admin@phapluatdansu.edu.vn

VIỆC NGƯỜI DÂN KHỞI KIỆN CÔNG TY VEDAN ĐÃ BỊ TÒA ÁN TỪ CHỐI THỤ LÝ?

QUANG TRUNG

Sau khi phát hiện ra những sai phạm của Công ty Vedan VN xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường yêu cầu Cty phải ngưng sản xuất, tỉnh Đồng Nai thì bảo chưa thể làm được. Trong lúc các cơ quan Nhà nước đang còn tranh cãi việc này, thì một số ngươi dân 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch đã làm đơn khởi kiện Công ty vì đã làm thiệt hại đến môi trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân… Nhưng TAND huyện Long Thành đã từ chối thụ lý đơn khởi kiện với lý do chưa nhận được kết luận nào của Bộ Tài nguyên & Môi trường khẳng định Vedan gây thiệt hại. Việc Tòa không thụ lý đơn khởi kiện có đúng Luật? PV ĐS &PL đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia pháp lý xung quanh vấn đề này…

Ông Nguyễn Việt Hùng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội: Có thể xem xét khởi kiện Vedan theo khoản 3 Điều 163 Bộ luật Tố tụng Dân sự

Sự kiện về những sai phạm của Công ty Vedan đã được dư luận nhắc tới rất nhiềuS, nhưng đối với tình huống một số người dân nộp đơn khởi kiện nhưng TAND huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đã từ chối thụ lý. Trong tay chúng tôi chưa có đơn kiện của người dân cũng như các tài liệu và những căn cứ liên quan đến vụ kiện này nên khó đưa ra quan điểm chính thức về việc Tòa án từ chối thụ lý là có cơ sở hay không. Tuy nhiên, trong việc khởi kiện này chúng tôi cho rằng cần phải xem xét như sau: Đây là việc người dân kiện đòi bồi thường thiệt hại do những hành vi sai phạm của Cty Vedan gây ảnh hưởng trực tiếp đến người khởi kiện hay chỉ đơn thuần là đơn kiện chung chung về hành vi xả nước thải gây thiệt hại chung đến môi trường và hoạt động sản xuất kinh doanh. Luật sư Nguyễn Việt Hùng cho biết, nếu là đơn kiện chung chung về hành vi xả nước thải của Vedan thì việc này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà bản chất là việc tố cáo hành vi sai phạm của Vedan, người dân nên gửi đơn này tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý về những vi phạm về môi trường.

Bên cạnh đó ông Hùng cho hay, nếu kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi sai phạm của Vedan thì người dân có quyền khởi kiện ra Tòa án cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo quy định tại các Điều 79 (về nghĩa vụ chứng minh), Điều 164 (về hình thức, nội dung đơn khởi kiện), Điều 165 (về Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện) của Bộ luật Tố tụng dân sự thì họ phải có đủ cơ sở để chứng minh thiệt hại thực tế của mình là do những sai phạm của Cty Vedan gây ra, như: Các kết luận của các cơ quan có thẩm quyền xác định thiệt hại đó là do những vi phạm của Cty Vedan, định lượng được thiệt hại và mức độ yêu cầu bồi thường như thế nào, những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết….

Trong trường hợp này Tòa án trả lại đơn khởi kiện với những lý do như đã nêu chưa thể kết luận là có thỏa đáng hay không… Tuy nhiên, trên thực tế thì cũng chỉ cần đến kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định được những thiệt hại của người dân do chính những hành vi của Vedan gây ra thì cũng đã đủ cơ sở để thụ lý, chứ không nhất thiết phải có kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định Cty Vedan gây thiệt hại.

Những sai phạm của Cty Vedan trong việc xả nước thải gây thiệt hại đến môi trường và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, nếu có kết luận của cơ quan có thẩm quyền xác định tầm ảnh hưởng trong một phạm vi rộng, mức độ ô nhiễm trong khoảng thời gian dài, mức độ ảnh hưởng và thiệt hại lớn…..còn có thể xem xét khởi kiện Vedan dưới góc độ tập thể đứng ra khởi kiện để bảo vệ lợi ích chung, theo khoản 3 Điều 163 Bộ luật Tố tụng Dân sự “Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách”.

Luật sư Đinh Duy Hải – Trưởng Văn phòng luật sư BAND: Phải có chứng cứ chứng minh

Về vấn đề này LS Đinh Duy Hải cho rằng, dưới góc độ văn bản pháp lý sơ bộ có thể thấy đã có Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 1993), Nghị định số 80 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 65 năm 2006 về thanh tra tài nguyên môi trường, Nghị định số 81 năm 2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Nghị định số 59 năm 2007 về quản lý chất thải rắn, thông tư số 08 năm 2006 của Bộ Tài nguyên & Môi trường hướng dẫn đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường… Tuy nhiên nếu thực hiện đúng các văn bản quy phạm pháp luật nói trên thì là một khoảng cách lớn, nhất là việc đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường của các nhà đầu tư.

Đối với việc từ chối thụ lý đơn kiện của người dân LS Hải cho rằng việc TAND huyện Long Thành không thụ lý đơn khởi kiện của người dân yêu cầu công Cty Vedan bồi thường thiệt hại do nước thải công nghiệp của nhà máy Vedan gây ra có căn cứ hay không có căn cứ pháp luật thì cần tham khảo thêm đơn khởi kiện của người dân. Theo quan điểm của LS Hải trên căn cứ theo Bộ luật Tố tụng Dân sự thì việc khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại phải có chứng cứ chứng minh rằng có thiệt hại về tính mạngÀ, sức khoẻ, cũng như có thiệt hại về tài sản. Người khởi kiện phải tự chứng minh và cung cấp các chứng cứ đó kèm theo đơn khởi kiện như vậy TAND huyện Long Thành mới có căn cứ thụ lý đơn khởi kiện. LS Hải cũng cho rằng trong trường hợp người khởi kiện chứng minh được rằng họ bị tổn hại sức khoẻ trên 31% hoặc có hậu quả chết người thì sẽ làm đơn tố cáo đến cơ quan điều tra yêu cầu xử lý về mặt hình sự. Về tài sản, người thiệt hại chứng minh được tài sản thiệt hại từ 30 triệu đến dưới 300 triệu cũng sẽ làm đơn đề nghị cơ quan điều tra xử lý về mặt hình sự. (Điều 183 BLHS năm 1999)…

SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT

Trích dẫn từ:

http://www.doisongphapluat.com.vn/Story/tiepcancongly/2008/11/10260.html

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: