admin@phapluatdansu.edu.vn

GIẢNG VIÊN "LÃNG QUÊN" VÀ SINH VIÊN "TRỘN LẪN"

ĐINH PHƯƠNG LINH

Giáo sư A.Scheeline, một trong hai chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Phổ (Spectra) và M. Gruebele – giáo sư cả về Hóa học, Vật lý, Sinh học là hai nhân vật tiếp theo của chuyên đề “Quan hệ thầy trò và trung tâm của giáo dục”. Cả hai đều có thời gian giảng dạy ở ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Có thể tưởng tượng khối lượng công việc hàng ngày của hai giáo sư từ trường ĐH Illinois (Hoa Kỳ) này nhiều khủng khiếp đến mức nào, nhưng họ thật nhiệt tình trả lời phỏng vấn, trò chuyện cùng tôi. Và phải nói thật là trong khi trước đó, tôi đã bị một số giảng viên Việt Nam từ chối, bằng cách này hay cách khác.

image Giáo sư Scheeline đã bắt đầu với tôi như thế này: “Một sinh viên Hoa Kỳ cũng hỏi tôi những câu hỏi như bạn đặt ra về quan hệ thầy trò. Tôi đoán là tất cả các bạn đều muốn tìm ra một cách thức tốt nhất cho việc giảng dạy và học tập.

Cách mà bạn khiến chúng tôi đưa ra ý kiến về sự khác biệt của Việt Nam và Hoa Kỳ trong phong cách giáo dục và quan hệ thầy trò đã gây ấn tượng mạnh, khiến tôi muốn tìm hiểu cả ở quá khứ lẫn hiện tại…”
***
Chúng tôi nói với hai giáo sư rằng, chúng tôi có một “dự án” nhỏ về vấn đề giáo dục và đào tạo có tên “Quan hệ thầy – trò và trung tâm của giáo dục”. Trong “dự án” này, chúng tôi thu thập các ý kiến của nhiều người về một khía cạnh trong tình hình giáo dục ở Việt Nam ngày hôm nay. Và tôi muốn xin ý kiến của hai ông.

Tất nhiên, những ý kiến đó chỉ là tham khảo. Như giáo sư Scheeline cũng nhắc tôi: “Có một câu chuyện đến từ cộng đồng Do Thái ở châu Âu từ thế kỉ 19 mà tôi nghĩ có thể áp dụng ở đây.

Một người bị lạc trong rừng. Sau nhiều ngày đi bộ, cuối cùng anh ta tìm thấy một người khác cũng đang đi về phía anh ta. “Ông đang đến từ một hướng ngược hẳn với hướng tôi đã đi”, người bị lạc nói.

“Hãy nói cho tôi biết làm thế nào mà anh nhận ra được điều đó, ở trong khu rừng này?”, người thứ hai hỏi. Người bị lạc trả lời: “Tôi đã đi lang thang trong rừng nhiều ngày qua. Tôi không biết làm thế nào để ra khỏi đây được”. Sau đó, cả hai người đi bộ cùng nhau.

Tôi nghĩ rằng đó cũng là câu trả lời cho các câu hỏi của bạn. Tôi đã sống trong một thế giới có thể công nghệ cao hơn thế giới mà bạn sống. Tôi đã nghiên cứu về Hóa học và giảng dạy từ rất lâu trước khi bạn sinh ra. Nhưng tôi không biết những gì chúng ta cần phải có ở tương lai.

 

Sẽ là quá tự tin khi nói rằng “tốt nhất là”, “chúng ta nên”… Điều quan trọng là làm cho xong con đường mà các bạn đang có, nhưng cũng nên thảo luận thêm nữa”.
Giảng viên cần giúp phát triển hơn nữa cái “tôi” của SV

Giáo sư Alexander Scheeline nhìn già như đã 70 tuổi, nhưng ông đã xác lập nhiều kỉ lục vô tiền khoáng hậu, nên các sinh viên gọi đùa ông là “Alexander đệ nhất”. Ông chia sẻ với tôi:
“Thậm chí đến tận bây giờ tôi vẫn thấy ngạc nhiên rằng các giảng viên Việt Nam không biết tên hầu hết các sinh viên của họ. Có lẽ điều ấy đến từ sự khác biệt lớn nhất ở cơ cấu xã hội của chúng ta, là khái niệm về “cá nhân”.

Các học sinh ở Việt Nam luôn nằm trong một nhóm nào đó và trộn lẫn vào cộng đồng. Trong khi đó, ở Mỹ, các nhóm có hình thức khác nhau và ít thay đổi.
Chính vì trộn lẫn vào cộng đồng, nên các sinh viên không có gì là của riêng mình. Tôi đoán rằng (bởi vì tôi chưa có đủ dữ liệu để chắc chắn ý kiến này), hiện trạng này ở Việt Nam sẽ làm sinh viên học tập những gì đã phổ biến một cách dễ dàng, nhưng phát minh ra một cái gì độc đáo, chưa từng có, chưa từng được sử dụng… là một việc khó khăn.
Tôi đã có những quan sát trong một kỳ thi của các giáo viên hướng dẫn với các bạn. Các đáp án của họ rất chính xác, chặt chẽ đến từng chi tiết (còn trong đáp án của tôi, có thể có rất nhiều khe hở và lỗi nhỏ). Có lẽ vì những câu hỏi và đáp án ấy của họ phải được sự phê duyệt, đồng ý của nhiều người, còn tôi thì chẳng phải chịu sự phê duyệt của bất cứ ai cả.

 

Tôi cũng biết rằng, chính xác và chặt chẽ là những thứ rất quan trọng. Nhưng nếu các sinh viên của chúng ta muốn có một loại câu hỏi khác hơn so với những gì là phổ biến thì sao? Điều đó gần như là không thể trong kỳ thi của các bạn.
Tất nhiên, sự khác nhau có khi chỉ là cách tiếp cận. Các phân tích hóa học của chúng tôi diễn ra theo cách: chúng tôi và các học sinh đi vào phòng thí nghiệm và giảng dạy cùng một lúc.

Các phòng thí nghiệm xây dựng những hình ảnh sinh động nhất về những điều mà chúng tôi giảng dạy. Học sinh của tôi nói với tôi rằng, họ sẽ học tốt hơn nếu chúng tôi cùng thực hiện thí nghiệm trước, sau đó mới là bài giảng”.
Trong bức thư gần đây nhất gửi cho chúng tôi, giáo sư Scheeline cũng viết rằng: “Tôi sẽ nhớ tên của tất cả các bạn, chứ không phải chỉ là tìm ra những gì các bạn đang có”.
Giảng viên nên hướng sinh viên vào sự thoải mái sáng tạo
image Giáo sư Martin Gruebele cao gầy, và đặc biệt là trẻ hơn tuổi rất nhiều, có cảm giác như ông là sinh viên mới ra trường, hay đang nghiên cứu sinh. Giáo sư rất hài hước, có lẽ hay xem hoạt hình và có khiếu vẽ, nên hay vẽ tặng các sinh viên đạt điểm tối đa những hình rất ngộ.

Ông nói rất ngắn gọn:
“Tôi nhận thấy có một sự khác biệt, là ở Việt Nam, các kiến thức vật chất cơ bản được nhấn mạnh, trong khi ở Mỹ, khoa học sáng tạo lại được chú trọng hơn. Cả hai đều rất cần thiết, nhưng một mặt, Việt Nam nhấn mạnh nhiều quá, và ở mặt khác, Mỹ cũng chú trọng nhiều quá.

Ở Mỹ, các sinh viên có thể hỏi giáo sư rất nhiều, và họ không bao giờ lo lắng rằng các câu hỏi của họ có đơn giản, thậm chí ngốc nghếch không? Ở Việt Nam, sinh viên không dám hỏi chính vì những lo lắng ấy.
Nói chung, học sinh ở Việt Nam nên hỏi thêm các câu hỏi ngay cả trong và sau bài giảng, cho đến khi các em hài lòng rằng tất cả mọi thứ trong đầu đều rõ ràng. Có lẽ các giáo viên cần tạo sự thoải mái hơn trong lớp.
Nếu cần có những thay đổi trong cải cách giáo dục Việt Nam, tôi nghĩ các giáo viên phải nhấn mạnh sự thoải mái sáng tạo và bản chất của khoa học, giúp các học trò vui tươi hơn trong việc học”.
Môn Accelerated Chemistry của giáo sư Gruebele là môn vui nhất và ấn tượng nhất ở lớp Hóa 51 Tiên Tiến, ĐH KHTN. Một bạn sinh viên trong lớp nói với tôi:

Lúc nào nghĩ đến thầy, mình cũng tưởng tượng đến một cái máy khâu phát ra tiếng Anh. Ấn tượng nhất là sự chuyên nghiệp và nhiệt tình, lúc nào thầy cũng tươi cười thân thiện, ngoài giờ vẫn nói chuyện với sinh viên và giảng viên mình vui như bạn, nhưng mà làm việc thì năng suất ghê gớm”.

SOURCE: VIETNAMNET

Trích dẫn từ: http://www.tuanvietnam.net/vn/nhanvattrongngay/5328/index.aspx

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading