ĐỖ BÌNH DƯƠNG – Kiểm toán Nhà nước
Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, cổ phần hóa có vai trò rất quan trọng trong việc đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, nhất là những nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam. Cổ phần hóa có tác động mạnh mẽ và rất hiệu quả đến việc khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực về vốn, tài sản và con người để phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy vậy, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là quá trình khó khăn, phức tạp, vừa đi vừa tiếp tục tìm tòi để lựa chọn phương thức phù hợp với những đặc tính riêng có của hệ thống doanh nghiệp nhà nước ở nước ta. Trong thời gian qua, hệ thống cơ chế chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không ngừng được hoàn thiện để thu hút các nguồn lực, tạo điều kiện thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa nhanh, có hiệu quả. Nhìn nhận, đánh giá toàn diện quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hơn 13 năm qua ở nước ta là việc lớn, ở đây chỉ bước đầu đánh giá việc huy động và phát huy các nguồn lực trong tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
1 – Về nguồn vốn và tài sản
Trong ác nền kinh tế thị trường phát triển, phát hành cổ phiếu là một trong những kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp, đồng thời qua đó các nguồn vốn trong xã hội cũng được sử dụng, phát huy hiệu quả. Ở nước ta, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, các nguồn lực còn ở dạng tiềm năng. Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là giải pháp thích hợp và hữu hiệu để khai thác, khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Về phía Nhà nước, qua cổ phần hóa cũng thu lại được một phần vốn trước đây đã đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước để tập trung đầu tư vào các lĩnh vực khác, đồng thời giảm bớt được khoản bổ sung vốn cho các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa. Đối với doanh nghiệp sau cổ phần hóa, chủ động thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm bớt tình trạng thiếu vốn sản xuất. Về phía người lao động, thông qua việc mua cổ phần sẽ trở thành người chủ của doanh nghiệp, quyền lợi gắn liền với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, do đó sẽ thêm nguồn kích thích họ tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí. Công tác quản lý doanh nghiệp, nhất là công tác quản lý tài chính được tăng cường do sự giám sát của người lao động đồng thời là chủ doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhà nước, tính đến thời điểm 31-12-2005, cả nước đã thực hiện cổ phần hóa được 2.242 doanh nghiệp nhà nước, với tổng số vốn của các doanh nghiệp cổ phần hóa lên tới 17.700 tỉ đồng, bằng 8,2% toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tính bình quân trong các doanh nghiệp cổ phần, Nhà nước nắm giữ 46,5% vốn điều lệ; cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp nắm 38,1%, ngoài doanh nghiệp nắm 15,4%. Qua cổ phần hóa, đã huy động được khoảng 12.411 tỉ đồng của các cá nhân, tổ chức ngoài xã hội đầu tư vào doanh nghiệp, Nhà nước thu lại được khoảng 10.169 tỉ đồng. Vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần (tính đến 31-12-2004) còn khoảng 200.000 tỉ đồng. Khai thác, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, qua số liệu trên cũng cho thấy, việc huy động vốn trong dân cư còn hạn chế, số lượng cổ phiếu bán ra ngoài doanh nghiệp thấp, chủ yếu bán trong nội bộ doanh nghiệp. Tuy số lượng doanh nghiệp đã cổ phần nhiều, nhưng tỷ trọng vốn của nó chỉ chiếm 8,2% tổng số vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thường có quy mô nhỏ. Trong tổng số doanh nghiệp được cổ phần hóa, số doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỉ đồng chiếm 59,2%; số doanh nghiệp có vốn từ 5 – 10 tỉ đồng là 500 đơn vị, chiếm 22,3%; số doanh nghiệp có vốn trên 10 tỉ đồng chỉ có 415, chiếm 18,5%. Như vậy, nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả sản xuất kinh doanh cao chưa được cổ phần hóa, số vốn của nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước còn chiếm tỷ trọng lớn và do các tổng công ty nhà nước nắm giữ. Do đó, chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường, kinh nghiệm quản lý, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, tham gia mua cổ phần. Để thu hút thêm các nguồn vốn nhàn rỗi ngoài xã hội vào sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cần tiến hành cổ phần hóa một bộ phận lớn các doanh nghiệp nhà nước, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. Việc cổ phần hóa phải được công khai để thu hút các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia. Tình trạng cổ phần hóa “khép kín” trong nội bộ doanh nghiệp là nguyên nhân làm hạn chế lượng vốn thu hút từ các nhà đầu tư bên ngoài. Tiềm lực vốn của người lao động trong các doanh nghiệp còn nhỏ (thực tế có nhiều trường hợp người lao động không đủ tiền mua cổ phiếu theo giá ưu đãi, phải bán “cổ phiếu non” hoặc chỉ đứng tên mua cổ phiếu); hơn nữa, tâm lý đầu tư, nhất là đầu tư vào chứng khoán vẫn còn xa lạ đối với đại đa số người lao động, nên việc huy động vốn từ người lao động chưa nhiều, không đủ đáp ứng yêu cầu về vốn của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Sự ra đời của Nghị định 187/2004/NĐ-CP, ngày 16-11-2004, của Chính phủ, về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần, với bước đổi mới cơ bản là xóa bỏ tình trạng cổ phần hóa “khép kín”, đẩy mạnh thị trường hóa cổ phần hóa, bán đấu giá công khai cổ phần, đã cơ bản khắc phục được tình trạng trên. Việc bán bớt cổ phần của Nhà nước tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vào đầu năm 2005 là một minh chứng về thành công và hiệu quả, nếu thực hiện tốt việc bán đấu giá cổ phần qua thị trường chứng khoán (Nhà nước đã thu thêm 389 tỉ đồng, bình quân tăng 213,1% so với mệnh giá). Qua đó cũng thấy, tiềm năng về nguồn lực và thương hiệu của các doanh nghiệp nhà nước còn lớn, nếu chúng ta có cơ chế khai thác tốt thì hiệu quả của cổ phần hóa sẽ cao hơn nữa.
2 – Về đánh giá vốn, tài sản để xác định giá trị doanh nghiệp
Đây là vấn đề phức tạp của công tác cổ phần hóa, cũng là vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm nhất. Nếu xác định giá trị doanh nghiệp quá thấp sẽ làm thất thoát tiền vốn của Nhà nước, ngược lại nếu xác định giá trị doanh nghiệp quá cao sẽ không được các nhà đầu tư chấp nhận, và do vậy làm chậm tiến trình cổ phần hóa.
Trong nền kinh tế thị trường, giá trị doanh nghiệp không chỉ là vốn, tài sản hiện hữu, mà còn một số yếu tố vô hình như: lợi thế kinh doanh, thương hiệu, thị phần, giá trị quyền sử dụng đất, cũng được coi là vốn của doanh nghiệp. Đây là những yếu tố khó xác định chính xác, dễ gây thất thoát. Trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa còn tình trạng chậm giải quyết dứt điểm số tài sản chờ xử lý, không tính vào giá trị doanh nghiệp; không phản ánh đầy đủ số vốn góp của Nhà nước vào doanh nghiệp, gây thiệt hại cho Nhà nước trong tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tình trạng cổ phần hóa “khép kín” cũng dễ dẫn đến hiện tượng định giá doanh nghiệp thấp so với giá thị trường, gây thất thoát tài sản nhà nước, không thực hiện được mục tiêu thu hút thêm các nguồn lực để nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Năm 2002, qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện một số doanh nghiệp cổ phần hóa lợi dụng thời gian chờ chuyển sang công ty cổ phần (thường mất khoảng từ 1 đến 1,5 năm, kể từ khi định giá doanh nghiệp) và quy định của Nhà nước về kết chuyển kết quả sản xuất kinh doanh của giai đoạn từ khi xác định giá trị doanh nghiệp đến khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần (lãi thì tăng vốn nhà nước, lỗ thì giảm vốn nhà nước), đã tìm mọi cách hạch toán tăng chi phí, giảm doanh thu, chuyển lỗ cho nhà nước phải gánh chịu. Riêng tại 3 công ty thành viên thuộc Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) báo cáo lỗ trong giai đoạn chờ chuyển đổi (sau khi đã định giá doanh nghiệp) từ 1 đến 2 tỉ đồng; qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã xác định các doanh nghiệp này đều có lãi. Cũng tại Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam, tổng số tài sản và các khoản không tính vào giá trị khi cổ phần hóa (6 doanh nghiệp) gần 37 tỉ đồng chưa được xử lý dứt điểm theo chế độ, số vốn cổ phần của Nhà nước hơn 23 tỉ đồng không được phản ánh trên báo cáo tài chính.
3 – Về hiệu quả sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa
Phần lớn các doanh nghiệp nhà nước, sau khi chuyển sang công ty cổ phần đều hoạt động có hiệu quả hơn trước, tất cả các tiêu chí chủ yếu đều tăng: huy động vốn, doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận, cổ tức, số lao động sử dụng, thu nhập của người lao động; nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa làm ăn có hiệu quả đã tăng cường đầu tư máy móc, công nghệ mới, mở rộng nhà xưởng, quy mô sản xuất.
Tuy nhiên, qua kiểm toán một số công ty cổ phần mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối cho thấy, bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, cũng còn không ít các doanh nghiệp khai thác, sử dụng vốn, tài sản kém hiệu quả, bị thua lỗ, không bảo toàn được vốn, cổ đông có nguy cơ mất vốn. Chẳng hạn, tại tỉnh Lạng Sơn, có công ty cổ phần báo cáo kết quả kinh doanh lãi 7,8 triệu đồng, nhưng thực tế lỗ gần 2,5 tỉ đồng; một công ty cổ phần khác ở tỉnh Bắc Giang, báo cáo lãi 27 triệu đồng, kiểm toán xác định lỗ 694 triệu đồng. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là công tác quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa thực sự đổi mới, doanh nghiệp chưa xây dựng được những phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai cổ phần hóa nảy sinh tình trạng “bình mới, rượu cũ” đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 51% vốn điều lệ. Lãnh đạo doanh nghiệp vẫn là những người cũ (quản lý kém hiệu quả, gây thua lỗ) với tư duy, trình độ quản lý và điều hành doanh nghiệp ít thay đổi, thiếu sức sáng tạo, kém năng động. Ngoài ra, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông ngoài doanh nghiệp còn thấp (trung bình 15,4% vốn điều lệ), vì vậy, các cổ đông chiến lược ít có cơ hội để trở thành những người chủ có vai trò nhất định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần.
Qua kiểm toán cũng cho thấy, có tình trạng một số công ty cổ phần làm ăn hiệu quả, có lãi cao, nhưng báo cáo không trung thực số lợi nhuận thực tế, giấu lãi, từ đó phân chia cổ tức cho các cổ đông không đúng số lãi thực tế của doanh nghiệp, cổ đông bị mất lãi, trong đó có Nhà nước. Chẳng hạn, tại một công ty cổ phần thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) có vốn cổ phần của Nhà nước chiếm 70% vốn điều lệ, qua kiểm toán xác định công ty báo cáo lợi nhuận sau thuế thiếu 18,7 tỉ đồng.
Một thực tế về hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng cần được quan tâm, đó là các doanh nghiệp cổ phần hóa chủ yếu là các doanh nghiệp độc lập, có quy mô vốn nhỏ, hoặc là các doanh nghiệp là thành viên của các tổng công ty nhà nước. Khi một bộ phận trong tổng công ty cổ phần hóa, nhưng lại cổ phần hóa “khép kín”, đã dẫn đến một thực tế là các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều có lãi, còn các thành viên khác đều lỗ hoặc không hiệu quả. Trong khi đó, những hợp đồng có khả năng có lợi nhuận cao, dễ thực hiện thì tổng công ty đều giao cho các công ty cổ phần thực hiện, còn các doanh nghiệp thành viên khác lại phải thực hiện các hợp đồng với tỷ suất lợi nhuận thấp, khó có khả năng thu hồi vốn.
4 – Về nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp sau cổ phần hóa
Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ngoài việc sắp xếp, bố trí lại vốn, tài sản, đồng thời cũng là quá trình tổ chức, sắp xếp lại lực lượng lao động, giảm bớt số lao động không đáp ứng được yêu cầu, không có nhu cầu sử dụng, nên hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tốt, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, sau khi chuyển thành công ty cổ phần, nhiều doanh nghiệp đã giảm tới 15% – 20% số lao động so với trước. Trong khi đó, quy mô sản xuất, doanh thu, lợi nhuận không những không giảm mà lại có xu hướng tăng, năng suất lao động cũng tăng lên. Mặt khác, người lao động được ưu đãi trong việc tham gia góp vốn mua cổ phiếu, trở thành những người chủ sở hữu của doanh nghiệp, tránh được xáo trộn về lao động, tạo tâm lý yên tâm cho người lao động, bảo đảm cho doanh nghiệp duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay sau khi cổ phần hóa và có bước phát triển trong những năm tiếp theo.
Qua kiểm toán cho thấy, bên cạnh những doanh nghiệp sau cổ phần hóa phát huy tốt nguồn nhân lực sẵn có, ổn định việc làm, tăng cường đào tạo, tuyển dụng thêm những lao động có tay nghề, trình độ cao, còn có những doanh nghiệp sử dụng lao động không hợp lý, thiếu chính sách thu hút và sử dụng nhân tài, cơ cấu ngành nghề, trình độ không hợp lý, tỷ lệ lao động gián tiếp còn ở mức cao (có công ty tỷ lệ lao động gián tiếp/trực tiếp là 1/1,1). Thực tế không ít lao động có trình độ cao về làm việc tại một số công ty cổ phần, sau một thời gian phải bỏ đi, vì cơ chế quản lý, sử dụng lao động bất hợp lý, sức ỳ trong bộ máy quản lý còn lớn. Một bộ phận cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, còn nặng tư tưởng bao cấp, kém năng động, năng lực hạn chế, sợ trách nhiệm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu của cơ chế thị trường, họ vẫn làm theo thói quen, kinh nghiệm bản thân…
Tóm lại, trong những năm qua, công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tuy đã đạt một số kết quả tích cực, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, tiến độ cổ phần hóa chậm. Việc huy động vốn trong quá trình cổ phần hóa chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thu hút được nhiều các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư tiềm năng. Nhiều công ty cổ phần chưa có sự đổi mới mạnh trong quản trị doanh nghiệp; phương pháp quản lý, lề lối làm việc, tư duy vẫn còn như khi còn là doanh nghiệp nhà nước, nên hiệu quả kinh doanh thấp, chưa khai thác tốt các nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh.
5 – Một số giải pháp nâng cao hiệu quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Để thực hiện tốt hơn công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, khai thác, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
– Một là, đẩy mạnh hơn nữa cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, coi cổ phần hóa là giải pháp quan trọng để tạo chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Đối tượng cổ phần hóa là những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, kể cả một số tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước lớn trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Mở rộng diện các doanh nghiệp nhà nước cần cổ phần hóa, triển khai việc cổ phần hóa Nhà nước giữ cổ phần chi phối đối với tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9, khóa IX. Lựa chọn một số tổng công ty “90” để thí điểm cổ phần hóa toàn tổng công ty.
– Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách cổ phần hóa, tạo lập môi trường pháp lý để khuyến khích, thúc đẩy cổ phần hóa và đa dạng hóa hình thức sở hữu. Có cơ chế và phương pháp định giá doanh nghiệp khoa học, hợp lý, thực hiện định giá qua các tổ chức chuyên nghiệp đủ uy tín, năng lực, bảo đảm thực hiện nguyên tắc thị trường quyết định giá trị tài sản của doanh nghiệp, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh công khai việc mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán theo phương thức đấu giá để thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng về vốn, công nghệ, thị trường, kinh nghiệm quản lý.
– Ba là, hoàn thiện cơ chế quản lý phần vốn của Nhà nước tại các công ty cổ phần, tiêu chuẩn người trực tiếp quản lý phần vốn của Nhà nước; làm rõ mối quan hệ giữa tổ chức cơ sở của Đảng – Hội đồng quản trị – Giám đốc doanh nghiệp trong công ty cổ phần, đặc biệt là về vấn đề tổ chức cán bộ.
– Bốn là, tổng kết và phổ biến kịp thời kinh nghiệm công tác cổ phần hóa. Thực tế cho thấy, thông qua các cuộc họp, hội thảo khoa học, những đợt tổng kết các thời kỳ và nội dung cổ phần hóa trong thời gian qua, chúng ta đã thu được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước đã có những điều chỉnh kịp thời về môi trường pháp lý, kiện toàn công tác tổ chức và đưa ra các quyết sách lớn trong quá trình chỉ đạo cổ phần hóa. Đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa và trong diện cổ phần hóa trong thời gian tới, việc tổng kết, trao đổi kinh nghiệm sẽ giúp các doanh nghiệp học tập những kinh nghiệm thành công và tránh mắc phải các hạn chế của các doanh nghiệp đi trước.
Đẩy mạnh hơn nữa việc sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo các Nghị quyết Trung ương 3 và 9 (khóa IX), là góp phần quan trọng để phát triển kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm thực hiện thắng lợi đường lối phát triển kinh tế mà Đại hội IX của Đảng đề ra.
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 105 – 2006