1. Ở nước ta, doanh nghiệp nhà nước được hình thành từ sau Cách mạng Tháng Tám và phát triển mạnh sau khi đất nước thống nhất. Doanh nghiệp nhà nước đã từng giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là đóng góp to lớn vào thắng lợi chung của toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, bước sang thời kỳ đổi mới, cùng với sự phát triển kinh tế chung của cả nước, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước không những đã không kịp chuyển mình để đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra, mà còn bộc lộ nhiều yếu kém như: quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ bé, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ quản lý non kém; tổ chức, bộ máy cồng kềnh; cơ chế quản lý trong các doanh nghiệp chưa hợp lý, kém hiệu quả; khả năng cạnh tranh yếu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều biện pháp sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước nhằm phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được coi là một giải pháp quan trọng để giảm bớt số lượng doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này, tăng cường huy động vốn đầu tư từ xã hội…
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có nhiều tác động đến sự phát triển kinh tế của đất nước, đời sống người lao động và những vấn đề xã hội khác nên được tiến hành một cách thận trọng với những bước thí điểm ban đầu vào năm 1990 trên cơ sở pháp lý là Quyết định số 143/HĐBT ngày 10-5-1990. Sau đó, Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về vấn đề này, như: Chỉ thị số 202 ngày 6-8-1992; Chỉ thị số 84 ngày 4-3-1993 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 7-5-1996; Nghị định số 25/CP ngày 26-3-1997; Thông báo số 63 TB/TW ngày 4-4-1997 của Bộ Chính trị; Nghị định số 44/NĐ-CP ngày 29-6-1998; Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19-6-2002…và mới đây là Chỉ thị số 45 ngày 22-10-2004 của Bộ Chính trị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Quá trình tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã trải qua một số giai đoạn sau:
– Từ năm 1992 đến tháng 6 năm 1998. Những doanh nghiệp tự nguyện và làm ăn có lãi được lựa chọn để thí điểm tiến hành cổ phần hóa. Trong giai đoạn này, cả nước cổ phần hóa được 30 doanh nghiệp, trong đó 5 doanh nghiệp được cổ phần hóa theo cơ chế, chính sách thí điểm quy định tại Quyết định số 202/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, 25 doanh nghiệp được cổ phần hóa theo cơ chế chính sách của Nghị định 28/CP của Chính phủ.
– Giai đoạn từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 2-6-1998 đến ngày 31-12-1999. Trong thời gian này, có thêm 340 doanh nghiệp nhà nước và bộ phận doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa. Riêng năm 1999 có 250 doanh nghiệp, gấp 8 lần so với 7 năm trước cộng lại. Nhìn chung, đến thời điểm này, chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước đã được các ngành, các bộ, địa phương nhận thức đầy đủ hơn. Bản thân người lao động cũng có phần yên tâm hơn, vì thế công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đạt được nhiều tiến bộ so với thời kỳ trước.
– Giai đoạn từ tháng 1 năm 2000 đến nay. Đến thời gian này điều đáng chú ý là có Nghị quyết trung ương 3, khóa IX trong đó chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa những doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn, xem đó là khâu quan trọng để tạo chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Theo tinh thần trên, Nghị định số 64/2002/NĐ-CP của Chính phủ đã được ban hành tập trung chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương mình, trong đó đưa ra các chỉ tiêu để đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, chỉ trong 3 năm 2001-2003, có 979 doanh nghiệp được cổ phần hóa, riêng năm 2003 có 611 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Năm 2004 cổ phần hóa được 715 doanh nghiệp và là năm đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Như thế, tính đến hết năm 2004 cả nước đã có 2.242 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp được cổ phần hóa. Theo Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, từ năm 2005, quá trình cổ phần hóa bắt đầu thực chất, triệt để, vững chắc và có hiệu quả hơn. Đến năm 2005 còn lại khoảng 1200 doanh nghiệp tiếp tục duy trì 100% vốn nhà nước. Toàn bộ số doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn (khoảng 1400 doanh nghiệp) sẽ được tiếp tục cổ phần hóa. Trường hợp không thể cổ phần hóa được thì các doanh nghiệp sẽ được chuyển sang xử lý theo các phương án như giao, bán, giải thể, phá sản. Quá trình sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã góp phần giảm mạnh số lượng doanh nghiệp nhà nước, cải thiện cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo hướng tích cực, đó là, doanh nghiệp nhà nước chỉ nắm giữ những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, không nhất thiết phải giữ tỷ trọng lớn trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Có thể khẳng định do thực hiện tốt chủ trương này, tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ngày càng được đẩy nhanh, đặc biệt là trong các năm gần đây.
Trong cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, các doanh nghiệp thuộc các tỉnh quản lý chiếm 74%, thuộc các tổng công ty “90” và các bộ chiếm 20%, thuộc tổng công ty “91” chiếm 6%. Có 51% doanh nghiệp đã cổ phần hóa thuộc lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, 32% trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, số còn lại thuộc các lĩnh vực khác.
Nhìn chung, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã thu được những kết quả đáng khích lệ về mặt kinh tế – xã hội. Kết quả hoạt động của 850 doanh nghiệp cổ phần đã hoạt động trên 1 năm cho thấy: hơn 90% doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất cao, vốn điều lệ tăng 40%, nộp ngân sách tăng 25%, thu nhập của người lao động tăng 11,84%, cổ tức bình quân là 17,11%/năm, số lao động tăng gần 7%. Các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đã góp phần làm giảm gánh nặng của Nhà nước phải bao cấp, bù lỗ hằng năm. Hơn thế, trong quá trình cổ phần hóa, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước cũng được xử lý một cách cơ bản; đồng thời, chấm dứt xu hướng thành lập doanh nghiệp nhà nước một cách tràn lan. Trong các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, vai trò làm chủ của người lao động – cổ đông được nâng lên rõ rệt, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Tuy vậy, nếu đánh giá một cách khách quan thì rõ ràng quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở nước ta trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là:
– Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vẫn mang tính khép kín. Phần lớn các doanh nghiệp được cổ phần hóa là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (1.372 doanh nghiệp có số vốn dưới 5 tỉ đồng, chiếm 59,2% số doanh nghiệp cổ phần hóa). Về cơ cấu cổ đông, bình quân Nhà nước giữ 45,6% vốn điều lệ, cán bộ, công nhân viên giữ 39,3%, cổ đông bên ngoài giữ 15,1% và số doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối (trên 50%) là 27,4%. Riêng năm 2004, có 42% doanh nghiệp cổ phần mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Những con số đó đã cho thấy sự tham gia của các cổ đông bên ngoài còn rất hạn chế, chưa thu hút được nhiều cổ đông lớn, có tiềm lực về công nghệ và tài chính.
– Tiến độ cổ phần hóa còn chậm thể hiện qua những số liệu về số lượng các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa đều thấp hơn chỉ tiêu đề ra. Chẳng hạn, dự kiến trong 3 năm từ 2000-2002 sẽ tiến hành cổ phần hóa 1.056 doanh nghiệp nhà nước, nhưng đến tháng 12 năm 2002 mới chỉ cổ phần hóa được 523 doanh nghiệp, bằng 50% số doanh nghiệp dự kiến; trong 6 tháng đầu năm 2004 cũng mới đạt được 20% kế hoạch. Có nhiều nguyên nhân làm chậm tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, song điều đáng lưu ý là do những nguyên nhân chủ quan như sau:
Thứ nhất, còn nhiều vướng mắc về tư tưởng, nhận thức của lãnh đạo, đảng viên và người lao động trong các doanh nghiệp. Những vướng mắc này xuất phát từ nhận thức về việc cổ phần hóa còn hạn chế và trên hết là tâm lý lo ngại lợi ích của mình sẽ không được bảo đảm. Nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp không muốn doanh nghiệp chuyển sang hình thức cổ phần bởi vị trí quản lý của họ có thể sẽ bị thay đổi, và ngay cả khi còn nắm giữ vị trí quản lý, cũng khó có thể điều hành công ty theo lối cũ mà phải chịu sự giám sát mới chặt chẽ hơn của hội đồng quản trị và các cổ đông. So với khi chưa cổ phần hóa, người lãnh đạo ở các doanh nghiệp cổ phần hóa còn phải đương đầu và chịu trách nhiệm nhiều hơn, trong khi sự hiểu biết về cách thức điều hành một công ty cổ phần còn hạn chế. Điều đó sẽ làm cho họ lúng túng ngay cả đối với những vấn đề tưởng đơn giản. Người lao động trong các doanh nghiệp cũng có nhiều điều phải lo lắng như sau cổ phần hóa họ sẽ làm gì nếu như trở thành lao động dôi dư. Bản thân doanh nghiệp khó có đủ kinh phí để giải quyết chính sách hay tìm việc làm mới cho người lao động….
Thứ hai, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiến hành cổ phần hóa. Đó là: quy trình cổ phần hóa rườm rà, phức tạp, có phần còn cứng nhắc; khó xác định đúng được giá trị của doanh nghiệp khi chuyển sang công ty cổ phần bởi chưa có chế tài cụ thể tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp, ngay cả các cơ quan chức năng nhiều khi cũng không thống nhất được các mức giá khác nhau về tài sản của doanh nghiệp. Thêm nữa, nếu như trường hợp giá trị quyền sử dụng đất được tính vào giá trị của doanh nghiệp thì lại kéo theo những tranh chấp mà các doanh nghiệp phải đương đầu trong quá trình sử dụng. Các doanh nghiệp còn khó định được giá trị của các lợi thế kinh doanh (như thương hiệu) như là một phần giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp…
Thứ ba, nhiều doanh nghiệp không muốn chuyển sang cổ phần hóa bởi chưa có được môi trường thật sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Trong thực tế, khi các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa thì thường được coi là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, không được đối xử ngang hàng như những những doanh nghiệp nhà nước khác. Điều này thể hiện rất rõ qua khả năng tiếp cận các nguồn vốn của những tổ chức tín dụng nhà nước. Nếu như khi còn là doanh nghiệp nhà nước, những doanh nghiệp này không chỉ nhận được nguồn vốn từ nhiều kênh khác nhau như đầu tư cơ bản, bổ sung vốn lưu động, được xóa nợ, hay bảo lãnh nợ, thì nay không những không còn các nguồn vốn trên, mà lại còn bị rơi vào tình trạng khó được vay vốn bởi tâm lý lo ngại họ là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, không có người bảo đảm (Chính phủ, các Bộ hay Uỷ ban nhân dân các cấp) khi không có khả năng trả được nợ. Trong lĩnh vực thuế, cách tính thuế đối với một số tài sản của doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa cũng chứa đựng những bất hợp lý. Chẳng hạn, nếu tài sản được chuyển giao khi còn là doanh nghiệp nhà nước thì không bị tính thuế trước bạ, nhưng sau khi doanh nghiệp đã cổ phần hóa thì phải chịu thuế này… Sự phân biệt đối xử như kiểu “con cùng cha khác mẹ” đã tạo lên tâm lý lo ngại trong lãnh đạo doanh nghiệp khi phải đương đầu với nhiều khó khăn phía trước, nên rất lưỡng lự trước việc lựa chọn phương án cổ phần hóa doanh nghiệp.
– Việc cổ phần hóa chưa được thực hiện đều khắp trong các lĩnh vực. Công tác cổ phần hóa mới chỉ tập trung ở các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, thương mại và xây dựng, còn số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa trong các lĩnh vực khác vẫn ít. Trên thực tế, cũng chưa đặt ra vấn đề cần cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn hay một số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhưng lại đang hoạt động trên những địa bàn không thật sự cần thiết. Các doanh nghiệp được cổ phần hóa chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (có 1.372 doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỉ đồng, chiếm 59,2% số doanh nghiệp cổ phần hóa). Vì thế, chưa đem lại những tác động tích cực và toàn diện cho nền kinh tế quốc dân.
– Hiệu quả của quá trình cổ phần hóa chưa cao như mong muốn. Cổ phần hóa là nhằm đưa các doanh nghiệp nhà nước đạt được hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường. Tuy vậy, vì một số khó khăn mà các doanh nghiệp cổ phần hóa vấp phải như đã trình bày ở trên, nên nếu đánh giá thật khách quan thì hiệu quả hoạt động của những doanh nghiệp đã cổ phần hóa chưa cao, chưa tạo ra được những bước ngoặt như mong muốn. Chủ yếu các doanh nghiệp đã cổ phần hóa mới chỉ tập trung vào việc tiết kiệm chi phí, giảm giá thành để tăng lợi nhuận chưa kể được ưu tiên giảm và miễn thuế 2 năm đầu. Thực tế hoạt động của nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn cầm chừng, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn của Nhà nước hiện có tại các doanh nghiệp và vay vốn ngân hàng vì phần vốn huy động qua phát hành cổ phiếu nhỏ bé (chiếm 15,1%), không thực sự thu hút được những nhà đầu tư chiến lược. Cũng chính vì vậy, đầu tư cho đổi mới công nghệ ở các công ty cổ phần hóa diễn ra chậm chạp và các công ty này ít có khả năng mở rộng sản xuất, kinh doanh trên quy mô lớn một cách có hiệu quả. Ngoài ra, cách thức quản lý trong những công ty cổ phần hóa hiện cũng còn nhiều bất cập giữa mối quan hệ của cơ quan chủ quản, hội đồng quản trị, giám đốc… làm hạn chế tính năng động, sáng tạo để nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
3. Từ những kết quả đạt được và những hạn chế còn tồn tại, nhiệm vụ của công tác cổ phần hóa của nước ta trong thời gian tới sẽ rất nặng nề. Để đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Trước hết, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và người lao động ở các ngành, các cấp, các doanh nghiệp để mọi người hiểu rõ sự cần thiết, cấp bách của việc cổ phần hóa doanh nghiệp là bởi sự sống còn của chính các doanh nghiệp, nhằm đáp ứng những yêu cầu đổi mới kinh tế của đất nước và sớm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng nền kinh tế kém phát triển. Đồng thời, cũng cần xác định rõ dù đây là một quá trình khó khăn, nhưng không thể khác được mà thậm chí yêu cầu đặt ra sẽ còn cao hơn, cổ phần hóa rộng khắp hơn trong nhiều lĩnh vực kể cả các tổng công ty lớn của Nhà nước để từ đó có quyết tâm cao hơn trong việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Hai là, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vì đây là vấn đề rất nhạy cảm. Hiện tại các quy định pháp luật về cổ phần hóa của chúng ta còn nhiều bất cập. Một số văn bản pháp quy ban hành chậm. Không ít cơ chế chính sách không phù hợp với cơ chế thị trường, nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Các văn bản về cổ phần hóa phần nhiều mới là những thông tư, chỉ thị, quyết định chưa tạo được nền tảng pháp lý vững chắc cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, khi cổ phần hóa có rất nhiều vấn đề từ thủ tục tiến hành cổ phần hóa đến các vấn đề kinh tế khác sẽ phát sinh đòi hỏi phải được xử lý trên cơ sở pháp lý công khai, minh bạch, vì thế họ đã ban hành đạo luật liên quan. Rõ ràng, chúng ta cần khẩn trương rút kinh nghiệm trong quá trình tiến hành cổ phần hóa vừa qua để nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý cần thiết, đồng bộ cho vấn đề này.
Ba là, tạo môi trường thuận lợi cho các công ty cổ phần hoạt động và phát triển. Cần thống nhất các chính sách ưu đãi để khuyến khích các công ty cổ phần nâng cao hiệu qủa sản xuất, kinh doanh. Tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là trong việc giải quyết vấn đề quyền sử dụng đất, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, trong đáp ứng nhu cầu về vốn. Các công ty cổ phần cần được tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động vốn rộng rãi từ nhiều nguồn, giảm bớt sự can thiệp, mà trong nhiều trường hợp là quá sâu, của các cơ quan nhà nước vào quản lý điều hành công ty sau cổ phần. Ngoài ra, cần xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của người đại diện vốn nhà nước; ban hành tiêu chuẩn cụ thể về người đại diện sở hữu cổ phần nhà nước và người trực tiếp quản lý cổ phần nhà nước tại các công ty cổ phần, Quy chế thực hiện dân chủ trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa … Bởi, tất cả những điều này đều ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các bên trong công ty và từ đó đến hiệu quả hoạt động , sự phát triển của công ty. Những vấn đề khác như hỗ trợ công ty cổ phần về thông tin kinh tế, đào tạo cán bộ, giúp đỡ trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm… đều là những việc làm cần thiết để đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở nước ta.
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 102/2006