GS.TS. LÊ HỒNG HẠNH
I. Giải thích Hiến pháp – Những vấn đề lý luận và thực tiễn
Giải thích Hiến pháp, Luật và Pháp lệnh là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện pháp luật. Hiến pháp, Luật và Pháp lệnh hay các văn bản pháp luật khác đều thể hiện ý chí của nhà làm luật thông qua ngôn ngữ, chuyển tải ý chí này đến các chủ thể và chủ thể tiếp nhận phải hành động, xử sự phù hợp với mong muốn của nhà làm luật. Khi thực hiện các hành vi xử sự được mô tả trong Hiến pháp, Luật và các văn bản pháp luật dưới luật khác, các chủ thể thường gặp phải những mâu thuẫn hay sự mơ hồ do ngôn ngữ được sử dụng không chính xác, do mâu thuẫn giữa các qui định của pháp luật. Điều này khiến các chủ thể không thể định hướng được hành vi, không xác định được đâu là sự hợp pháp và đâu là sự bất hợp pháp nếu hành xử theo qui định không nhận thức được một cách rõ ràng. Làm thế nào để xử lý những trường hợp như vậy? Liệu chủ thể có thể tự hành xử theo suy đoán riêng của mình và Nhà nước cần chấp nhận sự hành xử đó? Liệu chủ thể có thể hành xử theo tư vấn của luật sư mà Nhà nước vẫn sẽ đảm bảo tính hợp pháp của hành xử đó? Ai có quyền được giải thích các điểm mơ hồ hay mâu thuẫn này? Nhà nước, luật sư hay mỗi chủ thể? Giải thích pháp luật không đơn thuần là việc giải thích ngôn ngữ mà đó là việc xác định tính qui phạm (hay cách thức xử sự) mà một qui định pháp luật muốn chuyển tải cho chủ thể nhất định. Giải thích một văn bản pháp luật là giải thích cách thức xử sự. Chính vì vậy, cơ quan hay người giải thích pháp luật phải tìm cách xử lý mâu thuẫn hay sự mơ hồ trong qui định pháp luật cần giải thích chứ không phải chứng minh các nghĩa khác nhau của nó.
Các thẩm phán khi áp dụng pháp luật cũng tạo ra những giải thích, thậm chí là những qui phạm mới nếu họ là thẩm phán trong các nước theo truyền thống án lệ. Những giải thích của thẩm phán để áp dụng pháp luật, để đưa ra phán quyết đương nhiên có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, những giải thích của thẩm phán không được coi là giải thích pháp luật bởi vì thẩm phán có thể vượt cả ra ngoài phạm vi giải thích pháp luật thuần túy. Họ tạo ra qui phạm mới, tạo ra các lập luận mới nên khó có thể coi đó là giải thích pháp luật theo nghĩa là tìm mục đích đích thực của nhà lập pháp. Giới hạn của giải thích pháp luật là mang lại cho lời văn của qui định pháp luật ý nghĩa đích thực mà qui định đó muốn mang lại cho xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là, giải thích pháp luật không cho phép thêm thắt ý nghĩa, nội dung mà bản thân qui định pháp luật không hề hàm chứa. Điều này đúng cả với giải thích luật lẫn giải thích hiến pháp.
