TRỌNG MẠNH
Bị đơn qua đời từ trước phiên phúc thẩm nhưng tòa vẫn “tỉnh bơ” tuyên người chết phải trả nợ 2,4 tỷ đồng, làm cơ quan thi hành án bó tay. Vừa qua, Thi hành án dân sự (THA) tỉnh Dăk Lăk đã có văn bản gửi chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm một bản án của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng vì không thể thi hành.
Một căn nhà “gả” nhiều nơi
Theo hồ sơ, tháng 8-1997, ông H. đem toàn bộ giấy tờ gốc căn nhà của mình ở phường Tân Lợi (TP Buôn Ma Thuột) thế chấp vay tiền ngân hàng. Sau đó, ông mượn của ông N. 60 triệu đồng, lãi suất 2%/tháng. Đến hạn, ông không trả được nên đề nghị thế chấp căn nhà trên cho ông N. nhưng ông N. đề nghị mua đứt. Hai bên thỏa thuận giá nhà là 150 triệu đồng. Do ông H. còn nợ gốc, lãi là 67 triệu đồng nên ông N. chỉ phải đưa thêm 83 triệu đồng.
Thỏa thuận là vậy nhưng mọi việc bất thành bởi không chỉ đem nhà thế chấp cho ngân hàng từ trước, ông H. còn chiếm đoạt tiền của nhiều người khác. Khi bị tố giác, ông bỏ trốn rồi bị bắt, bị đưa ra xét xử và lãnh án tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông N. khởi kiện ông H. đòi nợ. Ngày 11-12-2007, TAND tỉnh Dăk Lăk đã xử sơ thẩm. Ông H. lúc này đang thụ án, được tòa trích xuất từ trại giam về tham gia tố tụng. Tại tòa, ông H. thừa nhận có nợ ông N. như trên và cho biết vào ngày 14-11-2007, hai bên đã thỏa thuận giá trị căn nhà hiện nay là 2,4 tỷ đồng. Ông H. đồng ý sẽ trả cho ông N. 2,4 tỷ đồng và đề nghị tòa công nhận sự thỏa thuận này.
TAND tỉnh Dăk Lăk đã tuyên bố hợp đồng mua bán nhà giữa hai bên vô hiệu bởi ông H. đã thế chấp nhà cho ngân hàng rồi mà lại còn có hành vi gian dối bán cho ông N. Tuy nhiên, tòa ghi nhận sự thỏa thuận tự nguyện của hai bên vì không trái pháp luật và đại diện ngân hàng cũng không có ý kiến gì.
Biết bị đơn chết vẫn xử?!
Về trại, ông H. đổi ý. Hai ngày sau (13-12-2007), ông làm đơn kháng cáo, cho rằng tòa sơ thẩm “buộc” ông phải trả cho ông N. 2,4 tỷ đồng là không đúng. Trong khi tòa phúc thẩm chưa kịp xử thì ngày 9-2-2008, ông H. đã qua đời trong trại.
20 ngày sau, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng vẫn mở phiên phúc thẩm. Tại phiên xử, dù biết “hai năm rõ mười” là ông H. đã chết, tòa vẫn tiếp tục xét xử ông với tư cách bị đơn. Tòa cho rằng “ông H. vẫn còn người thừa kế tài sản” nhưng lại không chỉ ra là ai và cũng không đưa họ vào tham gia tố tụng.
Cuối cùng, tòa bác kháng cáo của người đã chết, tuyên bố hợp đồng mua bán vô hiệu nhưng vẫn chấp nhận sự thỏa thuận tự nguyện giữa các bên. Theo đó, người đã chết phải trả cho ông N. giá trị căn nhà theo giá hai bên tự nguyện thỏa thuận là 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, tòa buộc người đã chết phải chịu 50.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.
Thi hành án: Thua!
Sau đó, ông N. đã có đơn đề nghị THA tỉnh Dăk Lăk tổ chức thi hành bản án phúc thẩm trên.
Ngày 12-5, Trưởng THA tỉnh Dăk Lăk đã có văn bản đề nghị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng giải thích án. Theo THA tỉnh, thời điểm xử phúc thẩm thì ông H. đã chết nhưng tòa phúc thẩm vẫn tuyên ông H. có trách nhiệm thanh toán cho ông N. 2,4 tỷ đồng là không phù hợp với quy định pháp luật, không phù hợp thực tế khách quan. Lẽ ra nghĩa vụ này của ông H. chỉ có thể thực hiện thông qua người thừa kế còn sống, có đủ năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, tòa lại không xác định ai là người thừa kế, ai là người thực hiện nghĩa vụ thay cho ông H. để trả nợ cho ông N.
Gần hai tháng sau không có hồi âm, THA tỉnh lại gửi văn bản đề nghị tòa giải thích án với nội dung tương tự. Văn bản ghi rõ: “Nếu sau 15 ngày kể từ ngày có văn bản này mà Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng không có văn bản đính chính, giải thích hoặc không có ý kiến trả lời thì THA sẽ báo cáo nội dung này lên chánh án TAND tối cao và viện trưởng VKSND tối cao”.
Tòa phúc thẩm vẫn im lặng nên hơn một tháng sau, THA tỉnh Dăk Lăk đã phải gửi văn bản đến chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm. Theo THA tỉnh, khi xét xử, thẩm phán tòa phúc thẩm đã không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật dân sự, dẫn đến việc quyết định bản án có sai sót, vi phạm pháp luật, không phù hợp thực tế khách quan, làm cơ quan THA không thể tổ chức thi hành bản án.
Chúng tôi sẽ thông tin tiếp về vụ việc hy hữu này.
– Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng: Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng (khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng dân sự).
– Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự: Đương sự là cá nhân đã chết mà chưa có cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân đó (khoản 1 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 7. Tình huống tố tụng, CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT |
Leave a Reply