GS. TƯƠNG LAI
Sau “sự cố” Hoa hậu báo Tiền Phong 2008 gây nhiều bức xúc, phải chăng cũng nên dành thời gian suy ngẫm thêm về chiều sâu văn hóa của chuyện Hoa hậu như là một hiện tượng văn hóa. Phải từ bình diện văn hóa, đặc biệt từ nhận thức về lý tưởng thẩm mỹ mà có sự ứng xử đúng đắn với một vấn đề khá nhạy cảm trong đời sống tinh thần của xã hội ta hôm nay.” – GS. Tương Lai
Luận bàn về chữ “hoa”
Xin bắt đầu bằng việc gợi lại một câu tục ngữ quen thuộc “Người ta là hoa của đất”. Cảm quan thẩm mỹ thấm đượm tính nhân văn của truyền thống dân tộc được diễn đạt rất dung dị song thật hàm súc trong câu tục ngữ này.
Không biết “hoa” trong những danh xưng “hoa hậu”, “hoa trạng nguyên” có dây mơ rễ má gì với từ “hoa” của câu tục ngữ kia không? Rồi “hoa” trong “hoa cười ngọc thốt đoan trang” và“hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”, cho đến “hoa hương càng tỏ thức hồng” hoặc “hoa thơm phong nhị, trăng vòng tròn gương”…… mà cụ Nguyễn Du mượn để nói về vẻ đẹp của người con gái liệu có khởi nguồn từ cảm thức nhân văn người là hoa của đất không?
Càng ngẫm nghĩ, càng thấy hàm lượng trí tuệ câu tục ngữ quả là phong phú. Sẽ càng cảm nhận được sự phong phú đó khi nhớ tới sự liền mạch của triết lý nhân văn ấy với những nội dung mở rộng ra ngoài lĩnh vực thẩm mỹ nhằm đề cao con người, nhìn nhận giá trị của con người, chẳng hạn như: “một mặt người hơn mười mặt của”, “người còn thì của còn”, “người sống, đống vàng”, “người là vàng, của là ngãi”, “người làm ra của, của không làm ra người”…Phải chăng, từ cái logic của triết lý nhân văn ấy mà ông cha ta đưa ra một tổng kết có ý nghĩa răn dạy con em mình: “cái nết đánh chết cái đẹp”.
Câu tục ngữ ấy cứ tưởng bị chìm khuất đi trong nhịp sống hiện đại của thời hội nhập. Cứ ngỡ như “cái đẹp” đang lên ngôi trong hội chứng bắt chước những ngôi sao điện ảnh nước ngoài mà cứ bật tivi lên là đập ngay vào mắt. Rồi hối hả rộn ràng thôi thúc thị hiếu của không ít bạn trẻ đang bị hút hồn theo những cuộc thi hoa hậu và người mẫu uốn lượn, khơi gợi với những màn trình diễn “duyên dáng”, “mát mẻ” triền miên.
Và thế là, “đánh chết thế quái nào được, cái nết chào thua trước cái đẹp thì có”, một số bạn trẻ dõng dạc tuyên ngôn. Nhưng rồi, vụ “xì căng đan” hoa hậu vừa đăng quang đang gây bức xúc công luận, buộc người ta phải suy ngẫm lại về câu tục ngữ mà có người cho là quá bảo thủ và đã lỗi thời khi tiến trình hội nhập đi vào chiều sâu, đòi hỏi một sự cởi mở và thông thoáng trong tư duy.
Cởi mở và thông thoáng trong tư duy, tạo ra một không gian rộng mở và thoáng đạt trong hoạt động tư tưởng, hoạt động văn hóa nghệ thuật thì đúng đang là nhu cầu nóng bỏng của cuộc sống, có ý nghĩa lớn đến hội nhập và phát triển. Thế nhưng, sẽ rất không đúng khi nhân danh sự thông thoáng và cởi mở mà nghĩ rằng cái nết chào thua trước cái đẹp đang là một chiều hướng văn hóa có tác động đến lối sống xã hội, nhất là trong lớp trẻ.
Bênh vực cái đẹp, thì cứ cho là thế cho sang, chứ không phải là bênh vực cho người được xem là đẹp để tự bào chữa cho chính mình, ông Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu 2008 hùng hồn tuyên bố người được xem là đẹp ấy “vẫn được giữ nguyên vương miện”. Nhưng ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thì hạ một câu thẳng băng: “Ban tổ chức không thể man trá”! (Báo Thanh niên 6.9.08).
Công luận thì lao xao chuyện học bạ giả của người đẹp mà ông Trưởng ban nói liều là chẳng có liên quan gì đến cuộc thi (!), chuyện này nối vào chuyện vòng vo bất nhất: đã tốt nghiệp hay chưa tốt nghiệp THPT từ những câu người đẹp trả lời nhà báo. Còn mẹ của hoa hậu vừa đăng quang thì “chỉ mong gặp con gái và trả lại vương miện để đi du học”! Thế rồi có người nghiêm khắc đưa ra quan điểm: đã giả dối là không đẹp rồi, như cách ông ta cha ta nghiêm khắc răn dạy thì giả dối là mất nết, sao có thể là hoa hậu được.
Xem ra “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, trong khi chờ đợi nết trung thực nghiệt ngã rồi sẽ ló dạng, sự thật trần trụi sớm muộn e rồi cũng phải “đăng quang” trên đài dư luận, xin tạm gác sang bên vụ “xì căng đan” xấu hổ để trở lại với câu tục ngữ của một thời của xã hội khép kín và bị chi phối bởi đạo đức học Khổng Mạnh với lý lẽ có phần cực đoan “nết” đánh chết “đẹp” kia, xem thử nó có gợi ý gì thêm cho công luận đang bức xúc về vụ Hoa hậu vừa trót đăng quang có bị tước vương miện không, cho dù vương miện đã bị rơi ngay lúc vừa được trao, một “điềm gở” mà màn hình tivi VTV1 vô tình hay hữu ý (?) đã phô ra trước mắt bàn dân thiên hạ hôm 7.9.08!
“Lý tưởng của chân lý là Trời. Lý tưởng của cái đẹp là Người”
Đúng là phải trở lại khái niệm đẹp trong lý tưởng thẩm mỹ từng được giảng dạy cho học trò, trong đó hàm chứa thuần phong mỹ tục của dân tộc mang sắc thái triết lý phương Đông, liệu có phải là cái đang dẫn dắt thị hiếu của một bộ phận lớp trẻ háo hức dõi theo các cuộc đua “người mẫu”, cuộc thi Hoa hậu hôm nay không? Vì, dù dưới cách nhìn nào thì những hoạt động đó đang là những hiện tượng văn hóa trong đời sống đất nước.
Cần nghiêm cẩn nhìn nhận “hiện tượng văn hóa” ấy trên quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội” mà Nghị quyết của Đảng đã từng khẳng định để văn hóa không bị những hành vi phản văn hóa làm vấy bẩn. Hơn nữa, khi các hiện tượng văn hóa ấy đang được dồn dập đưa lên màn hình cùng các phương tiện truyền thông đại chúng khác, chúng đang có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ảnh hưởng tốt được phát huy và ảnh hưởng xấu cũng lan tỏa. Mà thói thường, cái xấu lan tỏa nhanh hơn cái tốt. Chính vì thế, trao đổi lại vấn đề cái nết và cái đẹp trong truyền thống thẩm mỹ dân tộc chắc không là tiếng kèn lạc điệu mà có khi lại là một tiếng chuông cảnh báo.
Thật ra thì cũng chẳng cứ ở phương Đông, mà ở phương Tây cũng vậy thôi, nói chung, chẳng mấy ai đem đối lập đẹp và nết. Bởi lẽ, sự hài hoà giữa cái đẹp thể hình với cái đẹp tinh thần, giữa “sắc đẹp” quan sát được bằng mắt với phẩm chất, nhân cách của con người được cảm thụ không chỉ bằng mắt, đều là thuộc tính của con người, thuộc tính người.
Chẳng thế sao khi Emanuel Kant, nhà triết học lớn đã để dấu ấn rất sâu đậm trong lịch sử tư duy của loài người, từng cho rằng: “Lý tưởng của chân lý là Trời. Lý tưởng của cái đẹp là Người”. Cái đẹp gắn liền với con người, phạm trù đẹp xuất hiện cùng với phạm trù người, chỉ con người mới thưởng thức được cái đẹp.
Có lẽ vì thế mà C.Mác viết: “Con mắt trở thành con mắt người cũng như đối tượng của con mắt trở thành đối tượng của xã hội, của con người, do con người sáng tạo ra vì con người”, và vì vậy, C. Mác cho rằng “do đó con người cũng sáng tạo theo cả những quy luật (thước đo) của cái đẹp”. Đốtxtôiepxki, văn hào Nga thì cho rằng “cái đẹp sẽ cứu thế giới” còn M. Gorki lại tin rằng “mỹ học (tức là khoa học về cái đẹp – TL) là đạo đức học của tương lai”!
Được diễn đạt dưới nhiều cách khác nhau, nhưng điểm quy chiếu của những ý tưởng lớn ấy vẫn là con người, con người trong tính toàn vẹn của nó, trong sự gắn bó, đan kết của chân, thiện, mỹ. Cái đẹp (mỹ) có mối tương tác hài hòa với cái đúng (chân) và cái tốt (thiện).
Con người, luôn là nơi xuất phát và cũng là điểm đến cuối cùng của mọi luận bàn về khái niệm đẹp, luôn chiếm giữ vị trí trung tâm trong nội hàm của khái niệm ấy. Nói chung là vậy, trong truyền thống văn hóa của dân tộc ta lại càng như vậy. Con người, phẩm chất của con người, là mối quan tâm hàng đầu của các bậc thức giả. Chẳng thế mà Nguyễn Văn Siêu một danh sĩ thời Tự Đức, khi bàn về văn hóa, văn chương đã chia làm hai loại, “Có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Thế đó, chuyên chú ở con người!
Ngẫm cho kỹ, khi ông cha ta nói quá đi mối tương quan giữa cái nết và cái đẹp là cũng chỉ để đề cao con người, đề cao cái đẹp của con người, chứ không nhằm đối lập giữa cái đẹp và cái nết đều là những giá trị quý báu của con người. Chỉ có điều, vì “cái nết” thể hiện tập trung nhất thuộc tính người, chỉ có ở con người, nên đưa “nết” lên trước là có cái lý của nó, cái lý của sự “chuyên chú ở con người”.
Với một bông hoa, người ta nói bông hoa đẹp, và cùng lắm thì chê là bông hoa này không đẹp chứ không ai chê là bông hoa “mất nết”. Ông cha ta đặt trọng nết, thêm cho nết một “quyền uy” trước “đẹp” chắc là vì lẽ đó chứ “cái nết” không đánh chết ai cả. Nó chỉ răn dạy người đẹp đừng mất nết để làm phôi pha, gây phản cảm với cái đẹp, thậm chí triệt tiêu cái đẹp. Cái nết bổ sung và hoàn thiện cái đẹp nhằm tôn vinh những ai vừa “đẹp người” vừa “đẹp nết”.
Mong đừng ai là con sáo cụt mất đầu lưỡi!
Người cùng thời và ngang tài với Nguyễn Văn Siêu là Cao Bá Quát,“Thần Siêu-Thánh Quát”, không phân loại văn chương, mà phân loại người làm ra văn chương. Ông chia họ thành ba loại ứng với ba loài chim. Thứ nhất là hồng hộc bay giữa trời xanh. Thứ hai là hạc đen ẩn bên sườn núi. Loại thứ ba là hoàng yến luẩn quẩn ở chốn lâu đài của kẻ quyền quý, lại đặc biệt có thơ về con sáo để diễn đạt rõ hơn về chí hướng của mình. Ở bài thơ ấy, ông gợi lên hình ảnh thảm hại của con chim này, loại được luyện cho nói được tiếng người: “chỉ vì có thể nói được tiếng người, để đến nỗi cụt mất đầu lưỡi”. Có thể hiểu qua hình ảnh thảm hại của con sáo, Cao Bá Quát muốn nói về ai.
Người làm ra văn chương, người trí thức, người nghệ sĩ …mà không nói được tiếng nói của chính mình, không nghĩ được điều mình cần nghĩ và muốn nghĩ, cứ phải nói, phải nghĩ theo ý của người khác, thì suy cho cùng, nào có khác chi con sáo bị cụt mất đầu lưỡi đâu?
Sẽ hiểu thêm điều này khi ông cha ta lên án tệ “bắt chước”, chỉ biết “nhắm mắt chép theo người” khiến cho “lề thói thì ưa chuộng lả lướt, dần dần đi tới mất nước, mà kẻ sĩ chuộng nghĩa tử tiết cũng chẳng thấy nhiều”. Lời cảnh báo ấy của Vũ Khâm Lâm, danh sĩ đời Hậu Lê tưởng như vẫn còn đầy ắp tính thời sự vì đã biểu đạt một lý tưởng thẩm mỹ gắn liền với một đòi hỏi về nhân cách.
Không biết hiện nay, trong số những nam thanh nữ tú đang hối hả học đòi theo những mốt thời thượng cho thật “sành điệu”, bắt chước sao cho giống cách ăn mặt uốn éo, dậm giật của những màn trình diễn của nước ngoài, cố “chép” cho y nguyên bản mà chưa kịp tiêu hoá đó, có ai thuộc kiểu dáng con sáo cụt lưỡi mà Cao Bá Quát đã nói đến không? Mong sao không có ai!
Nhưng đáng tiếc rằng cũng đã có lúc, có nơi người ta từng phải “khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt” với chuyện thi và luyện thi Hoa hậu, như chuyện luyện và thi năm 2002 mà báo chí dạo ấy đã nói khá nhiều.
Người ta đã khai thác tối đa những màn trình diễn mà Văn Nghệ Trẻ số 39 ngày 29.9.2002 phải kêu lên “sắc đẹp ở đây đã bị “thịt da hóa”quá nhiều”. Chả trách mà trước sự lựa chọn về “sắc đẹp” và “trí tuệ” trong một câu hỏi của cuộc thi, ứng viên đã không chút trù trừ cho “trí tuệ” ra rìa ngay tắp lự để chọn “sắc đẹp”!
Tất nhiên, đã là thi hoa hậu thì phải có nhan sắc, hình thể phải đẹp, nhưng thiếu trí tuệ thì dù có vẻ đẹp bên ngoài trời cho kia, cũng phải bị loại bỏ. Mà vì coi nhẹ trí tuệ như vậy cho nên chẳng lạ khi năm ứng viên lọt vào vòng chung kết để tranh chiếc vương miện hoa hậu năm ấy đã “hót” như vẹt những câu hệt nhau đựơc học thuộc lòng từ “đáp án” mà ban tổ chức đưa trước, khiến cho 5000 người dự đêm chung kết ấy được thưởng thức “một màn hài kịch vô tiền khoáng hậu” như “Văn nghệ trẻ” số 39 đã viết!
Người viết bài này, vào dịp ấy đã đặt ra câu hỏi trên Tạp chí Cộng Sản: “với những “lò luyện thi Hoa Hậu” và phương pháp “luyện” như vậy, tạo nên sự nghèo nàn về tâm hồn và nông cạn về trí tuệ cỡ ấy, thì rồi đây vẻ đẹp của người con gái Việt Nam sẽ ra sao? ”*.
Chuẩn bị gì để đưa hình ảnh người con gái Việt Nam ra thế giới?
Cho nên, nếu ai đó định để quảng bá hình ảnh của người con gái Việt Nam trước thế giới mà việc “chuẩn bị trước tiên là về ngoại hình, sẽ trang điểm tạo cho mình một vẻ đẹp thuần Việt để đưa nhan sắc Việt ra với bạn bè thế giới”, còn chuyện “đọc sách thu nạp thêm kiến thức, học ngoại ngữ thật chuẩn” là việc làm lúc “tranh thủ thời gian rảnh rỗi” (Thanh Niên ngày 4.9.08), thì e rằng “cái vẻ đẹp thuần Việt” với một quan niệm đặt nặng về cái đẹp ngoại hình ấy mà đưa ra giới thiệu với thiên hạ, không chú ý đến cái đẹp nội tâm được hình thành bởi giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó học vấn là một điểm tựa rất cơ bản, thì thật là không ổn, cần xem lại.
Sự không ổn ấy khởi nguồn từ việc đưa các học trò đang học phổ thông đi thi hoa hậu, và rồi sự mù mờ trong quy định về trình độ học vấn trong “Thể lệ” cuộc thi năm nay. Người ta quên mất rằng, thời đại chúng ta đang sống, “sự thay đổi vĩ đại nhất sẽ là sự thay đổi về tri thức – về hình thức và nội dung, về ý nghĩa của tri thức, về trách nhiệm của tri thức, về những đặc điểm của con người có giáo dục” (P.Drucker).
Sẽ quá dài không phù hợp với khuôn khổ bài viết nếu bàn kỹ về khái niệm “con người có giáo dục” đó, chỉ xin nói một điều cơ bản: học vấn, với những tri thức cần thiết đáp ứng đòi hỏi của nền văn minh trí tuệ đang chi phối đời sống hiện đại là nền tảng của sự hình thành nhân cách và kỹ năng sống của con người đó.
Mà thật ra, chẳng phải chỉ hôm nay, xin nhớ rằng, từ xưa bà con ít chữ của chúng ta từng bộc bạch ý tưởng một cách mộc mạc trong câu ca dao: “Trông xa ngỡ tượng tô vàng. Đến gần lại hóa chẫu chàng trời mưa”! Ở đây, “đến gần” không chỉ diễn đạt khoảng cách không gian, mà còn hàm ý thời gian “thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết tính người dở hay”, cho nên mới có chuyện “kìa ai lào lạo ngoài da, mà trong rỗng tuếch như hoa muống rừng”.
Từ cái logic đó mà dẫn đến một lời răn, nghe ra có vẻ cực đoan: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người”! Nói là cực đoan vì nếu như thế thì phải xóa sổ các cuộc thi Hoa hậu mất, nhưng liệu có cần phải nghĩ kỹ, phân tích kỹ chiều sâu của logic triết lý trong sự đúc kết nói trên không?
Cái đẹp hình thể là của trời cho, và trong chuyện này thì xem ra tùy thuộc vào “cái quay búng sẵn trên trời”, dù không đến nỗi “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” như cụ Nguyễn Gia Thiều cảm nhận, nhưng quả thật chuyện đẹp xấu cũng như trúng xổ số, may ai nấy được, tạo hóa không ban phát chủ nghĩa bình quân nhằm chia đều nhan sắc cho các cô gái.
Vì vậy mà phải biết giữ gìn ân huệ của tạo hoá, trân trọng cái vốn tự có ấy bằng sự nuôi dưỡng cái đẹp tâm hồn nhằm hoàn thiện cái đẹp hình thể trời cho. Cái đẹp tâm hồn ấy chứa trong điều mà ông cha ta gọi là “cái nết” được thăng hoa trong câu tục ngữ quen thuộc vừa dẫn. Khi mà các cuộc thi Hoa hậu đang đua nhau nở rộ, có người đã gọi là “hội chứng thi hoa hậu”, thì việc gợi lại những vấn đề cứ tưởng như chỉ là “vang bóng một thời” của một xã hội khép kín lạc hậu, khác xa với sự cởi mở thông thoáng của thời hội nhập, phải chăng là câu chuyện của những người “bảo thủ” với kiểu tư duy cổ lỗ không mấy “sành điệu”. Không!
Chân trời hội nhập càng mở rộng thì thử thách càng gay gắt
Văn hóa không thể khép kín, sự hội nhập và tiếp nhận văn hóa bên ngoài là nhu cầu để phát triển văn hóa dân tộc. Chỉ có điều, quá trình tiếp biến văn hóa là quá trình thanh lọc, tuyển chọn và tiếp thu để làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Biện chứng của vận động và phát triển cho phép khẳng định rằng tương tác văn hóa là một trong những điều kiện của phát triển trong thời đại hiện nay.
Những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật đang tạo ra những điều kiện chưa từng có cho mối tương tác ấy. “Ngôi làng toàn cầu”, nhờ công nghệ thông tin đã trở nên gần gũi, thậm chí là nhỏ hẹp, nhưng vì thế mà lại đặt ra những thách thức rất lớn cho từng quốc gia. Cốt cách dân tộc, bản lĩnh dân tộc đang dối diện với những thử thách chưa có tiền lệ. Vì vậy, thanh lọc, tuyển chọn và tiếp thu văn hóa bên ngoài cũng là một trong những thử thách ấy.
Chân trời càng mở rộng, vận hội càng vẫy gọi thì thử thách càng gay gắt. Mà, gay gắt còn là vì nước ta vẫn đang là một nước kém phát triển. Mặc dù Việt Nam sắp sửa vươn tới mức thu nhập trung bình thấp, nhưng một bộ phận lớn dân cư vẫn chưa được hưởng một mức sống “chấp nhận được” theo tiêu chuẩn quốc tế.
78% hộ nông dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông – lâm nghiệp mà nông –lâm nghiệp chỉ tăng trưởng 3,5%, thấp gấp mấy lần so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước, trong khi trên 70% dân số VN hiện nay vẫn là nông dân.
Xin chỉ dẫn ra một ví dụ nhỏ: nơi quê hương của cuộc thi “Hoa hậu Tây đô” đã được tiến hành, vẫn có không ít những cô gái nông dân hối hả dấn thân vào các cuộc “bán mình thời hiện đại” qua các vụ môi giới lấy chồng ngoại mà báo chí đã tốn khá nhiều bút mực. Họ là nạn nhân của sự nghèo khổ về đời sống vật chất, đặc biệt là đời sống tinh thần, thấp kém về học vấn.
Cần nhớ rằng, sự tính toán tỷ lệ dân số nằm dưới ngưỡng nghèo đói một cách rạch ròi không quan trọng bằng một thực tế: một phân lượng lớn dân ta vẫn đang ở cận ngưỡng nghèo. Họ có thể rơi xuống dưới ngưỡng nghèo bất kỳ lúc nào khi có lạm phá và giá lương thực, thực phẩm tăng, khi nhà có người ốm, khi tiền học phí tăng, đặc biệt là khi thiên tai đổ ập xuống…
Trong bối cảnh đó mà nhịp độ khá dồn dập của các cuộc thi hoa hậu, hoa hậu tỉnh, thành phố, hoa hậu vùng, hoa hậu ngành, hoa hậu toàn quốc, hoa hậu hoàn vũ…thu hút không ít sức người, sức của, chiếm nhiều thời gian của không ít cơ quan, tổ chức…liệu có thỏa đáng không, cho dù người ta đã cổ vũ các người đẹp tham gia các hoạt động từ thiện và trao danh hiệu “đại sứ an sinh xã hội vì người nghèo” cho hoa hậu vừa đăng quang. Đấy là chưa kể một hoa hậu vừa đăng quang năm trước đã quyết định chụp ảnh “nuy” để lấy tiền làm từ thiện! Chao ôi, sao lại phải “nuy” mới làm được từ thiện nhỉ (?). Liệu câu tục ngữ của một thời có còn chút gợi ý nào không: “cá lên khỏi nước cá khô, làm thân con gái lõa lồ ai khen”!
Cần một “đôi mắt mới” cho những cuộc thi sắc đẹp
Xem ra đã đến lúc nhìn lại các cuộc thi hoa hậu, thi người mẫu, thi sắc đẹp với đôi mắt tỉnh táo và thấu đáo hơn. Xin gợi ra đây câu nói của Marcel Proust, văn hào Pháp: “Một cuộc thám hiểm thật sự không phải ở chỗ tìm kiếm những vùng đất mới, mà ở chỗ cần có đôi mắt mới”.
Để có được “đôi mắt mới” không hề đơn giản vì nhiều lẽ, trong đó có một lẽ rất trọng yếu là: “còn không ít vấn đề cụ thể đặt ra từ thực tiễn chưa có lời giải đáp hoặc giải đáp chưa đủ sức thuyết phục”, “phương pháp tư duy chưa vươn tới tầm biện chứng, còn dừng lại ở trình độ cảm tính, ở chủ nghĩa kinh nghiệm hoặc thực dụng” mà Nghị quyết của Đảng đã từng chỉ ra *.
Khi tiến trình phát triển và hội nhập đi vào chiều sâu, hàng loạt những thách đố chưa có tiền lệ đang diễn ra thì những chuyện thi hoa hậu, thi sắc đẹp, thi người mẫu, rồi mộng trở thành siêu sao, rồi sự hút hồn theo “ai-đồ” (Idol-thần tượng âm nhạc)…cũng chỉ là những hiện tượng phái sinh của một trào lưu văn hóa nhập ngoại. Ở đó, thể hiện khá rõ những khát vọng của tuổi trẻ muốn được khẳng định mình. Thỏa mãn khát vọng đó, tạo điều kiện cho khát vọng đó được thực hiện một cách đúng đắn là đòi hỏi của cuộc sống mà xã hội phải đáp ứng, nhất là trên lĩnh vực văn hóa.
Chân trời ngày càng rộng mở, kỹ thuật ngày càng vạn năng thì lại càng phải đánh giá cao cá nhân con người. Trong thời đại chúng ta đang sống, với những thành tựu kỳ diệu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, thì quả thật cả thế giới đang đối diện và thách thức mỗi con người, và mỗi cá nhân cũng đang đối diện với cả thế giới, sự khẳng định vai trò cá nhân, sự tự khẳng định của tuổi trẻ cần phải được cổ vũ và tạo điều kiện.
Các cuộc “thi” nói trên nên được đặt vào trong bình diện ấy để biết cách qua đó mà giúp tuổi trẻ tự khẳng định mình một cách lành mạnh, đồng thời lại phải thấy ra được điểm dừng cần thiết với một tầm nhìn vừa cởi mở vừa nghiêm cẩn nhằm tránh được những phản cảm do chúng gây ra và để phát huy được cao nhất hiệu quả của nó.
Cho nên, nếu chỉ quen với những con đường mòn, người đi sau dẫm lên dấu chân người đi trước, sẽ dẫn đến thảm hoạ vì con đường mòn đó không có lối ra trong một thế giới mà mọi sự dự đoán đều không chắc chắn. Sự sống không ngừng sinh sôi nảy nở, và thông thường, nhận thức của con người lại đòi hỏi một quá trình, đặc biệt là trên lĩnh vực văn hóa.
Bởi lẽ, văn hóa không phải là “mì ăn liền”. Văn hóa được hình thành bằng quy luật thẩm thấu. Cho nên, ăn sống nuốt tươi những sản phẩm văn hóa nhập ngoại, cho dù là tinh hoa chứ không chỉ là cặn bã, cũng sẽ bội thực. Đến với những thành tựu của nền văn minh thế giới là nhu cầu của phát triển. Song cần hiểu rằng, văn minh và văn hóa không hoàn toàn giống nhau.
“Văn hóa, với ý nghĩa sâu xa nhất và tốt đẹp nhất của nó” là “cốt lõi của bản lĩnh, bản sắc dân tộc từ xa xưa cho đến nay”, là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lĩch sử của dân tộc, nó làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió thác ghềnh tưởng chừng không thể vượt qua được, để không ngừng phát triển và lớn mạnh”*** . Đó chính là điểm tựa vững chắc để chúng ta đến với thế giới, để tiếp thu những thành tựu của văn hóa và văn minh mà loài người đã đạt được.
Vậy thì, liệu những trục trặc không đáng có trong cuộc thi Hoa hậu 2008 có “dừng lại ở trình độ cảm tính, ở chủ nghĩa kinh nghiệm hoặc thực dụng” không, liệu có đúng đó là những sự kiện văn hóa nằm trong nội dung “văn hóa, với ý nghĩa sâu xa nhất và tốt đẹp nhất của nó” không, hay chỉ là những thứ phẩm của văn hóa? Mà nói đến văn hóa, không thể không nói học vấn, một nhân tố có ý nghĩa khá quyết định trong việc nâng cao đời sống văn hóa.
Cách đây hơn năm trăm năm “Nguyễn Trãi… nói “Nước ta là một nước văn hiến”. Điều đó có nghĩa là trọng học vấn và trọng người có học. Trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là những của quý không gì thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá” (Phạm Văn Đồng). ***
Xin kết thúc lại bài viết đã quá dài tuy chỉ lướt qua một chủ đề khá rộng để khép lại ở một chuyện cỏn con, mong từ điều cỏn con đó mà hiểu ra chuyện lớn lao: chuyện văn hóa!
—————
Ghi chú:
*. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm BCHTƯ Khoá IX. NXBCTQG. HàNội 2002, tr 132 và 133
** Xem: Tương Lai .“Để chống trả lại những xân hại văn hóa”. Tạp Chí Cộng Sản” số 17. Tháng 2. Năm 2002
*** Phạm Văn Đồng. “Văn hóa và Đổi mới”NXBCTQG. Hà Nội 1994, tr.16 và tr.26
SOURCE: TUANVIETNAM.NET
Trích dẫn từ: http://tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam//4765/index.aspx
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI |
Leave a Reply