admin@phapluatdansu.edu.vn

HỘI NHẬP THẾ GIỚI BẰNG NỀN LUẬT HỌC MỚI

DU LONG

Càng sớm bớt ‘cá biệt hoá” luật pháp, càng sớm “tương đồng hoá” (về phương pháp luận) với luật pháp quốc tế, con đường hội nhập sẽ an toàn hơn, do lẽ luật pháp chính là nền tảng của những giao thương, nhất là khi ở nước ngoài thiên hạ rất khoái sử dụng luật pháp để tranh tụng, để đấu lý. Hơn chục năm hội nhập qua mới chỉ là bước dạo đầu, chưa phải ràng buộc gì với ai.. Nay từng bước phát triển  đều phải trong khuôn khổ của các hiệp định. Sẽ là lầm lẫn nếu coi nhẹ yếu tố luật pháp, một thách đố sẽ ngày càng cam go trên con đường hội nhập

Chìa khóa đầu tiên

Từ chục năm qua từ ngữ hội nhập đã trở thành thông dụng, vừa như  là một yêu cầu của phát triển , vừa như là một cảnh giác qua cụm từ “hoà nhập chứ không hoà tan”. Với thời gian, quá trình hội nhập ngày càng bức bách hơn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, do những yếu tố khách quan mới mẻ như  Hiệp định thương mại Việt- Mỹ nay đã có hiệu lực thi hành, như việc láng giềng Trung Quốc gia nhập WTO, như việc sắp sửa mở cửa hàng rào thuế khoá để tham gia AFTA… Đáp ứng được chừng đó yêu cầu sẽ là “mệt bở hơi tai” rồi, đó là chưa nói đến thách đố “đừng để thua ngay trên sân nhà”. Thế nhưng, những thách đố đó mới chỉ là một phần của bài toán “hội nhập”. Vấn đề còn nằm ở chỗ khác: những tranh tụng pháp luật mà vụ đụng độ cá catfish của Mỹ / cá basa VN mới chỉ là nốt nhạc mở đầu.

Muốn hay không muốn, nền kinh tế thế giới này vẫn đang vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường, với những qui luật cung- cầu và cạnh tranh khắc nghiệt. Mặc cho mỗi nước có chủ quyền độc lập được tuyên cáo long trọng như thế nào, có luật lệ riêng biệt đến đâu, mặc cho các nước có ký với nhau những hiệp định thương mại như WTO hay các hiệp định khu vực hoặc song phương, thì trên thương trường thế giới mọi giao thương vẫn phải chịu sự chi phối của qui luật “mạnh được yếu thua” trên cơ sở không tương nhượng trong quan hệ buôn bán và dưới hình thức đấu tranh về pháp lý. Mạnh đây không đơn thuần là mạnh về tiền của, mà còn là mạnh về tập quán kinh doanh, trong đó có tập quán tranh kiện. Trở lại với vụ tranh tụng catfish và cá basa, không thể hy vọng Mỹ là siêu cường kinh tế mà sẽ nhường Việt Nam trong quan hệ buôn bán, trái lại, càng lớn mạnh nhiều khi càng “cả vú lấp miệng em”. Có thể nói rằng Mỹ “ép” ta, nhưng cũng có thể nói rằng tại ta chưa quen đi kiện đó thôi, chứ nếu muốn thì việc Thái Lan xuất khẩu nước mắm ghi nhãn hiệu “Nuoc Mam Phu quoc” còn đáng để kiện hơn và chắc thắng 100%. Thế cho nên, thiển nghĩ, chìa khoá đầu tiên để hội nhập là chìa khoá luật pháp, nhất là công pháp quốc tế.

Còn nhớ cách đây 5 năm, đài BBC Việt ngữ, sau khi loan một tin “vịt cồ” về một tuyên bố (không có thực) của một nhà lãnh đạo Việt Nam, tưởng rằng sẽ bị kiện, nên đã chuẩn bị sẵn thầy kiện đối phó với hy vọng sao cho giảm thiểu thiệt hại tối đa. May mà lần đó, ta không chủ trương kiện, nên BBC thoát nạn. Câu chuyện này do một số nhân viên Ban Việt ngữ đài BBC kể lại. Có lẽ do ta chưa quen sử dụng kênh luật pháp với nhau, nên cũng không quen sử dụng “miếng võ”õ này với các đối tác mà một sớm một chiều có thể biến thành đối thủ, nên giờ đây bắt đầu lúng túng khi bị tấn công bằng pháp luật. Luật pháp, nhất là công pháp quốc tế thì bao la như đại duơng, nào là hệ thống luật theo trường phái anglo-saxon (Anh-Mỹ), hệ thống luật theo trường phái Pháp, theo trường phái Đông Âu cũ… rồi đến các luật chuyên biệt như luật biển, luật hàng không…

Tất nhiên, luật pháp mỗi nước có những đặc thù riêng. Thế nhưng, không vì thế mà luật pháp các nước lại không có những nét tương đồng, không chỉ trong một số chi tiết mà chủ yếu trong phương pháp luận về việc soạn thảo luật. Luật không thể được xem như là một gì có thể co dãn tuỳ ý, tuỳ tình hình. Luật không thể bị sửa đổi như chong chóng. Lấy thí dụ: Luật hình sự của Pháp có từ thời Napoléon tức nửa đầu thế kỷ 19 tồn tại mãi đến cuối thế kỷ 20 mới sửa đổi. Nguyên tắc cơ bản  của luật là tính bất hồi tố: hiếm có trường hợp nào cứ vài năm lại sửa luật, càng tối kỵ việc sửa đổi luật căn bản là hiến pháp. Cai trị phải là tiên liệu từ ngay trong “trứng nước’ của cai trị là luật pháp. Chíùnh do luật hầu như là bất biến và bất hồi tố mà ở rất nhiều nước mới có thể xử dựa trên những án lệ tức tham khảo những bản án trước đó cho những trường hợp tương tự. Việc sử dụng án lệ để xét xử chính là để đảm bảo cho luật pháp đừng bị co dãn. Thế cho nên, càng sớm bớt ‘cá biệt hoá” luật pháp, càng sớm “tương đồng hoá” (về phương pháp luận) với luật pháp quốc tế, con đường hội nhập sẽ an toàn hơn, do lẽ luật pháp chính là nền tảng của những giao thương, nhất là khi ở nước ngoài thiên hạ rất khoái sử dụng luật pháp để tranh tụng, để đấu lý.

Muốn đấu lý với thiên hạ?

Muốn đấu lý với thiên hạ, phải giỏi luật, giỏi ở mức độ “làm thầy”, chứ không phải ở mức độ “học trò”. Còn nhớ ngày nào giáo sư Vũ Tam Tư nổi tiếng là “bậc thầy” về luật hàng không. Hãy hình dung một vụ tai nạn máy bay và những mất mát hay lợi lộc bảo toàn được từ tai nạn tuỳ thuộc trình độ của ê kíp luật sư chuyên nghành luật hàng không. Cần phải hướng đến đào tạo ở nước ngoài một đội ngũ chuyên viên luật pháp, đi du học bằng học bổng nhà nước, cam kết bằng hợp đồng sẽ về nước phục vụ trong bao nhiêu năm… Có thể nghĩ đến ngày về của các chuyên viên pháp lý này bằng cách bố trí cho họ công tác trong những tập đoàn tư vấn pháp luật của Nhà nước, phục vụ cho các thân chủ là các công ty, xí nghiệp của ta, nhất là các đơn vị có có quan hệ kinh doanh với nước ngoài. Tất nhiên, do thù lao mỗi vụ là cao nên lương bổng của họ coi như tạm ổn, chưa kể số phần trăm được hưởng nếu thắng kiện. Bên cạnh đó, họ sẽ còn tạo thành một đội ngũ giáo sư luật có tầm cỡ, đủ khả năng nâng cao trình độä, mở rộng nội dung đào tạo ở các trường Luật sao cho tương đương các trường luật khác của khu vực, châu lục…Ít nhất cũng có thể triển khai được các giáo trình luật đối chiếu…

Trong khi chờ đợi, hãy khuyến khích sử dụng kênh pháp luật (toà án hành chính…) thay cho kênh khiếu nại hay “năn nỉ ỉ ôi”. Có lẽ ngay từ bây giờ, các hiệp hội ngành nghề nên hùn hạp nhau đầu tư  cho khâu tư vấn pháp luật, để một mặt tranh tụng với những cơ quan nhà nước trong trường hợp bị thua thiệt, một mặt sẵn sàng tranh tụng với nước ngoài. Hãy xem việc một công dân hay một công ty kiện một cơ quan nhà nước “làm phiền” mình như là một việc bình thường, không có gì phải ngại là “manh động”, trái lại hãy xem đó là những bước tập đi trên con đường hội nhập với thế giới luật pháp. Trước mắt, là những vụ tranh kiện có thể xảy ra, sau đó là quá trình đàm phán tham gia WTO sẽ còn kéo dài không biết đến bao giờ.

Hơn chục năm hội nhập qua mới chỉ là bước dạo đầu, chưa phải ràng buộc gì với ai.. Nay từng bước phát triển  đều phải trong khuôn khổ của các hiệp định. Sẽ là lầm lẫn nếu coi nhẹ yếu tố luật pháp, một thách đố sẽ ngày càng cam go trên con đường hội nhập. Một trường luật mới, lột xác  trong nội dung đào tạo, với một giáo ban tầm cỡ quốc tế, lẽ ra đã phải là việc cần làm từ thập niên trước. Nay có muốn làm, cũng phải mất một thập niên. Song, thà muộn còn hơn không. Từ một trường Luật mới đó, sẽ có thể hy vọng nhìn thấy những nhà lập pháp chuyên nghiệp và những đạo luật-chứ- không- phải- nghị- quyết.

Thí dụ đổi mới nền luật học chỉ là mọt khía cạnh của đổi mới giáo dục. Cải cách giáo dục sao cho người học không chỉ nhét đầy những kiến thức mà lần cải cách này gọi là “mới”, mà là rèn được một óc phân tích, một phương pháp học tâp, nghiên cứu, làm việc mới, độc lập. Ngưòi Pháp thường nói: cái học chính là cái gì còn đọng lại sau khi đã quên ráo trọi những gì đã học ở nhà trường ª

LTS: Tác giả tốt nghiệp Trung tâm quốc tế nghiên cứu sư phạm TP. Sèvres (Pháp) khoá 1973 – Centre International d’Etudes Pédagoqiues de Sèvres –  hiện đang viết cho các báo Thanh niên, Tuổi trẻ, Phát triển kinh tế…

SOURCE: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ 136, THÁNG 2/2002

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: