admin@phapluatdansu.edu.vn

KẾT QUẢ KHẢO SÁT KINH NGHIỆM CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ CÔNG TẠI VƯƠNG QUỐC ANH VÀ AI – LEN

Báo cáo của đoàn công tác Bộ nội vụ khảo sát, nghiên cứu hành chính công, dịch vụ công ở Anh thời gian từ 27/1/2004 đến 11/2/2004

1. Cải cách hành chính và Chương trình hiện đại hoá Chính phủ của Vương quốc Anh

Từ năm 1998 Chính phủ Công Đảng của Thủ tướng Tony Blair vẫn tiếp tục thực hiện một loạt cải cách theo hướng thu hẹp chức năng của Nhà nước, giảm chi tiêu công, sử dụng hiệu quả hơn tiền đóng thuế của người dân, sử dụng những kinh nghiệm quản lí của khu vực tư vào khu vực công và đẩy mạnh chính sách tư nhân hoá trong một số lĩnh vực cung cấp công cộng. Chương trình hiện đại hoá Chính phủ là một chiến lược cải cách và đổi mới quan trọng của Chính phủ nhằm các mục tiêu sau:

– Đảm bảo việc hoạch định chính sách mang tính chiến lược thống nhất và được nghiên cứu tiếp cận dưới góc độ đa ngành, khắc phục tình trạng chính sách được ban hành để đối phó với các áp lực trước mắt; dịch vụ công phải đáp ứng nhu cầu của người dân chứ không phải vì lợi ích của người cung cấp dịch vụ, do đó phải đặt trọng tâm vào người sử dụng các dịch vụ là người dân và dịch vụ phải có chất lượng cao, hiệu quả, có thể so sánh được với những nơi tốt nhất trên thế giới, không chấp nhận các dịch vụ kém chất lượng.

Để đạt được các mục tiêu đó, Chính phủ tập trung vào các nội dung:

– Xây dựng một nền công vụ công khai, chuyên nghiệp mang tính chất đổi mới, năng động, giải phóng mọi sức mạnh tiềm tàng trong nền công vụ. Sử dụng các biện pháp khuyến khích vật chất đối với đội ngũ công chức có sáng kiến tiết kiệm chi phí hành chính hoặc cải tiến chất lượng dịch vụ. Nghiên cứu và sử dụng tốt các công nghệ mới, thực hiện Chính phủ điện tử.

– Trọng tâm của cải cách hành chính được xác định tập trung vào 4 lĩnh vực cung cấp dịch vụ công là: Y tế, giáo dục, tư pháp hình sự và giao thông công cộng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ ở các lĩnh vực dịch vụ rất cơ bản và thiết yếu này.

– Tiết hành ký kết thoả thuận công vụ giữa các Bộ với Bộ Tài chính. (Trong đó thoả ước của 4 bộ được chú ý nhất là: Bộ giáo dục và kỹ năng; Bộ Y tế, Bộ Môi trường, thực phẩm và các vấn đề nông thôn và Bộ Giao thông, chính quyền địa phương). Đây là một loại thoả thuận, hợp đồng được các Bộ đàm phán và đi đến thống nhất ký với Bộ Tài chính cho 3 năm, trong đó quy định rõ: Mục tiêu, nhiệm vụ của Bộ; Các chỉ số, mục tiêu phải phấn đấu, cụ thể là giảm sai sót trong hoạt động, cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ dân, Chính phủ điện tử; Nguồn lực phân bổ cho Bộ trong 3 năm, được cụ thể hoád trong các chương trình, mục tiêu.

Việc ký kết thoả thuận công vụ nhằm tạo ra khuôn khổ ổn định cho Bộ hoạt động, không cho phép tăng ngân sách chi tiêu nếu Bộ không chứng minh được kết quả sẽ có, buộc các Bộ tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu của mình theo trọng tâm do Chính phủ đã định, tạo điều kiện để các Bộ phân bổ kinh phí và giám sát hoạt động của các tổ chức trực thuộc Bộ. Các Bộ đưa người giỏi từ khu vực tư nhân vào tham gia các hoạt động hoạch định chính sách, lập kế hoạch ở cơ quan nhà nước, đặc biệt là ở Văn phòng Nội các. Hiện tại, Văn Phòng nội các đang sử dụng nhiều chuyên gia từ khu vực tư nhân (Doang nghiệp, Tổ chức Phi Chính phủ…) vào làm việc nhằm mục đích đưa ra các quyết sách, kế hoạch, chương trình của Chính phủ đúng tầm chiến lược và sát với thực tiễn hơn. Đồng thời qua hình thức đó để thúc đẩy sự cạnh tranh giữa khu vực công với khu vực tư và giữa các cơ quan trong khu vực với nhau.

