Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TRANH CHẤP ĐẤT VÀ TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT: BỐN CÂY GỪA "GÂY RỐI"

Advertisements

PHAN GIA HI

Năm 2006, ông V. và ông K. (cùng ở huyện Gò Dầu, Tây Ninh) đã kéo nhau ra tòa vì một miếng đất. Oái oăm là trên đất ấy mọc bốn cây gừa và một cây xoài nên cả hai bên lôi luôn… mấy cái cây này vào vụ án.

Lúc đòi đất, khi đòi bứng cây

Theo hồ sơ, ông V. và ông K. vừa là bà con vừa là hàng xóm. Mối quan hệ giữa hai bên không đến nỗi nào cho đến năm 2006 ông K. khởi kiện ông V. ra tòa.

Ông K. kể: “Miếng đất tranh chấp do tôi mua năm 1992. Đất vuông vức, mỗi chiều dài 10 m. Tôi sử dụng, làm giấy tờ hẳn hoi. Bỗng nhiên gần đây ông V. lấn sang đất tôi đến những 2 m, chạy dài ra bến sông làm tôi mất khoảng 27 m2”… Chưa hết, ông kể tiếp: “Trên ranh miếng đất lấn sang đó, ông V. còn trồng bốn cây gừa, một cây xoài. Đất tôi mà ông ấy trồng cây là không được. Ông V. phải trả lại đất cho tôi, phải chặt bỏ mấy cái cây đó đi”.

Trước lập luận ấy, ông V. cương quyết bẻ lại: “Đất này là của cha mẹ tôi để lại. Dù chưa có “giấy đỏ” nhưng tôi đảm bảo rằng đất tôi không lấn sang đất ông K. Bốn cây gừa và cây xoài kia đích thị là mọc trên đất tôi, không mọc trên đất ông K. như ông ấy nói. Không lý do gì tôi phải trả đất cũng như chặt mấy cái cây kia”…

TAND huyện Gò Dầu hòa giải mấy bận không xong nên đầu năm nay phải mở phiên xử sơ thẩm. Ra tòa, ông K. nghĩ lại, đồng ý không tranh chấp đất với ông V. nữa. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng bốn cây gừa, cây xoài mọc trên đất ông nên yêu cầu ông V. phải bứng đi.

Ông V. lắc đầu: “Nếu nói lý thì ông K. lấn đất tôi mới phải. Mấy cái cây mà ông ấy nói lấn sang đất ông ấy thực tình là nằm trên đất tôi, chỗ mà ông ấy đã lấn. Bây giờ chúng đã lớn, tán lá che chỗ nhà ông ấy nên ông ấy muốn bứng. Nói gì thì nói, mấy cái cây mọc trên đất tôi, tôi không đồng ý bứng cây nào cả”…

Tòa bứng, tòa không!

Theo TAND huyện Gò Dầu, diện tích đất của mỗi nhà đều khớp với sơ đồ đất do các cơ quan chuyên môn cung cấp. Hơn nữa, ông K. lại rút yêu cầu tranh chấp đất. Ngoài ra, mấy cây gừa, cây xoài đều trồng trên đất ông V., không nằm trên đất ông K. Từ đó, tòa tuyên hai bên phải giữ nguyên hiện trạng, không đào bứng gì cả.

Không bằng lòng, ông K. kháng cáo. Mới đây, TAND tỉnh Tây Ninh xử phúc thẩm đã tuyên trái ngược với tòa sơ thẩm, buộc ông V. phải đào bứng gốc và di dời mấy cái cây này. Theo tòa phúc thẩm, những cây gừa đang tranh chấp nằm trên ranh đất của hai nhà. Lúc cây còn nhỏ thì không ảnh hưởng nhiều đến đất nhà bên cạnh nhưng nay cây lớn lại lấn sang. Hơn nữa, các cây gừa này lớn, rễ ăn rất rộng, tán cây chụp hết phần đất ông K. Xét thực tế thì chỉ có ba cây gừa lấn sang nên tòa buộc ông V. phải bứng chúng đi chỗ khác. Riêng cây xoài nằm hoàn toàn trên đất ông V., không ảnh hưởng gì đến nhà ông K. nên không sao.

Lần này, đến lượt ông V. không bằng lòng. Mới đây, ông đã làm đơn yêu cầu xem lại vụ việc theo trình tự giám đốc thẩm. Ông quả quyết: “Đất ông K. nằm ở phía trên, không phải chỗ tôi trồng ba cây gừa. Ông K. lấn đất công tại bãi sông, lợi dụng lúc tôi vắng nhà lấn dần vào bìa đất nhà tôi, chỗ mấy cây gừa rồi cất nhà”…

Dù sao thì bản án phúc thẩm cũng đã có hiệu lực thi hành ngay, còn việc ông V. yêu cầu giám đốc thẩm có được chấp thuận hay không thì còn phải chờ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin nếu vụ việc có diễn biến mới.

Trong vụ này, hai bên còn tranh chấp chỗ đậu ghe dưới bến sông. Ông K. nói ông V. đậu ghe chỗ này không được, còn ông V. thì bảo đó là bến nhà ông, ông không phải di dời đi đâu cả.

Tòa sơ thẩm tuyên giữ nguyên hiện trạng, ghe đang đậu ở đâu thì cứ đậu đó. Tòa phúc thẩm lại nói bến sông thuộc đất của ông K. nên buộc ông V. phải dời sang bến khác. Ông V. không đồng ý và cũng đã yêu cầu xem xét giám đốc thẩm.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=230372

Exit mobile version