Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

HOÀN THIỆN THIẾT CHẾ BẢO ĐẢM AN TOÀN HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG, BẢO VỆ LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI GỬI TIỀN Ở VIỆT NAM

Advertisements

NGUYỄN CÔNG DƯƠNG – Thanh tra Ngân hàng Nhà nước

Trong thời gian đổi mới vừa qua, đặc biệt từ khi thực hiện 02 Luật về ngân hàng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã quy định và ban hành nhiều thiết chế quan trọng để bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Các thiết chế đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD được quy định ngay khi thành lập các TCTD và trong suốt quá trình TCTD hoạt động; các thiết chế đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền được quy định ngay khi khách hàng gửi tiền vào các TCTD đến khi người gửi tiền thanh toán gốc và lãi.

Mặt khác, xét toàn diện thì các thiết chế để bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD cũng có ý nghĩa nhất định trong việc bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Đây thực sự là một thành tựu quan trọng của ngành Ngân hàng trong gần 20 năm đổi mới. Việc hình thành được các thiết chế nêu trên ở nước ta, vừa là kết quả của việc tổng kết sâu sắc thực tiễn quá trình phát triển nhiều năm của hoạt động ngân hàng trong nước, vừa là kế thừa một cách tích cực kinh nghiệm tổ chức, quản lý hoạt động ngân hàng của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế. Trong đó, một số thiết chế đến nay đã đang tiến dần tới các chuẩn mực quốc tế.

Để có thể hình dung một cách rõ hơn các thiết chế bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền ở nước ta hiện nay, trên cơ sở các quy định Pháp luật hiện hành có thể nêu ra một số thiết chế quan trọng như sau :

I- Các thiết chế bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD :

1.1. Về phía các TCTD :

1.1.1. Các TCTD phải lập hệ thống kiểm tra, kiểm toán nội bộ để thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật, các quy định nội bộ của TCTD trên tất cả các lĩnh vực, tại sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện và các công ty trực thuộc; TCTD phải kiểm toán hoạt động nghiệp vụ từng thời kỳ, từng lĩnh vực để đánh giá chính xác kết quả kinh doanh và thực trạng tài chính của mình; Ban Kiểm soát của TCTD có nhiệm vụ kiểm tra hoạt động tài chính của TCTD, giám sát việc chấp hành chế độ hạch toán, hoạt động của hệ thống kiểm tra, kiểm toán nội bộ TCTD.

1.1.2. Hàng năm, chậm nhất 30 ngày trước khi kết thúc năm tài chính, TCTD phải lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo tài chính của mình. Doanh nghiệp được lựa chọn kiểm toán phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn và điều kiện của Ngân hàng Nhà nước. Việc kiểm toán nhằm xác định tính chính xác, trung thực, hợp pháp của các tài liệu, số liệu, báo cáo tài chính của TCTD; nhận xét đánh giá chấp hành chính sách, chế độ tài chính kế toán của TCTD.

1.1.3. Trên cơ sở phân loại nợ, TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Dự phòng rủi ro được hạch toán vào chi phí hoạt động của TCTD.

1.2. Về phía Ngân hàng Nhà nước:

1.2.1. Để hạn chế rủi ro trong hoạt động của các TCTD, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động kinh doanh, đầu tư của TCTD; quy định các biện pháp hạn chế, các giới hạn và các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong cho vay, bảo lãnh, đầu tư của TCTD. Các TCTD ban hành các quy định nội bộ và thực hiện kinh doanh, đầu tư phải bảo đảm tuân thủ các quy định của Nhà nước đã ban hành. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường.

1.2.2. Thanh tra ngân hàng là tổ chức thanh tra chuyên ngành về ngân hàng thuộc bộ máy Ngân hàng Nhà nước. Thanh tra ngân hàng có chức năng thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; việc thực hiện các quy định trong giấy phép hoạt động ngân hàng của các TCTD; phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; góp phần bảo đảm an toàn hệ thống TCTD và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

1.2.3. Ngân hàng Nhà nước đã hình thành Trung tâm thông tin tín dụng nhằm thu thập và cung cấp thông tin về tình hình quan hệ tín dụng của các doanh nghiệp với các TCTD để các TCTD khai thác làm cơ sở đánh giá khách hàng và quyết định cấp tín dụng được an toàn và hiệu quả

II – Các thiết chế bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền:

2.1. Về phía các TCTD và Ngân hàng Nhà nước:

2.1.1. TCTD phải tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền theo yêu cầu; bảo đảm trả đầy đủ đúng hạn cả gốc và lãi cho mọi khoản tiền gửi; bảo đảm bí mật số dư tiền gửi của khách hàng; từ chối việc điều tra, phong toả, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi mà không có sự đồng ý của khách hàng ( trừ trường hợp pháp luật quy định khác); thông báo công khai mức lãi suất tiền gửi.

2.1.2. Trong quá trình hoạt động các TCTD phải thường xuyên đảm bảo tỷ lệ khả năng chi trả đối với từng loại đồng tiền, vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả cho khách hàng của mình, TCTD phải báo cáo ngay với Ngân hàng Nhà nước về thực trạng tài chính, nguyên nhân và các biện pháp đã áp dụng, dự kiến áp dụng để khắc phục. Trong trường hợp cấp bách, để đảm bảo khả năng chi trả tiền gửi của khách hàng, TCTD có thể được các TCTD khác hoặc Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt. Khoản vay đặc biệt này sẽ được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác của TCTD.

2.2. Về phía Bảo hiểm tiền gửi Việt nam :

2.2.1. Các TCTD và tổ chức không phải TCTD được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng ( gọi là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi) hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhận tiền gửi bằng Đồng Việt Nam của cá nhân đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi bắt buộc.

Trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ mất khả năng chi trả nhưng chưa đến mức đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể hỗ trợ thông qua các hình thức: cho vay hỗ trợ để chi trả tiền gửi được bảo hiểm; bảo lãnh cho các khoản vay đặc biệt để có nguồn chi trả tiền gửi được bảo hiểm; mua lại nợ trong trường hợp khoản nợ đó có tài sản đảm bảo.

2.2.2. Khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấm dứt hoạt động và tổ chức đó bị mất khả năng thanh toán, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ tiến hành việc chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền. Mức tiền tối đa mà một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trả theo quy định của Chính phủ (tại Nghị định số 109/2005/NĐ-CP, ngày 24/8/2005) là 50 triệu đồng, bao gồm cả gốc và lãi.

Với việc ban hành và đang vận hành được trên thực tế các thiết chế nêu trên, trong thời gian qua các TCTD Việt Nam đã từng bước tăng cường được vai trò tự chủ trong kinh doanh; Ngân hàng Nhà nước cũng đã nâng cao được khả năng kiểm soát đối với hoạt động ngân hàng trong toàn quốc. Hoạt động của cả hệ thống ngân hàng tương đối ổn định, an toàn, bảo đảm duy trì được lòng tin của nhân dân nói chung và người gửi tiền nói riêng; góp phần tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế .

Tuy nhiên, trong thời gian tới ngành Ngân hàng bước vào hội nhập kinh tế quốc tế; rủi ro hoạt động ngân hàng sẽ trở lên phức tạp hơn và có thể phát sinh nhiều hơn. Đây là một thách thức đối với hoạt động kinh doanh của các TCTD và công tác quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, để kiểm soát và giảm thiểu rủi ro, các TCTD và Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục chủ động và tăng cường hơn trong việc hoàn thiện các thiết chế bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm hoàn thiện một số thiết chế có tác dụng phòng ngừa cao, như kiểm tra, kiểm toán nội bộ của các TCTD; tổ chức và hoạt động của Thanh tra Ngân hàng; tổ chức và hoạt động của Trung tâm thông tin tín dụng. Việc hoàn thiện những thiết chế này cũng chính là tạo ra những bảo đảm “ bền vững” cho quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền cũng như đảm bảo lợi ích chung cho nền kinh tế đất nước./.

SOURCE:  CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Trích dẫn từ: http://www.sbv.gov.vn/vn/home/tinnghiencuu.jsp?tin=105

Exit mobile version