Để thúc đẩy cải cách hành chính, năm 1997, Chính phủ Công Đảng đã thành lập nhiều tổ chức phối hợp cải cách. Nhưng do thành lập quá nhiều tổ chức, sự phối hợp kém hiệu quả giữa các cơ quan này với các Bộ nên đến tháng 3-2003 đã giải tán nhiều tổ, giao lại nhiệm vụ cho các Bộ và Văn phòng Nội các, chỉ giữ lại các tổ như: Tổ cải cách chiến lược; tổ thực hiện; Tổ nghiên cứu cải cách dịch vụ công; Tổ tăng cường năng lực công chức.

2. Bốn nguyên tắc cải cách cung ứng dịch vụ công.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là cải tiến việc cung cấp dịch vụ công thuộc trách nhiệm của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp. Các loại dịch vụ công cơ bản là về giáo dục và y tế. Vấn đề cải tiến, nâng cao chất lượng phục dân thông qua các dịch vụ công do Chính phủ và chính quyền địa phương thực hiện càng trở nên cấp bách vì 5 lĩnh vực Chính phủ bị phê phán nhiều nhất liên quan trực tiếp đến vấn đề này, đó là y tế, giáo dục, tư pháp hình sự, giao thông công cộng, người tị nạn.

Bốn nguyên tắc mà Thủ tướng Tony Blair đưa ra để cải cách dịch vụ công là:

– Xây dựng các chuẩn mực chung có tính quốc gia đáp ứng nhu cầu của người dân và thoả mãn các đòi hỏi của EU; xác định rõ trách nhiệm thực hiện để đảm bảo người dân dù là ai, ở đâu đều có quyền nhận được các dịch vụ có chất lượng cao.

– Thực hiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền và uỷ quyền để nâng cao tính chủ động sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của các bộ phận trực tiếp tiếp xúc với dân và cho các cơ quan chính quyền địa phương trong cung cấp dịch vụ công. Theo đó, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm một phần đáng kể chi phí cho việc cung ứng các dịch vụ công như giáo dục, các dịch vụ xã hội, chăm sóc người tàn tật và giao thông công cộng.

– Tạo điều kiện cho các cơ sở cung cấp dịch vụ như y tế, giáo dục có khả năng trả thêm lương cho công chức; thực hiện nguyên tắc khuyến khích tính năng động và tự chủ của các cơ sở. Từ năm 1998 gần một nửa giáo viên phổ thông được trả tăng 25% lương do gắn với kết quả giảng dạy, lương cho y tá mới nâng cao trình độ tăng1/3, các bệnh viện công quốc đang thừ nghiệm trả lương gắn với kết quả hoạt động. Theo dự kiến bệnh viện sẽ trả thêm 6000 bảng/năm cho mỗi nhân viên nếu hoàn thành nhiệm vụ.

– Thực hiện nguyên tắc mở rộng khả năng lựa chọn cho khách hàng, đảm bảo cho người dân có quyền lựa chọn và yêu cầu chất lượng dịch vụ cao hơn không chỉ từ khu vực tư nhân mà cả từ khu vực công. Ví dụ như việc chọn trường học cho trẻ em, bệnh viện điều trị khi ốm đau, hoặc hệ thống cung cấp nước sạch tốt hơn và rẻ hơn. Từ tháng 7/2002 bệnh nhân đợi mổ tim, nếu quá 6 tháng sẽ được giới thiệu đến mổ ở một bệnh viện khác tránh tình trạng đợi quá lâu.

3. Về kinh nghiệm quản lí và cung cấp dịch vụ công ở một số lĩnh vực dịch vụ công cụ thể

3.1. Lĩnh vực giáo dục.

Do đặc điểm và truyền thống, khu vực giáo dục ở toàn Vương quốc Anh về cơ bản là công lập, khu vực tư nhân tham gia không lớn. Chi từ ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục năm 2003 là 44,6 tỷ bảng, bằng khoảng 6%GDP.

Hệ thống giáo dục của Vương quốc Anh chia thành 5 cấp học

– Mẫu giáo: Từ 3 đến 5 tuổi, hiện có 3394 trường mẫu giáo.

– Cơ sở: Từ 5-11 tuổi, khoảng 22.000 trường, ở đó học sinh bán trú cả ngày

– Trung học: từ 12 đến 16 tuổi.

Các cấp học này đều là giáo dục bắt buộc, do nhà nước tài trợ.

– Cao đẳng, từ 16 đến 18 tuổi, Nhà nước tài trợ nhưng không phải tất cả trẻ em từ 16 tuổi trở lên đều lựa chọn con đường học tập.

– Đại học: Trên 18 tuổi. Cả nước có 89 trường đại học, 60 viện nghiên cứu được phép đào tạo

Đối với các học viện giáo dục đào tạo, Nhà nước tài trợ phần lớn kinh phí, còn lại do các hội đồng địa phương tài trợ.

Chiến lược giáo dục của Chính phủ Anh hiện nay là cố gắng tăng ngân sách để nâng cấp giáo dục theo phương châm “mỗi trẻ em đều quan trọng”, tăng thêm thêm số lượng giáo viên đứng lớp và đảm bảo chất lượng giáo dục. Mục tiêu cụ thể đối với từng cấp học:

– Cấp cơ sở: Nâng cao khả năng đọc, làm toán

– Từ 11-18 tuổi: Tăng cường đào tạo chuyên ban.

– Đối với bậc đại học. Hiện nay Chính phủ đang tập trung cải cách Đại học và sau đại học. Nâng tỷ lệ học sinh vào Cao đẳng từ 75% lên 90% và tỷ lệ vào đại học từ 30-50%. Tuỳ theo kết quả học tập của giai đoạn trước, học sinh có thể đăng ký để vào các trường Đại học khác nhau. Mỗi năm nhà nước phải tài trợ 9000 bảng/cho mỗi sinh viên (sinh viên đóng 1000 bảng). Hiện nay chủ trương cải cách đại học của Chính phủ là tăng học phí đối với bậc đại học từ 1000 bảng lên 3000 bảng và đang gặp sự phản đối của dân chúng.

– Về các trường tư. Hiện nay cả nước có khoảng 2000-2500 trường tư cho mọi lứa tuổi (chiếm khoảng 7% trong cả hệ thống giáo dục). Các trường này không được nhà nước tài trợ mà do cha mẹ học sinh đóng góp. Học phí không bị nhà nước khống chế. Lý do mà một số phụ huynh gửi con em vào các trường tư là do: ở đó học sinh được nội trú, bố mẹ không phải đưa đón; do chất lượng, uy tín và truyền thống, tên tuổi của các trường đó.

Về hệ thống quản lí giáo dục

Ở Trung ương, Bộ giáo dục và kỹ năng quản lí chính sách giáo dục, có 1 Bộ trưởng, 7 thứ trưởng. Bộ phận Thanh tra có nhiệm vụ thanh tra chất lượng giáo dục và giáo viên. Cấp địa phương có 150 bộ phận phụ trách giáo dục ở quận, tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện chiến lược, chính sách giáo dục của Chính phủ. Chính quyền địa phương không quản lí các Trường Đại học và Cao đẳng. Từ năm 2001 Chính phủ thành lập cơ quan phụ trách dạy nghề.

Thực hiện phân cấp nhiều hơn cho chính quyền địa phương, hiện nay địa phương đưa ra kế hoạch giáo dục chung để Bộ giáo dục góp ý mà không phải đưa ra kế hoạch chi tiết để Bộ phê chuẩn. Nhưng nếu chính quyền địa phương không thể hoàn thành nhiệm vụ giáo dục theo cấp bậc yêu cầu thì có thể bị tước quyền quản lí về giáo dục và các công ty chuyên nghiệp tư nhân sẽ được thuê để thực hiện nhiệm vụ đó.

Các trường học có quyền tự chủ trong việc sử dụng kinh phí và tuyển giáo viên. Hội đồng nhà trường (gồm đại diện của nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh, doanh nghiệp) có quyền quyết định chương trình học tập cụ thể (trừ các môn học bắt buộc theo tiêu chuẩn chung của quốc gia) tuyển giáo viên (theo tiêu chuẩn chất lượng qua thi hoặc sát hạch của nhà trường với sự giám sát của đại diện chính quyền địa phương), quản lí nguồn tài chính được phân bổ và phải giải trình ngân sách trước chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương có thể bác bỏ quyết định của hội đồng nhà trường và tham gia giúp đỡ, giải quyết nếu nhà trường gặp khó khăn về tài chính. Trong trường hợp Hội đồng nhà trường không hoàn thành nhiệm vụ thì chính quyền địa phương có thề ra quyết định giải tán và thành lập Ban Ban giám hiệu tạm thời. Hiệu trưởng do Hội đồng nhà trường bầu, không cần có sự bổ nhiệm của cơ quan quản lí giáo dục.

Các trường tư muốn thành lập phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định và tiêu chuẩn của nhà trường được kiểm soát định kỳ bởi hệ thống thanh tra giáo dục riêng đối với các trường tư.

3.2. Lĩnh vực y tế

Ở Vương quốc Anh, tất cả các dịch vụ y tế đều miễn phí. Tất cả mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không phải đóng phí bảo hiểm y tế vì đã được tính vào các khoản thuế. Vương quốc Anh thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Ngân sách dành cho y tế ban đầu chiếm 75% ngân sách y tế. Sau khi khám cho người bệnh, tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, cơ sở y tế ban đầu sẽ quyết định hướng điều trị theo đó có thể chuyển người bệnh sang các bệnh viện để chữa trị.

Trách nhiệm quản lí và cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế cho người dân hoàn toàn thuộc về trung ương, không thực hiện phân cấp cho địa phương. Vai trò của chính quyền địa phương được quy định chỉ trong lĩnh vực dịch vụ xã hội, bảo trợ người tàn tật và chăm sóc người già.

– Hệ thống quản lí y tế.

Đứng đầu hệ thống quản lí y tế là Bộ trưởng Bộ Y tế. Hệ thống này hoạt động thông qua một số đơn vị quản lí dịch vụ y tế, mỗi đơn vị phụ trách một bộ phận dân cư khoảng 1,5 triệu người. Ngân sách nhà nước giành cho y tế năm 2003 là 55,7 tỷ Bảng (khoảng 7% GDP). Trên cơ sở ngân sách đó, Bộ Y tế phân bổ cho các đơn vị quản lí dịch vụ y tế dựa trên các hợp đồng cung cấp dịch vụ do các đơn vị này ký với các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế.

– Mục tiêu đặt ra của Bộ Y tế là tăng cường sức khoẻ cho người dân. Trong những năm gần đây chú ý tăng chất lượng đầu ra (không phải chữa cho nhiều người mà chữa khỏi các bệnh nặng như tim, gan, ung thư… Cụ thể là đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn y tế (có thể đo lường) cho người dân.

– Bộ Y tế quy định khuôn khổ các tiêu chuẩn quốc gia về chữa bệnh; nghiên cứu, tìm hiểu vầ xác định những lĩnh vực đầu tư thiết yếu và hiệu quả cho ngàng y tế; tạo cho người bệnh có sự lựa chọn cơ sở y tế – hạn chế tình trạng chờ đợi ở cơ sở điều trị do y tế ban đầu giới thiệu.

Các bộ phận quản lí y tế có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ các cơ sở y tế thực hiện các nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân nhưng phải đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở y tế.

3.3.Lĩnh vực dịch vụ môi trường.