Trong giải thích pháp luật, mục đích về giá trị qui phạm (giá trị về xử sự) là yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt. Lời văn của một qui định pháp luật có thể được giải thích bằng ngôn ngữ được sử dụng ở thời điểm được soạn thảo hoặc ngôn ngữ ở thời điểm hiện tại. Yếu tố thời điểm sử dụng ngôn ngữ giải thích đặc biệt có ý nghĩa đối với những văn bản pháp luật có thời gian tồn tại hàng chục năm hoặc hàng thế kỷ. Khái niệm hoặc ngôn ngữ dùng trong những văn bản pháp luật có thể khác nhau vì sự phát triển của ngôn ngữ học hay của luật học. Vì lý do này mà việc xem xét mục đích của qui định pháp luật cần giải thích có ý nghĩa quan trọng trong việc giải thích pháp luật. Dù diễn đạt bằng ngôn ngữ nào thì mục đích của một qui định pháp luật nhất định vẫn không thay đổi theo sự biến đổi, phát triển của ngôn ngữ thể hiện nó. Vì vậy, xác định mục đích của qui định pháp luật cần giải thích là điều kiện tiên quyết của việc giải thích pháp luật. Mục đích của qui phạm pháp luật khác với ý định của người soạn thảo. Một qui định pháp luật thường có mục đích mang lại cho xã hội một giá trị nào đó chứ không phải để thực hiện ý muốn của người soạn thảo. Khi xác định mục đích của qui phạm pháp luật hay toàn bộ văn bản cần được giải thích, cần phải căn cứ vào những thông tin, những sự kiện liên quan đến mục đích ban hành qui định hay văn bản này. Điều này có nghĩa việc giải thích pháp luật không phải là những giải thích xuất phát từ tư duy chủ quan của người giải thích. Giải thích mục đích của qui định pháp luật phải dựa trên những tiêu chí để xác định được ý nghĩa mà lời văn của qui định pháp luật muốn thể hiện.
Những trình bày ở trên cho thấy,l giải thích pháp luật là một hoạt động phức tạp, đòi hỏi lao động trí tuệ không kém so với việc soạn thảo pháp luật. Ở trong chừng mực nhất định, giải thích pháp luật còn khó hơn do hoàn cảnh trong đó pháp luật được soạn thảo ban hành đã thay đổi, ngôn ngữ được sử dụng để thể hiện có thể không còn giữ ý nghĩa như thời điểm pháp luật được soạn thảo.
Trong thực tiễn, chúng ta thấy có nhiều bình luận và giải thích khác nhau về một qui định cụ thể của pháp luật. Ví dụ, Khoản 5 Điều 19, Luật Doanh nghiệp 2005 qui định về hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Ngoài những đòi hỏi liệt kê trong khoản 1, 2, 3, 4, Điều này còn qui định: “Chứng chỉ hành nghề của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân khác đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề”. Cách hiểu và cách giải thích điều khoản này thực tế đã tạo ra mâu thuẫn. Trong một doanh nghiệp, giám đốc hay tổng giám đốc có thể trực tiếp hành nghề song cũng có thể họ chỉ điều hành những cá nhân hành nghề mà họ tuyển dụng. Một doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có rất nhiều nhân viên bảo hiểm trực tiếp kinh doanh. Tổng giám đốc hay giám đốc của doanh nghiệp bảo hiểm có nhất thiết phải có chứng chỉ hành nghề bảo hiểm khi để được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm không? Vấn đề này có rất nhiều cách giải thích khác nhau trong thực tế.
Ai sẽ giải thích qui định này để làm cho việc thực hiện nó thống nhất và đúng như tinh thần của qui định này? Xung quanh qui định này sẽ có sự tự giải thích của chủ thể, giải thích của nhà tư vấn hay của cơ quan nhà nước. Tất cả đều có mục đích làm sao để chủ thể hiểu đúng và hành xử đúng. Dĩ nhiên, điều quan trọng ở đây là giá trị pháp lý của sự giải thích. Trong số các giải thích nêu trên, chỉ có giải thích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có giá trị pháp lý ràng buộc chủ thể. Sự giải thích này được gọi là sự giải thích chính thức.
Vậy cơ quan nhà nước nào được phép đưa ra các giải thích chính thức. Câu trả lời phụ thuộc vào việc qui định pháp luật cần được giải thích nằm ở trong loại văn bản pháp luật gì? Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh hay các văn bản qui phạm pháp luật khác. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến giải thích Hiến pháp để từ đó lập luận về khả năng trao cho Toà án thẩm quyền giải thích pháp luật.
Giải thích Hiến pháp.
Hiến pháp là luật có vai trò và vị trí đặc biệt, là luật gốc như giới luật học trong tất cả các hệ thống pháp luật vẫn định nghĩa. Hiến pháp qui định những nền tảng chủ yếu cho việc tổ chức đời sống xã hội, những nguyên tắc cơ bản cho việc tổ chức bộ máy nhà nước, qui định chế độ chính trị, kinh tế, quyền và lợi ích cơ bản của công dân. Các qui định của Hiến pháp có giá trị tối thượng so với các qui định trong các văn bản pháp luật khác, tức là các qui định của các văn bản pháp luật khác không được trái với các qui định của Hiến pháp. Xuất phát từ nguyên tắc về tính tối thượng của Hiến pháp mà người ta thường đặt vấn đề về tính hợp hiến của các qui định pháp luật khác được ban hành bởi các cơ quan nhà nước khác. Chính do tầm quan trọng đặc biệt của Hiến pháp nên việc giải thích Hiến pháp được tiếp cận một cách khác so với việc giải thích pháp luật. Barak[1], một nhà luật học Ixraen đã đưa ra những điểm mà người giải thích toàn văn hay qui định nào đó của Hiến pháp cần lưu ý: 1)Hiến pháp là văn bản tối thượng trong hệ thống nguồn luật; 2) Hiến pháp định hình bản chất của xã hội và những kỳ vọng xã hội cho suốt chiều dài lịch sử; 3) Hiến pháp xác lập các quan điểm chính trị cơ bản của xã hội; 4) Hiến pháp đặt nền móng cho các giá trị xã hội, xác định các mục tiêu và nghĩa vụ cũng như xu hướng phát triển”; 5) Hiến pháp được thiết kế để điều chỉnh hành vi của con người trong một giai đoạn dài của lịch sử, thiết lập khung pháp lý cho hoạt động lập pháp và cho việc điều hành nhà nước; 6) Hiến pháp phản ảnh các sự kiện của quá khứ và thiết lập nền tảng cho hiện tại và tương lai; 7) Hiến pháp vừa là triết lý, vừa là chính trị, vừa là xã hội và pháp luật; 8) Bản chất thống nhất của Hiến pháp đòi hỏi cách tiếp cận đặc biệt khi giải thích nó.
Như đã nêu trên, giải thích Hiến pháp khác với giải thích luật thông thường. Một trong những điểm khác biệt giữa giải thích Hiến pháp và giải thích luật là giải thích luật nhằm mục đích áp dụng vào một tình huống cụ thể trong khi giải thích Hiến pháp là để tuyên bố một luật nào đó hay một phần của nó không phù hợp với Hiến pháp. Điểm khác nữa là giải thích luật là để hiện thực hoá ý chí của cơ quan lập pháp trong thông qua giải thích Hiến pháp có thể dẫn tới việc phủ nhận mong muốn của nhà lập pháp thể hiện trong những luật bị bác bỏ hoặc bị thay đổi.
Trong giải thích Hiến pháp, điều quan trọng nhất là việc xác định mục đích khách quan của qui định hiến pháp hay toàn văn Hiến pháp cần được giải thích. Mục đích của giải thích Hiến pháp là xác định mục đích đích thực của qui định cần giải thích nhằm loại bỏ các mục đích mà những người giải thích khác muốn áp đặt cho nó. Để đạt được điều này, cần xác định được nội hàm đích thực mà qui định được giải thích hàm chứa ở thời điểm nó được ban hành.
Việc giải thích Hiến pháp ở các nước được tiếp cận khá khác nhau cho dù những nguyên lý trên về giải thích Hiến pháp có thể được coi là nền tảng chung. Một số nước qui định việc giải thích Hiến pháp ngay trong bản thân Hiến pháp. Ví dụ, Hiến pháp Singapo tiên liệu những thuật ngữ, những khái niệm có thể dẫn đến việc hiểu sai hoặc gây mâu thuẫn trong cách hiểu về mục đích của Hiến pháp và qui định những giải thích cần thiết trong Phần I, Mục 2. Ví dụ Hiến pháp Singapo qui định: “Nội các được hiểu là nội các thành lập theo Hiến pháp này”. “Ngày bắt đầu nếu được dùng để viện dẫn đến Hiến pháp này là ngày mồng 9 tháng 8 năm 1965”. “Luật hiện hành có nghĩa là bất cứ luật nào có hiệu lực như là một phần của pháp luật Singapo trước thời điểm bắt đầu Hiến pháp này”[2]. “Pháp luật bao gồm luật thành văn và bất cứ luật của Vương quốc Anh hay những văn bản đang hiện hành ở Singapo và tiền lệ pháp đang được áp dụng ở Singapo và bất cứ tập quán pháp hay thông lệ nào có hiệu lực pháp luật ở Singapo”. Hàng loạt các giải thích Hiến pháp được qui định trong Hiến pháp Singapo. Tương tự như vậy, Hiến pháp Bahamas qui định việc giải thích Hiến pháp ở Chương X Hiến pháp[3], Hiến pháp Pakistan[4] qui định về giải thích Hiến pháp trong chương V một cách chi tiết. Mô hình qui định chi tiết về giải thích Hiến pháp ngay trong bản thân luật cơ bản này được nhiều nước áp dụng, nhất là các nước thuộc địa của Anh. Các nước theo mô hình này không trao quyền cho toà án giải thích Hiến pháp, luật.
Một số nước tuy không qui định giải thích Hiến pháp trong bản thân Hiến pháp nhưng lại ban hành luật về giải thích luật trong đó có cả Hiến pháp. Ví dụ Luật về giải thích luật No 4/1996 (the Interpretation of Law Act) của Tanzania qui định thủ tục giải thích Hiến pháp và luật.
Trung Quốc có lịch sử lập hiến tương đối giống Việt Nam và hoạt động giải thích Hiến pháp cũng có những điểm tương đồng do cùng chịu chung ảnh hưởng của mô hình Xô viết. Theo Hiến pháp năm 1954 của CHND Trung Hoa thì Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc là cơ quan nhà nước duy nhất được ban hành luật và giám sát việc thực hiện Hiến pháp. Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc được giao thẩm quyền giải thích Luật và ban hành pháp lệnh.
Theo Hiến pháp năm 1982 của CHND Trung Hoa thì Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc cùng có thẩm quyền lập pháp. Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ban hành các luật cơ bản liên quan đến các vấn đề hình sự, dân sự, tổ chức bộ máy và một số vấn đề khác, còn Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ban hành hoặc sửa đổi luật không thuộc phạm vi thẩm quyền của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc.
Như vậy, cả Hiến pháp 1954 và Hiến pháp 1982 của CHND Trung Hoa đều trao cho Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thẩm quyền tuyệt đối về giải thích cả Hiến pháp, luật và giám sát việc thực hiện Hiến pháp. Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc có thể huỷ bỏ các văn bản pháp luật do Quốc Vụ viện hay chính quyền địa phương ban hành trái với Hiến pháp và luật. Tuy nhiên, trong cả mấy thập kỷ vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc chỉ vài lần thực hiện quyền giải thích pháp luật[5].
Hiện tại, tuy có một vài thay đổi nhất định trong thủ tục và trình tự giải thích Hiến pháp và luật, song về cơ bản thẩm quyền giải thích pháp luật vẫn thuộc về Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc.
Ở Mỹ, một nước được coi là đại diện điển hình của truyền thống Common Law, dù có nhiều điểm tương đồng với Vương quốc Anh song việc giải thích Hiến pháp lại không hề giống nước Anh. Khác với Anh, nơi Nghị viện được coi là tối cao và toà án không thể bác bỏ các văn bản của Nghị viện do bị coi là không hợp hiến. Ở Mỹ trong suốt chiều dài lịch sử, toà án sử dụng rất nhiều học thuyết về giải thích Hiến pháp. Những học thuyết chủ yếu về giải thích Hiến pháp được liệt kê trong bảng dưới đây đã được toà án dùng tương đối phổ biến.
