HỒ KHẢI HÀ
Tòa cho rằng giao dịch vay mượn giữa hai bên vô hiệu vì luật Việt Nam cấm thực hiện giao dịch bằng USD…
TAND TP.HCM vừa xử sơ thẩm vụ tranh chấp vay mượn USD giữa nghệ sĩ cải lương VL và bà T. (Việt kiều Mỹ). Vụ án có tình tiết gây tranh cãi là giao dịch giữa hai bên đương sự diễn ra tận bên nước Mỹ nhưng tòa căn cứ vào luật Việt Nam để tuyên hợp đồng vô hiệu.
Đòi cả chi phí theo hầu kiện
Theo đơn khởi kiện của bà T., trước đây bà quen biết VL khi nghệ sĩ này sang Mỹ lưu diễn. “Ngưỡng mộ tài năng của VL nên khi VL gặp khó khăn, tôi đã vài lần cho VL mượn tổng cộng hơn 75.000 USD”. Sau đó, nghệ sĩ VL đã trả được 12.000 USD. Số nợ còn lại bà nhiều lần gọi điện thoại đòi nhưng VL cứ khất lần khất lữa. Do vậy bà phải về nước nộp đơn khởi kiện lên TAND TP.HCM để đòi lại tiền.
Kèm theo yêu cầu buộc VL trả nợ gốc là 63.575 USD (hơn một tỷ đồng), bà T. còn đòi hơn 214 triệu đồng tiền lãi chậm trả nợ, hơn 37 triệu đồng tiền vé máy bay, tiền ăn ở đi lại cho người về Việt Nam tìm thuê luật sư, gần 50 triệu đồng tiền thuê luật sư cộng một số khoản khác như chi phí dịch thuật, cước phí điện thoại đòi nợ… Bà T. nói: “Do kiện tụng ở Việt Nam nên tôi quy hết ra tiền đồng Việt Nam. Như vậy, VL phải trả cho tôi tổng cộng hơn 1,3 tỷ đồng”. Ngoài ra, để đảm bảo cho việc thanh toán nợ nần, bà T. cũng đề nghị tòa ngăn chặn không cho VL xuất cảnh trong thời gian chuẩn bị xét xử đến khi thi hành án xong.
Chỉ phải trả nợ gốc
Về phần mình, nghệ sĩ VL cho biết: “Lý ra theo giấy vay nợ thì thời hạn trả nợ là đến ngày 1-1-2010. Tuy nhiên, tôi đồng ý trả nợ trước hạn nhưng chỉ trả phần nợ gốc là 63.575 USD”. Theo VL, giao dịch vay mượn tiền giữa anh và bà T. là giao dịch vô hiệu do vi phạm quy định không được cho vay mượn USD nên anh không có trách nhiệm trả lãi và các khoản chi phí khác. Về yêu cầu của bà T. đề nghị tòa cấm anh xuất cảnh, VL cho rằng không có cơ sở: “Để đảm bảo cho việc vay nợ, tôi có một căn nhà và bên bà T. nên cho tôi ba tháng để tôi bán nhà trả nợ”…
Mới đây, TAND TP đã xử sơ thẩm, nhận định: Vụ tranh chấp hợp đồng vay USD giữa bà T. với VL theo quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án Việt Nam; được áp dụng, giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
Về hợp đồng vay nợ, tòa khẳng định đã vi phạm Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo pháp lệnh, mọi giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng cho phép. Mặt khác năm 2002, TAND tối cao cũng đã có công văn hướng dẫn nghiệp vụ: “Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các giao dịch giữa cá nhân về vay ngoại tệ có lãi là vô hiệu”…
Từ đó, tòa kết luận giao dịch trên vô hiệu, các bên phải khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Cụ thể là VL phải trả cho bà T. hơn một tỷ đồng (63.575 USD). Các khoản chi phí khác mà bà T. đòi không phù hợp với quy định pháp luật nên tòa bác. Ngoài ra, tòa không chấp nhận yêu cầu ngăn chặn VL xuất cảnh bởi bà T. không có căn cứ chứng minh trong thời gian xét xử, VL có dấu hiệu xuất cảnh để trốn nợ…
Sau phiên sơ thẩm, phía bà T. đã kháng cáo vì cho rằng tòa đã vận dụng sai luật. Theo bà T., pháp luật Việt Nam chỉ buộc các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam phải dùng tiền đồng Việt Nam, còn các giao dịch ngoài lãnh thổ Việt Nam thì không buộc và cũng không thể buộc phải sử dụng đồng tiền này. Việc vay mượn giữa hai bên diễn ra ở Mỹ, chỉ có thể cho vay mượn bằng USD nên không vi phạm quy định. Do vậy, hợp đồng vay mượn USD của hai bên vẫn có giá trị và nguyên đơn phải được tính lãi cũng như các chi phí đeo đuổi vụ kiện khác…
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://thuvienphapluat.com/?CT=NW&NID=18265
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 7. TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN, CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT |
Leave a Reply