BÁ TÚ
Chỉ với một vụ việc tranh chấp hợp đồng thương mại thông thường, số tiền bồi thường cũng không phải là quá lớn đối với 1 DN (830 triệu đồng), các cơ quan tư pháp cao nhất như Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao rồi đến Uỷ ban Tư pháp Quốc hội cũng phải vào cuộc.
Vụ việc bắt đầu từ năm 2001 – 2002, Cty Châu Tuấn đã bán cho Cty Tiên Sơn – Thanh Hoá lô hàng hơn 500 tấn mật gỉ đường kém chất lượng. Ngày 24/9/2004, Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đưa vụ án ra xét xử buộc Cty Châu Tuấn phải bồi thường cho Cty Tiên Sơn – Thanh Hoá 830 triệu đồng. Toà Phúc thẩm, Toà án nhân dân tối cao đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm ngày 26/1/2005 giữ nguyên quyết định bồi thường trên. Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay.
Rồi đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra kháng nghị, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao tiếp tục xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm ngày 5/4/2006, trách nhiệm bồi thường 830 triệu đồng của Cty Châu Tuấn vẫn được giữ nguyên.
Cty Châu Tuấn chây ỳ không chịu tự nguyện thi hành bản án. Đến ngày 1/10/2007, Cơ quan thi hành án huyện Nghi Xuân đã cưỡng chế kê biên tài sản đối với Cty Châu Tuấn. Tài sản gồm 1 ôtô 5 chỗ ngồi, 1 máy đào đất bánh xích, 1 máy ủi bánh xích, 1 máy đào đất bánh lốp Sola (bốn tài sản trên được xác định tổng trị giá khoảng 1,1 tỷ đồng).
Ông Phan Thanh Đại – Trưởng cơ quan thi hành án huyện Nghi Xuân cũng đã có Báo cáo số 08 ngày 11/10/2007 tới UBND huyện Nghi Xuân về tiến độ thi hành án đối với Cty Châu Tuấn. Theo đó, sau 3 tháng kể từ khi kê biên, nếu Cty Châu Tuấn không nộp đủ số tiền 830 triệu đồng, cơ quan thi hành án sẽ tổ chức bán đấu giá số tài sản trên để thu tiền trả Cty Tiên Sơn – Thanh Hoá.
Tuy nhiên, trong khi chưa tổ chức đấu giá được thì ngày 24/4/2008, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội có Công văn số 1060 do Phó Chủ nhiệm Dương Ngọc Ngưu ký đề nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo chưa tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với Cty Châu Tuấn. Tính đến nay, đã thêm hơn 6 tháng nữa, bản án giám đốc thẩm trên vẫn chưa được thực hiện.
Theo LS Vũ Hữu Thức – Văn phòng LS Bảo Châu (Hà Nội), trong hoạt động tố tụng, thường chỉ những vụ án đặc biệt phức tạp, tài sản thi hành rất lớn mới phải cần đến quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Vụ việc tranh chấp hợp đồng giữa Cty Tiên Sơn – Thanh Hoá và Cty Châu Tuấn là một vụ án khá đơn giản, số tiền bồi thường không lớn. Việc sai phạm của Cty Châu Tuấn và phải bồi thường 830 triệu đồng là khá rõ ràng. Nếu DN nào cũng “tận dụng quyền khiếu nại” của mình để chây ỳ thì pháp chế xã hội chủ nghĩa của đất nước khó mà đảm bảo được. Mâu thuẫn chính ở đây là cả hệ thống các cơ quan tư pháp cao nhất như Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan quyền lực Uỷ ban Tư pháp Quốc hội cũng phải vào cuộc trước sự chây ỳ của một DN.
Thực tế bản án phúc thẩm ngày 26/1/2005 đã có hiệu lực thi hành ngay. Vậy mà tính đến nay đã gần 4 năm, Cty Tiên Sơn – Thanh Hoá vẫn chưa được đảm bảo quyền lợi của mình. Rất mong Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thực hiện quyền giám sát, nhanh chóng có kết luận để đảm bảo quyền lợi của DN, giữ nghiêm pháp chế xã hội chủ nghĩa.
SOURCE: BÁO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
Trích dẫn từ: http://dddn.com.vn/200810211109446cat84/Cty-XNK-Chau-Tuan-tron-thi-hanh-an-Can-som-co-ket-luan.htm
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 7. Tình huống tố tụng, CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT |
Leave a Reply