Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

THANH TRA 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2008: PHÁT HIỆN 966,57 TỶ ĐỒNG VÀ 45,6 NGHÌN ĐÔ LA

Advertisements

CPV – “6 tháng đầu năm 2008, Thanh tra Chính phủ đã kết luận 8 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm 966,57 tỷ đồng và 45,6 nghìn USD. Đã kiến nghị thu gồi 668,6 tỷ đồng và 45,6 nghìn USD; kiến nghị xử lý hành chính 9 tập thể, 29 cá nhân; chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra để xem xét trách nhiệm hình sự”.

Đó là kết quả mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho biết tại Hội nghị phối hợp về công tác phòng, chống tham nhũng trong 6 tháng đầu năm 2008 giữa Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được diễn ra vào sáng nay (5/7) tại Hà Nội.

Ông Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; ông Huỳnh Đảm, UVTW Đảng, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị. Tham gia Hội nghị còn có ông Vũ Trọng Kim, UVTW Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TW MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, UVTW Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng đại diện các Bộ, Ban, Ngành của Trung ương.

Báo cáo sơ kết công tác phòng chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng khẳng định: Trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có nhiều những giải pháp để phòng ngừa tham nhũng như các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, quy trình, thời hạn giải quyết công việc, các khoản kinh phí, việc mua sắm tài sản công, công tác tổ chức cán bộ…; tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Đến nay đã có 33 bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương và 54 địa phương báo cáo kết quả kê khai tài sản và thu nhập. Ngoài ra, hầu hết các bộ, ngành và địa phương đã triển khai việc trả lương qua tài khoản cho cán bộ, công chức…; các bộ, ngành, địa phương tích cực xây dựng và ban hành văn bản quy định các vị trí phải chuyển đổi công tác; 14 bộ, cơ quan nagng bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 8 tập đoàn, tổng công ty 91 thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng để tham mưu, giúp việc cho người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện…

Với những biện pháp như vậy, công tác phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm tiếp tục có sự chuyển biến theo hướng tích cực, thể hiện rõ nét trên các mặt nhận thức và hành động của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương. Tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị cũng như khả năng của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng.

6 tháng đầu năm 2008, công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc. Thanh tra Chính phủ đã kết luận 8 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm 966,57 tỷ đồng và 45,6 nghìn USD. Đã kiến nghị thu gồi 668,6 tỷ đồng và 45,6 nghìn USD; kiến nghị xử lý hành chính 9 tập thể, 29 cá nhân; chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra để xem xét trách nhiệm hình sự.

Thanh tra của 64 tỉnh, thành phố đã tiến hành 4.767 cuộc thanh tra kinh tế – xã hội, phát hiện sai phạm về kinh tế gồm 396,310 tỷ đồng và hơn 1 nghìn ha đất. Qua thanh tra đã phát hiện 61 vụ việc tham nhũng, đã đề nghị xử lý hình sự 21 vụ việc.

Về công tác điều tra, truy tố, xét xử, 5 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã khởi tố 158 vụ án với 339 bị can về tội tham nhũng; ngành kiểm sát đã truy tố 192 vụ với 471 bị can; toàn án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ với 432 bị cáo.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng đã thông báo tình hình xử lý các vụ án đang được dư luận quan tâm như vụ Điện kế điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trả hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra bổ sung. Hiện nay đang chờ kết quả giám định; vụ Nguyễn Đức Chi, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung theo yêu cầu của tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chuyển tài liệu điều tra bổ sung tới tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những điểm còn hạn chế, yếu kém cũng như những kinh nghiệm về việc phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị của mình và những ý kiến tâm huyết để làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng. Ông Phạm Hữu Bồng, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam đã đưa ra những hạn chế về quản lý nhà nước, quản lý xã hội, hạn chế của ngành tư pháp… Để nâng cao hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, theo ông Bồng, “cần có cơ chế cụ thể để xã hội tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng”.

Ông Đỗ Xuân Học, Quyền Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, để công tác phòng chống tham nhũng thực sự hiệu quả thì phải sớm xây dựng quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; sớm có văn bản để kiểm soát nhu nhập và cải cách tiền lương để cán bộ công chức yên tâm sống được bằng lương”.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí thư Trung ương Đoàn nhấn mạnh “Phải sớm có văn bản quyết định vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Đặc biệt nên có quy chế thông tin và phản thông tin thì mới tạo ra sự công khai, minh bạch”.

Theo ông Lương Quốc Đoàn, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội Nông dân Việt Nam, nên có cơ chế cụ thể cho việc kê khai tài sản. “Tôi thấy, ở cơ quan tôi có những người ở những ngôi nhà trị giá đến 4 – 5 tỷ đồng nhưng lại mang tên bố mẹ nên không phải kê khai. Hay có những người có đến 30 loại cổ phiếu khác nhau nhưng mỗi loại chỉ có khoảng 1000 cổ phiếu hoặc có nhà có đến 4 xe máy nhưng vì xe cao nhất trị giá chưa vượt quá 50 triệu đồng nên không phải kê khai…”.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Trương Vĩnh Trọng đã bày tỏ lòng cảm ơn đối với những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn của các đại biểu. Phó Thủ tướng nhấn mạnh “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn chỉnh báo cáo sơ kết công tác phòng, chống tham những 6 tháng đầu năm gửi các cơ quan liên quan và sẽ nghiên cứu, đề xuất những kiến nghị của các đại biểu”.

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng cũng yêu cầu trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ủy Ban TW MTTQ Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết các vụ việc một cách công khai, minh bạch.Take Our Poll

SOURCE: CPV

Trích dẫn từ: http://news.vibonline.com.vn/Home/thanhtra/2008/07/2545.aspx

Exit mobile version