Giải thích về mặt lịch sử
(Historical interpretation)
Thẩm phán xác định ý muốn của những người soạn thảo và phê chuẩn Hiến pháp để tìm ý nghĩa của nó
Giải thích căn cứ vào lời văn
(Textual interpretation)
Thẩm phán xem xét ngữ nghĩa của các từ, ngữ trong Hiến pháp và dựa vào sự hiểu biết chung nhất về những gì mà các từ ngữ đó hàm ý vào thời điểm hiện tại
Giải thích dựa trên cấu trúc (Structural Interpretation)
Thẩm phán suy luận các nguyên tắc cấu trúc (ví dụ, quan hệ quyền lực giữa các thiết chế) từ những mối quan hệ được xác định trong Hiến pháp
Giải thích theo luận thuyết
(Doctrinal Interpretation)
Thẩm phán áp dụng qui định pháp luật được tạo ra bởi án lệ
Giải thích về đạo lý
(Ethical Interpretation)
Thẩm phán căn cứ vào các cam kết đạo lý được thể hiện trong Hiến pháp
Giải thích về độ tin cậy
(Prudential Interpretation)
Thẩm phán tìm sự cân bằng giữa chi phí và lợi ích cho từng phán quyết
Ở Mỹ, việc toà án giải thích Hiến pháp đã xuất hiện từ năm 1803 trong vụ Marbury kiện Madison (1803). Sau phán quyết của Toà án tối cao Hoa Kỳ trong vụ án này đã làm xuất hiện hàng loạt các phán quyết trong nhiều vụ án mà theo đó, Toà án đã giải thích Hiến pháp và bác bỏ nhiều luật liên bang hoặc luật của bang. Toà án tối cao Hoa Kỳ cho rằng, Hiến pháp là một văn bản luật, cho dù là luật tối cao. Toà án phải giải thích Hiến pháp áp dụng như giải thích các luật khác. Học thuyết về việc toà án xem xét tính hợp hiến của các đạo luật đã lan rộng sang nhiều nước khác. Khác với Hoa Kỳ là nơi toà án các cấp đều có thể thực hiện việc xem xét tính hợp hiến của các văn được bản hành, nhiều nước Tây Âu, Mỹ La tinh thành lập toà án Hiến pháp để giải thích Hiến pháp và luật. Các quốc gia là đại diện điển hình cho truyền thống luật dân sự như Pháp, Đức và các nước khác theo truyền thống này như Tây Ban Nha, Italia đều có toà án Hiến pháp hoặc thiết chế tương tự để xem xét tính hợp hiến của các văn bản pháp luật.
Tóm lại, việc giải thích Hiến pháp ở các nước trên thế giới có thể được thực hiện theo một trong các cách sau: (i) qui định ngay trong bản thân Hiến pháp; (ii) được qui định trong văn bản riêng về giải thích pháp luật; (iii) được giao cho bất cứ toà án nào (như ở Mỹ và một số nước khác); (iv) được giao cho Toà án Hiến pháp; (v) được giao cho cơ quan lập pháp hay cơ quan thường trực của cơ quan lập pháp (như ở CHND Trung Hoa).
II. Giải thích Hiến pháp ở Việt Nam và khả năng trao thẩm quyền cho hệ thống toà án giải thích Hiến pháp
2.1. Vấn đề giải thích pháp luật trong lịch sự lập hiến Việt Nam
Lịch sử lập hiến của Việt Nam có những đặc thù rất đáng được lưu ý khi nói về giải thích Hiến pháp và xác định cách thức và thẩm quyền giải thích Hiến pháp. Chỉ hơn 60 năm xây dựng chính thể cộng hoà dân chủ nhân dân và sau đó là cộng hoà xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã ban hành 4 bản Hiến pháp và một lần sửa đổi Hiến pháp: Đó là Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1960; Hiến pháp 1982 và Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001). Với thời gian ngắn như vậy, nên việc giải thích Hiến pháp do sự biến đổi của ngôn ngữ tại thời điểm ban hành Hiến pháp và tại thời điểm giải thích Hiến pháp có thể nói là không đáng kể nếu không muốn nói là chưa có thay đổi. Cụ thể, giữa Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 khó có thể có sự khác biệt lớn ý nghĩa của từ ngữ được dùng trong đó.
* Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp có nhiều giá trị lịch sử, tư tưởng cũng như ảnh hưởng chính trị. Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp được soạn thảo cho một quốc gia chưa có nền dân chủ cộng hoà, một quốc gia thuộc địa. Chính vì vậy, Hiến pháp qui định khá nhiều các thiết chế đặc trưng cho một nền dân chủ, một nền độc lập. Tuy nhiên, Hiến pháp 1946 không qui định về cơ chế giải thích Hiến pháp hay bảo vệ Hiến pháp.
* Hiến pháp năm 1960 là bản hiến pháp thứ hai của nước Việt Nam. Bản hiến pháp này được coi là bản Hiến pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội với nhiều qui định về chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và thể chế nhà nước đặc trưng của mô hình Xô viết. Vấn đề giải thích hiến pháp cũng ở trong sự ảnh hưởng của mô hình này. Khoản 7 Điều 53 Hiến pháp 1960 qui định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có quyền söa đổi hoặc bãi bỏ những nghị định, nghị quyết, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh; sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương, và giải tán các Hội đồng nhân dân nói trên trong trường hợp các Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân một cách nghiêm trọng.
Như vậy, giải thích Hiến pháp ở Việt Nam theo qui định của Hiến pháp năm 1960 là do chính cơ quan lập pháp thực hiện, mà cụ thể hơn là cơ quan thường trực của Quốc hội. Xét ở một khía cạnh nhất định thì việc giao cho cơ quan lập pháp giải thích pháp luật thể hiện sự tôn trọng quyền lực tối cao của cơ quan đại diện cao nhất của quyền lực nhà nước.
* Hiến pháp năm 1980 được ban hành trong bối cảnh đất nước đã thống nhất và cả nước tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô viết, trong đó cơ chế kế hoạch hoá tập trung là đặc trưng nổi bật nhất. Hiến pháp 1980 có nhiều thay đổi lớn liên quan đến chính sách sở hữu, thể chế nhà nước. Một trong những thay đổi liên quan đến việc giải thích pháp luật là sự xuất hiện thiết chế Hội đồng Nhà nước. Theo Hiến pháp 1980, Hội đồng Nhà nước là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội đồng Nhà nước thực hiện những nhiệm vụ và sử dụng những quyền hạn được Hiến pháp, các luật và nghị quyết của Quốc hội giao cho, quyết định những vấn đề quan trọng về xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, giám sát việc thi hành Hiến pháp, các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và của Hội đồng Nhà nước, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước. Hội đồng Nhà nước, thông qua Chủ tịch Hội đồng, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Với những chức năng và quyền hạn như vậy, Hội đồng Nhà nước vừa đóng vai trò của quan thường trực của Quốc hội, vừa đóng vai trò của Chủ tịch nước với những quyền hạn tương tự Chủ tịch nước theo Hiến pháp 1980. Thiết chế Hội đồng Nhà nước theo Hiến pháp Việt Nam khá đặc thù vì khó xác định nó thuộc nhánh lập pháp hay hành pháp, mặc dù chính thức Hội đồng Nhà nước được xác định là cơ quan thường trực cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội. Theo Hiến pháp 1980, trong cơ cấu của bộ máy nhà nước có cả thiết chế Chủ tịch Quốc hội.
Theo Điều 100 của Hiến pháp 1980 thì Hội đồng Nhà nước có quyền hạn rất lớn đối với hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật. Hội đồng Nhà nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây liên quan đến vấn đề giải thích Hiến pháp:
1- Công bố luật.
2- Ra Pháp lệnh.
3- Giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh.
4- Đình chỉ việc thi hành và sửa đổi hoặc bãi bỏ những Nghị quyết, Nghị định, Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng trái với Hiến pháp, Luật và Pháp lệnh.
5- Sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của các Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương; giải tán các Hội đồng nói trên trong trường hợp các Hội đồng đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của nhân dân.
Căn cứ vào những vấn đề lý luận về giải thích Hiến pháp nêu trên thì có thể nhận thấy rằng, Hội đồng Nhà nước đóng vai trò rất lớn trong việc giải thích pháp luật. Điều này có nghĩa là với việc ban hành Hiến pháp năm 1980, Việt Nam vẫn theo nguyên tắc tôn trọng quyền tối cao của Quốc hội, cơ quan lập hiến và lập pháp duy nhất. Các văn bản của Quốc hội không thể bị Tổng thống, người đứng đầu Chính phủ quyết (như ở Hoa Kỳ) hay toà án xem xét lại theo thủ tục tư pháp (judicial review) như ở nhiều nước.
* Hiến pháp 1992 được ban hành sau khi công cuộc đổi mới tiến hành được sáu năm. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều biến đổi lớn, vượt ra ngoài nhiều mục tiêu và qui định của Hiến pháp 1980. Vì vậy, việc ban hành Hiến pháp 1992 và sau đó sửa đổi vào năm 2001 là tất yếu. Hiến pháp 1992 mang lại nhiều thay đổi về chế độ sở hữu, về tổ chức bộ máy nhà nước và đã góp phần vô cùng to lớn cho sự phát triển của đất nước trong thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, với vấn đề giải thích Hiến pháp thì cách tiếp cận của Hiến pháp 1992 cơ bản là không thay đổi so với Hiến pháp 1980 ngoài việc quay lại thiết chế Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Điều 91 Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001), Uỷ ban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây liên quan đến việc giải thích Hiến pháp:
1. Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh;
2. Ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao;
3. Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đình chỉ việc thi hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc huỷ bỏ các văn bản đó; huỷ bỏ các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
4. Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ các nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân;
Những qui định nêu trên trong Hiến pháp 1992 vẫn tuân theo nguyên tắc tôn trọng quyền tối cao của Quốc hội.
Qua những trình bày ở trên về giải thích Hiến pháp trong pháp luật của Việt Nam có thể rút ra những kết luận chủ yếu sau:
Thứ nhất, Hiến pháp Việt Nam không chia quyền lực nhà nước làm ba nhánh khác nhau với cơ chế kiềm chế lẫn nhau. Hiến pháp Việt Nam coi Quốc hội là cơ quan có quyền lực nhà nước tối cao và trong các thiết chế nhà nước thì không có thiết chế nào có thể xem xét lại hay bác bỏ các văn bản của Quốc hội.
Thứ hai, việc giải thích Hiến pháp do chính cơ quan lập pháp thông qua cơ quan thường trực của mình thực hiện. Không có thiết chế nhà nước nào khác được phép giải thích Hiến pháp.
Thứ ba, việc tạm đình thực hiện hoặc bãi bỏ của các văn bản pháp luật dưới luật hoặc trái với luật và nghị quyết của Quốc hội do chính Quốc hội hay thông qua cơ quan thường trực thực hiện.
Thứ tư, toà án trong suốt lịch sử lập hiến của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam không có vai trò gì trong việc giải thích Hiến pháp.
Thứ năm, về mặt thực tiễn, trong lịch sử lập hiến của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam hầu như chưa có tiền lệ về việc Quốc hội thực hiện quyền huỷ bỏ các văn bản của Chính phủ, của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hoặc văn bản của các cơ quan nhà nước khác, mặc dù có khá nhiều văn bản dưới luật mâu thuẫn hoặc trái với Hiến pháp và luật.
2.2. Có nên lựa chọn giải pháp trao thẩm quyền cho toà án giải thích Hiến pháp?
Như trình bày ở phần trên, giải thích Hiến pháp là xác định mục đích thực của Hiến pháp hay của qui định cụ thể của Hiến pháp, làm cho mục đích đó được hiện thực hoá. Giải thích Hiến pháp có tầm quan trọng đặc biệt và các quốc gia trên thế giới bao giờ cũng dành cho việc giải thích Hiến pháp một sự cẩn trọng và sự đảm bảo độ chính xác tối đa.
Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ý thức sâu sắc vai trò của Hiến pháp và giải thích Hiến pháp, bảo vệ Hiến pháp. Việc thành lập cơ chế bảo hiến thích hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và hệ thống chính trị của Việt Nam đang được nghiên cứu và đề xuất. Trong số các giải pháp đề xuất có giải pháp về trao cho hệ thống toà án giải thích Hiến pháp bằng việc thành lập toà án Hiến pháp hay một thiết chế tương tự. Xin luận bàn một số điểm xung quanh giải pháp này.
Như trình bày ở trên, giải thích Hiến pháp có thể thực hiện ở dưới nhiều hình thức khác nhau. Mỗi hình thức ứng với điều kiện kinh tế – xã hội cụ thể nhất định mà không thể máy móc áp dụng kể cả khi có điều kiện lịch sử, truyền thống pháp luật giống nhau. Anh và Mỹ giống nhau ở nhiều phương diện, nhất là về truyền thống pháp luật. Tuy nhiên, giải thích Hiến pháp ở Anh và Mỹ không giống nhau. Anh và Singapo cũng là những nước theo truyền thống Common Law, từng là thuộc địa và mẫu quốc của nhau, song giải thích Hiến pháp của hai nước này không giống nhau. Vì vậy, yếu tố lịch sử, truyền thống cụ thể của mỗi quốc gia cần được đặt lên hàng đầu khi thiết kế thiết chế có chức năng giải thích Hiến pháp, bảo vệ Hiến pháp. Với cách tiếp cận như vậy, có thể nói rằng việc giao cho hệ thống toà án giải thích Hiến pháp là chưa thực sự khả thi vì những lý do sau:
Thứ nhất, tổ chức bộ máy của Nhà nước Việt Nam không theo nguyên tắc phân chia quyền lực với mức độ độc lập có khả năng kiềm chế và giám sát lẫn nhau. Toà án những nước theo cách phân chia như vậy có thể giải thích cả Hiến pháp lẫn luật để xác định tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản hay hành vi mà toà án cho là trái Hiến pháp, trái luật và khi có đơn kiện của cá nhân hay tổ chức về vấn đề đó.
Thứ hai, do nhiều nguyên nhân khác nhau, ở thời điểm hiện tại, khó có thể giao cho các thẩm phán quyền giải thích Hiến pháp. Ngay cả những văn bản pháp luật rất thông thường, thẩm phán vẫn giải thích sai, áp dụng sai. Hiến pháp là chính trị, là pháp luật, là triết lý, là lịch sử và kinh tế – xã hội kết hợp lại. Giải thích Hiến pháp là việc làm vô cùng khó khăn, nhất là khi việc giải thích Hiến pháp dẫn đến sự huỷ bỏ văn bản của Chính phủ, của Toà án hay Viện kiểm sát. Bản lĩnh của thẩm phán và sự ủng hộ của xã hội có nhận thức cao về pháp luật đối với việc giải thích của thẩm phán là hai trong số những điều kiện cần thiết tối thiểu cho việc giao cho toà án giải thích Hiến pháp. Hai điều kiện đó khó có thể đảm bảo được trong thời điểm hiện nay ở nước ta.
Thứ ba, nhìn lại lịch sử lập hiến của đất nước, kể cả trong thời kỳ Hiến pháp 1946, bản Hiến pháp được nhiều học giả coi là có nhiều giá trị dân chủ và lịch sử nhất thì toà án chưa bao giờ được giao thẩm quyền giải thích Hiến pháp.
Thứ tư, Hiến pháp phản ánh rất tập trung nền chính trị, hệ thống pháp luật và tổ chức toà án của đất nước. Với hệ thống chính trị, tư pháp như hiện nay, việc giao cho toà án giải thích Hiến pháp khó mang lại được những giá trị đích thực. Điều này dễ xảy ra như đối với toà án giải thích và áp dụng luật hay văn bản pháp luật khác.
2.3. Kết luận
Việc trao cho hệ thống toà án giải thích Hiến pháp trong điều kiện hiện tại là không khả thi. Cần tiếp tục nghiên cứu để hình thành thiết chế khác để giải thích và bảo vệ Hiến pháp phù hợp với những hoàn cảnh lịch sử và hệ thống chính trị, nhận thức và hiểu biết pháp luật của nhân dân. Xin được phép bàn về thiết chế này trong một bài viết khác.
Chú thích:
[1] Aharon Barak. PURPOSIVE INTERPRETATION IN LAW, Princeton University Press, Princeton 2005. pp.355-363
[2] Xem Hiến pháp Cộng hoà Singapo
[3] Xem Hiến pháp Bahamas
[4] Xem Hiến pháp Pakistan
[5]Albert H Y Chen. THE INTERPRETATION OF THE BASIC LAW. – COMMON LAW AND MAINLAN CHINESE PERSPECTIVES
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ONLINE
Trích dẫn từ:http://www.nclp.org.vn/nha_nuoc_va_phap_luat/kha-nang-thuc-hien-viec-trao-tham-quyen-giai-thich-hien-phap-cho-toa-an-o-viet-nam
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Xã hội, nhà nước và pháp luật Việt Nam |
Leave a Reply