mới chỉ có chữ ký của người được ủy quyền, nhưng Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện là không đúng. Trường hợp người ủy quyền chưa ký vào đơn khởi kiện thì phải căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 168 BLTTDS để trả lại đơn khởi kiện.

Riêng đối với các trường hợp văn phòng đại diện, chi nhánh… của pháp nhân, thì theo quy định tại Điều 73 BLTTDS

“1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền.

2. Người đại diện theo pháp luật được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.

3. Người đại diện theo ủy quyền được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự;…”.

Điều 161 BLTTDS quy định “cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Theo quy định tại Điều 91 BLDS 2005 thì:

“1. Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Người đại diện của pháp nhân tuân theo quy định về đại diện tại Chương VII, Phần thứ nhất của Bộ luật này.

2. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân”.

Cũng theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 92 BLDS2005 thì:

“2.Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của pháp nhân và thực hiện việc bảo vệ các lợi ích đó.

3. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền.

4. Văn phòng đại diện, chi nhánh không phải là pháp nhân. Người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo sự ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn ủy quyền”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 143 BLDS 2005 thì:

“1. Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.

Cũng theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 144 BLDS 2005 thì:

“2. Phạm vi đại diện theo ủy quyền được xác lập theo sự ủy quyền.

3. Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện”.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên của BLTTDS và BLDS, thì người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền được quy định trong BLDS là người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Việc ủy quyền trong tố tụng dân sự phải được thực hiện như trong BLDS. Do đó, các cơ quan, tổ chức có văn phòng đại diện, chi nhánh (ví dụ hệ thống các ngân hàng, tổ chức bưu chính viễn thông…) thực hiện việc khởi kiện thông qua hành vi của chi nhánh, văn phòng đại diện, nếu cơ quan, tổ chức đó có văn phòng đại diện, chi nhánh được thành lập theo đúng quy định tại Điều 92 BLDS 2005. Trong trường hợp này văn phòng đại diện, chi nhánh vẫn phải nhân danh cơ quan tổ chức có tư cách pháp nhân để khởi kiện. Giám đốc chi nhánh, và văn phòng đại diện chỉ là người được ủy quyền và được ký vào đơn khởi kiện, đóng dấu chi nhánh, văn phòng đại diện với tư cách là người được ủy quyền.

2. Người vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần thì bố, mẹ có quyền đại diện cho họ khởi kiện xin ly hôn và tham gia tố tụng hay không?

Đây là vấn đề hiện còn có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng áp dụng Điều 64 BLDS 2005 để cử bố, mẹ của người vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự là người giám hộ, và khi đó bố mẹ đại diện cho con mình thực hiện việc khởi kiện xin ly hôn…

Chúng tôi cho rằng, căn cứ Điều 63 BLDS 2005 thì chỉ thực hiện việc cử người giám hộ khi họ chưa có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 61, Điều 62 BLDS 2005, còn người đã có vợ, có chồng thì theo quy định tại khoản 1 Điều 62 BLDS 2005 đối với người vợ mất năng lực hành vi dân sự thì người chồng là người giám hộ, đồng thời là người đại diện theo pháp luật. Do đó không thể áp dụng thủ tục cử người khác dù người đó là bố, mẹ làm giám hộ, khi người chồng vẫn đang là người giám hộ theo pháp luật.

Có ý kiến cho rằng áp dụng Điều 75 BLTTDS để thực hiện việc chỉ định bố hoặc mẹ người đang có vợ, có chồng mất năng lực hành vi dân sự là người giám hộ. Nếu giải thích pháp luật theo hướng này thì rất đơn giản và thuận tiện cho tòa án, nhưng chúng tôi thấy quy định ở Điều 75 là để áp dụng cho trường hợp đã có vụ án. Vì Điều 75 BLTTDS quy định “1. Những trường hợp sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật: a) Nếu họ cũng là đương sự trong một vụ án…. Điều 76 quy định “Trong khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu có đương sự là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng tại Tòa án”. Như vậy, đã có vụ án thì mới có “đương sự” và Điều 76 mới quy định “trong khi tiến hành tố tụng”; tức là nếu bên vợ, hoặc chồng không bị mất năng lực hành vi dân sự đã khởi kiện xin ly hôn với bên vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự, thì sẽ áp dụng điểm a khoản 1 Điều 75 và Điều 76 BLTTDS để chỉ định bố hoặc mẹ là người đại diện cho bên vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự.

Trong trường hợp chưa có vụ án (chưa có đơn khởi kiện) và chưa có cơ quan có thẩm quyền nào kết luận bên vợ hoặc chồng không đủ điều kiện là người giám hộ thì theo quy định tại Điều 62 BLDS 2005 họ vẫn đang là người giám hộ, người đại diện hợp pháp cho bên vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự. Khoản 4 Điều 58 BLDS 2005 quy định một người chỉ có thể được một người giám hộ…”. Do đó, bố, mẹ của người vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự không thể là người giám hộ, người đại diện theo pháp luật cho người mất năng lực hành vi dân sự để khởi kiện xin ly hôn.

Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi thì:

+ Nếu vụ án đã diễn ra, tức là bên vợ hoặc chồng đã khởi kiện xin ly hôn với bên chồng hoặc vợ mất năng lực hành vi dân sự thì áp dụng điểm a khoản 1 Điều 75 và Điều 76 BLTTDS, Toà án chỉ định người đại diện cho bên vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự.

+ Nếu chưa có vụ án diễn ra, thì theo quy định tại khoản 4 Điều 58 và khoản 1 Điều 62 BLDS 2005 chỉ có một người có quyền giám hộ cho người vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự, đó là vợ hoặc chồng của họ; còn bố, mẹ, con của họ không có quyền làm người giám hộ, người đại diện cho họ. Do đó, bố, mẹ không có quyền đại diện cho người vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự khởi kiện xin ly hôn. Để giải quyết trường hợp này chúng tôi đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể và trước hết cần giải thích Điều 60 BLDS 2005 theo hướng:

+ Nếu người đang là giám hộ, là người đại diện theo pháp luật mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác hoặc đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật xác định họ mất năng lực hành vi dân sự thì người đó đương nhiên mất quyền giám hộ, quyền đại diện và căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 70 BLDS 2005 để công nhận quyền giám hộ, quyền đại diện cho bố, mẹ của người chồng hoặc vợ mất năng lực hành vi dân sự và từ khi bố mẹ của người mất năng lực hành vi dân sự có quyền giám hộ, quyền đại diện cho họ thì bố, mẹ có quyền đại diện cho người vợ hoặc người chồng mất năng lực hành vi dân sự để khởi kiện xin ly hôn và giải quyết vấn đề tài sản, cấp dưỡng cho bên mất năng lực hành vi dân sự.

+ Đối với các điều kiện khác được quy định ở Điều 60 BLDS 2005 thì muốn khẳng định người đang là giám hộ, người đại diện không đủ điều kiện làm giám hộ, thì bố hoặc mẹ của người vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự là một trong những người có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng của họ không có đủ điều kiện là người giám hộ do “không có tư cách đạo đức tốt”, hoặc vi phạm điều kiện ở khoản 1, khoản 3 Điều 60 BLDS 2005.

Thủ tục giải quyết loại việc nói trên là theo thủ tục giải quyết việc dân sự.

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ 1 (38) NĂM 2007

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: