THIÊN LONG
Cả nước hiện nay có 373 đấu giá viên làm việc tại 62 trung tâm bán đấu giá tài sản (BĐGTS) trực thuộc các Sở Tư pháp và 56 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực này. Đấy là chưa kể các Hội đồng đấu giá cấp tỉnh, huyện, Trung tâm phát triển quỹ đất, Tổ quản lý và phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường, Ban GPMB được thành lập theo Quyết định của UBND tỉnh để thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất, Hội đồng BĐGTS tại các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, vì còn những bất cập trong hệ thống pháp luật về BĐGTS đã dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, tạo cơ hội cho tiêu cực xảy ra.
Mạnh ai nấy làm
BĐGTS là một hoạt động đảm bảo xử lý khách quan, hiệu quả các tài sản thi hành án, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do cơ quan có thẩm quyền bắt giữ, tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước, nhằm thu lại được số tiền tương ứng giá trị của tài sản, phục vụ cho các mục đích liên quan.
Nhiều chuyên gia pháp lý nhận xét, qua 3 năm thực thi, đến thời điểm này, Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18.1.2005 của Chính phủ về BĐGTS đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tế khách quan của cuộc sống, nhất là trong lĩnh vực BĐGTS. Hậu quả làm cho hoạt động BĐGTS thiếu minh bạch, xuất hiện nhiều tiêu cực (thông đồng, dàn xếp kết quả, “cò” trong hoạt động BĐGTS…). Hoạt động BĐGTS ở nước ta chưa mạnh là do các chế tài đối với các hành vi vi phạm qui định về BĐG còn nhẹ, chưa cụ thể và thiếu tính răn đe. Tình trạng mạnh ai nấy làm, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng không nắm hết, quản hết được tổ chức, hoạt động của một số doanh nghiệp BĐGTS diễn ra khá phổ biến.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Minh, hoạt động BĐGTS hiện nay chỉ tập trung sôi động ở một số trung tâm tại các thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM…), còn phần lớn là hoạt động cầm chừng. Đa số các doanh nghiệp đăng ký hoạt động BĐGTS như một ngành nghề “phụ”, thậm chí đăng ký nhưng không hiếm khi có hoạt động BĐGTS. Đây là hậu quả của việc luật quá “mở” để các địa phương thành lập nhiều tổ chức, doanh nghiệp đa ngành nghề thực hiện việc BĐGTS tại địa phương. Không những thế, thực trạng này còn khiến hoạt động BĐG được thực hiện không thống nhất và khó quản lý. Ngoài ra, vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên trình tự, thủ tục BĐGTS không thống nhất giữa các địa phương. Ví như ở một số địa phương chuyển giao tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện qua biên bản bàn giao tang vật, phương tiện vi phạm. Trong khi tại nhiều địa phương khác lại áp dụng hình thức ký hợp đồng ủy quyền BĐGTS giữa Sở Tài chính với Trung tâm dịch vụ BĐGTS. Đấy là chưa kể đến nhiều trường hợp, người mua được tài sản mặc dù đã thanh toán đủ tiền nhưng không nhận được tài sản bán đấu giá. Nguyên do là các qui định về bàn giao tài sản thi hành án cho người mua được tài sản chưa được nhất quán. Điều 17 Nghị định số 05 quy định: “Người BĐGTS có thể lựa chọn một trong các hình thức đấu giá sau đây để tiến hành cuộc BĐGTS: đấu giá trực tiếp bằng lời nói, đấu giá bằng bỏ phiếu, đấu giá thông qua mạng internet, các hình thức đấu giá khác do người có tài sản bán đấu giá và người BĐGTS thỏa thuận”. Với nhiều hình thức BĐGTS như vậy đã làm nảy sinh tình trạng “cò” BĐGTS, thông đồng ép giá. Đại diện Cục Quản lý công sản – Bộ Tài chính nêu ý kiến: nếu sửa đổi NĐ số 05 thì phải đồng bộ, có tính bao quát, xem xét đến khả năng có thể giải quyết được vấn đề “nan giải” là hiện tượng thông đồng, dàn xếp BĐGTS. Thực tế, do chưa có qui định để ngăn chặn các bên thông đồng, dìm giá tài sản bán đấu giá, nên dù đã áp dụng nhiều qui định để hạn chế liên lạc trong khi diễn ra bán đấu giá (cấm sử dụng điện thoại) nhưng trước đó, các bên tham gia BĐG đã thống nhất, “phân công” nhau mức giá trả để một bên có thể mua được tài sản theo ý muốn.
Cần có những quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục…
Mới đây, trong một cuộc họp của Bộ Tư pháp, Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên đã công bố Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 05/2005/NĐ-CP ngày 18.01.2005 của Chính phủ về BĐGTS. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhấn mạnh: không nên quan trọng đến vấn đề tiêu chuẩn đấu giá viên, loại tài sản nào được bán đấu giá ở trung tâm hay doanh nghiệp. Chỉ cần có những qui định chặt chẽ về trình tự, thủ tục và qui định rõ loại tài sản nào (ví dụ: tài sản tịch thu, sung công, cưỡng chế…) được đem ra bán đấu giá là đảm bảo hoạt động BĐGTS được tiến hành khách quan, minh bạch.
ông Bùi Ngọc Nhuần – Văn phòng Chính phủ cho rằng, qui định mới cần khắc phục những bất cập của NĐ số 05 đang hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp bán đấu giá để người dân tin tưởng đưa tài sản đến bán đấu giá. Đồng thời, phải qui định rõ hơn những loại tài sản thuộc quyền bán đấu giá của trung tâm, doanh nghiệp bán đấu giá, hay nghĩa vụ của trung tâm, doanh nghiệp trong việc BĐGTS…
Đại diện Vụ Pháp chế – Bộ Công an cho rằng cần có qui định để giải quyết những tài sản tồn đọng không bán đấu giá được, hay do không đăng ký được nên không ai mua, phải để lưu cữu trong kho của công an, cơ quan thi hành án Đồng với quan điểm này, ông Đặng Thanh Sơn Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính, Hình sự – Bộ Tư pháp quan tâm đến những tài sản không phải là đối tượng phải bán đấu giá, nhưng cơ quan chức năng buộc phải giữ. Trong khi pháp luật qui định phải bán đấu giá nếu chủ sở hữu không đến nhận. Số tiền đó sẽ được gửi tiết kiệm cho chủ sở hữu tài sản. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu không BĐGTS được thì phải xử lý như thế nào? Nếu thanh lý thì phải theo thủ tục, trình tự nào? ông Sơn mong Nghị định mới sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả của hoạt động bán đấu giá và nhất thiết phải tăng cường vai trò của Bộ Tư pháp trong các kết luận liên quan đến kết quả bán đấu giá.
SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT
Trích dẫn từ:
http://www.doisongphapluat.com.vn/Story/Nguoinoitieng/2008/10/10122.html
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Hợp đồng |
Leave a Reply