Dịch vụ môi trường bao gồm: Thu gom và xử lý rác thải, giám sát không khí, tiếng ồn, theo dõi tình trạng ô nhiễm, đa dạng sinh học, chất lượng thực phẩm, vệ sinh dịch tễ…

Trước tình hình lượng rác thải ngày càng tăng: hàng năm có khoảng 29 triệu tấn rác thải sinh hoạt, tăng 3% năm và phần lớn rác thải được đem chôn (78%), tỷ lệ tái chế thấp (12,4%), tiêu huỷ bằng phương pháp sinh học (9%), trong điều kiện diện tích đất đai hạn chế, Chính phủ Vương quốc Anh đã đề ra chiến lược xử lý rác thải. Trong đó thực hiện ưu tiên:

– Giảm lượng rác thải

– Tái chế

– Tạo năng lượng

– Loại bỏ

Nhằm đảm bảo tỷ lệ tái chế từư 12,4% lên 25% năm 2005, 35% năm 2010 và 45% năm 2015. Để đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn của khối EU, năm 2002 Tổ chiến lược đã tiến hành kiểm điểm những tồn tại và vạch ra phương hướng, biện pháp khả thi. Chính phủ quy định thuế chôn rác ngày càng cao, năm 1996 là 7 bảng/tấn, hiện nay là 14 bảng/tấn và sẽ tăng dần lên 35 bảng/tấn (chủ yếu là rác thải công nghiệp, xây dựng).

Về mặt tổ chức quản lí, trong Bộ Môi trường và thực phẩm đã thành lập 1 bộ phân chuyên theo dõi và quản lí tiến độ thực hiện công tác này.

– Yêu cầu các địa phương đưa ra chỉ tiêu cụ thể

– Hỗ trợ vốn cho chính quyền địa phương

– Thu thập dữ liệu

– Nghiên cứu kỹ thuật công nghệ tái chế mới

– Thúc đầy quan hệ giữa Chính phủ và tư nhân, Tổ chức phi Chính phủ

– Giáo dục, tuyên truyền

Đồng thời phát hiện những địa phương đạt chỉ tiêu và tiết kiệm được chi phí có tính chất điển hình để nhân rộng ra các địa phương khác. Chỉ tiêu đến năm 2020 là lượng rác được xử lý bằng cách đem chôn chỉ còn 35%. Quy định chỉ tiêu cho các địa phương (giảm dần hàng năm). Đặt mục tiêu cho chính quyền địa phương và đề ra phương pháp hoán đổi chỉ tiêu chôn rác giữa các địa phương: có thể mua bán chỉ tiêu chôn rác tạo cho các địa phương sự lựa chọn tiếp tục chôn rác hoặc xử lý bằng biện pháp khác hoặc có thể ứng trước chỉ tiêu hoặc mua chỉ tiêu của địa phương khác (đến này 20% chính quyền địa phương đạt chỉ tiêu – được khuyến khích bằng cách thưởng tiền).

Để kích thích việc tái chế rác thải, các cơ quan cùa Chính phủ được khuyến khích mua sắm, sử dụng các sản phẩm từ rác tái chế. Thanh tra môi trường có quyền đề nghị mức phạt bằng tiền hoặc đóng cửa các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Quyền quyết định phạt tiền hoặc đóng cửa cơ sở sản xuất thuộc về Toà án. Ví dụ cơ sở y tế ô nhiễm có thể bị phạt đến mức 2 triệu bảng.

Ngân sách Trung ương phân bổ cho xử lý rác (theo hình thức khoán). Tất cả các tổ chức xử lý rác đều là tư nhân, có đến 98% chính quyền địa phương hợp đồng với tư nhân.

Năm 2003 Quốc hội thông qua luật, theo đó đến năm 2010 mỗi hộ gia đình phải tự phân loại sơ bộ rác theo loại túi. Trước khi đặt bãi chôn rác, các cơ quan môi trường địa phương phải thanh tra, cấp phép và lấy ý kiến dân cư địa phương, nếu vi phạm sẽ bị rút giấy phép, nếu gây ô nhiễm nặng – Trung ương can thiệp bằng kỹ thuật và biện pháp xử lí.

3.4. Dịch vụ cung cấp nước sạch.

Trước năm 1988 ở Anh và Xứ Uên có 10 công ty cung cấp nước của nhà nước, sau đó Chính phủ đã thực hiện tư nhân hoá việc cấp nước. Để quản lí hoạt động dịch vụ cung cấp nước sạch. Chính phủ đã thành lập Uỷ ban về nước, do Bộ trưởng Bộ Môi trường làm chủ tịch, có sự tham gia của đại diện các tổ chức dân chúng (do chính quyền chỉ định) và Văn phòng dịch vụ cấp nước. Đây là cơ quan cấp dưới Bộ (Tổng cục) có chức năng: Theo dõi việc thực thi các công việc trong giấy phép cấp nước; Xác định giá trần và chất lượng nước cung cấp cho 15 triệu hộ, 53 triệu người, 1,5 triệu doanh nghiệp. Ngân sách cho cơ quan này gần 12 triệu bảng, không phải từ thuế mà từ phí giá nước sạch của khách hàng, do đó nếu muốn tăng ngân sách thì phải tăng giá cấp nước; lương của các công chức trong cơ quan này do Chính phủ quy định được trả từ nguồn nói trên, không phải từ nguồn ngân sách nhà nước thu qua thuế. Sau 2005 dự kiến thông qua Luật cấp nước.

Giá nước được xác định sao cho các công ty vừa đảm bảo có lãi vừa đáp ứng nhu cầu của người dân theo điều kiện của EU. Giá nước được điều chỉnh 5 năm/lần, năm 2000 định giá cho giai đoạn 2000-2005. Tháng 11/2002 nghiên cứu định giá cho 2005-2010. Hàng năm các công ty phải nộp báo cáo kế hoạch, trong đó có định mức giá để Văn phòng tham khảo, điều chỉnh, quyết định mức giá và phản hồi cho các công ty để các công ty điều chỉnh. Sau đó Văn phòng ra quyết định mức giá, nếu không đồng ý với mức giá đó các công ty có quyền khiếu nại xem xét.

Đồng thời Văn phòng thựuc hiện theo dõi và thanh tra việc cung cấp nước, thu thập các dữ liệu (từ báo cáo hàng năm của các công ty) xây dựng báo cáo về tình hình hoạt động cung cấp nước: Mức độ cung cấp nước, chất lượng nước; mức độ thất thoát; cơ cấu giá nước; Báo cáo tài chính; Dịch vụ thoát nước; so sánh hiệu quả của các công ty để công khai hoá cho người dân, Chính phủ biết nhằm điều phối, ngăn chặt độc quyền.

Nhiệm vụ của Tổng cục trưởng: Đảm bảo để các công ty cấp nước thực hiện được chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo tài chính cho hoạt động của các công ty; quy định mức giá trần 5 năm/lần không được thay đổi; quy định hành lang cho việc cạnh tranh, cấm công ty lợi dụng tình trạng độc quyền áp đặt; ngăn chặn các công ty phân biệt đối xử với khachs hàng; chấm dứt giấy phép (trường hợp thu hồi phải được báo trước 25 năm) trừ khi công ty đó có vi phạm; giám sát hoạt động của các công ty, tạo áp lực đối với các công ty cấp nước, áp đật mức phạt đối với công ty, biện pháp hành chính nếu công ty vi phạm. Mức phạt đối với các công ty bằng 10% thu nhập. Nếu các công ty không chấp nhận quy định của Tổng cục trưởng thì có thể khiếu tố lên toà án. Phương châm chỉ đạo việc điều tra là phải khách quan, công bằng, chủ động điều tra không ngồi đợi các khiếu nại từ công ty hoạch từ khách hàng. Chính quyền địa phương không tham gia quản lí việc cấp nước, trừ trường hợp đối với các trang trại, hộ ở vùng xa tự cung cấp nước, (Chính quyền địa phương chỉ cấp phép loại này). Cấm các hợp đồng, theo đó công ty ngăn cản cạnh tranh.

Luật cạnh tranh trong lĩnh vực cấp nước năm 1998 cho phép người dân có quyền sử dụng nước từ các công ty cấp nước khác nhau, ở các địa bàn khác. Ở Vương quốc Anh được tổ chức thành 4 cơ quan (văn phòng) quản lí dịch vụ cấp nước, tương ứng với 4 vùng là Anh, Xứ Uên, Scốt len và Bắc Ai-len.

4. Một số nhận xét về tổ chức và quản lí hoạt động cung ứng dịch vụ công của Chính phủ Vương quốc Anh.

a) Về kinh nghiệm quản lí cung cấp dịch vụ công.

– Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân và trước áp lực của Liên minh Châu Âu, Chính phủ Vương quốc Anh đang tập trung chú ý vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả cung ứng dịch vụ công mà trước hết là giáo dục, y tế, giao thông, môi trường.

– Trong tổ chức và quản lí hoạt động cung ứng dịch vụ công có sự tách bạch khá rõ ràng giữa những lĩnh vực hoạt động do nhà nước tài trợ hoàn toàn như y tế, giáo dục và những dịch vụ được tư nhân hoá như vệ sinh môi trường, cấp nước sạch, giao thông công cộng.

– Phân cấp thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ và chính quyền địa phương trong việc quản lí các hoạt động dịch vụ công khá rõ ràng, rành mạch. Có những lĩnh vực chỉ có Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện (như y tế, giáo dục ở bậc đại học, cung cấp nước sạch), có lĩnh vực cả Trung ương và địa phương quản lí (dịch vụ môi trường). Nhìn chung, trong việc tổ chức và quản lí các hoạt động dịch vụ công, Chính phủ tập trung đề ra chiến lược, chính sách, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ và phân bổ ngân sách, thực hiện kiểm toán, chính quyền địa phương thực hiện ký kết hợp đồng với các công ty tư nhân và giám sát, kiểm tra việc thực hiện.

– Nghĩa vụ và trách nhiệm cung ứng dịch vụ công của các cơ quan, tổ chức nhà nước và tư nhân cũng như của các cá nhân, tổ chức hưởng thụ dịch vụ được luật hoá một cách đầy đủ, chi tiết. Trong trường hợp bị vi phạm sẽ bị xử lí bằng hình thức phạt tiền (nếu vi phạm nhỏ) hoặc phạt tiền và rút giấy phép.

– Chính phủ tích cực tạo hành lang pháp lí và thúc đẩy cơ chế cạnh tranh giữa khu vực công và khu vực tư cũng như giữa các tổ chức thuộc khu vực công để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ công.

– Quyền tự chủ về tài chính và nhân lực của các đơn vị trực tiếp cung ứng dịch vụ công được đảm bảo, đồng thời chính phủ và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lí các sai phạm một cách kịp thời để đảm bảo tính liên tục của các dịch vụ.

b) Về quan niệm dịch vụ công

– Quan niệm dịch vụ công và vai trò của nhà nước đối với dịch vụ công được hiểu linh hoạt. Ví dụ, đối với khu vực y tế, giáo dục, dịch vụ công đồng nghĩa với vai trò do các tổ chức nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp. Ngược lại ở lĩnh vực cấp nước, thoát nước, dịch vụ công có nghĩa là vai trò quản lí của nhà nước (định chiến lược, tiêu chuẩn, giá nước, thanh tra), còn việc cung cấp nước do tư nhân thực hiện.

– Quan niệm khu vực công và khu vực tư, xã hội hoá, tư nhân hoá và dịch vụ công cũng rất linh hoạt. Ví dụ, ở Anh, dịch vụ y tế phân biệt công và tư rành mạch. Đã là dịch vụ y tế công thì chủ yếu do các cơ sở ý tế nhà nước thực hiện (mặc dù có một số loại hình y tế do các cơ sở y tế tư nhân được thuê cung cấp). Thông thường, trong bệnh viện công có một bộ phận tư (ví dụ, một số giường bệnh được giành cho những ai co nhu cầu điều trị với chất lượng tốt hơn và sẵn sàng thanh toán các chi phí phát sinh. Chính phủ quy định trong một bệnh viện công không được có quá 20% số giường loại này). Như vậy là trong công có tư, xã hội hoá ngay trong khu vực công.

– Quan niệm về công chức cũng rất linh hoạt. ở Vương quốc Anh, khái niệm công chức để chỉ người làm việc trong các cơ quan quản lí hành chính. Nhưng nguồn trả lương cho công chức không phải chỉ là ngân sách (đây là một tiêu chí theo quan niệm thông thường). Ví dụ, lương của công chức các bộ, ngành trung ương được lấy từ ngân sách nhà nước mà chủ yếu có nguồn gốc từ thuế. Lương của công chức chính quyền địa phương thì lấy từ thuế thu được ở địa phương. Nhưng trong ngành cấp nước ở Anh, tiền lương công chức và kinh phí hoạt động không phải từ ngân sách nhà nước mà từ nguồn thu phí và giá nước mà người sử dụng phải trả.

SOURCE: CAICACHHANHCHINH.GOV.VN

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading