admin@phapluatdansu.edu.vn

Vài nét về xã hội dân sự trong lịch sử và KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI NƯỚC TA

THS. VŨ VĂN NHIÊM – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Thuật ngữ “xã hội dân sự” đã xuất hiện cách đây hàng ngàn năm và trở nên tương đối thịnh hành vào thời Khai sáng. Một thời gian dài sau đó, nó ít được nhắc đến, hoặc có chăng, chỉ được giới khoa học đề cập một cách tản mạn.

Có thể do vai trò của xã hội dân sự ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong thời kỳ chuyển đổi của những năm cuối thập niên 80, những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX và một vài lý do khác, nên ở nước ta, thuật ngữ xã hội dân sự ít được bàn luận vì nó thường được cho là mang hàm ý tiêu cực. Cho đến gần đây, cụm từ này đôi lúc vẫn còn được xem là nhạy cảm. Tuy nhiên, trong tiến trình dân chủ hóa ở nước ta hiện nay và trong xu thế hội nhập, “ xã hội dân sự” là thuật ngữ thường được nhắc đến  và được bàn luận khá cởi mở.

Trên tinh thần đó, chúng tôi mạnh dạn trao đổi một số vấn đề về xã hội dân sự thông qua bài viết sau đây.

I. MỘT VÀI NÉT VỀ “XÃ HỘI DÂN SỰ” VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NÓ QUA CÁC GIAI ĐOẠN

Xã hội dân sự là thuật ngữ được xem xét và định nghĩa theo nhiều cách khác nhau trong lịch sử tư tưởng, chính trị, pháp lý thế giới, và hiện nay cũng vậy, nó được tiếp cận dưới những góc độ và bình diện khác rất khác nhau (kể cả trên thế giới và trong nước).[1] Chúng tôi cho rằng không cần thiết (và cũng không thể đặt ra mục đích phải có một khái niệm khuôn mẫu về xã hội dân sự). Tuy nhiên, trước khi bàn bạc, trao đổi về xã hội dân sự, nhất là trong điều kiện hiện nay ở nước ta, thì việc tìm hiểu những nội hàm cơ bản cũng như sự hình thành, phát triển của thuật ngữ này là rất cần thiết.

Xã hội dân sự ở phương Tây có nguồn gốc từ đời sống xã hội ở Hy Lạp cổ đại: các polis Hy Lạp cổ và các đô thị La Mã cổ với những “công dân tự do ” xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử. Thuật ngữ xã hội dân sự, theo tiếng Hy Lạp là koinonia politiké [2] (tiếng Pháp: société civile, tiếng Anh: civil society và trong tiếng Nga grazhdanskoe obchtsestvo, có khi nó được dịch thành xã hội công dân để nhấn mạnh đến vị trí của các công dân trong xã hội).

Nhưng ý thức xã hội dân sự thực sự có bước phát triển mạnh mẽ với những nội dung sâu sắc hơn được thể hiện trong các tác phẩm của các nhà tư tưởng xuất sắc ở thế kỷ XVI như J. Rodin (Pháp), T. Hobbes (Anh), B. Spinoza (Hà Lan) v.v.. Họ bắt đầu đưa ra sự phân biệt giữa xã hội và nhà nước, phản ảnh sự trỗi dậy của các cá nhân ở các đô thị vào buổi đầu hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản. J. Rodin, một học giả người Pháp vào thời xảy ra các cuộc chiến tranh tôn giáo, đã đưa ra nguyên lý về tính tối thượng của nhà nước. Theo ông, nhà nước có quyền tối thượng đối với tất cả các thành viên xã hội và tất cả những gì thuộc về nó. Nhà nước chỉ hình thành khi những thành viên tản mạn của xã hội thống nhất lại dưới một quyền lực thống nhất. T. Hobbes, người coi trạng thái tự nhiên của xã hội là “chiến tranh của tất cả chống lại tất cả”[3], cho rằng nhà nước có sứ mệnh khắc phục trạng thái đó bằng cách thiết lập một sự thỏa thuận giữa tất cả các thành viên của xã hội. Xã hội dân sự nảy sinh trên cơ sở thỏa thuận ấy được coi là đồng nghĩa với nhà nước và luật pháp do nhà nước đặt ra.[4]

Đến thế kỷ XVIII, J. J. Rousseau, một trong những nhà Khai sáng xuất sắc nhất, đã phát triển quan điểm của Hobbes. Đối với ông, con người vì mất đi sự tự do tự nhiên của mình và cũng vì sợ mất đi cả các quyền tự nhiên của mình nên đã đi tới một khế ước xã hội. Nhờ có sự liên hiệp này mà người ta thống nhất lại với nhau trên cơ sở phục tùng những thể thức chung, nhưng mỗi người vẫn có tự do như trước đây.

T. Hobbes, J. Locke, J. J. Rousseau, Montesquieu đều có chung quan điểm là tự do cá nhân của con người độc lập với nhà nước. Chẳng hạn, theo Locke, xã hội có trước nhà nước, nó tồn tại một cách “tự nhiên”, còn nhà nước là một “vật mới”. Nếu nhà nước vì một lý do nào đó bị xóa bỏ đi thì xã hội vẫn được duy trì bằng tất cả các luật và quyền tự nhiên của nó. Người dân hợp thành xã hội, nó là tối thượng và khi thiết lập nhà nước, tuy tính tối thượng chuyển sang nhà nước nhưng nhà nước không thể nuốt mất xã hội. Hơn thế nữa, mục đích chủ yếu của nhà nước là bảo vệ xã hội. Do đó, nhà nước không thể thay thế được xã hội, chính là nhờ có xã hội mà nhà nước có thể hoạt động được.

Cả Hobbes, Locke, Montesquieu và Rousseau đều cho rằng dân chủ chỉ có thể nảy nở trên một sự thỏa thuận mang tính khế ước giữa công dân và nhà nước, về việc hạn chế và phân chia quyền lực nhà nước để quyền lực ấy thực chất thuộc về nhân dân. Chừng nào, sự thỏa thuận ấy bị phá vỡ, chừng ấy nhân dân có quyền xác lập một khế ước mới bằng nhiều cách khác nhau, và đó cũng hoàn toàn là quyền tự nhiên của con người.

Mở đầu Khế ước xã hội, Rousseau đã phải thốt lên đau đớn rằng, “con người sinh ra là tự do, vậy mà ở khắp nơi, con người lại bị cùm kẹp”. Do vậy, cách tốt nhất để lấy lại sự tự do như là quyền tự nhiên của con người đó chính là việc cần phải tổ chức thiết chế xã hội sao cho quyền tự nhiên ấy không bị xâm phạm và tước đi một cách tùy tiện từ phía nhà nước và bộ máy công quyền.

Đối với Hobbes và Rousseau đó là sự thỏa thuận bằng khế ước xã hội, đối với Locke và Montesquieu, đó là sự phân chia quyền lực nhà nước một cách độc lập và chế ước lẫn nhau. Do đó, dân chủ gắn liền với nhà nước pháp quyền và xã hội công dân. Nền dân chủ không thể sản sinh trong một xã hội mà ở đó nguyên tắc cai trị do các cá nhân tùy tiện và thao túng. Trái lại, dân chủ là kết quả trong một xã hội được tổ chức, thiết chế, và vận hành trên nguyên tắc luật pháp và phân chia quyền lực, cũng như có sự tham gia mạnh mẽ của các thiết chế phi chính trị và phi nhà nước đóng vai trò là lực lượng xã hội đối trọng nhằm giám sát và cân bằng với thiết chế chính trị và nhà nước trong việc thực thi dân chủ.

Hegel –  Nhà triết học Đức vĩ đại đầu thế kỷ XIX – đã tiếp nhận và hệ thống hóa tư tưởng xã hội – chính trị của Pháp, Anh, Mỹ và Đức trong vấn đề này. Tác phẩm Triết học pháp quyền của ông đã chứng minh rằng xã hội dân sự là một giai đoạn phát triển lịch sử mà đỉnh cao của nó là sự xuất hiện nhà nước hiện đại. Nói chính xác hơn, Hegel coi xã hội dân sự là một giai đoạn đặc biệt trong sự vận động biện chứng từ gia đình đến nhà nước, diễn ra trong quá trình biến đổi lịch sử phức tạp và lâu dài từ Trung Cổ đến Cận đại. Theo ông, đời sống xã hội hoàn toàn khác với đời sống đạo đức của gia đình và cũng khác với đời sống công cộng của nhà nước. Nó là một yếu tố cần thiết trong toàn bộ cộng đồng chính trị được tổ chức một cách hợp lý. Theo Hegel, kinh tế thị trường, các giai cấp xã hội, các nghiệp đoàn, các định chế có nhiệm vụ bảo đảm sức sống của xã hội và thực hiện các quyền công dân. Như vậy, xã hội dân sự là tập hợp của những tư nhân, tầng lớp, những nhóm và những định chế mà sự tác động qua lại của chúng được điều chỉnh bằng qui tắc của dân luật và với tư cách đó, nó không phụ thuộc trực tiếp vào nhà nước chính trị.

Cũng theo Hegel, gia đình là “gốc rễ đạo đức đầu tiên của nhà nước”, là một chỉnh thể có tính bản chất, trong đó các thành viên có liên hệ với nhau về mặt tình cảm, do đó, về đạo đức, mà không phải là những cá nhân cạnh tranh với nhau, liên kết với nhau bằng một hợp đồng nào đó. Nhà nước thì khác. ÐĐặc trưng của nó là tính vô tư của sự phục vụ dân sự và một chủ nghĩa vị tha nào đó. Còn xã hội dân sự là nơi các cá nhân được tự do theo đuổi những lợi ích, những khác biệt của mình, liên kết với nhau. Các cá nhân hợp thành xã hội dân sự thường không giống nhau, không bền vững và cũng thường có những xung đột với nhau. Sự phát triển quá mức của những thành viên này có thể dẫn tới chỗ đè bẹp những thành viên khác. Hegel thừa nhận sự khác biệt giữa xã hội dân sự và nhà nước, nhưng mặt khác, ông lại cho rằng xã hội dân sự không thể bảo đảm cho trật tự xã hội được, nếu nó không được nhà nước cai quản về mặt chính trị. Chỉ có một quyền lực công cộng tối cao – tức là một nhà nước hợp pháp – mới có thể giải quyết được những mâu thuẫn của nó, mới đảm bảo những lợi ích cụ thể thành một cộng đồng chính trị chung. Chính vì thế, Hegel phê phán cả hai quan niệm: quan niệm lẫn lộn xã hội dân sự nhà nước (theo thuyết các quyền tự nhiên của con người) và quan niệm nghi ngờ “nguyên lý tuyệt đối thần thánh của nhà nước”. Cũng chính vì thế, trong những yếu tố hợp thành xã hội dân sự ngoài các yếu tố trên đây, Hegel còn đưa cả các cơ quan tư pháp và cảnh sát vào. Ông cho rằng xã hội dân sự và nhà nước chính trị như hai mặt của nhà nước, hai loại uy quyền công cộng. Uy quyền dân sự chủ yếu để phục vụ những mục tiêu cá nhân hay nhóm, còn uy quyền chính trị thì chủ yếu để phục vụ cho những mục tiêu của toàn dân.Điều đó không có nghĩa là ông xóa bỏ sự khác biệt giữa xã hội dân sự và nhà nước. Ông cho rằng không thể có các quyền tự do của xã hội dân sự đối với nhà nước nếu không có những nguyên tắc chung nào đó. Xét đến cùng, có thể xác định các quan hệ của xã hội dân sự và nhà nước theo quan điểm của tính hợp lý chính trị. Theo Hegel, nếu lẫn lộn nhà nước với xã hội dân sự và coi nhà nước có sứ mệnh phải bảo đảm và bảo hộ quyền sở hữu cũng như tự do cá nhân thì như vậy là thừa nhận lợi ích của những con người riêng lẻ như vốn có là mục tiêu cuối cùng… Và như vậy, có thể kết luận rằng chúng ta có thể tùy ý trở thành hay không trở thành thành viên của nhà nước. Nhưng nhà nước, trên thực tế, lại có một quan hệ hoàn toàn khác với cá nhân; vì nó là tinh thần khách quan nên cá nhân chỉ có tính khách quan, tính đích thực và đạo đức khi nó là thành viên của nhà nước.

Tư tưởng về xã hội dân sự nói lên phần nào xu hướng dân chủ của ông dưới ảnh hưởng của Đại Cách mạng Pháp. Hegel không phủ định xã hội dân sự, ông chỉ nói rằng xã hội dân sự phải phục tùng nhà nước, và chỉ bằng cách thừa nhận vị trí phục tùng của nó đối với nhà nước thì nhà nước mới có thể bảo đảm tự do cho nó. Như vậy, nhà nước đại diện cho xã hội trong sự thống nhất của xã hội. ÐĐồng thời, xã hội dân sự vẫn được duy trì như một yếu tố cộng đồng rộng hơn và cao hơn, có tổ chức về mặt chính trị. Đặc biệt, Hegel đặt giới quan lại lên một vị trí rất cao, làm “môi giới ” cho xã hội dân sự và nhà nước và là “linh hồn” của toàn xã hội. Đây là sự khác biệt của Hegel so với những nhà tư tưởng dân chủ thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX.

K. Marx, trong các tác phẩm đầu tay, đặc biệt trong Hệ tư tưởng ÐĐức vấn đề Do Thái, đã bàn nhiều về xã hội dân sự. Một mặt, kế thừa những luận điểm “hợp lý” của Hegel; mặt khác, ông phê phán Hegel một cách quyết liệt. Cũng như Hegel, ông từng coi xã hội dân sự là một hiện tượng lịch sử, là kết quả của sự phát triển lịch sử mà không phải là “vật ban tặng” của tự nhiên. Và cũng như Hegel, ông coi xã hội dân sự có tính chất tạm thời. Sự khác nhau cơ bản giữa Marx và Hegel là điểm xuất phát khi phân tích về bản chất của xã hội dân sự và nhà nước, về những quan hệ giữa xã hội dân sự với nhà nước. Trong khi Hegel lấy “tinh thần phổ biến” và “ý niệm tuyệt đối ” làm điểm xuất phát thì Marx lấy đời sống hiện thực, trước hết là phương thức sản xuất của xã hội, làm điểm xuất phát. “Sự giải phóng chính trị là đưa con người, một mặt, trở thành thành viên của xã hội thành cá nhân vị kỷ và độc lập, và mặt khác, trở thành công dân, thành cá nhân đạo đức”. Ông cho rằng chỉ khi nào sức mạnh con người được tổ chức thành sức mạnh xã hộichính trị, khi đó sự giải phóng con người mới hoàn thành.
Trong tác phẩm Phê phán triết học chính trị của Hegel (1843), Marx trực tiếp chống lại những ý kiến của Hegel về xã hội dân sự và nhà nước. Một mặt, ông chống lại sự tuyệt đối hóa nhà nước của Hegel; mặt khác ông phê phán cơ sở chủ yếu của xã hội dân sự là chế độ sở hữu tư nhân.

Tư tưởng hướng tới một chế độ, trong đó bình đẳng xã hội, tự do công dân được bảo đảm với một chính phủ hợp hiến ngày càng phát triển. T. Paine, một trong những nhà tư tưởng người Mỹ cho rằng: nhà nước là “cái xấu cần thiết”, nó càng nhỏ thì càng tốt hơn cho xã hội. Quyền lực nhà nước phải bị hạn chế một cách có lợi cho xã hội dân sự vì xu hướng cố hữu của mỗi cá nhân là hướng về xã hội, chứ không phải hướng về nhà nước. Tính xã hội tự nhiên ấy của các cá nhân đã tồn tại trước khi xuất hiện nhà nước và nó qui định các cá nhân phải thiết lập những quan hệ cạnh tranh và đoàn kết một cách hòa bình với nhau, trên cơ sở cùng có lợi và tương trợ lẫn nhau. Xã hội dân sự càng hoàn thiện thì nó càng điều tiết tốt hơn những công việc của mình và càng ít cần tới các chính phủ hơn, các cá nhân tồn tại tự do và bình đẳng trước nhà nước, trước kia, hiện nay và sau này – bao giờ cũng vậy. Do đó, một nhà nước chỉ được coi là hợp pháp hay “văn minh” khi nó được thành lập ra theo sự thỏa thuận của tất cả các cá nhân và khi sự thỏa thuận ấy được xác lập bằng hiến pháp cũng như bằng cơ chế đại nghị. Một hệ thống cai trị văn minh là một hệ thống cai trị theo hiến pháp, được trao cho quyền lực thông qua sự thỏa thuận tích cực của các cá nhân trên cơ sở tự do và bình đẳng. Theo ông, một chính quyền như vậy không có quyền; nó chỉ có nghĩa vụ trước công dân của mình. Nó cũng không có quyền tùy tiện thay đổi hiến pháp hay vi phạm sự thỏa thuận của các cá nhân công dân. Mọi vi phạm đối với trật tự “tự nhiên” ấy đều là biểu hiện của chế độ chuyên chế.[5]

Một số nhà tư tưởng nổi tiếng đầu thế kỷ XIX như A. de Tocqueville, J. S. Mill, v.v., đều theo quan điểm này. ÐĐốivới họ, việc phân chia giữa nhà nước và xã hội dân sự là đặc trưng của một hệ thống xã hội và chính trị thật sự dân chủ. Cũng cần phải thấy rằng, bên cạnh những ưu điểm của xã hội dân sự ấy, một số tác giả, tuy tán thành quan niệm phân chia xã hội và nhà nước, cũng đã nhìn thấy những mặt trái của nó. J. Bentham, J. Sismondi, v.v. cho rằng nếu xã hội dân sự có quá nhiều tự do thì đời sống xã hội bị phân hóa và xung đột xuất hiện nhiều hơn. Vì thế, họ đòi hỏi một sự điều tiết và kiểm soát chặt chẽ hơn của nhà nước.

Như vậy, ở mỗi thời kỳ, hoặc dưới từng cách nhìn nhận, xã hội dân sự được đề cập có nội hàm và ngoại diên không giống nhau.

Ngay Centre for Civil Society (CCS)[6] khi tiếp cận về khái niệm này cũng đưa ra một cách định nghĩa rất chungchung: xã hội dân sự là một ý niệm (a concept), nó “đứng” ở chỗ giao nhau của những “bộ phận” quan trọng trong sự phát triển của tri thức trong khoa học xã hội. Chính vì tính đa dạng của khái niệm, CCS cũng chỉ đưa ra một định nghĩa ban đầu “có thể chấp nhận được để hướng dẫn cho việc nghiên cứu và  giảng dạy (nhưng CCS cũng chú ý rằng định nghĩa này không phải là sự giải thích mang tính cứng nhắc): xã hội dân sự liên quan đến hoạt động tập thể tự nguyện xoay quanh sự chia sẻ về lợi ích, mục đích và những giá trị. Về mặt lý luận, định chế này phân biệt với nhà nước, gia đình và thị trường trong hoạt động; ranh giới giữa nhà nước, xã hội dân sự, gia đình, thị trường thông thường rất phức tạp, không rõ nét, mang tính thỏa hiệp. Xã hội dân sự thường mang tính tác động (gây áp lực) đa dạng về tự quản (autonomy), về quyền lực. Xã hội dân sự thường thể hiện bằng các tổ chức như từ thiện, tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng, hội phụ nữ, niềm tin dựa vào tổ chức, sự liên kếtnghề nghiệp, công đoàn

Ở bình diện chung nhất, chúng tôi chia sẻ với quan điểm cho rằng cụm từ “dân sự” ở đây có thể hiểu là một tính từ chỉ tính chất của quan hệ xã hội, tức là các quan hệ xã hội được điều chỉnh theo hướng “dân sự” [7]. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu nội hàm của thuật ngữ “dân sự ” (trong cụm từ xã hội dân sự đang bàn ở đây), là để phân biệt (tất nhiên là tương đối) với nhà nước. Như vậy, theo cách hiểu của chúng tôi, thuật ngữ này dùng để chỉ những định chế “bên ngoài nhà nước”. Hiểu theo cách này, xã hội dân sự có thể  liên quan đến hoạt động của các đảng phái chính trị. Tuy nhiên, vì các đảng phái chính trị với tính chất là những thiết chế gắn liền với việc nắm, giữ nhà nước,[8] và đã là đối tượng nghiên cứu quan trọng của khoa học chính trị, nên đối tượng này thường không được đề cập khi nghiên cứu về xã hội dân sự.

Với cách hiểu như vậy, chúng tôi cho rằng xã hội dân sự bao gồm mọi nhóm và mọi hoạt động không bị “ràng buộc” bởi chính quyền: tổ chức chính trị, các hội kinh doanh, các tổ chức tôn giáo, hiệp hội truyền thông, tổ chức từ thiện, công dân v.v.. Tất cả các tổ chức và các chủ thể này đều góp phần giúp phát triển đặc tính đa nguyên của xã hội và ảnh hưởng đến quan hệ của xã hội và chính quyền. Xã hội  dân sự  như là một bổ khuyết chodân chủ đại diện thông qua cơ chế dân chủ tham gia”.

Cách nhìn xã hội dân sự như một xúc tác vào chính sách của một quốc gia đã được người Mỹ công nhận và xem như chuyện hiển nhiên.

II. SỰ PHỤC HƯNG CỦA XÃ HỘI DÂN SỰ 

Sau một giai đoạn dường như bị “chìm” đi, hoặc có chăng, cũng chỉ là sự nghiên cứu mang tính tản mạn của các nhà khoa học, thời gian gần đây, khái niệm xã hội dân sự như được “hồi sinh” và là một phương cách  trung tâm để lý giải các quá trình chính trị – xã hội  diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, kể cả các nước phương Tây cũng như các nước phương Đông.[9]

Quá trình dân chủ hóa ở các nước phát triển phương Tây đã đi tới một giai đoạn mới: chế độ dân chủ đại diện đang mất đi sức sống và những tiền đề cho một chế độ dân chủ trực tiếp, dân chủ tham gia đang dần dần xuất hiện. Khách quan mà nói, dân chủ đại diện là một thành quả rất lớn của dân chủ, của sự phát triển xã hội về mặt chính trị và bản thân chế độ dân chủ đại diện cũng chính là một trong nhũng thành quả to lớn của xã hội dân sự, nhưng đến giai đoạn này, do nhiều lý do khác nhau, nó bắt đầu xơ cứng, kém hiệu lực. Ở một mức độ nào đó, trở thành kém dân chủ, thậm chí trở thành tấm “bình phong” và là công cụ của các nhà tư bản. Sự quan liêu trong bộ máy nhà nước không những không giảm mà còn có xu hướng tăng lên. Mặt khác, đời sống chính trị – xã hội càng phức tạp, nhà nước tư sản càng phải đặt ra nhiều qui định vi phạm quyền tự do dân chủ. Đặc biệt trong thời gian gần đây, với danh nghĩa chống bạo loạn, khủng bố, nhiều nhà nuớc tư sản ban hành các qui định, có thể nói là vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, quyền công dân.[10]

Ngoài ra, các đảng phái chính trị cũng như nhiều chính khách trong thời gian gần đây có nhiều biểu hiện thoái hóa, biến chất. Các đảng phái chính trị tranh cử đều giống nhau ở chỗ đặt lợi ích của các đảng lên trên lợi ích của quần chúng, thậm chí “đi đêm” với nhau để chia chác quyền lợi. Tình trạng khủng hoảng chính trị ở một số nước châu Âu (như Ý) cho thấy rõ điều này. Trong hoàn cảnh ấy, người dân ở những nước này muốn có một chế độ dân chủ khác, cao hơn, trong đó, những lợi ích và ý kiến của họ được phản ánh một cách trực tiếp hơn. Sự phát triển của những phương tiện liên lạc mới, dựa vào kỹ thuật và công nghệ tin học, cũng cho phép thực hiện sự tham gia trực tiếp của các cá nhân công dân vào đời sống chính trị của xã hội. (Chẳng hạn, ngày nay tổng thống Mỹ có thể trực tiếp yêu cầu từng cá nhân công dân cho biết ý kiến của họ về vấn đề này hay vấn đề khác).

Đó là những lý do chủ yếu đưa tới sự phục hưng của khái niệm “xã hội dân sự” ở các nước phát triển phương Tây. Trong The Public Interest, D. Bell nhấn mạnh rằng “yêu cầu trở về với xã hội dân sự là yêu cầu trở về với một phạm vi đời sống xã hội có thể quản lý được, và đời sống xã hội ấy phải coi trọng sự liên hiệp tự nguyện của các giáo hội và các cộng đồng, để cho các quyết định được đưa ra từ các địa phương mà không bị kiểm soát bởi nhà nước và bộ máy quan liêu của nó”[11]. Cũng tương tự như vậy, Charles Taylor nêu bật tư tưởng về xã hội dân sự như phần nổi bật nhất trên con đường tiếp tục đấu tranh cho tự do trong thế giới hiện đại. Đối với Michael Waltzer thì xã hội dân sự chính là sự tổng hợp những giá trị khác nhau trong sự tìm kiếm một “đời sống tốt đẹp”.

Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, những năm trước đây, nhất là những năm bảy mươi, những năm tám mươithế kỷ XX, do nhận thức giáo điều, cứng nhắc, nên có thể nói rằng, “xã hội” bị “nhà nước hóa” triệt để. Có thể nói rằng, những lĩnh vực cá nhân của đời sống con người cũng không còn giữ được “cái riêng” mà nhà nước “đúc khuôn” theo ý chí của nhà nước. Xã hội dân sự, vì thế, ít được xem xét và nhìn nhận.

Thật dễ hiểu tại sao vấn đề xã hội dân sự được đặt ra một cách cấp thiết và bao trùm trong các phong trào dân chủ ở các nước ÐĐông Âu và Liên Xô cũ cuối những năm 80, đầu những năm 90. Nói như A. N. Neduchevski, sự xung đột giữa xã hội dân sự và nhà nước là “vấn đề tư tưởng – chính trị trung tâm của các quốc gia ÐĐôngÂu”.[12] Trong những điều kiện lịch sử của các nước đó, phần nào giống với hoàn cảnh Tây Âu thế kỷ XVIII, vấn đề xã hội dân sự vừa gắn với vấn đề độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, vừa gắn với những yêu cầu dân chủ của đại đa số người dân. Nó thể hiện thành sự khôi phục tính độc lập của xã hội dân sự,

Chúng tôi cho rằng, quan điểm của Chủ nghĩa Mác –Lênin là không có gì ngược lại với  lý luận về xã hội dân sự cả, nếu không muốn nói là phù hợp. Tiến tới chủ nghĩa cộng sản tức là tiến tới một xã hội dân sự hoàn thiện, nơi mà “nhà nước nhỏ dần, nhỏ dần, tiệm cận đến không”, và xã hội lúc đó tự điều chỉnh bằng các qui tắc tự quản – Đó là lý luận và có thể là lý tưởng, là mục tiêu để chủ nghĩa xã hội vươn tới. Rất tiếc, khi thực hiện, các nước xã hội chủ nghĩa đã nhận thức một cách nóng vội, chủ quan, duy ý chí, muốn đốt cháy giai đoạn. Thành ra, ở Liên Xô và các nước Đông Âu, mô hình xã hội chủ nghĩa khi đem ra áp dụng, nhưng với nhận thức và cách làm như trên đã phân tích lại bị chính lý luận và thực tiễn của xã hội dân sự loại bỏ.

III. XÃ HỘI DÂN SỰ, DÂN CHỦ HÓA, NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN VÀ KINH NGHIỆM TỪ MỘT SỐ NƯỚC ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Qua phân tích ở trên và thực tiễn ở các nước trên thế giới có thể rút ra kết luận: quá trình dân chủ hóa đều gắn liền với sự hình thành và phát triển của xã hội dân sự lành mạnh, và theo chúng tôi, đó là bản chất của dân chủ.Dân chủ, trước hết quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, và quá trình dân chủ hóa về bản chất là quá trình quyền lực chuyển dần từ nhà nước sang tay nhân dân.

Trong một xã hội với những cá nhân, những nhóm cá nhân có những lợi ích, xu hướng khác nhau là điều tất yếu, vấn đề là phải điều hòa và tìm kiếm sự đồng thuận giữa họ trong chừng mực có thể. Điều đó tất yếu đòi hỏi phải có một  nhà nước điều tiết, điều hòa xã hội bằng luật pháp trên cơ sở những giá trị dân chủ và nhân bản – đó là gì, nếu không phải là nhà nước pháp quyền? Do đó, vấn đề đặt ra không phải là “xã hội dân sự hay nhà nước” như một số người quan niệm, mà là “xã hội dân sự nhà nước”. Một xã hội dân sự tồn tại không những khôngloại trừ sự tồn tại của nhà nước mà ngược lại, sự có mặt của một nhà nước (nhà nước pháp quyền như đã phân tích ở trên) là rất cần thiết để điều hành, bảo đảm cho xã hội dân sự tồn tại và phát triển. Xã hội dân sự văn minhrất cần một nhà nước ổn định, vững chắc. Mặt khác, khi thay đổi cả một thể chế chính trị, hoặc một quốc gia trong giai đoạn chuyển tiếp, hay trong  thời kỳ quá độ, đòi hỏi phải có kỷ cương, trật tự. Nếu không, đó chỉ là sự thay thế xã hội mất dân chủ này bằng một xã hội mất dân chủ khác. Không có nhà nước pháp quyền mà nói tới xã hội văn minh dân sự là không bảo đảm tính khả thi. Theo chúng tôi, thực tiễn ở Indonesia, trong những năm cuối của thế kỷ XX, hiện nay và một số quốc gia khác đã nói lên điều đó. Có thể, vì sự ngộ nhận về vấn đề này nên ở một số nước như ở Indonesia, Philippines và nhiều quốc gia ở châu Phi, đã dẫn đến tình trạng hiện nay, đólà sự suy yếu của bộ máy nhà nước đã “bắt” những người dân ở những nước này phải trả giá, có thể nói là rất“đắt”: kỷ cương phép nước bị xáo trộn, xã hội bị đảo lộn, đất nước rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng chính trị, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội, khủng hoảng niềm tin, xung đột dân tộc, tôn giáo, ly khai lãnh thổ. Ngay cả một số nước ở Đông Âu, vì sự suy yếu của quyền lực nhà nước, những giá trị về dân chủ đôi khi bị đảo lộn. Khi những giá trị của dân chủ còn bị “mơ hồ”, thì đương nhiên, hệ quả của nó là khủng hoảng chính trị là điều không tránh khỏi.

Ở một số nước như Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, sau khi đã trải qua một giai đoạn lịch sử, nói chung hiện nay họ đã có những tiền đề nhất định (ở những mức độ khác nhau), nhất là những tiền đề về kinh tế cho việc phát triển một xã hội dân sự: thừa nhận sở hữu tư nhân và một nền tảng nhất định của kinh tế thị trường. Ở đó, vấn đề then chốt phải giải quyết là thể chế chính trị bên trên; lựa chọn chế độ chính trị nào. Nhiều nước này đã từng trải qua chế độ chuyên chế về chính trị trong một thời gian tương đối dài, chưa có nhà nước pháp quyền. Do đó, quá trình dân chủ hóa ở những nước này, về thực chất, đó là quá trình đấu tranh giữa xã hội dân sự và chế độ độc tài. Hàn quốc vào những năm thập niên 80, 90 thế kỷ XXlà một thí dụ nổi bật. Trong bài “Phát triển kinh tế và dân chủ hóa ở Hàn Quốc”[13], Chung-Shi Ahn (một nhà nghiên cứu Hàn Quốc) đã xem xét mối quan hệ giữa những biến đổi kinh tế và sự hình thành xã hội dân sự ở nước này. Ông nêu bật những nỗ lực vô tận của các công dân nhằm giành tự do cá nhân và tính độc lập của xã hội đối với sự kiểm soát độc đoán của uy quyền chính trị (ở đây là chế độ độc tài của một nhóm cầm quyền riêng, tức là giới quân sự). Ở Hàn Quốc, trên thực tế, chế độ độc tài không phải bao giờ cũng kiểm soát các khu vực xã hội một cách tuyệt đối. Do đó, xã hội dân sự có được một mức độ độc lập nào đó và thường được phép tự kiểm soát trong những giới hạn nhất định. Nhưng theo tác giả này, khi xã hội dân sự đã đạt tới một trình độ phát triển nào đó thì sự xung đột của nó với quyền lực độc tài là không thể tránh khỏi, nhất là với bộ máy đàn áp. Các cuộc đấu tranh dân chủ nảy sinh dưới những hình thức khác nhau mà mục đích là thông qua quá trình ấy, bắt buộc nhà nước phải đặt các thể chế (bộ phận) của nó vào những quan hệ mật thiết hơn với xã hội dân sự. Việc thiết lập chính quyền dân sự thay cho chính quyền quân sự qua cuộc bầu cử tổng thống đầu năm 1993 là một thành tựu to lớn của dân chủ hóa cũng như của sự phát triển xã hội dân sự cao hơn.[14]

Ngoài ra Đài Loan, Philippines, Indonesia hay kể cả một số nước châu Mỹ – La tinh trong thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến những biến đổi trong chính quyền là do tác động của xã hội dân sự.

Một số nước khác như Việt Nam, Trung Quốc, hay Lào, sự hình thành xã hội công dân đã không diễn ra một cách thuận lợi. Điều này xuất phát từ hai lý do: một là, ở một số nước, trong điều kiện chiến tranh, nên đã hạn chế rất lớn những điều kiện, nhất là những tiền đề về thực tiễn của xã hội dân sự (các quyền tự do dân chủ của công dân, cũng như các quyền sở hữu của công dân chưa được tôn trọng và bảo vệ đến mức cần thiết vì những lý do chiến tranh); hai là, và đây mới là nguyên nhân chủ yếu, các nước này rập khuôn theo “mô hình chủ nghĩa xã hội nhà nước”, tức là một mô hình về thực chất là xem nhẹ xã hội công dân và thiết lập chế độ nhà nước, sở hữu tư nhân đã từng bị xóa bỏ, kinh tế thị trường không được chấp nhận, nghĩa là những tiền đề kinh tế của xã hội dân sự thời kỳ đó không được công nhận. Những quyền tự do dân chủ, tự do cá nhân bị hạn chế hoặc còn mang tính hình thức. Do đó, con đường xây dựng xã hội dân sự phải được tiến hành đồng bộ và có thể nói là trên các lĩnh vực của đời sống xã hội: trước hết phải cải cách về kinh tế: thừa nhận sở hữu tư nhân, thừa nhận, khẳng định kinh tế thị trường.

Như vậy, tiến trình phát triển ở một số nước trên thế giới đã cho chúng ta thấy rằng, quá trình dân chủ hóa phải có cách nhìn nhận thẳng thắn và đúng đắn về mối quan hệ giữa nhà nước với công dân và sau đó là cả một tiến trình “nhào nắn”, “phân vai” lại giữa quyền lực nhà nước với quyền lực xã hội. Do vậy, vấn đề đặt ra của tiến trình dân chủ hóa là không những đặt ra mục tiêu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, mà đồng thời phải nghiêm túc xem xét vai trò và chỗ đứng của người dân. Thực chất, đây là hai mặt của một vấn đề. Hay nói cách khác, dân chủ xem xét dưới góc độ của nhà nước thì nhà nước đó phải là nhà nước pháp quyền, nếu xem xét dưới góc độ xã hội thì xã hội đó phải là xã hội dân sự. Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Sơn khi phân tích các nguyên tắc và tiêu chí của xã hội dân chủ cũng cho rằng “nhà nước phải phối hợp hoạt động với xã hội công dân (xã hội dân sự), tạo điều kiện cho công dân tham gia công việc nhà nước và giám sát phê bình hoạt động của nhà nước” và ông khẳng định “thực chất của nền dân chủ theo nghĩa rộng là xây dựng một nền kinh tế thị trường, một nhà nước pháp quyền và xã hội công dân”.[15] Giáo sư Tương Lai cũng cho rằng “chúng ta nói nhiều về nhà nước pháp quyền nhưng lại có phần nào còn e dè về xã hội dân sự, ấy vậy mà, xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền gắn với nhau như bóng với hình”.[16]

Do vậy, theo chúng tôi,  trước hết chúng ta cần thống nhất định hướng về tư tưởng chỉ đạo là phải đặt ra mục tiêu xây dựng xã hội dân sự ở nước ta (cũng giống như trước 2001- Đảng ta đã đặt ra mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền), “đừng sợ xã hội dân sự” .[17] đừng coi xã hội dân sự là đối lập với Nhà nước[18].

Để có những cơ sở, nền tảng cho việc định hình, phát triển của một xã hội dân sự lành mạnh ở nước ta, theo chúng tôi, cần xem xét, nghiên cứu, cân nhắc những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, cần nhanh chóng ban hành “Luật về hội” .[19] Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc định hình xã hội dân sự. Cùng với ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền hội họp, quyền biểu tình, thì quyền lập hội là những quyền cơ bản của con người, không những trong các văn kiện quốc tế,[20] mà trong các bản Hiến pháp nước ta đều trịnh trọng qui định[21]. Những quyền này, suy cho cùng là để đảm bảo vai trò của mỗi cá nhân trong xã hội. Mỗi cá nhân đều có quyền thể hiện những điều mà mình nghĩ, có quyền liên kết tự do và độc lập giữa người dân với nhau quanh từng vấn đề xã hội, tôn giáo, chính trị, văn hóa. Tuy nhiên, mỗi cá nhân, nếu chỉ là những cá nhân đơn độc, bị xé lẻ, bị cô lập thì sự ảnh hưởng, tác động của họ đối với Nhà nước khó có thể có hiệu quả và họ cũng không thể tự làm chủ xã hội, nếu chỉ bằng sự nỗ lực “đơn lẻ” của từng cá nhân. Thông qua quyền lập hội, các tổ chức xã hội được thành lập và đó là tiếng nói của những người dân được tập hợp lại với nhau để tạo thành một sức mạnh, cùng Nhà nước thực hiện những mục tiêu của hệ thống chính trị, để kiểm soát Nhà nước, để bảo vệ mình, để chống lại những tiêu cực trong xã hội như tham nhũng, nhũng nhiễu, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; để tự mình giải quyết những công việc mà không cần thông qua nhà nước…

Thứ hai, cần phải tôn trọng tính “xã hội của các tổ chức này. Ngay tên gọi “Luật về hội” đã nói lên phần nào nội dung của dự luật này theo hướng “nhà nước hóa” các tổ chức xã hội. Do đó, Luật này cần có tên  khác, đại thể như “Luật về quyền lập hội”. Tương tự như vậy, nội dung của nó phải theo hướng tạo điều kiện, thúc đẩy quyền được lập hội của công dân, chứ tuyệt nhiên, không nên theo hướng ngược lại, hoặc “nhà nước hóa” các tổ chức dân sự.

Thứ ba, theo chúng tôi, nên sửa đổi về tên gọi cũng như về nội dung “Luật báo chí” thành “Luật về quyền tự do báo chí” theo hướng như đã phân tích ở trên. Rõ ràng, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi về vấn đề này. Đây là cách gọi “chính danh” nhất, đúng đắn nhất.[22] Mặt khác, về lâu dài, Nhà nước không trực tiếp quản lý báo chí (và các phương tiện truyền thông khác), nó là “của” xã hội dân sự. Đặc biệt, chế độ “kiểm duyệt” đối với báo chí và các phương tiện truyền thông cần phải được xem xét, tiến tới loại bỏ.

Thứ tư, để xã hội dân sự thực sự có “đất sống”, “sức sống”, thiết nghĩ cũng rất cần “Luật về quyền tự do ngôn luận”, “Luật về quyền hội họp”.

“Luật về quyền biểu tình” có thể là công việc cần làm tiếp theo. Chúng ta đã nói nhiều đến phản biện xã hội, nói nhiều đến vai trò của phản biện xã hội trong việc phát huy dân chủ. Có lẽ đây là điều không cần bàn cãi. Phản biện xã hội có nhiều hình thức và mức độ thể hiện khác nhau. Biểu tình là một  trong những hình thức thể hiện đó và đây là hình thức thể hiện “sự phản kháng” xã hội có thể nói là cao nhất của một “bộ phận” nhân dân (như những người cùng nghề nghiệp, cùng lứa tuổi, cùng giới tính…). Điều đó nói lên rằng họ phản đối đối với một quyết định, một chính sách… của Nhà nước và yêu cầu Nhà nước xem xét lại vấn đề đó. Đó rõ ràng là một quyền hết sức cơ bản, hết sức chính đáng của người dân.[23]

Thứ năm, một việc làm không kém phần quan trọng là phải ban hành “Luật về quyền được thông tin” của người dân. Để công dân “làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội”; để các tổ chức xã hội phản biện về chủ trương, chính sách, đề án; để chức năng “giám sát xã hội” đối với Đảng, Nhà nước có hiệu quả; nếu chúng ta thực tâm muốn chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền… thì không thể không thực hiện việc thông tin cho xã hội, cho công dân. Đó phải là trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan nhà nước. Nếu không như vậy, mục tiêu dân chủ là không khả thi, hoặc là chế độ dân chủ chưa phải là thực chất, chưa đúng với nghĩa của nó.

Tiếp theo đó, một vấn đề chúng ta cần nhìn nhận một cách thẳng thắn trong xu thế dân chủ hóa hiện nay, đó là việc cần “nhào nắn” phân vai lại giữa Nhà nước và xã hội như trên đã nói theo phương châm: những gì mà xã hội làm được, hoặc làm tốt hơn Nhà nước, thì nên “để” cho xã hội làm. Thực ra, đây không phải là vấn đề mới mẻ, mà là cái chúng ta đang và đã làm, thường diễn tả bằng cụm từ “xã hội hóa” .[24] Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn, chứ không nên mang tính “nhỏ lẻ”,“manh mún” như hiện nay. Chẳng hạn như nhiều hoạt động hành chính, dịch vụ và kể cả về một vấn đề rất lớn hiện nay là chính quyền địa phương: “Xu hướng chung của các nhà nước dân chủ trên thế giới hiện nay là tổ chức chính quyền địa phương theo nguyên tắc tự quản. Liên minh Châu Âu năm 1995 đã thông qua công ước về tự quản địa phươngVì vậy, chúng ta cần nghiên cứu tiếp thu những kinh nghiệm hay của tổ chức tự quản địa phương, những điều kiện và khả năng có thể áp dụng được ở nước ta để hướng tới đổi mới một cách toàn diện tổ chức chính quyền địa phương trong giai đoạn mới”.[25]

Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng nên cân nhắc, xem xét về việc thành lập lại mô hình “khu tự trị” [26], tất nhiên với những qui chế, qui định mới để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện nay, một mặt vừa đảm bảo tính thống nhất, vẹn toàn đất nước, vừa phát huy những giá trị, những truyền thống, văn hóa của các dân tộc thiểu số. Cuối cùng, chúng tôi suy nghĩ rằng xã hội không phải lúc nào cũng là một khối thuần nhất, mà là một tập hợp của nhiều bộ phận, nhiều cá thể riêng biệt. Albert Einstein, cha đẻ của Thuyết tương đối lừng danh đã từng nóiChúng ta không thể giải quyết vấn đề với cùng một cách suy nghĩ khi chúng ta đã tạo ra nó” .[27]


[1] Chẳng hạn, trong CSS Report on Activities July 2005 – August 2006, trang 1 (Centre for Civil Society (CCS)The London School of Economics and Political Science – Web: http://www.lse.ac.uk/ccs ) cho rằng  xã hội dân sự là một ý niệm tranh luận trong lịch sử  và đương đại “The concept of civil society is contested historically and in contemporary debates”.

Ở trong nước, có thể xem: Võ Khánh Vinh, Khung tư duy nhận thức về xã hội dân sự, Tạp chí Nhà nước vàPháp luật, số 2/2006, tr. 3; Nguyễn Như Phát, Tìm hiểu khái niệm xã hội dân sự, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật,số 6/2006, tr. 3; Phan Hữu Thư, Bước đầu tìm hiểu xã hội dân sự tại Việt Nam , Tạp chí Nhà nước và Pháp luật,số 9/2006, tr. 3; Hoàng Ngọc Giao, Bàn về xã hội dân sự , Tạp chí nhà nước và pháp luật, số 11/2006, tr. 52);Nguyễn Am Hiểu, Xã hội dân sự  nhìn từ góc độ luật học, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 12/2006, tr. 22;Đánh giá ban đầu về xã hội dân sự tại Việt Nam – Dự án CIVICUS CSI-SAT công cụ đánh giá nhanh chỉ số xã hội dân sự, Hà Nội, tháng 01/2006 , tr. 9.

[2] Các nhà nghiên cứu cho rằng vào thời đó, politiké (mà sau này thường dịch thành “chính trị”) là một phạm trù rộng lớn, bao gồm tất cả các mặt quan trọng nhất của đời sống xã hội: gia đình, tôn giáo, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật… Nó bắt nguồn từ từ polis có nghĩa là Thành bang (Cité), hay cộng đồng dân cư thành bang, tức là một xã hội nhất định. Do vậy khi nói “con người là động vật chính trị” thì cũng có thể hiểu là “con người là động vật xã hội”. Thành viên của polis hay politiké được gọi là công dân. Đó cũng là thành viên một quốc gia, phải sống và hoạt động theo luật pháp quốc gia và không được gây hại cho các công dân khác(Theo Nguyễn Kiến Giang,Tìm hiểu khái niệm “xã hội công dân”,

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=337).

[3] Thuật ngữ này phản ảnh tình trạng xâu xé nhau trong xã hội vào thời “tích lũy nguyên thủy” của chủ nghĩa tư bản.

[4] Hobbes coi trạng thái tự nhiên của xã hội là tiêu cực, trong đó, người là chó sói với người, nhưng lại coi xã hội dân sự là tích cực, trong đó, mọi người đánh đổi tự do tuyệt đối lấy sự an ninh của mình (do nhà nước bảo trợ).

[5] Theo Nguyễn Kiến Giang, tlđd.

[6] Centre for Civil Society (CCS) The London School of Economics and Political Science – Web:www.lse.ac.uk/ccs “Civil society refers to the arena of uncoerced collective action around shared interests, purposes and values. In theory, its institutional forms are distinct from those of the state, family and market, though in practice, the boundaries between state, civil society, family and market are often complex, blurred and negotiated. Civil society commonly embraces a diversity of spaces, actors and institutional forms, varying in their degree of formality, autonomy and power. Civil societies are often populated by organisations such as registered charities, development non-governmental organisations, community groups, women’s organisations, faith-based organisations, professional associations, trades unions, self-help groups, social movements, business associations, coalitions and advocacy group” (CSSReport on Activities July 2005 – August 2006, tr. 1).

[7] Xem Nguyễn Am Hiểu, Xã hội dân sự  nhìn từ góc độ luật học, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật Số 12/2006, tr. 12.

[8] Đã gọi là đảng phái chính trị thì phải có mục tiêu chiếm giữ lấy nhà nước để thực hiện mục tiêu chính trị của đảng mình.

[9] Chẳng hạn: Charles Taylor (Modes of Civil Society, 1990); Edward Shils (The Virtues of Civil Society, 1991); Michael Waltzer (The Idea of Civil Society, 1991); Daniel Bell (American Exceptionalism Revisited: The Role of Civil Society, 1989)… (Theo Nguyễn Kiến Giang – tlđd).

[10] Chẳng hạn, để chống khủng bố,Tổng thống Mỹ Bush cho phép một số cơ quan nghe lén điện thoại của người dân.

[11] The Idea of Civil Society, The Free Press, N.Y., tr. 2 (Theo Nguyễn Kiến Giang, tlđd).

[12] “Dân chủ và bạo quyền thời cận đại và hiện đại”, Voprocy filosofii, số 10, 1993, Moskva, tr. 18 (Theo Nguyễn Kiến Giang, tlđd).

[13] Korea and World Affairs, Seoul, số 4, 1991.

[14] Theo Nguyễn Kiến Giang – tlđd

[15] Phan Xuân Sơn, Các đoàn thể nhân dân với việc bảo đảm dân chủ ở cơ sở hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2003.

[16] Tương Lai, Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 1(48)/2005, tr. 67.

[17] Cách dùng từ của GS.TS Đặng Ngọc Dinh, “đừng sợ xã hội dân sự”,  Báo điện tử Vnexpress (21/5/2006).

[18] Xem ”Xã hội dân sự không đối lập với nhà nước”, VietNamNet, 12/6/2006.

[19] Đúng ra, Luật về hội được thông qua cuối năm 2006(theo Nghị quyết số 49/2005/QH11). Tuy nhiên, sau đó kế hoạch này bị hoãn lại, vì vấn đề này còn “nhạy cảm”, cần xem xét thêm ( thông tin không chính thức- NV), theo Nghị quyết số 72/2006/QH11 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007, ngày 17-10 đến 29-11-2006  , Quốc hội có thể xem xét Luật này (vì Luật về hội  là một trong 16 luật nằm trong chương trình chuẩn bị) trong năm 2007

[20] Điều 20, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, Điều 22, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị .

[21] Hiến pháp 1992 qui định tại Điều 69 “ Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật”.

[22] Hiến pháp qui định rõ ràng“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…” như đã trích dẫn và phân tích ở trên. Cũng cần lưu ý rằng, ngay từ ngày đầu tiên của chế độ dân chủ cộng hòa, Bác Hồ đã yêu cầu đặt tên cho luật về báo chí là “Luật về quyền tự do báo chí”.

[23] Trừ Bản Hiến pháp đầu tiên, tất cả các bản Hiến pháp sau này của nước ta đều qui định về quyền biểu tình của công dân. (Điều 25, Hiến pháp 1959; Điều 67, Hiến pháp 1980; Điều 69, Hiến pháp 1992). Trong  Điều 67, Hiến pháp 1980, cách qui định rất “xã hội dân sự” là “ Công dân có quyền… tự do biểu tình…”

[24] Chẳng hạn, trong Luật Công chứng năm 2006 (có hiệu lực từ 1/7/2007), cho phép Văn phòng công chứng không phải của Nhà nước (theo loại hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh) được tham gia công chứng – lĩnh vực trước đây chỉ do Nhà nước thực hiện.

[25] Trương Đắc Linh, Mô hình tổ chức chính quyền địa phương:sự phát triển qua bốn bản Hiến pháp và vấn đề đổi mới, Hội thảo “Phát huy giá trị chính trị, pháp lý của Hiến pháp 1946 trong sự nghiệp đổi mới hiện nay“, Hà Nội, 19-20/01/2007.

[26] Hiến pháp 1959 có qui định về việc thành lập các khu tự trị ở địa phương có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng sau này, chúng ta đã xóa bỏ mô hình này.

[27] “We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them”.

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 1 (38) NĂM 2007

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading