Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

BẢO HIỂM Y TẾ Ở HÀN QUỐC: THÀNH CÔNG VÀ THÁCH THỨC

Advertisements

THS. ĐOÀN TƯỜNG VÂN

Hàn Quốc có 48 triệu dân, thu nhập quốc nội tính theo đầu người (GDP/đầu người) của năm 2003 là US$ 12,634, nếu tính theo sức mua của người dân là US$ 17,971. Hiện nay Hàn Quốc đang phải đối mặt với sự già hóa dân số, dự đoán chiếm 22% dân số vào năm 2020 và sẽ chiếm đến 63% dân số vào 2050. Chi phí cho y tế/GDP: 6.0%.

Tháng 12/1963, Luật BHYT có hiệu lực và bắt đầu được thực thi tại Hàn Quốc. Đến tháng 12 năm 1976 Luật BHYT đã được sửa đổi gần như hoàn toàn. Sau khi Luật BHYT được sửa đổi và áp dụng năm 1976, đối tượng tham gia BHYT được mở rộng nhanh chóng. Nếu như năm 1977 chỉ triển khai đến các công ty/hãng lớn có từ trên 500 công nhân trở lên, đến năm 1988 đã mở rộng đến các công ty nhỏ và bước đầu thí điểm đến những người lao động tự do. Đầu tiên thí điểm BHYT cho những người lao động tự do ở khu vực nông thôn, sau đó đến năm 1989, triển khai đến tất cả người lao động tự do ở khu vực thành thị.
Quá trình mở rộng đối tượng tham gia BHYT cũng bị tác động bởi các yếu tố về chính trị và kinh tế. Năm 1963, quân đội Hàn Quốc lên nắm chính quyền, Luật BHYT đã nhanh chóng được xây dựng và đưa vào thực thi ngay trong năm đó (1963). Năm 1987 là năm mở rộng BHYT đến người lao động tự do thì cũng là lúc Hàn Quốc bầu cử Tổng thống mới.

Về khía cạnh kinh tế, năm 1977 là năm đầu tiên thực hiện Luật BHYT sửa đổi cũng là thời điểm mà kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh thông qua chính sách xuất khẩu công nghiệp, lúc này các phúc lợi xã hội như là phần thặng dư của phát triển kinh tế. Từ năm 1986 – 1988 là thời gian mở rộng BHYT đến người lao động tự do, tại thời điểm này Hàn Quốc bùng nổ về kinh tế, tăng trưởng hàng năm đạt đến 12%. Bên cạnh đó, các vấn đề về công bằng đã nảy sinh. Trước khi triển khai BHYT toàn dân, khoảng cách giữa chi phí chăm sóc y tế theo quy định cho người có BHYT với những người không có BHYT (giá thị trường) tăng cao.

Trước khi được cải cách năm 2000

Tại Hàn Quốc có trên 350 quỹ BHYT dựa theo công việc hoặc khu vực sinh sống vì vậy người tham gia BHYT không được quyền lựa chọn quỹ BHYT mà theo sự chỉ định, nhưng các quyền lợi bắt buộc cho người có thẻ là như nhau ở các quỹ. Có các loại quỹ BHYT như sau:
Quỹ BHYT cho công nhân công nghiệp, chiếm 36% dân số: dựa trên công việc;
Quỹ BHYT cho người lao động tự do (khu vực) chiếm 50,1% dân số: dựa trên các khu vực bao gồm cả những người làm trong các hãng/công ty nhỏ (dưới 5 lao động), cuối cùng là các quỹ BHYT cho người làm việc trong khu vực công và giáo viên chiếm 10,4% dân số.

Cơ cấu tổ chức của cơ quan BHYT tại Hàn Quốc (bắt đầu từ năm 2000)

Đến năm 2000, BHYT ở Hàn Quốc được cải cách, tập đoàn BHYT quốc gia Hàn Quốc (NHIC) được thành lập trên cơ sở sát nhập các quỹ BHYT. NHIC là cơ quan công, độc lập với Bộ Y tế và phúc lợi (MOHW). Cơ quan giám định BHYT (HIRA) được hình thành sau khi sát nhập các quỹ năm 2000, có nhiệm vụ xem xét các yêu cầu thanh toán/các chi phí BHYT và đánh giá sự thích hợp trong chăm sóc y tế. Người dân tham gia BHYT theo hình thức cá nhân và BHYT cho toàn dân.

Đóng góp (phí BHYT)

Đóng góp của các công nhân công nghiệp tương ứng với thu nhập, khoảng 4,5% năm 2005 (trong đó chủ sử dụng lao động đóng 50%, người lao động đóng 50%). Trong khi đó, đóng góp của người lao động tự do dựa trên tài sản và thu nhập của từng cá nhân (hoặc ước tính thu nhập), Chính phủ trợ cấp một phần đến người lao động tự do đã tham gia để dễ dàng mở rộng đối tượng tham gia. Do Chính phủ trợ cấp theo đầu người mà không quan tâm đến thu nhập của từng cá nhân nên nảy sinh các vấn đề về công bằng trong việc trợ cấp của Chính phủ vì không phải người lao động tự do nào cũng có thu nhập giống nhau, từ đó có những quan điểm để nghị cân nhắc lại mục đích trợ cấp cho những người lao động tự do của Chính phủ.

Quyền lợi

Ưu tiên chính sách mở rộng người tham gia BHYT nên mức phí thấp và quyền lợi không được mở rộng (tỷ lệ tiền túi mà người có thẻ phải tự trả cho các dịch vụ y tế cao). Bên cạnh đó còn có mạng lưới an toàn: miễn trừ cho một số trường hợp, trần thanh toán cho bệnh nhân ngoại trú.
Lúc này cơ quan BHYT quốc gia Hàn Quốc đang phải lựa chọn giữa 2 hướng hoặc mở rộng quyền lợi BHYT cho một số lượng người dân nhất định với mức phí BHYT cao hoặc duy trì mức phí thấp để nhiều người tham gia, quyền lợi không được mở rộng nhưng thống nhất quyền lợi cho tất cả mọi người.

Chương trình trợ giúp y tế cho người nghèo

Trong đó tài chính được cấp từ thu thuế hàng năm của Chính phủ và do cơ quan BHYT quốc gia Hàn Quốc (NHI) quản lý. Có sự chia sẻ đóng góp giữa chính quyền Trung ương và địa phương theo tỷ lệ (80:20) không kể ở Seoul. Người được hưởng lợi không phải đóng tiền. Chương trình này BHYT cho khoảng 3 – 4 % dân số và không áp dụng đồng chi trả hoặc nếu đồng chi trả thì có sự miễn giảm. Quỹ trợ giúp y tế nhằm giúp ngăn ngừa sự bần cùng hoá của một số gia đình do bị ốm đau.

Cải cách tài chính chăm sóc y tế

Việc sát nhập các quỹ BHYT thành cơ quan chi trả duy nhất vào năm 2000 được thực hiện trong bối cảnh: không công bằng trong các gánh nặng kinh tế, sự đóng góp khác nhau thông qua nhiều quỹ BHYT mặc dù gói quyền lợi là như nhau (người tham gia không được quyền lựa chọn quỹ để tham gia).
Sự không ổn định kinh niên về tài chính của các quỹ BHYT ở nông thôn, mà nguyên nhân là do giảm dân số, sức khỏe kém; tỷ lệ người già tăng cao và cuối cùng là do giảm quy mô kinh tế (quỹ BHYT có quy mô nhỏ) dẫn đến hậu quả là chi phí cho quản lý cao và hạn chế khả năng hoà trộn rủi ro.

Bài học từ thực tiễn thực hiện BHYT tại Hàn Quốc

Vai trò của các nguồn kinh tế, khả năng tham gia BHYT (khả năng đóng góp phí BHYT) phụ thuộc vào mức độ thu nhập của từng cá nhân trong xã hội. Khả năng tài chính của Chính phủ để chi trả (trợ cấp) cho những người làm việc ở khu vực phi chính quy người lao động tự do. Và sự sẵn sàng chi trả của người dân, người dân hiểu được nguyên lý của BHYT là sự chia sẻ rủi ro và tính tương trợ (đoàn kết) lẫn nhau trong xã hội.
Vai trò chính trị, Quy trình “từ trên xuống dưới”, động cơ chính trị (ví dụ hợp pháp, ổn định xã hội) đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và mở rộng BHYT. Hệ thống phúc lợi xã hội phát triển, cân đối giữa sự phát triển kinh tế và phát triển xã hội theo mô hình phúc lợi xã hội Đông á.
Năng lực quản lý của cơ quan BHYT trong việc đánh giá thu nhập và thu phí BHYT đặc biệt là đối với các trường hợp lao động tự do.

Chính phủ đóng vai trò chủ yếu

– Trợ cấp: Trợ cấp cho người lao động tự do hoặc người nghèo. Bù đắp thêm cho phần thiếu hụt của quỹ.
– Hướng dẫn và quy định các tỷ lệ đóng góp.
– Thiết lập ưu tiên và thiết kế quyền lợi: mặc dù người lao động trong khu vực chính qui và người lo động tự do được bảo hiểm ở các chương trình riêng biệt nhưng quyền lợi của họ phần lớn là như nhau.
– Quy định về giá thuốc và giá các dịch vụ y tế.

Thách thức

Hiện nay, cơ quan BHYT Hàn Quốc đang phải đối mặt với các thách thức trong việc khống chế chi phí mà nguyên nhân chủ yếu là do lĩnh vực tư nhân phát triển mạnh trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Để giải quyết các vấn đề này, ở Hàn Quốc đang tập trung vào một số vấn đề chính sau:
– Tăng cường vai trò của các bệnh viện công.
– Tổ chức lại hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, chú trọng đến vai trò “giữ cửa” của các bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tránh sự cạnh tranh lãng phí và 2 lần giữa các cơ sở khám chữa bệnh.
– Cải cách hệ thống chi trả cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế, nên áp dụng các phương pháp chi trả khác như khoán định suất hoặc theo chẩn đoán chứ không phải là theo phí dịch vụ như hiện nay./.

SOURCE: TẠP CHÍ BẢO HIỂM XÃ HỘI SỐ 4/2007

Exit mobile version