admin@phapluatdansu.edu.vn

TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRONG DOANH NGHIỆP

LỆ HẰNG – Bộ Tư pháp

Trong vài năm trở lại đây, khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới và Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO thì doanh nghiệp Việt Nam đã dần nhận thấy vai trò của tư vấn pháp luật và việc các doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp luật trong nhiều trường hợp đã không còn mới mẻ và xa lạ, đặc biệt là khi có các sự cố xảy ra như bị truy cứu trách nhiệm vì vi phạm pháp luật, tranh chấp hợp đồng, đòi nợ…

1. Sự cần thiết của tư vấn pháp luật:

          Tư vấn pháp luật là hoạt động cung cấp thông tin pháp luật, giải thích pháp luật cho doanh nghiệp và định hướng hành vi của doanh nghiệp trong những điều kiện, hoàn cảnh pháp luật đã dự liệu trước. Tư vấn pháp luật sẽ đưa ra các giả thiết và những giải pháp tối ưu để doanh nghiệp lựa chọn khi có các vấn đề liên quan đến pháp luật. Điều này nhằm mục đích đưa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận hành trong hành lang pháp lý và nắm bắt tối đa cơ hội kinh doanh và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động.

2. Doanh nghiệp có cần tư vấn pháp lý không?

          Câu hỏi này nếu đặt ra các chắc chắn sẽ được đa số lãnh đạo các doanh nghiệp trả lời là có. Tuy nhiên trên thực tế, trong quá trình thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng yếu tố pháp luật thậm chí còn lơ là, không quan tâm đến những thay đổi trong các chính sách pháp luật, điều này tập trung phần lớn trong bộ phận các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sẽ thật là sai lầm nếu doanh nghiệp tiếp tục hướng đi trên bởi khi nền kinh tế phát triển, pháp luật sẽ ngày một hoàn thiện hơn, điều chỉnh chặt chẽ hơn các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang ngày một sâu và rộng, các quốc gia thường xuyên ký kết các hiệp định thương mại song phương với nhau, tích cực tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế … thì những quy định pháp luật về kinh doanh là vô cùng phức tạp. Doanh nghiệp sẽ không khỏi lúng túng khi va chạm với hệ thống pháp luật. Để đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đúng pháp luật, phòng tránh rủi ro pháp lý trong kinh doanh thì doanh nghiệp rất cần phải có tư vấn pháp luật.

          Tham gia vào hoạt động tư vấn pháp luật trong doanh nghiệp có thể là luật sư tư vấn, chuyên gia pháp lý hoặc tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp. Ngoài ra còn có các Hiệp hội, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp là những tổ chức thường xuyên có những hoạt động hỗ trợ pháp luật cho hoạt động của các doanh nghiệp.

          Vai trò của tư vấn pháp luật quan trọng như vậy nhưng trên thực tế, việc sử dụng tư vấn pháp luật đang gặp phải một số vấn đề khó khăn bởi theo nhận định thì một vài năm trở lại đây, nhiều văn phòng luật sư, tư vấn luật đã phải thu hẹp hoạt động, giảm biên chế, thay đổi chức năng hoạt động hoặc đóng cửa do thiếu việc làm.

          Tại sao lại có những điều nghịch lý nói trên, khung pháp luật nói chung và pháp luật kinh doanh nói riêng đang thường xuyên đổi mới, hoàn thiện với hàng loạt văn bản được sửa đổi hoặc ban hành mới và hàng chục ngàn doanh nghiệp mới ra đời dưới sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Chắc hẳn không phải là điểm bão hoà của quan hệ cung cầu, nhưng điều gì làm cho các doanh nghiệp không tìm đến các dịch vụ tư vấn pháp luật trên thị trường dịch vụ pháp lý?

          Nguyên nhân chính là do lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn, họ chưa để ý hoặc ngần ngại khi tuyển dụng các “luật sư”, “cố vấn pháp lý” cho mình. Đây cũng là điều còn sót lại của một thói quen khác trong cơ chế cũ, khi mọi việc đều có cấp trên lo liệu, và nếu có khó khăn, vướng mắc gì về cơ chế, chính sách và cả pháp luật cũng tất yếu sẽ được cấp trên hoặc dựa vào cấp trên (cơ quan chủ quản) để giải quyết, hoặc do quan niệm “việc đến đâu, lo đến đó”, tức là khi có tranh chấp xảy ra mới tìm đến các nhà tư vấn để tìm giải pháp tháo gỡ.

          Vì lý do trên mà phần lớn các doanh nghiệp chỉ tìm đến các luật sư hay nhà tư vấn khi có “vấn đề” với pháp luật, đặc biệt là trong trường hợp có rủi ro, vướng mắc, tranh chấp hay kiện tụng. Đôi khi sự việc là quá muộn để có được các giải pháp trợ giúp pháp lý thực sự có hiệu quả. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp chỉ sử dụng hình thức tư vấn theo vụ việc chứ không sử dụng hình thức tư vấn thường xuyên.

          Một nguyên nhân khác nữa là vấn đề thuộc về chính các nhà tư vấn. Trên thực tế, rất nhiều người tự xưng là nhà tư vấn, luật sư, luật gia nhưng kiến thức và sự hiểu biết về hoạt động kinh doanh và tâm lý, nhu cầu của doanh nghiệp còn rất hạn hẹp. Có thể nói số lượng các nhà tư vấn có trình độ chuyên nghiệp không nhiều. yêu cầu đối với các nhà tư vấn là vừa phải hiểu biết pháp luật, vừa có đủ kiến thức về kinh tế và kinh nghiệm cuộc sống chung ở mức có thể dễ dàng nắm bắt nhanh chóng các vấn đề của doanh nghiệp, hơn nữa có khả năng thuyết phục và tạo sự tin cậy cho doanh nghiệp bằng sự phân tích sắc sảo và đề ra nhanh chóng các giải pháp thực tiễn trong mọi tình huống. Nếu không đạt được các tiêu chuẩn này, các “nhà tư vấn” rất có thể, không những không mang đến cho doanh nghiệp sự trợ giúp cần thiết, mà còn tạo ra cảm giác  phiền hà và lãng phí thời gian, đôi khi còn làm giảm niềm tin của doanh nghiệp vào đội ngũ các nhà tư vấn nói chung.

          Mặc dù có các vấn đề đang tồn tại nói trên nhưng thực tế các doanh nghiệp thực sự và ngày càng có nhu cầu về tư vấn nói chung và tư vấn pháp luật nói riêng. Khác với các loại tư vấn chuyên ngành khác vốn là dịch vụ trợ giúp trực tiếp các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, tư vấn pháp là hoạt động nhằm mục đích hạn chế hay loại trừ các rủi ro doanh nghiệp, thậm chí rủi ro đối với các giám đốc hay chủ doanh nghiệp. Cụ thể là:

Rủi ro từ các quan hệ với đối tác : các vi phạm tranh chấp hợp đồng có thể phát sinh, các thất thiệt do thiếu kinh nghiệm đàm phán về quan hệ quyền lợi và nghĩa vụ trong các giao dịch theo hướng tối đa hoá quyền và giảm thiểu nghĩa vụ hay xác định các chế tài cho các tình huống ngoài ý muốn.

Rủi ro từ các quan hệ với Nhà nước : các vi phạm về các nghĩa vụ công cộng như nộp thuế, bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn của người lao động..vv

          Các rủi ro nói trên, nếu xảy ra chắc chắc dẫn đến các hậu quả tiêu cực đối với cả doanh nghiệp lẫn người quản lý doanh nghiệp. Đó là tổn thất vật chất và tài chính, suy giảm uy tín đặc biệt nghiêm trọng hơn là phương hại về quyền tự do, thân thể và danh dự đối với người quản lý doanh nghiệp.

          Trong giai đoạn chuyển đổi của nền kinh tế như ở nước ta hiện nay, các yếu tố rủi ro đối với đời sống kinh doanh là không thể tránh khỏi. Các nhà kinh doanh chuyên nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm đương nhiên là ý thức được các rủi ro đó. Tuy nhiên, giải pháp để phòng ngừa và khắc phục cần các kiến thức toàn diện và sâu sắc hơn về các vấn đề mà các nhà doanh nghiệp khó có thể có được… Các nhà tư vấn pháp lý sẽ hỗ trợ quá trình này. Đối với các nhà doanh nghiệp trẻ và mới vào nghề, tư vấn pháp lý đương nhiên phải giúp họ trước hết là chỉ ra được và phân tích các rủi ro tiềm tàng và rủi ro trong từng thương vụ cụ thể.

           Trong trường hợp có tranh chấp pháp lý xảy ra thì cố vấn pháp luật sẽ đưa ra các giải pháp tối ưu để chủ doanh nghiệp lựa chọn nhằm hạn chế chi phí cho doanh nghiệp. Lợi ích to lớn mà tư vấn pháp luật mang lại đó là không phải giải quyết tranh chấp đã xảy ra mà dự liệu nó trong tương lai, vì thế mà chi phí thuê tư vấn sẽ thấp hơn nhiều so với chi phí giải quyết tranh chấp.

          Doanh nghiệp cần phải hiểu hoạt động kinh doanh nhằm vào mục tiêu lợi nhuận nhưng phải bảo đảm tuân thủ pháp luật và an toàn. Tư vấn pháp lý chính là thực hiện yếu tố thứ hai này. Với quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế thì tư vấn pháp lý ngày càng trở nên cần thiết khi các doanh nghiệp hầu như hàng ngày phải tương tác với các đối tác nước ngoài, đồng nghĩa với việc va chạm với các hệ thống pháp luật khác nhau vốn chứa đựng nhiều yếu tố khác biệt và vấn đề phức tạp mà bản thân nhà quản lý doanh nghiệp không lường trước được.

3. Lời khuyên cho doanh nghiệp Việt Nam

Dưới góc độ nhìn nhận từ thực tiễn áp dụng pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, thì các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp cần tham khảo và áp dụng một số loại hình tư vấn pháp luật như sau:

Thứ nhất, Tham gia Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp, để được tư vấn, hỗ trợ về các vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật, đồng thời nâng cao ý thức, kiến thức pháp luật nói chung và hiểu biết các chính sách, văn bản pháp luật mới liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình nói riêng. Các tổ chức này cũng có dịch vụ tư vấn pháp luật theo vụ việc, tư vấn pháp luật thường xuyên với đội ngũ các chuyên gia giỏi, có uy tín.

Thứ hai, sử dụng tư vấn trong công ty, gọi là trợ lý pháp luật cho giám đốc hoặc thành lập phòng pháp chế của doanh nghiệp. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp chưa có nhân sự cho công tác này. Các nhà trợ lý pháp luật này cần thiết và hữu ích cho các giao dịch hàng ngày của doanh nghiệp, vì họ là người vừa hiểu công việc của doanh nghiệp, vừa nắm rõ tâm lý, thói quen và các hạn chế của lãnh đạo. Họ cũng là cầu nối khi doanh nghiệp cần giao dịch với các tổ chức liên quan đến pháp luật ở bên ngoài. Trong hợp tác quốc tế hiện nay, khi các đối tác nước ngoài thường sử dụng luật sư thì chính các trợ lý pháp luật là người đối thoại thuận tiện nhất với phía đối tác của họ.

Thứ ba, sử dụng các tư vấn pháp lý độc lập, thường là công ty luật, các luật sư, luật gia. Các nhà tư vấn này có hai ưu thế hơn hẳn so với các trợ lý pháp luật nội bộ. Trước hết, do độc lập nên học có điều kiện, cơ hội tiếp xúc và đối diện với nhiều tình huống pháp lý và kinh doanh khác nhau, qua đó tích luỹ được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp đa dạng, phong phú. Họ cũng có các quan hệ xã hội và nghề nghiệp rộng rãi để có thể huy động trí tuệ và lực lượng của nhiều đối tượng khác nhau cho các giải pháp nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, ưu thế khác chính là vị trí độc lập nên họ có thể đưa ra các tư vấn khách quan mà không cần chú ý đến tâm lý và thói quen riêng của các vị thủ trưởng là giám đốc doanh nghiệp. Các ý kiến tư vấn khách quan nhiều khi còn có thể sử dụng làm cơ sở hay chỗ dựa  pháp lý cho các quyết định của lãnh đạo các doanh nghiệp. Trong trường hợp này, các nhà tư vấn độc lập phải chia sẻ trách nhiệm với giám đốc doanh nghiệp về bảo đảm tính hợp pháp của các quyết định được tư vấn.

          Ngoài ra, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến việc tham gia các dịch vụ tư vấn thường xuyên (hàng tháng, hàng năm) để có thể yên tâm đồng thời hạn chế tối đa được những rủi ro đáng tiếc trong quá trình kinh doanh.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP

Trích dẫn từ:

http://www.moj.gov.vn/p/tag.idempotent.render.userLayoutRootNode.target.n65.uP

One Response

  1. đứng về phía những người cung cấp dịch vụ pháp lí thì làm 1 luật sư tư vấn trong 1 công ti tư vấn độc lập và làm 1 trợ lí cố vấn pháp luật cho riêng 1 doanh nghiệp thì cái nào hơn??ưu điểm, hạn chế của từng cái?

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading