admin@phapluatdansu.edu.vn

ĐẠI HỌC LÀ HÀNG HÓA HAY CÔNG ÍCH

image GS. CAO HUY THUẦN – Đại Học Picardie, Pháp

Đại học là hàng hóa hay là công ích? Con người là con người gì mà đại học nhắm đến trong nhiệm vụ đào tạo của mình? Đâu là những giá trị, những phúc lợi mà đại học mang đến cho xã hội, và những phúc lợi, giá trị đó có tính ra bằng tiền được không?

Các anh chị thân mến, thế hệ chúng tôi đã học bài “tập đọc và học thuộc lòng” thế này trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp ba:“Bác hỏi tôi đi học để làm gì, tôi xin nói bác nghe. Tôi đi học để biết đọc, biết viết, biết tính toán …” Đó là tóm tắt câu mở đầu. Và câu cuối là: “Nhưng tôi đi học cốt nhất là biết luân lý, để hiểu cách ăn ở thành người con hiếu thảo, người dân lương thiện”. Hiểu rộng ra là để làm người.

Đồng thời với chúng tôi hồi đó, tại mẫu quốc, các cậu bé của nước Đệ Tam Cộng Hòa Pháp được dạy để làm công dân dưới mái trường mà mỗi giáo viên tiểu học là một người lính tiền phong chống lại giáo dục của Nhà Thờ ngự trị qua bao thế kỷ.

Học để làm người, học để làm công dân, học để tự do, quan niệm giáo dục như một công ích đó ngày nay đã nhường bước cho môt khuynh hướng khác, xem tất cả đều là thị trường, nhà trường cũng chỉ là nơi mua bán, ít ra là ở cấp đại học. Tôi nhấn mạnh hai chữ “khuynh hướng”, bởi vì giáo dục chưa trở thành hoàn toàn thương mại ở bất cứ đâu, dù là Mỹ, và bởi vì, khắp nơi, khái niệm công ích vẫn còn được sử dụng, hoặc để chống trả, hoặc để che đậy một thực tế đã đổi khác.

Nhưng dù che hay chắn, khuynh hướng thương mại đang ở trên đà thắng thế khắp nơi, và tình trạng che chắn ngày nay được xem như giai đoạn chuyển tiếp, giao thời, cái cũ đang bị cuốn đi dưới dòng lũ của toàn cầu hóa. Nêu viễn tượng đó lên trước hội thảo này, tôi không nghĩ là động đến vấn đề gì mới, mua bán trong nhà trường là chuyện bình thường ở ta. Nhưng nêu lên để suy nghĩ về chức năng của đại học trước thách thức của thời đại mới thì chắc không đến nỗi thừa.

Vậy, đại học là hàng hóa hay là công ích? Con người là con người gì mà đại học nhắm đến trong nhiệm vụ đào tạo của mình? Đâu là những giá trị, những phúc lợi mà đại học mang đến cho xã hội, và những phúc lợi, giá trị đó có tính ra bằng tiền được không? Tôi sẽ lần lượt trình bày hai quan điểm: quan điểm “đại học hàng hóa” và quan điểm chủ trương sống chung với khuynh hướng của thời đại để bảo vệ cái gì có thể và cần phải bảo vệ. Đó cũng là quan điểm của tôi.
Đại học thương mại hóa

Từ đâu đại học trên thế giới, dưới đà lôi cuốn của các nước kỹ nghệ, đi vào con đường thương mại hóa? Từ sự lấn lướt của chủ nghĩa tân tự do. “Đại học hàng hóa” dựa trên cơ sở triết lý về con người của chủ nghĩa này; bởi vậy, tôi phải bắt đầu với ý thức hệ này trước khi đi vào những vấn đề cụ thể.

Chủ nghĩa tân tự do

Cũng như tự do chủ nghĩa, tân tự do xem thị trường – tự do và cạnh tranh – là phương pháp hay nhất, nếu không muốn nói là duy nhất, để thực hiện tiến bộ kinh tế, xã hội và cả chính trị. Chống lại mọi hình thức điều tiết thị trường bằng một luật nào khác ngoài luật cung cầu, tân tự do, cũng như tự do chủ nghĩa, đòi Nhà nước phải rút lui, về mặt quốc gia cũng như quốc tế.

Nhưng tân tự do còn là một triết lý về con người, và chính ở đây nó liên quan đến giáo dục. Tân tự do nhìn mỗi con người như là một doanh nhân, đang quản trị đời sống của mình như là doanh nhân, trong mọi hành động, mọi lĩnh vực. Chọn bạn, chọn vợ chồng, chọn thể thao, giải trí, chọn việc làm … nhất nhất đều phải ứng xử như là doanh nhân. Thị trường mà thôi: chưa đủ. Phải như thế này mới đúng: không có cái gì mà không phải là thị trường. Vậy, bất cứ làm gì và trong lĩnh vực nào, mỗi cá nhân là một con người lựa chọn tự trị, có khả năng lựa chọn và phải hành xử khả năng đó để mình mới thực sự là mình.

Để cá nhân thực hiện toàn vẹn khả năng đó, môi trường sống chung quanh cũng phải được xây dựng theo mô hình tân tự do: xã hội cũng tự trị, Nhà nước rút lui, thông tin dồi dào, truyền thông tự do, kỹ thuật tân tiến … Con người ở đây là con người cực kỳ duy lý, hoạt động trong một thế giới cạnh tranh – tự do và toàn vẹn. Tương quan giữa con người và môi trường sống đó làm phát triển một “văn hóa doanh nghiệp” biểu lộ trên mỗi hành động của cá nhân và thể hiện qua những giá trị được xã hội chấp nhận. Ai chuyển tải những giá trị đó nếu không phải là nhà trường?

Để phát triển con người tính toán thuần lý và vị kỷ đó, giáo dục tân tự do cầu viện đến lý thuyết “vốn con người“ do các kinh tế gia tân cổ điển xướng xuất từ những năm 1960, bây giờ trở nên ngọn đuốc soi đường cho các hãng tuyển dụng nhân lực. “Vốn con người” được định nghĩa là “cái kho tri thức có thể tính thành giá trị về kinh tế mà một người có thể tích lũy”.[1]

Trước hết, đó là những thành tựu thu thập được do đào tạo hoặc do kinh nghiệm nghề nghiệp. Rộng hơn, đó là những điểm son mà một cá nhân có thể trưng ra trên thị trường lao động hòng được mắt xanh của các nhà tuyển dụng chấp nhận như những nguồn giá trị tương lai: diện mạo, khéo léo, tài giao tế, năng khiếu gây thiện cảm…
Nhà kinh tế Mỹ Edward Denison đã cố chứng minh từ 1967 rằng tăng trưởng kinh tế gắn liền không những vào việc tăng số lượng của những yếu tố sản xuất – tư bản và lao động – mà còn vào phẩm chất của nhân công, phẩm chất do giáo dục tạo ra một phần. Bất cứ lúc nào, bên cạnh vốn tài chánh và vật chất, phải kể đến vốn giáo dục nằm nơi toàn thể dân số lao động.[2]

Như vậy, chi phí về giáo dục phải xem như là của cải đầu tư hơn là của cải tiêu thụ. Nhưng “đầu tư trong kiến thức”, dưới mắt các lý thuyết gia của“vốn con người”, là đầu tư với một ý nghĩa cực kỳ vị kỷ: đầu tư vào một nguồn vốn đặc biệt, không tách rời khỏi cá nhân, để tăng sức sản xuất của cá nhân. Gary Becker, giải Nobel 1992, giải thích: “vốn con người” là một của cải tư, mang đến lợi tức cho người có cái vốn đó.[3]

Người đó có những nguồn vốn riêng mà y tìm cách làm tăng trưởng suốt đời để tạo thêm cho y sức sản xuất, lợi tức, và những lợi lộc khác về mặt xã hội. Y tính toán: mình học thêm, tay nghề của mình cao hơn, năng suất cao hơn, lương nhiều hơn, hàng cao giá hơn. Nghe rất lọt tai, nhưng giáo dục, đáp ứng tính toán duy nhất vị kỷ đó, từ khước cái nhìn rộng hơn về xã hội, trở thành món hàng trưng bày ra trước những người tiêu thụ tự do, trên một thị trường tự do, trả giá giữa tư nhân với nhau. Ăn ý với chủ thuyết tân tự do,“vốn con người” ngày nay là ngôn ngữ đầu lưỡi của các tổ chức kinh tế và tài chánh quốc tế, ý thức hệ đắc thắng của trật tự mới về giáo dục trên thế giới.[4]

Cũng vậy, tác dụng của chủ nghĩa tân tự do trải rộng trên khắp xã hội, không riêng gì trên kinh tế. Tấn công của tân tự do là tấn công của một hợp lý hóa toàn diện trên khắp các định chế chính trị, xã hội ngày nay: tất cả đều phải hoạt động theo những nguyên tắc của thị trường, trong đó mỗi người theo đưổi những mục tiêu tư, cạnh tranh với tất cả những người khác, không có liên hệ gì với nhau ngoài sự đồng ý trên những lợi ích tư. Xã hội sẽ thay đổi toàn diện nếu luận lý ấy được áp dụng tận cùng: hoàn cảnh nào cũng đều trở thành hoàn cảnh thị trường, quan hệ nào cũng là quan hệ cạnh tranh, cái đầu của ai cũng phải là cái đầu doanh nghiệp, người nào cũng là con người tự lập tính toán vị kỷ, ai ai cũng phải tích lũy lợi ích riêng tư, kẻ nào láng cháng tính toán sai sẽ bị trừng phạt, mọi cơ hội đều phải khai thác để làm lợi cho chính mình … Tất cả những giá trị đó được xem như là động cơ làm bật lên đà thăng tiến cho cả xã hội. Lịch sử tiến theo chiều hướng họp lý hóa như Weber đã tiên đoán; có điều là hợp lý hóa ở đây không phải là hợp lý hóa kiều bàn giấy mà là hợp lý hóa kiểu tư bản.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa tân tự do như vậy, tổ chức đại học thế nào là hợp lý? Nói rõ hơn: vì đại học là nơi sản xuất kiến thức, phải quan niệm kiến thức như thế nào để hợp với luận lý của tân tự do?

Kiến thức hợp lý hóa

Câu hỏi nêu trên được đặt ra trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới, với hai đặc điểm có liên quan đến đại học: một là thị trường nghiễm nhiên trở thành luật chung; hai là Nhà nước phúc lợi ở đâu cũng đang bị khủng hoảng. Luật của thị trường buộc đại học phải cạnh tranh; khủng hoảng trong ngân sách của Nhà nước buộc đại học phải tự trị để tìm nguồn vốn bên ngoài – nghĩa là tư. Trong hoàn cảnh đó, tranh luận về kiến thức, bị khuynh hướng mới dẫn đường, không ngừng ở chỗ kiến thức có phải là hàng hóa hay không mà là: hợp lý hóa nó như thế nào.

Hàng hóa? Đâu cần con mắt của kinh tế gia, ngay cả triết gia cũng thấy: từ 1984, J-F. Lyotard, tác giả Pháp được thế giới nhắc nhở nhiều trong tranh luận này, đã viết: “Mối quan hệ giữa những người cung cấp kiến thức cùng những người sử dụng kiến thức với kiến thức mà họ cung cấp và sử dụng ngày nay gần giống như mối quan hệ giữa những người sản xuất ra một sản phẩm cùng những người tiêu thụ sản phẩm với sản phẩm mà họ sản xuất và tiêu thụ – nghĩa là mang hình thức của giá trị. Kiến thức đang được và sẽ được sản xuất để bán và tiêu thụ, để tăng trưởng giá trị trong một quy trình sản xuất mới: trong cả hai trường hợp, mục tiêu là trao đổi. Kiến thức không còn là mục tiêu của chính nó … Hầu như ai cũng chấp nhận rằng kiến thức đã trở thành sức mạnh chính của sản xuất trong những thập niên vừa qua”.[5]

Kết luận hợp lý cụ thể mà đại học phải rút ra là: vì cạnh tranh kinh tế trên thế giới đặt kiến thức vào vị thế hàng đầu, đại học buộc phải phát triển ưu tiên những ngành khoa học / kỹ thuật nào mang lại nhiều hứa hẹn nhất để thắng lợi trong cạnh tranh. Nói rõ: sẽ có những ngành khoa học quan trọng hơn những ngành khoa học khác. Vậy: đâu là chức năng của khoa học, khoa học có phải là để khám phá ra sự thật nữa hay không, hay là đã trở thành khoa học-áp dụng? Nếu khoa học chỉ có mục đích cụ thể hạn hẹp như thế thì, cùng với nó, đại học và cả hệ thống xã hội, đều phải quỳ dưới chân của nguyên tắc hiệu quả, sinh lợi – bà chúa của quản trị, của kinh doanh.

Từ kiến thức được quan niệm như món hàng, đại học, nơi sản xuất ra kiến thức, hân hoan nhập cuộc vào guồng máy tư bản, vào kinh tế thị trường, để trở thành đại học thị trường, vừa phục vụ thị trường, vừa tự mình cải hóa thành thị trường – thị trường kiến thức, thị trường nghiên cứu. Dán trên trán đại học là hai lá bùa ghi hai chữ: sản xuất, cạnh tranh. Đó là đầu mối của sự phân chia giữa các đại học với nhau và giữa lòng mỗi đại học: giữa các đại học và phân khoa “sản xuất” (phe thắng) và các đại học, các phân khoa không sản xuất, không sinh lợi (phe thua).
Nghiên cứu cũng vậy: phe thắng được chi viện, được các xí nghiệp hợp tác; phe thua sống lây lất, ngay ngáy lo có ngày sập tiệm. Cả chương trình học, nội dung giảng dạy, nghiên cứu, cả các “ghế” giáo sư cũng thêm, cắt, đóng, mở, tùy theo tiêu chuẩn đẻ ra tiền hay vô sinh vô dưỡng. Đại học công vẫn tồn tại, vẫn xem như thực hiện chức vụ công, vẫn sống với tiền của Nhà nước, nhưng càng ngày càng lệ thuộc vào lợi ích tư, càng xông vào mê hồn trận của hợp lý hóa tư bản.
Với quyền tự trị lớn hơn được công nhận, các đại học tranh nhau đi tìm nguồn vốn phụ trội bên ngoài, săn hợp đồng, mở phòng liên lạc, liên kết với các xí nghiệp, tân trang chương trình, cải tổ nghiên cứu, quảng cáo, tiếp thị, ứng xử như một xí nghiệp. Giữa các đại học, đẳng cấp lồ lộ hiện ra, đại học này là “đại học nghiên cứu”, đại học kia là đại học binh nhì, gỡ gạc sĩ tử không có tiền đi học xa.

Hình thức mới nhất đang hấp dẫn các đại học Âu châu là “đại học doanh nghiệp”,[6] đại học làm doanh nghiệp để thực hiện một chức năng thứ ba mới toanh, bên cạnh hai chức năng giảng dạy và nghiên cứu: chức năng “phát triển kinh tế và xã hội”. Nhân danh chức năng thứ ba cách mạng này, các trung tâm nghiên cứu của đại học biến thành “bán xí nghiệp” – nghĩa là hoạt động hợp lý giống như xí nghiệp, “chỉ thiếu mỗi mục đích kiếm lãi mà thôi để trở thành công ty”.[7] Lý tưởng của các trung tâm ấy là tổ chức cho được một dãy dây chuyền từ khâu nghiên cứu, khâu sản xuất, đến tận khâu buôn bán sản phẩm cuối cùng.[8]

Học ở đâu phương thức hợp lý hóa kiểu dây chuyền như thế để làm sinh lợi kiến thức? Hãy nhìn các nhà hàng fast food của McDonald trên khắp thế giới. Hãy học cách tổ chức, cách quản lý, và nhất là cái tài tập hợp mọi khả năng để tạo ra một sản phẩm đồng bộ trong hàng ngàn quán ăn trên khắp thế giới: bánh mì ấy, miếng thịt ấy, mùi vị ấy, khẩu vị ấy. Hãy nằm lòng bốn tiêu chuẩn của quán ăn: phải có hiệu quả, phải có thể tính toán được, phải có thể đoán trước được, phải có thể kiểm soát được.[9] Đại học công phải biết: vì tất cả đều là cạnh tranh, câu hỏi “ai tài trợ” không quan trọng nữa mà là: “quản lý thế nào”. Đại học công có thể nhận tài trợ từ khu vực tư miễn là đạt cho được tính hiệu quả. Hãy nhìn McDonald làm ăn để “McDonald hóa đại học”.[10] Đại học cổ điển nhấn mạnh công bằng xã hội; đại học tân thời ưu tiên hiệu quả. Đại học ngày hôm qua nâng cao tính nhân bản; đại học ngày hôm nay dạy dỗ tiếp thị khả năng. “Xã hội tri thức” ngày nay cần những đại học hiệu quả như thế, những trung tâm nghiên cứu hiệu năng như thế, để cạnh tranh thắng lợi.

Cho nên, các nguyên thủ quốc gia trong Cộng Đồng Âu châu họp nhau tại Lisbonne, tháng 3 năm 2000, vạch ra “chiến lược 2010” với mục tiêu biến Cộng Đồng thành “một nền kinh tế tăng trưởng có sức cạnh tranh mạnh nhất trên thế giới, năng động nhất thế giới”, hòng thúc đẩy một xã hội tri thức dựng trên thông tin, gắn chặt với “nền kinh tế mới“, có khả năng phát triển một thị trường duy nhất về dịch vụ và kỹ nghệ. Nói khác: chung sức nhau để cạnh tranh và để làm ít nhất là bằng Mỹ.

Cạnh tranh, nghĩa là bảo vệ sản phẩm của mình trên thị trường nội địa, tấn công vào thị trường thế giới. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, sách nào cũng nói: giáo dục là một thị trường khổng lồ, 2000 tỷ đô la, gấp đôi thị trường xe hơi,[11] 50 triệu người làm việc, 1 tỷ khách hàng học sinh, sinh viên.[12] “Đó là một trong những thị trường lớn nhất và tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, trong đó các tác nhân hiện tại không đáp ứng nổi nhu cầu”.[13] Người tiêu thụ tư đông vô kể như thế, đại học Âu châu, “làm cho bằng Mỹ”, tất cũng phải xông như Mỹ vào cái thị trường béo bở kia và đồng thời bảo vệ thị trường của mình. Người tiêu thụ tư, phương thức quản trị tư: trên hai cái đích ấy, đại học tiến dần đến chỗ biến mình thành hàng hóa, dưới sự thúc đẩy của các cơ quan quốc tế.

Đại học thị trường hóa

Cơ quan quốc tế nói ở đây, trước hết là WTO. Tổ chức thương mại quốc tế này, ai cũng biết; ít biết hơn là GATS, Thỏa ước tổng quát về thương mại dịch vụ, khí cụ của WTO. Ký năm 1995, thỏa ước này trù liệu mở toang cửa cho tự do mậu dịch về dịch vụ sau một thời hạn thương thuyết 10 năm; như vậy đáng lẽ thương thuyết đã kết thúc vào ngày 1-1-2005 nếu không có sự cố canh nông xảy ra: đùng một cái, thương thuyết tổng quát hơn của WTO về tài trợ canh nông thất bại tại Cancun năm 2003, lôi kéo theo đình chỉ thương thuyết về dịch vụ. Giáo dục nằm trong danh sách những “dịch vụ” nói trên. Tháng 7 năm 2002, Mỹ, Úc, Tân Tây Lan và Nhật đòi thả lỏng đại học, thả lỏng việc đào tạo người trưởng thành, việc đánh giá phẩm chất của giảng dạy và của trắc nghiệm.[14] Thương thuyết chính thức ngưng, nhưng thương thuyết ngầm vẫn tiếp diễn suốt năm 2004, áp lực vẫn duy trì.

WTO phân biệt 4 hình thức tự do mậu dịch quốc tế về giáo dục:

Một, và quan trọng nhất, là “tiêu thụ tại ngoại quốc”: đây là hình thức liên quan đặc biệt đến đại học. Học tại nước ngoài được xem như “xuất khẩu” dịch vụ giáo dục. Năm 1995, số lượng của mậu dịch này là 27 tỷ đô la riêng cho mức đại học; Mỹ chiếm hàng đầu (7 tỷ), sau đó là Pháp, Đức, Anh. Đòi hỏi trong lĩnh vực này là xóa bỏ những biện pháp hạn chế sự đi lại của sinh viên: thủ tục nhập cư, kiểm soát hối đoái, tương đương bằng cấp … Tôi hân hạnh được đọc một mẫu tin ngắn nóng hổi trên báo mạng Tia Sáng, ngày 18-6-2008, về một “liên hiệp các trường đại học và doanh nghiệp đào tạo công nghệ thông tin Việt Nam” đứng ra mua bản quyền chương trình giảng dạy của trường Carnegie Mellon, đại học Mỹ chủ trương xuất khẩu giáo dục. Theo tin tôi biết, Việt Nam trước hêt cử 5 người qua Mỹ học một tháng rồi về dạy lại; chi phí sơ sơ 2 triệu đô la trả trước.

Thứ hai là “cung cấp dịch vụ”, hình thức càng ngày càng phát triển và phát triển nhanh nhất, với việc bán giáo trình qua internet, CD-Rom, DVD. Yêu cầu trong lĩnh vực này là tạo dễ dàng cho giới trẻ vào internet, hủy bỏ luật lệ về giáo dục từ xa, công nhận tương đương cho các giáo trình, thừa nhận bằng cấp trên quốc tế… Tên cúng cơm của hình thức “bán cái đầu” này là e-learning, học vô biên giới, đâu còn thầy trước mắt nữa để dọa “không thầy đố mày làm nên”?

Thứ ba là “hiện diện thương mại”, liên quan đến việc mở những trường đào tạo tư do các xí nghiệp nước ngoài kiểm soát. Nước sở tại phải xóa bỏ những cản trở như: từ chối không công nhận trường nước ngoài, cấm cấp phát văn bằng, bày đặt ra những điều kiện về quốc tịch …

Cuối cùng là “hiện diện của nhân viên”, hậu quả của hình thức thứ ba vừa nói. Không được hạn chế số lượng của các người đến giảng dạy.[15]

Giáo dục trở thành business. Một business có tham vọng đuổi ra khỏi đầu hình ảnh muôn đời sâu đậm về “mái trường”, về “thầy cô”. Trường vô hình. Thầy cô không có mặt mũi. Trong ba ngôi báu của đức Khổng – Quân, Sư, Phụ – đố ngài biết sư là ai.

Thế nhưng không phải ai cũng chấp nhận trào lưu đó. Mà dù có chấp nhận vì biết không thể cưỡng lại được, sự chấp nhận vẫn có giới hạn. Giữa quan niệm hàng hóa và quan niệm công ích, tranh luận về giáo dục trở nên phức tạp, cả hai luận lý không chừng phải chung sống với nhau, dù xung khắc. Đây là cách nhìn thứ hai.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading