Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TRAO ĐỔI VỀ BÀI “TÁC ĐỘNG CỦA CÁC HÌNH THỨC LỖI ĐẾN VIÊC XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIÊM HỢP ĐỒNG NHÌN TỪ GÓC ĐỘ TRUNG THỰC VÀ THIÊN CHÍ”

Advertisements

THS. NGUYỄN XUÂN QUANG –  ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh

Trên Tạp chí Khoa học pháp lý số 1(38)/2007 có đăng bài “Tác động của các hình thức lỗi đến việc xác định trách nhiệm hợp đồng nhìn từ góc độ trung thực và thiện chí” của hai tác giả TS Dương Anh Sơn và ThS Nguyễn Ngọc Sơn. Trong bài viết trên, các tác giả đã đề cập đến vấn đề xác định thời hiệu trong Bộ luật Dân sự(BLDS). Theo đó, những kiến nghị mà các tác giả đưa ra có thể nói, đã đề xuất một cách tiếp cận khá mới mẻ so với phương pháp tiếp cận truyền thống ở nước ta về vấn đề thời hiệu đã được thừa nhận trong BLDS. Cách tiếp cận mới này có thể mở ra một chiều tư duy mới về vấn đề xác định thời điểm khởi kiện về giao dịch vô hiệu cũng như thời điểm khởi kiện các tranh chấp dân sự nói chung.

Một mặt đánh giá cao phương pháp tiếp cận trên cũng như những nội dung khác của bài viết. Mặt khác, sau khi đọc bài viết này chúng tôi thấy còn một số vấn đề cần trao đổi lại với các tác giả trên quan điểm khoa học về những ý kiến mà các tác giả đưa ra.Cụ thể là vấn đề các vấn đề sau:

Thứ nhất, về thời điểm tính thời hiệu khởi kiện xin tuyên bố giao dịch vô hiệu tại các Điều 130, 131, 132, 133 và 134 BLDS trong trường hợp lừa dối, đe dọa.

– Đối với trường hợp khởi kiện xin tuyên bố giao dịch vô hiệu do bị lừa dối. Các tác giả cho rằng lừa dối là hành vi có chủ định được che dấu một cách rất khôn khéo nên bên bị lừa dối đã không thể biết được khi giao kết. Theo đó, thời hiệu khởi kiện là hai năm kể từ thời điểm giao kết là không hợp lý. Thời điểm hai năm tính thời hiệu cần phải quy định tính từ khi bên bị lừa dối biết được hay buộc phải biết được là mình bị lừa dối thì sẽ chính xác hơn.

Theo tôi, quan điểm này của các tác giả đã thiên theo hướng bảo vệ quyền lợi của người bị lừa dối. Ngược lại với quan điểm đó, tôi cho rằng cách tiếp cận của các nhà lập pháp tính thời hiệu là hai năm kể từ khi giao kết như quy định hiện hành của BLDS là hợp lý vì các lý do sau đây:

Một là, các quan hệ dân sự hình thành trên cơ sở quyền tự định đoạt của các chủ thể và vì chính lợi ích của các chủ thể đó. Vì vậy, trước khi giao kết, các chủ thể phải cân nhắc cẩn trọng, kiểm tra thông tin về bên đối tác và tự chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Trong quan hệ dân sự mục đích thiết lập các giao dịch là nhằm phục vụ lợi ích cho chính các chủ thể tham gia, nên các chủ thể đó mới là người bảo vệ tốt nhất cho lợi ích của chính họ.

Hai là, nếu thời điểm khởi kiện không phải xác định kể từ khi giao kết mà kể từ khi người đó phát hiện ra mình đã bị lừa dối thì giả sử sau nhiều năm người bị lừa dối mới khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Trong trường hợp đó, vấn đề thu thập chứng cứ, chứng minh của đương sự và vấn đề thu thập, xử lý, đánh giá chứng cứ của tòa án là vô cùng khó khăn.

Ba là, nếu tính thời điểm khởi kiện từ khi bên bị lừa dối biết được mình bị lừa dối sẽ không góp phần ổn định các quan hệ dân sự, thúc đẩy giao lưu dân sự trên cơ sở bình đẳng, thiện chí của các bên tham gia. Trong khi đó, một trong những mục đích của việc quy định thời hiệu là nhằm tạo sự ổn định trong các quan hệ dân sự, thúc đẩy giao lưu dân sự phát triển. Do đó, phương pháp tính thời hiệu khởi kiện là hai năm đối với việc tuyên bố giao dịch vô hiệu kể từ khi xác lập giao dịch như trong BLDS hiện hành là hợp lý. Khoảng thời hạn hai năm cũng là khoảng thời gian hợp lý mà pháp luật quy định cho người bị lừa dối có điều kiện kiểm chứng, thu thập thêm thông tin liên quan đến đối tác giao kết cũng như tìm hiểu về đối tượng giao dịch. Do đó, họ hoàn toàn có đủ thời gian và điều kiện để cân nhắc quyết định việc khởi kiện để yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu.

Bốn là, quan điểm của các tác giả về thời điểm tính thời hiệu khởi kiện tuyên bố giao dịch kể từ khi người bị lừa dối, đe dọa phát hiện ra mình bị lừa dối có thể là điều kiện thuận lợi để cho chính người bị lừa dối lạm dụng với mục đích không trung thực, không thiện chí. Thực vậy, nếu áp dụng phương pháp tính thời hiệu như trên, người bị lừa dối có thể thừa biết mình đã bị lừa dối nhưng vẫn cứ tiếp tục che dấu nhằm khai thác, sử dụng đối tượng đã giao dịch trong một thời gian dài để hưởng lợi. Sau khi mục đích trên không đạt được thì họ mới khởi kiện với lý do mới phát hiện ra mình bị lừa dối. Bởi vì việc xác định căn cứ cho người bị lừa dối biết được họ bị lừa dối hoàn toàn mang tính chất chủ quan.

– Đối với trường hợp khởi kiện xin tuyên bố giao dịch vô hiệu do bị đe dọa. Các tác giả cho rằng đối với trường hợp một người bị đe dọa kéo dài trong khoảng thời gian hai năm hoặc hơn vậy kể từ khi giao kết thì sẽ mất quyền khởi kiện, do đó sẽ không là hợp lý. Các tác giả cũng đã đề xuất tính thời hạn hai năm kể từ khi chấm dứt sự đe dọa.

Chúng tôi cho rằng quy định hiện hành của BLDS về thời điểm tính thời hiệu kể từ khi giao kết được xác lập vẫn là hợp lý. Bởi vì, trong trường hợp một người bị đe dọa kéo dài mà họ không thực hiện được quyền khởi kiện để tuyên bố giao dịch vô hiệu thì họ vẫn có thể khởi kiện sau thời hạn trên bằng việc viện dẫn Điều 161 BLDS về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện. Theo đó, họ có thể viện dẫn lý do có trở ngại khách quan làm cho người có quyền khởi kiện không thể thực hiện được quyền của mình.

Thứ hai, ngoài những nội dung về thời hiệu như trên, thiết nghĩ một trong những vấn đề mà các tác giả của bài viết đã đưa ra cũng cần trao đổi thêm là trường hợp giao kết hợp đồng mua bán mà một bên giao kết cố ý vi phạm thì bên kia (bên bị vi phạm) không cần thiết phải áp dụng những biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất. Nói cách khác, việc quy định bên bị vi phạm cũng có nghĩa vụ áp dụng những biện pháp cần thiết để hạn chế tổn thất như quy định của BLDS là không công bằng và không thiện chí.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nguyên tắc thiện chí, trung thực đã và luôn là nguyên tắc cơ bản, nền tảng trong các giao lưu dân sự, thương mại, theo đó, các chủ thể tham gia đều phải triệt để tuân thủ. Một bên, mặc dù đã có hành vi cố ý vi phạm hợp đồng với đối tác nhưng không có nghĩa rằng pháp luật quy định bên đối tác hành xử bằng một hành vi không thiện chí với bên đã vi phạm, tức là theo kiểu trả đũa hay ăn miếng, trả miếng. Không vì lý do trước đó bên đối tác đã có hành vi vi phạm pháp luật mà bên bị vi phạm bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Điều quan trọng là pháp luật quy định những giải pháp để một mặt xử lý những hành vi vi phạm và mặt khác, hạn chế một cách tối đa những thiệt hại, tổn thất không cần thiết trong các giao lưu dân sự. Nói rộng hơn, pháp luật hiện đại đã, đang và cần thiết phải từ bỏ những phương thức trả đũa với mục đích không thiện chí mà cần hướng đến việc xây dựng, củng cố và thúc đẩy các giao lưu dân sự, thương mại trên cơ sở ổn định và lâu dài. Một biện pháp giải quyết tức thời (mặc dù có thể hợp lý trong trường hợp cụ thể đó) mà không thiện chí sẽ không thể là nhịp cầu tiếp nối cho các giao lưu dân sự, thương mại tiếp theo được phát triển.

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ  2(39)/2007

Exit mobile version