VƯƠNG THÀNH
Giải quyết như thế nào đối với những trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng khi phát hiện sai sót thì đã quá thời hiệu để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm? Có người đề xuất nên giao cho Chánh án TAND Tối cao quyền kháng nghị đối với trường hợp bản án đã quá thời hiệu. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng việc xét xử phải có “điểm dừng”, bởi nếu cứ phát hiện sai sót, lại đem ra xét xử, thì xử đến bao giờ. Theo quy định hiện hành thì quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao là “tối thượng”, không còn cấp xét xử nào cao hơn. Vấn đề đặt ra là nếu những quyết định này có sai sót thì giải quyết ra sao?
Còn sai thì còn phải sửa
Hiện tỉ lệ bản án, quyết định bị sửa còn chiếm 3% – 4%, bị huỷ chiếm 1%. Số lượng đơn đề nghị xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định dân sự của Toà án đã có hiệu lực pháp luật chiếm trên 60%. Nhưng đáng lo ngại hơn cả là việc giải quyết đơn khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của các Toà án thời gian qua cho thấy đơn khiếu nại đúng chiếm tới 23%. Từ thông tin trên, cùng với đề xuất của ông Trương Hoà Bình – Chánh án TAND Tối cao – “nên có cơ chế kháng nghị bản án quá thời hiệu”. Luật sư Nguyễn Văn Chiến, nguyên Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: việc đã giải quyết mà hết thời hiệu thì không còn giá trị để xem xét, đấy là theo lý luận từ xưa tới nay.
Nhưng nhìn từ góc độ luật pháp thì Hội đồng thẩm phán cũng vẫn còn sai, vẫn còn chưa chuẩn. Còn việc nữa là những công việc mà Hội đồng thẩm phán chưa giải quyết, nhưng mà người ta khiếu nại giám đốc thẩm, anh chưa xem xét, đến thời điểm xem xét thì lại hết thời hiệu, trong đó rõ ràng bản án có hiệu lực của Toà án địa phương sai, thậm chí của TAND Tối cao cũng sai, vi phạm tố tụng đủ điều kiện kháng nghị. Người ta có khiếu nại trong thời gian khiếu nại, nhưng đến thời điểm xem xét kháng nghị thì hết thời hiệu, thành ra là anh không xem xét. Để đảm bảo công bằng và đảm bảo quyền lợi của người dân, lẽ ra vẫn phải xem xét những bản án hoặc quyết định của Hội đồng thẩm phán đã hết thời hiệu xem xét, cũng như các việc của pháp luật cho phép mà đã hết thời hiệu. Tôi rất ủng hộ và đồng tình với quan điểm “nên có cơ chế kháng nghị bản án quá thời hiệu”.
Tán thành đề xuất trên, luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, Uỷ viên Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc, cho rằng: “Còn sai thì còn phải sửa, chứ không nên dùng thời hiệu để hạn chế quyền của công dân. Như trong hình sự có quy định việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể “làm” bất cứ lúc nào, ngay cả người bị kết án đã chết mà cần minh oan, vậy trong dân sự càng không nên đặt vấn đề thời hiệu”. Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn luật sư TP.HCM đồng tình, nhưng có nhận xét ở góc độ khác: sửa Luật, nhưng cần cân nhắc các điều kiện để kháng nghị một bản án quá thời hiệu sao cho phù hợp, chính xác. Tôi ủng hộ việc kháng nghị bản án quá thời hiệu nhưng chỉ với những bản án vi phạm pháp luật hay có những tình tiết khách quan mà các toà không phát hiện ra…
Phải có “điểm dừng”
Luật sư Vương Trọng Thế, Phó chủ nhiệm Đoàn sư Hà Nội cho rằng chỉ cần tăng thời hạn kháng nghị, chứ không nên có cơ chế này, vì phải có “điểm dừng”. Như vậy “động chạm” đến Hiến pháp, đấy là cơ quan xét xử, cho nên vấn đề tăng các thời hạn lên, chứ không phải cái kia, không làm hết 3 năm được, anh làm 5 năm. Vì nếu không thì rất phức tạp, vi phạm nguyên tắc 2 cấp xét xử, nếu không ngoài cơ quan xét xử, lại có cơ quan xét xử nữa, xét xử lại. Theo ông Thế, vấn đề “nên có cơ chế kháng nghị bản án quá thời hiệu” là không khả thi.
Còn Tiến sĩ luật Nguyễn Duy Hưng, giảng viên Đại học Luật Thành phố HCM nêu thực trạng con số 1/4 khiếu nại liên quan đến tố tụng. ông Hưng cho rằng đây là việc đáng để cho chúng ta phải suy ngẫm, nhưng cũng phải thấy rõ ở đây là do trình độ, kiến thức của các thẩm phán, chứ đâu phải cơ chế. Tại sao con người làm sai mà lại phải thay cả Hiến pháp hay pháp luật, quả là vô lý – ông Hưng bức xúc. Phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao là phán quyết cuối cùng và cao nhất, cái đó đâu chỉ có ở ta, mà nhiều nước trên thế giới “đều dùng”, vì Hội đồng thẩm phán là cả tập thể đã được lựa chọn khá kỹ và có trình độ nên không lý gì mà họ lại ra phán quyết ẩu. Kiểm sát viên N.V.H (xin được giấu tên) cho ý kiến: Tôi có cảm giác như việc xem xét, kháng nghị như một đặc ân. Ngay cả việc này thật ra cũng chỉ dựa vào hồ sơ có sẵn, nên đôi khi cũng có những kháng nghị chưa thật chuẩn. Vì vậy tại sao lại phải cần thêm một cơ chế nào đó để xem xét lại bản án?. Cũng xung quanh vấn đề này, luật gia Nguyễn Trí Tuệ, nguyên cán bộ Bộ VH -TT và Du lịch cho hay: Chúng ta đã có cơ chế xét xử 2 cấp, chưa kể còn có các thủ tục xét xử đặc biệt tức là giám đốc thẩm, tái thẩm để đảm bảo tính công bằng, khách quan cho các vụ án, vì vậy tôi thấy không cần thiết cần có cơ chế kháng nghị bản án đã hết thời hiệu. Còn luật gia Hồ Tuấn (công tác tại một tờ báo ở Thủ đô) nhận xét: Nếu bản án rơi vào tình huống oan sai thì nên xem đây là điều kiện để giám đốc thẩm, như vậy hợp lý và thực tế hơn là mở ra cơ chế mới.
SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT
Trích dẫn từ:
http://www.doisongphapluat.com.vn/Story/tiepcancongly/2008/9/9703.html
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 3. Các giai đoạn tố tụng, 5. Quan điểm của Tòa án và về Tòa án |
Leave a Reply