admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ: MỘT BẢN ÁN CẦN ĐƯỢC GIÁM ĐỐC THẨM!

PHÚC ÂN

Sau khi tuyên Bản án phúc thẩm số 111/DS-PT ngày 18.08.2006 xét xử vụ án tranh chấp di sản thừa kế, thẩm phán Phan Thị Lệ Thủy đã 2 lần ra thông báo sửa chữa cả nội dung bản án nói trên, khiến gia đình một công dân phải kêu cứu khắp nơi. Vì sao?

Từ việc chia thừa kế

Theo bản án nói trên, cụ Nguyễn Hữu Tố kết hôn với cụ Nguyễn Thị Quỳ vào năm 1949. Hai có 2 con chung là Aí và Lộc đều đã chết (chưa có vợ con). Ngoài ra, cụ Tố còn có 2 người con riêng là bà Nhung và bà Thêm, nhưng bà Thêm được cụ Quỳ công nhận là con. Bà Thêm chết năm 1973, có chồng là Nguyễn Thiệu và 6 người con là Hạnh, Cúc, Mai, Hương, Hà, Hiếu. Sau khi cụ Tố, cụ Quỳ qua đời, các bà: Cúc, Mai, Hương, Hà, Hiếu đã yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Tố, cụ Quỳ. Nguyên đơn cho rằng trong quá trình chung sống cụ Tố, cụ Quỳ đã tạo lập được một khối tài sản chung gồm 1 căn nhà nằm trên diện tích đất 176, 16m2 tọa lạc tại 7/36 Đào Duy Từ, phường 4, TP Đà Lạt và 20 lượng vàng (gồm 17 lượng SJC + 3 lượng vàng khâu) và 317.500.000đ. Năm 1977 cụ Tố chết, năm 2004 cụ Quỳ chết, không để lại di chúc. Nhà và đất hiện đang do ông Thanh, ông Quang, ông Huy, bà Hoa (cháu bà Quỳ) quản lý. Nay các bà nói trên yêu cầu được nhận di sản thừa kế theo pháp luật sau khi đã trừ chi phí điều trị bệnh và lo mai táng cho bà Quỳ tổng cộng 50.000.000đ!. Tuy nhiên, về phía bị đơn là ông Quang, ông Thanh, ông Huy, bà Hoa thì cho rằng bà Thêm không phải là con chung của cụ Tố, cụ Quỳ nên không chấp nhận yêu cầu của các con bà Thêm. Còn bà Nhung là con riêng của cụ Tố, nên đồng ý chia cho bà Nhung 20.000.000đ hay 30.000.000đ (tính trong phần di sản của cụ Tố là ẵ nhà đất). Do cụ Quỳ không có con chung, cụ Quỳ có 2 người anh là Nguyễn Tư Thanh, và Nguyễn Tư Lưu (chết năm 2005).

Ngày 12.4.2006 TANDTP Đà Lạt ra bản án số 16/2006/DSST xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của các nguyên đơn. Ngày 18.8.2006, bản án phúc thẩm số 111/DSPT của TAND tỉnh Lâm Đồng xử: Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các bà Cúc, Hạnh, Mai, Hương, Hà, Hiếu, Nhung. Bác yêu cầu của ông Quang!.

Đến hai lần sửa chữa bản án!

Điều 240, khoản 1 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai…”. Thế nhưng, điều kỳ lạ là sau khi bà Phan Thị Lệ Thủy -chủ tọa phiên tòa phúc thẩm chỉ dựa vào lời khai nại của một bên nguyên đơn đã vội tuyên bản án phúc thẩm nói trên với quyết định: ” 7/ Buộc ông Nguyễn Tư Thanh và các con của ông Nguyễn Tư Lưu là Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Thị Quỳnh Hoa có trách nhiệm giao lại cho bà Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Thị Hiếu 17 lượng vàng SJC, 3 lượng vàng 24K và 172.518.000đ. Bà Cúc, bà Hạnh, bà Mai, bà Hương, bà Hà, bà Hiếu được quyền sở hữu 17 lượng vàng 24K, 172.518.000đ do ông Thanh và các con của ông Lưu giao, có trách nhiệm hoàn lại cho bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung 8, 5 lượng vàng SJC, 1, 5 lượng vàng 24K, 71.221.000đ; thanh toán cho bà Nguyễn Thị Bích 10.076.000đ…” (!?).

Đến ngày 22.9.2006, thẩm phán Thủy lại “mạnh dạn” ra Thông báo số 834/TB-TA sửa đổi cả nội dung bản án từ “tranh chấp quyền thừa kế” thành… “tranh chấp quyền sử dụng đất” và “phán”: ” Xét thấy bản án số 111/2006/DS-PT ngày 18.8.2006 “về việc tranh chấp quyền sử dụng đất” của TAND tỉnh Lâm Đồng có sai sót, nhầm lẫn cần sửa đổi bổ sung…” (!?). Tiếp đó, bà Thủy bổ sung thêm nội dung: “Bà Cúc, bà Mai, bà Hương, bà Hà, bà Hiếu được quyền sở hữu 17 lượng vàng SJC, 03 lượng vàng 24K và 172.518.000đ do ông Thanh và các con ông Lưu giao, có trách nhiệm hoàn trả lại cho bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung 8, 5 lượng vàng SJC, 1, 5 lượng vàng 24K, 71.221.000đ; thanh toán cho bà Nguyễn Thị Bích 10.076.000đ” (!?). Hơn 1 năm sau., ngày 27.12.2007, bà Thủy tiếp tục ra Thông báo số 38 “V /v đính chính bản án” lần thứ hai và tiếp tục sửa chữa nội dung bản án một cách kỳ lạ hơn: “7/ Buộc ông Nguyễn Tư Thanh và các con của ông Nguyễn Tư Lưu là Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Thị Quỳnh Hoa có trách nhiệm liên đới giao lại cho bà Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Thị Hiếu 17 lượng vàng SJC, 3 lượng vàng 24K và 172.518.000đ…”.

Theo nhiều kiểm sát viên, luật gia, luật sư ở Lâm Đồng thì rõ ràng với 2 Thông báo sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm nói trên, thẩm phán Thủy đã làm thay đổi phần lớn nội dung bản án phúc thẩm số 111/DSPT ngày 18.08.2006 của TAND tỉnh Lâm Đồng. Việc làm đó đã vi phạm nghiêm trọng Điều 240, khoản 1 Bộ luật Tố tụng dân sự và có dấu hiệu cố tình ra bản án trái pháp luật!. Mặt khác, chỉ dựa vào lời khai nại của một bên nguyên đơn, không hề có một chứng cứ pháp lý giao nhận vàng, tiền là di sản thừa kế của cụ Tố, cụ Quỳ cho người nào được xác lập, nhưng thẩm phán Thủy lại tuyên: “Xác định di sản thừa kế do ông Nguyễn Hữu Tố, bà Nguyễn Thị Quỳ để lại là căn nhà tọa lạc tại 7/36 Đào Duy Từ, phường 4, TP Đà Lạt; 17 lượng vàng SJC, 03 lượng vàng 24K và 317.500.000đ” là không có căn cứ pháp lý. Đó là chưa nói trong “Chứng thư thay giấy khai sinh” của bà Nguyễn Thị Thêm được lập tại tòa hòa giải quận Phù Cát, ngày 23.11.1957 chỉ có một mình cụ Tố ký, không có chữ ký của cụ Quỳ, nhưng bản án phúc thẩm lại cho rằng “…Đây là cơ sở pháp lý để xác định bà Thêm là con riêng của ông Tố đã được bà Quỳ chấp nhận”, mà không xác định được bà Thêm là con đẻ hay con nuôi của cụ Qùy, trong khi cụ Quỳ đã qua đời là không đúng với những quy định về thừa kế của Bộ luật Dân sự!

Thiết nghĩ, đã đến lúc lãnh đạo TANDTC, TAND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức trách tại địa phương cần sớm giám đốc thẩm lại bản án nói trên, làm rõ những hoài nghi trong dư luận và có biện pháp xử lý nghiêm.

SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT

Trích dẫn từ:

http://www.doisongphapluat.com.vn/Story/tiepcancongly/2008/11/10504.html

3 Responses

  1. Cụ Tố chết vào năm 1977, nên nếu tính thời hiệu khởi kiện về thừa kế thì thời hiệu khởi kiện đã hết. như vậy thì di sản của cụ Tố có phải do cụ Quỳ hưởng không?
    bởi trogn thời gian từ 1977 tới 2004, không có ai khởi kiện
    nếu như vậy thì bà Nhung se xkhoogn được hưởng di sản do cụ Tố để lại nữa chứ

  2. giá nhu tác giả viết bài nêu rõ các tình tiết trong vụ tranh chấp di sản thừa kế nói trên thì tốt.
    huuuuuuuu………….

  3. -cách giải quyết của mình, mong mọi người góp ý.
    -giả sử Thêm được Quỳ công nhận là con thì:
    khi tố chết, TS của tố chia cho quỳ, nhung, thêm, nhưng vì thêm chết trước tố nên sẽ thế vị cho các con của thêm. Khi quỳ chết thì toàn bộ TS của quỳ sẽ chuyển cho các con của Thêm theo thừa kế thế vị.
    – giả sử Thêm không được Quỳ công nhận là con:
    khi Quỳ chết, TS của quỳ sẽ chuyển cho ông Thanh và ông Lưu.
    +giả sử sửa một tình tiết là ông Lưu chết trước bà Quỳ thì các con ông Lưu không được thừa kế thế vị.
    -mong mọi người góp ý

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading