admin@phapluatdansu.edu.vn

GIỚI THIỆU LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

BỘ TƯ PHÁP
VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

BỘ TÀI CHÍNH
VỤ PHÁP CHẾ

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

1. Ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân là thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực tài chính
Nghị Quyết Đại hội Đảng IX và X đã xác định “Áp dụng thuế thu nhập cá nhân thống nhất và thuận lợi cho mọi đối tượng chịu thuế, bảo đảm công bằng xã hội và tạo động lực phát triển” và “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế theo nguyên tắc công bằng, thống nhất và đồng bộ…  Điều chỉnh chính sách thuế theo hướng giảm và ổn định thuế suất, mở rộng đối tượng thu, điều tiết hợp lý thu nhập”.  Cụ thể hoá Nghị quyết đại hội Đảng, Bộ Chính trị đã thông qua Chiến lược cải cách thuế đến năm 2010, trong đó đặt ra yêu cầu: “Cần sớm xác định các bước đi thích hợp để tăng tỷ trọng các nguồn thu trong nuớc cho phù hợp với tiến trình hội nhập. Mở rộng diện thuế trực thu và tăng tỷ lệ thu từ thuế trực thu”. Việc ban hành kịp thời Luật này là góp phần thể chế hoá chính sách thuế của Đảng.
2. Ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân nhằm tăng cường công tác  kiểm soát, phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế- xã hội
Trong hệ thống chính sách thuế gồm có các loại thuế gián thu và thuế trực thu. Thuế gián thu như: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, động viên thu nhập xã hội thông qua tiêu dùng của các tổ chức và cá nhân, không căn cứ vào thu nhập và gia cảnh của người nộp thuế. Thuế trực thu như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp điều tiết thu nhập của doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân điều tiết thu nhập của cá nhân.

Thuế thu nhập cá nhân được xây dựng trên các nguyên tắc “lợi ích”, “công bằng” và “khả năng nộp thuế”. Theo nguyên tắc lợi ích thì mọi người trong xã hội đều được hưởng những thành quả phát triển của đất nước về thể chế luật pháp, cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội, an ninh trật tự … đồng thời cũng có nghĩa vụ đóng góp một phần thu nhập của mình cho xã hội thông qua việc nộp thuế. Nguyên tắc “công bằng” và “khả năng nộp thuế” thể hiện ở chỗ: người có thu nhập cao hơn thì nộp thuế nhiều hơn, người có thu nhập như nhau nhưng có hoàn cảnh khó khăn hơn thì nộp thuế ít hơn, người có thu nhập thấp chưa phải nộp thuế. Thời gian qua ở nước ta, khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa nhóm người có thu nhập cao và nhóm người có thu nhập thấp cũng có xu hướng ngày càng tăng (trong thời gian từ năm 1993 đến năm 2004, khoảng cách này đã tăng từ 3,7 lần lên đến 13,5 lần). Như vậy, việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần đảm bảo tính hợp lý, công bằng, hiệu quả của hệ thống chính sách thuế và hạn chế sự gia tăng khoảng cách chênh lệch giầu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, đồng thời Nhà nước sẽ nắm được thông tin về thu nhập của cá nhân góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
3. Ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới
Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, hệ thống chính sách thuế đã được hình thành và từng bước hoàn thiện qua hai lần cải cách (năm 1990 và năm 1995). Việc ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân đã được đặt ra từ trước đây, nhưng xét thấy chưa đủ điều kiện, vì trong giai đoạn đầu chuyển đổi nền kinh tế, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh chưa phát triển, các thị trường đang trong quá trình hình thành, thu nhập dân cư nhìn chung còn thấp và chưa đa dạng (chủ yếu là tiền lương, tiền công). Trong bối cảnh đó, Nhà nước đã sử dụng 3 sắc thuế để động viên cho phù hợp với từng loại thu nhập: đối với thu nhập của cá nhân kinh doanh áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp; đối với người có thu nhập từ tiền lương tiền công cao hơn mức bình quân xã hội áp dụng Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (gọi tắt là Pháp lệnh thuế thu nhập cao); đối với người chuyển quyền sử dụng đất, áp dụng Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất. Áp dụng chính sách thuế như trên trong thời gian qua là phù hợp, nên đã phát huy tác dụng trong quản lý và thu ngân sách.
Trong những năm tới, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (giai đoạn 2006 – 2010), các thị trường tài chính – tiền tệ, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường khoa học công nghệ sẽ có sự phát triển mạnh mẽ hơn. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh, có thêm nhiều nguồn thu nhập khác nhau: thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công, từ dịch vụ và đầu tư tài chính… Bên cạnh đó, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, số người nước ngoài đến làm ăn sinh sống tại Việt Nam và số người Việt Nam có thu nhập từ nước ngoài cũng sẽ tăng lên.
Trước tình hình trên, chính sách thuế hiện hành đối với thu nhập của cá nhân đã bộc lộ một số hạn chế: chưa thực sự đảm bảo công bằng, bình đẳng về nghĩa vụ thuế vì cùng là thu nhập của cá nhân nhưng thu nhập từ kinh doanh thì không được trừ khởi điểm và nộp thuế theo mức 28%, trong khi thu nhập từ tiền công, tiền lương trên mức khởi điểm 5 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế và áp dụng thuế suất luỹ tiến từng phần từ 10% đến 40%; còn áp dụng biểu thuế khác nhau giữa người Việt Nam và người nước ngoài, người Việt Nam phải nộp thuế cao hơn người nước ngoài. Chính sách thuế hiện hành cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế: chưa có một chính sách thuế điều tiết thống nhất đối với thu nhập của cá nhân. Việc duy trì các chính sách thuế hiện hành đối với thu nhập của cá nhân sẽ hạn chế việc khuyến khích cá nhân tích cực lao động, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng.
Để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội ổn định, bền vững và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, việc tiếp tục hoàn thiện các chính sách tài chính trong đó hệ thống chính sách thuế nói chung, thuế thu nhập cá nhân nói riêng là hết sức cần thiết, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phân bổ nguồn lực đồng thời giải quyết tốt các mối quan hệ giữa tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, giữa tăng trưởng với công bằng xã hội và xóa đói giảm nghèo.
4. Ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân nhằm đảm bảo ổn định nguồn lực cho ngân sách nhà nước
Kinh tế – xã hội càng phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì nhu cầu chi tiêu của Nhà nước để giải quyết các vấn đề an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế … cũng ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế dẫn đến cơ cấu thu ngân sách cũng thay đổi theo hướng nguồn thu từ tích luỹ trong nước được tăng dần và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước. Thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ góp phần nâng cao tỷ trọng thu nội địa để ổn định thu cho ngân sách nhà nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tỷ trọng thuế thu nhập cá nhân trong tổng số thu ngân sách tại các nước trong khối ASEAN, như: Thái Lan, Ma-lay-xi-a, Phi-lip-pin… khoảng 12-16%, các nước đang phát triển khoảng 13-14%, các nước phát triển như: Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức…  khoảng 30-40%. Tỷ lệ thuế thu nhập của cá nhân (bao gồm cả 3 sắc thuế như đã nêu ở trên) tại Việt Nam hiện nay khoảng 4,1% trong tổng số thu ngân sách .
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA VIỆC XÂY DỰNG LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
1. Quan điểm, mục tiêu xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân
Việc xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân phải đảm bảo các quan điểm và  hướng vào mục tiêu sau:
Thứ nhất, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư, góp phần hạn chế khoảng cách về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội.
Thứ hai, đảm bảo động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư, khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng.
Thứ ba, việc ban hành và áp dụng thuế thu nhập cá nhân có tính đến những bước đi phù hợp với tình hình nước ta và thông lệ quốc tế; kế thừa có chọn lọc những quy định trong chính sách thuế hiện hành.
Thứ tư, đảm bảo huy động nguồn lực để Nhà nước giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách, nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý của Nhà nước, tăng cường chống thất thu thuế, việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân góp phần huy động thêm nguồn lực, đảm bảo ổn định, tăng trưởng nguồn thu ngân sách để giải quyết tốt hơn các mục tiêu kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.
2. Yêu cầu của Luật thuế thu nhập cá nhân
Xuất phát từ những quan điểm, mục tiêu trên, việc xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân phải đảm bảo một số yêu cầu chủ yếu sau:
Một là, nắm bắt thông tin về thu nhập của dân cư, từng bước quản lý tiến tới kiểm soát thu nhập; phục vụ cho công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ.
Hai là, đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, minh bạch và công khai.
Ba là, phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế.

III. BỐ CỤC VÀ  NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

1. Bố cục của Luật thuế thu nhập cá nhân
Đây là Luật thuế đầu tiên thể hiện sự cải cách ngay từ công tác lập pháp. Theo đó, Luật chỉ qui định các nội dung về chính sách, việc quản lý thuế được thống nhất thực hiện theo Luật quản lý thuế đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2007. Luật thuế thu nhập cá nhân gồm 4 chương, 35 điều. Nội dung cơ bản của các chương như sau:
Chương I. Những quy định chung
Chương này có 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng nộp thuế; thu nhập chịu thuế; thu nhập được miễn thuế; giảm thuế; quy đổi thu nhập chịu thuế ra đồng Việt Nam; kỳ tính thuế; quản lý thuế và hoàn thuế; áp dụng điều ước quốc tế.
Chương II. Căn cứ tính thuế đối với cá nhân cư trú
Chương này có 15 điều (từ điều 10 đến điều 24) và được chia làm 2 Mục.
Mục 1. Xác định thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế (gồm có 12 điều, từ Điều 10 đến Điều 21): quy định về thu nhập chịu thuế từ kinh doanh; thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công; thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn; thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn; thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập chịu thuế từ trúng thưởng; thu nhập chịu thuế từ bản quyền; thu nhập chịu thuế từ nhượng quyền thương mại; thu nhập chịu thuế từ thừa kế, quà tặng; giảm trừ gia cảnh; giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo và  thu nhập tính thuế.
Mục 2. Biểu thuế (gồm có 3 điều, từ Điều 22 đến Điều 24) quy định về biểu thuế luỹ tiến từng phần; biểu thuế toàn phần; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú.
Chương III. Căn cứ tính thuế đối với cá nhân không cư trú
Chương này có 9 điều (từ Điều 25 đến Điều 33) quy định về thuế đối với thu nhập từ kinh doanh; thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công; thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn; thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thuế đối với thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại; thuế đối với thu nhập từ trúng thưởng, thừa kế, quà tặng; thời điểm xác định thu nhập chịu thuế; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế là cá nhân không cư trú.
Chương IV. Điều khoản thi hành
Chương này có 2 điều (Điều 34 và Điều 35) quy định về hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.
2. Một số nội dung cơ bản của Luật thuế thu nhập cá nhân
2.1. Phạm vi điều chỉnh:
Điều 1 Luật thuế thu nhập cá nhân quy định phạm vi điều chỉnh của Luật: “Luật này quy định về đối tượng nộp thuế, thu nhập được miễn thuế, giảm thuế và căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân”. Luật thuế thu nhập cá nhân là một Luật chính sách nên chỉ quy định những nội dung cơ bản liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, còn các nội dung về thủ tục kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, quản lý thuế thực hiện theo Luật quản lý thuế.
2.2. Đối tượng nộp thuế:
Điều 2 Luật thuế thu nhập cá nhân quy định đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
Khoản 2, Điều 2 còn quy định rõ về điều kiện để cá nhân được coi là cư trú tại Việt Nam như sau:
“a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.”
Các cá nhân không thoả mãn các điều kiện nêu trên được xác định là cá nhân không cư trú tại Việt Nam.
2.3. Thu nhập chịu thuế:
Luật thuế thu nhập cá nhân quy định 10 loại thu nhập chịu thuế trong đó đã loại trừ các khoản thu nhập không thuộc diện chịu thuế chủ yếu là các khoản trợ cấp, các khoản phụ cấp mang tính chất ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách xã hội; các khoản thu nhập mang tính chất bồi thường đền bù; các khoản thu nhập mang tính chất từ thiện, nhân đạo.
Theo đó, thu nhập chịu thuế được quy định cụ thể như sau:
“1. Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm:
a) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
b) Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động, các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả, trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội;
c) Tiền thù lao dưới các hình thức;
d) Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức;
đ) Các khoản lợi ích khác mà đối tượng nộp thuế nhận được bằng tiền hoặc không bằng tiền;
e) Tiền thưởng, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm:
a) Tiền lãi cho vay;
b) Lợi tức cổ phần;
c) Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ.
4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm:
a) Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế;
b) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán;
c) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.
5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm:
a) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;
b) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở;
c) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, thuê mặt nước;
d) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản.
6. Thu nhập từ trúng thưởng, bao gồm:
a) Trúng thưởng xổ số;
b) Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại;
c) Trúng thưởng trong các hình thức cá cược, casino;
d) Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.
7. Thu nhập từ bản quyền, bao gồm:
a) Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ;
b) Thu nhập từ chuyển giao công nghệ.
8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.
9. Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
10. Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng”.
2.4. Thu nhập được miễn thuế:
Bên cạnh việc quy định cụ thể, rõ ràng các loại thu nhập chịu thuế, Luật thuế thu nhập cá nhân còn quy định các khoản thu nhập được miễn thuế thuế thu nhập cá nhân để bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong quá trình thực thi Luật, cụ thể:
“1. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
2. Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất.
3. Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất.
4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
5. Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.
6. Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất.
7. Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
8. Thu nhập từ kiều hối.
9. Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật.
10. Tiền lương hưu do Bảo hiểm xã hội chi trả.
11. Thu nhập từ học bổng, bao gồm:
a) Học bổng nhận được từ ngân sách nhà nước;
b) Học bổng nhận được từ tổ chức trong nước và ngoài nước theo chương trình hỗ trợ khuyến học của tổ chức đó.
12. Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tiền bồi thường tai nạn lao động, khoản bồi thường nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật.
13. Thu nhập nhận được từ quỹ từ thiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, không nhằm mục đích lợi nhuận.
14. Thu nhập nhận được từ nguồn viện trợ nước ngoài vì mục đích từ thiện, nhân đạo dưới hình thức chính phủ và phi chính phủ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
2.5. Căn cứ tính thuế đối với cá nhân cư trú:
Chương II của Luật thuế thu nhập cá nhân quy định về căn cứ tính thuế đối với cá nhân cư trú, trong đó quy định cách xác định thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế của cá nhân cư trú đối với 10 loại thu nhập (quy định tại Điều 3 của Luật), cụ thể:
* Cách xác định thu nhập chịu thuế đối với các loại thu nhập được quy định như sau:
– Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh: được xác định bằng doanh thu trừ các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế từ kinh doanh trong kỳ tính thuế.
– Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số thu nhập từ: Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công; Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động, các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả, trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội; Tiền thù lao dưới các hình thức; Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức; Các khoản lợi ích khác mà đối tượng nộp thuế nhận được bằng tiền hoặc không bằng tiền; Tiền thưởng, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà đối tượng nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.
– Thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn là tổng số các khoản thu nhập từ đầu tư vốn (quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật thuế thu nhập cá nhân) mà đối tượng nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.
– Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng chứng khoán thì thu nhập chịu thuế được xác định là giá bán chứng khoán.
– Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định bằng giá chuyển nhượng bất động sản theo từng lần chuyển nhượng trừ giá mua bất động sản và các chi phí liên quan, cụ thể như sau:
+ Giá chuyển nhượng bất động sản là giá theo hợp đồng tại thời điểm chuyển nhượng;
+ Giá mua bất động sản là giá theo hợp đồng tại thời điểm mua;
+ Các chi phí liên quan được trừ căn cứ vào chứng từ, hoá đơn theo quy định của pháp luật, bao gồm các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật liên quan đến quyền sử dụng đất; chi phí cải tạo đất, cải tạo nhà, chi phí san lấp mặt bằng; chi phí đầu tư xây dựng nhà ở, kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc trên đất; các chi phí khác liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản.
Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản thì thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng bất động sản.
– Thu nhập chịu thuế từ trúng thưởng là phần giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng lần trúng thưởng.
– Thu nhập chịu thuế từ bản quyền là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được khi chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ theo từng hợp đồng.
– Thu nhập chịu thuế từ nhượng quyền thương mại là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng hợp đồng nhượng quyền thương mại.
– Thu nhập chịu thuế từ thừa kế, quà tặng là phần giá trị tài sản thừa kế, quà tặng vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng lần phát sinh.
* Về giảm trừ gia cảnh:
Quy định về giảm trừ gia cảnh là một trong những nội dung quan trọng của Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật quy định cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh sẽ được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế khoản giảm trừ gia cảnh cho bản thân và cho những người phụ thuộc phải nuôi dưỡng. Cụ thể như sau:
– Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm);
– Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế.
Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:
– Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động;
– Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
* Về giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo:
Để khuyến khích các cá nhân có thu nhập tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, Luật thuế thu nhập cá nhân quy định việc giảm trừ đối với các khoản đóng góp của cá nhân cho các hoạt động này như sau:
Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm:
– Khoản đóng góp vào tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa;
– Khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.
* Cách xác định thu nhập tính thuế:
– Đối với thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công là tổng thu nhập chịu thuế trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, các khoản giảm trừ (giảm trừ gia cảnh, đóng góp từ thiện, nhân đạo).
– Đối với thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, tiền bản quyền, nhượng quyền thương mại, nhận thừa kế, quà tặng là thu nhập chịu thuế quy định tại các điều 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 của Luật thuế thu nhập cá nhân.
2.6. Biểu thuế:
– Luật quy định biểu thuế luỹ tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công. Theo đó, tỷ lệ điều tiết thuế được tăng dần từ bậc 1 đến bậc thu nhập thứ 7, với mức thuế suất áp dụng cho thu nhập bậc 1 (bậc thấp nhất) là 5% và bậc 7 (bậc cao nhất) là 35%.

Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh và tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú:

1

– Biểu thuế toàn phần áp dụng đối với các loại thu nhập chịu thuế còn lại của cá nhân cư trú:

2

2.7. Về thuế đối với cá nhân không cư trú:
Đối với cá nhân không cư trú, Luật thuế thu nhập cá nhân quy định đối tượng này chỉ chịu thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam, việc nộp thuế chủ yếu thực hiện theo phương pháp khấu trừ tại nguồn. Cụ thể như sau:
– Thuế đối với thu nhập từ kinh doanh của cá nhân không cư trú được xác định bằng doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhân với thuế suất, cụ thể:
+ Doanh thu là toàn bộ số tiền phát sinh từ việc cung ứng hàng hoá, dịch vụ bao gồm cả chi phí do bên mua hàng hoá, dịch vụ trả thay cho cá nhân không cư trú mà không được hoàn trả.
Trường hợp thoả thuận hợp đồng không bao gồm thuế thu nhập cá nhân thì doanh thu tính thuế phải quy đổi là toàn bộ số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được dưới bất kỳ hình thức nào từ việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ tại Việt Nam không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành các hoạt động kinh doanh.
+ Thuế suất đối với thu nhập từ kinh doanh quy định đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh như sau:
·        1% đối với hoạt động kinh doanh hàng hoá;
·        5% đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ;
·        2 % đối với hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải và hoạt động kinh doanh khác.
– Thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân với thuế suất 20%.
Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là tổng số tiền lương, tiền công mà cá nhân không cư trú nhận được do thực hiện công việc tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.
– Thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn của cá nhân không cư trú được xácđịnh bằng tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc đầu tư vốn vào tổ chức, cá nhân tại Việt Nam nhân với thuế suất 5%.
– Thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú được xác định bằng tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại tổ chức, cá nhân Việt Nam nhân với thuế suất 0,1%, không phân biệt việc chuyển nhượng được thực hiện tại Việt Nam hay tại nước ngoài.
– Thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản tại Việt Nam của cá nhân không cư trú được xác định bằng giá chuyển nhượng bất động sản nhân với thuế suất 2%.
– Thuế đối với thu nhập từ bản quyền của cá nhân không cư trú được xác định bằng phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo từng hợp đồng chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam nhân với thuế suất 5%.
– Thuế đối với thu nhập từ nhượng quyền thương mại của cá nhân không cư trú được xác định bằng phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo từng hợp đồng nhượng quyền thương mại tại Việt Nam nhân với thuế suất 5%.
– Thuế đối với thu nhập từ trúng thưởng, thừa kế, quà tặng của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế quy định tại khoản 2 Điều này nhân với thuế suất 10%.
– Thu nhập chịu thuế từ trúng thưởng của cá nhân không cư trú là phần giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng theo từng lần trúng thưởng tại Việt Nam; thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là phần giá trị tài sản thừa kế, quà tặng vượt trên 10 triệu đồng theo từng lần phát sinh thu nhập mà cá nhân không cư trú nhận được tại Việt Nam.
2.8. Về quản lý thuế:
Việc đăng ký, kê khai, khấu trừ thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế, xử lý vi phạm pháp luật về thuế và các biện pháp quản lý thuế thực hiện theo quy định của Luật quản lý thuế.
2.9. Về hiệu lực thi hành:
– Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.
– Cũng theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân thì các văn bản sau đây sẽ bị bãi bỏ khi Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực:
+ Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao số 35/2001/PL-UBTVQH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 14/2004/PL-UBTVQH11;
+ Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất ban hành ngày 22 tháng 6 năm 1994 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/1999/QH10;
+ Quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cá nhân sản xuất, kinh doanh không bao gồm doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 09/2003/QH11;
+ Các quy định khác về thuế đối với thu nhập của cá nhân trái với quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân.
– Đối với những khoản thu nhập của cá nhân được ưu đãi về thuế quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được hưởng ưu đãi.
3. Một số ví dụ về cách tính thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế luỹ tiến từng phần
3.1. Trường hợp cá nhân có thu nhập 10 triệu đồng/tháng
a. Cá nhân độc thân
– Thu nhập tính thuế (trừ giảm trừ gia cảnh cho bản thân) là:
10 triệu đồng – 4 triệu đồng = 6 triệu đồng/tháng
– Thuế thu nhập cá nhân phải nộp: 0,35 triệu đồng/tháng (bằng 3,5% tổng thu nhập)
b. Cá nhân 1 người phụ thuộc
– Thu nhập tính thuế (trừ giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc) là:
10 triệu đồng – [ 4 triệu đồng  + 1,6 triệu ] = 4,4 triệu đồng/tháng
– Thuế thu nhập cá nhân phải nộp: 0,22 triệu đồng/tháng (bằng 2,2% tổng thu nhập)
c. Cá nhân có 2 người phụ thuộc
– Thu nhập tính thuế (trừ giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc) là:
10 triệu đồng – [ 4 triệu đồng + 3,2 triệu ] = 2,8 triệu đồng/ tháng
– Thuế thu nhập cá nhân phải nộp: 0,14 triệu đồng/tháng (bằng 1,4% tổng thu nhập)
d. Cá nhân có 3 người phụ thuộc
– Thu nhập tính thuế (trừ giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc) là:
10 triệu đồng – [ 4 triệu đồng + 4,8 triệu ] = 1,2 triệu đồng/tháng
– Thuế thu nhập cá nhân phải nộp: 0,06  triệu đồng/tháng (bằng 0,6% tổng thu nhập)

3.2. Trường hợp cá nhân có 20 triệu đồng /tháng
a. Cá nhân độc thân

– Thu nhập tính thuế (trừ giảm trừ gia cảnh cho bản thân) là:
20 triệu đồng – 4 triệu đồng = 16 triệu đồng/tháng
– Thuế thu nhập cá nhân phải nộp: 1,65 triệu đồng/tháng (bằng 8,25% tổng thu nhập)
b. Cá nhân có 1 người phụ thuộc

– Thu nhập tính thuế (trừ giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc) là:
20 triệu đồng – [ 4 triệu đồng + 1,6 triệu ] = 14,4 triệu đồng/ tháng
– Thuế thu nhập cá nhân phải nộp: 1,41 triệu đồng/tháng (bằng 5,7% tổng thu nhập)

c. Cá nhân có 2 người phụ thuộc

– Thu nhập tính thuế (trừ giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc là) là:
20 triệu đồng – [ 4 triệu đồng + 3,2 triệu ] = 10,8 triệu đồng/ tháng
– Thuế thu nhập cá nhân phải nộp: 1,17 triệu đồng/tháng (bằng 5,85% tổng thu nhập)
d. Cá nhân có 3 người phụ thuộc

– Thu nhập tính thuế (trừ giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc) là:
20 triệu đồng – [ 4 triệu đồng + 4,8 triệu ] = 11,2 triệu đồng/tháng
– Thuế thu nhập cá nhân phải nộp: 0,93 triệu đồng/tháng (bằng 4,65% tổng thu nhập)
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để đảm bảo thi hành Luật từ ngày 01-01-2009 phải triển khai một số công việc sau:
1. Ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật
– Dự kiến Chính phủ sẽ ban hành các văn bản để quy định chi tiết và thi hành Luật: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành thuế thu nhập cá nhân.
– Bộ Tài chính xây dựng và ban hành một số Thông tư để hướng dẫn thi hành.
– Ngoài các văn bản pháp luật trên, trong phạm vi ngành thuế sẽ ban hành một số quy trình nghiệp vụ quản lý cụ thể để thực thi nghiêm chỉnh, có hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế phù hợp với Luật và các văn bản hướng dẫn.
Công tác xây dựng, soạn thảo văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ quản lý đang được khẩn trương triển khai để đảm bảo có đủ cơ sở thực hiện công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật ngay sau khi Luật có hiệu lực vào ngày 01-01-2009.
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, nhân dân
Công tác, tuyên truyền phổ biến:
– Tổ chức hội thảo, tọa đàm trong quá trình ban hành văn bản hướng dẫn;
– Biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật thuế thu nhập cá nhân trong ngành thuế và cho cán bộ nhân dân; viết bài, đăng tin trên các báo, đài phát thanh và truyền hình.
– Tổ chức, chỉ đạo hướng dẫn cơ quan thuế địa phương phối hợp với các cơ quan có liên quan để tuyên truyền Luật thuế thu nhập cá nhân.
Công tác tập huấn:
– Tập huấn cho cán bộ công chức thuế (bao gồm cả cấp lãnh đạo ngành);
– Tổ chức tập huấn cho người nộp thuế (cá nhân nộp thuế, các cơ quan đơn vị thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân) tại các Cục Thuế địa phương;
– Tổ chức tập huấn cho các đối tượng có liên quan như Ngân hàng, Kho bạc để phối hợp tốt trong việc thu thuế thu nhập cá nhân.

3 Responses

  1. Tôi xin nhờ quý vị giải đáp một chút thắc mắc. Đọc trong luật thuế chưa nhắc tới việc hoàn thuế thu nhập ra sao, các yếu tố liên quan ví dụ khi mất việc hoặc nghỉ hưu, tai nạn mất khả năng lao động vv…, phiền quý vị có thể giúp giải đáp chi tiết vấn đề này.

  2. Chào nguyễn văn chung,
    Sau đây là các thu nhập tính thus anh tra cứu rồi xác định vào trường hợp của anh:
    Điều 3. NGHỊ ĐỊNH SỐ 100/2008/NĐ-CP NGÀY 8/9/2008 CỦA CHÍNH PHỦ HƯỚNG DẪN LUẬT THẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
    Thu nhập chịu thuế của cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây:
    1. Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, bao gồm:
    a) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Riêng đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản chỉ áp dụng đối với trường hợp không đủ điều kiện được miễn thuế quy định tại khoản 5 Điều 4Nghị định này;
    b) Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
    2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
    a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công nhận được dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền;
    b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật Lao động, các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả, trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội;
    Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế quy định tại điểm này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
    c) Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng môi giới, tham gia đề tài, dự án, tiền nhuận bút và các khoản thù lao khác;
    d) Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác;
    đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả hoặc trả hộ đối tượng nộp thuế dưới mọi hình thức:
    – Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có);
    – Tiền mua bảo hiểm mà pháp luật không quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải mua cho người lao động;
    – Phí hội viên và các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân theo yêu cầu, như: chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm mỹ;
    – Các khoản lợi ích khác theo quy định của pháp luật.
    e) Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau đây:
    – Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng;
    – Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được nhà nước Việt Nam thừa nhận;
    – Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;
    – Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    3. Thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm:
    a) Tiền lãi cho vay;
    b) Lợi tức cổ phần;
    c) Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, danh tiếng, quyền sử dụng đất, phát minh, sáng chế; trừ thu nhập nhận được từ lãi trái phiếu Chính phủ.
    4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm:
    a) Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế;
    b) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán;
    c) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.
    5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm:
    a) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;
    b) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở;
    c) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, thuê mặt nước;
    d) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản.
    6. Thu nhập từ trúng thưởng bằng tiền hoặc hiện vật, bao gồm:
    a) Trúng thưởng xổ số;
    b) Trúng thưởng khuyến mại dưới các hình thức;
    c) Trúng thưởng trong các hình thức cá cược, casino;
    d) Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.
    7. Thu nhập từ bản quyền, bao gồm:
    a) Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp; quyền đối với giống cây trồng;
    b) Thu nhập từ chuyển giao công nghệ: bí quyết kỹ thuật, kiến thức kỹ thuật, các giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ.
    8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại theo quy định của Luật Thương mại.
    9. Thu nhập từ thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
    10. Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

  3. Tôi xin hỏi một vấn đề:
    các khoản kinh phí trong một đề tài nghiên cứu khoa học do các tỉnh thành hoặc Bộ cấp để nghiên cứu khoa học như thù lao cho thành viên Hội đồng nghiệm thu đề tài, tiền thù lao chủ nhiệm đề tài, tiền thuê khoán chuyên môn thì thuộc loại nào trong đối tượng chịu thuế? Những người nhận thù lao này có phải chịu thuế thu nhập cá nhân không? Hiệu lực thi hành từ ngày nào?
    Rất mong nhận được trả lời.
    Xin cám ơn.
    Nguyễn Văn Chung
    Trung tâm NCKH và Hợp tác quốc tế
    140 Lê Trọng Tấn Q. Tân Phú TPHCM

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading