admin@phapluatdansu.edu.vn

MỘT SỐ GIẢI PHÁP HẠN CHẾ TAI NẠN LAO ĐỘNG VÀ BỆNH NGHỀ NGHIỆP

VŨ NHƯ VĂN – Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH

Năm 2006, trên toàn quốc đã xảy ra 5.881 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó 505 vụ tai nạn chết người, 147 vụ có từ 2 người bị nạn trở lên; tổng số người bị nạn là 6.088 người, (trong đó có 536 người chết và 1.142 người bị thương nặng).

Có 4 lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ chết người là xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông; khai thác than; sản xuất vật liệu xây dựng; cơ khí chế tạo; xây dựng; lắp đặt, sửa chữa và sử dụng điện; khai thác khoáng sản và sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Số người hưởng trợ cấp BHXH do bị tai nạn lao động là 5.161 người (năm 2005 là 5.279 người). Tổng số người hưởng trợ cấp TNLĐ mỗi năm một tăng: năm 2005 là 24.814 người với số tiền là 61.266 triệu đồng; năm 2006 là 26.411 người với số tiền là 67.886 triệu đồng.

Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ năm 2007 được tổ chức tại Bình Dương từ ngày 18 đến 24/3/2007 với chủ đề: Cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, ngay trong “Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ” cũng đã xảy ra một số vụ cháy nổ nghiêm trọng.

Theo báo cáo của 57/64 tỉnh, thành phố trong 6 tháng đầu năm 2007 đã xảy ra 2.996 vụ TNLĐ (trong đó có 154 vụ tai nạn giao thông được coi là TNLĐ) làm 3.057 người bị nạn, có 197 vụ TNLĐ chết người làm 224 người bị chết, 457 người bị thương nặng. Các địa phương xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người trong 6 tháng đầu năm là: Quảng Ninh: 136 vụ; thành phố Hồ Chí Minh: 181 vụ; Đà Nẵng: 22 vụ; Bình Dương: 321 vụ; Hải Phòng: 50 vụ; Ninh Bình: 12 vụ; Hà Tĩnh: 7 vụ; Long An: 19 vụ; Đồng Nai: 1003 vụ; Hà Nam: 17 vụ. 6 tháng đầu năm 2007, tổng số vụ TNLĐ tăng 892, tổng số nạn nhân tăng 853 so với 6 tháng đầu năm 2006, nhưng số vụ TNLĐ chết người giảm 44 vụ và số người chết giảm 34 người; địa phương có TNLĐ chết người vẫn ở mức cao trong 6 tháng đầu năm 2007: Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương; những địa phương có tai nạn lao động chết người giảm so với 6 tháng đầu năm 2006: Cần Thơ, Vĩnh phúc, Đồng Nai, Hà Nội.

Nguyên nhân xảy ra các vụ TNLĐ

Về phía người sử dụng lao động: Thiết bị không đảm bảo an toàn, nhiều máy, thiết bị, công cụ sản xuất không đảm bảo an toàn vẫn đưa vào sử dụng; không huấn luyện về an toàn lao động cho người lao động; không có quy trình, biện pháp an toàn lao động; không đảm bảo điều kiện làm việc và môi trường làm việc an toàn cho người lao động theo quy định tại các tiêu chuẩn; không có thiết bị an toàn; do tổ chức lao động (bố trí lao động làm việc không có tay nghề hoặc chưa phù hợp với ngành nghề chuyên môn được đào tạo); do yếu tố khách quan, khó tránh và nguyên nhân khác.

Về phía người lao động: Nhiều người lao động xuất phát từ các vùng nông thôn đi làm thuê không được đào tạo cơ bản qua trường lớp, khi vào làm việc lại chỉ được hướng dẫn về các thao tác trong công việc vì vậy không hiểu biết luật pháp an toàn lao động, không biết các mối nguy hiểm cần phải đề phòng trong môi trường lao động của mình. Một số người lao động mặc dù đã được đào tạo cơ bản, được huấn luyện kỹ về an toàn lao động nhưng do chủ quan, chạy theo năng suất, ý thức chấp hành kỷ luật kém, nên đã gây ra những TNLĐ đáng tiếc cho bản thân và những người làm việc bên cạnh; do không sử dụng các trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động.

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước: Công tác chỉ đạo của Thanh tra Nhà nước về lao động chưa thường xuyên, thiếu nhạy bén dẫn đến việc thực hiện công tác bảo hộ lao động ở doanh nghiệp chưa tốt; số cuộc thanh tra, kiểm tra về thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp còn ít, hiệu quả chưa cao. Số lượng, chất lượng thanh tra viên chưa tương xứng với tốc độ phát triển của các doanh nghiệp cả về số lượng lẫn quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhiều địa phương do thiếu thanh tra viên lao động nên hầu hết chỉ tham gia các cuộc kiểm tra liên ngành còn tiến hành thanh tra lao động được rất ít, do đó không kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật lao động, dẫn đến nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng đã xảy ra; một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chưa được các cơ quan quản lý Nhà nước thanh, kiểm tra, hướng dẫn thường xuyên, kịp thời nên tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn còn phổ biến như: các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, lao động làm việc trong nông, lâm, ngư nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể, các làng nghề; việc xử lý các vụ TNLĐ chết người đặc biệt nghiêm trọng chưa nghiêm; việc xử lý hành chính theo thẩm quyền đối với những người vi phạm để xảy ra TNLĐ nghiêm trọng cũng chưa nghiêm, chưa kịp thời; một số vụ xác định nguyên nhân gây tai nạn chưa chính xác nên chưa đưa ra đúng và đầy đủ các biện pháp phòng ngừa TNLĐ tái diễn.
Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2007 (chi phí tiền thuốc men, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương, thiệt hại tài sản…) là 9.433.170.000đ; trong đó, thiệt hại về tài sản là 1.797.440.000đ. Đặc biệt, tổng số ngày nghỉ (kể cả nghỉ chế độ) do
TNLĐ lên đến 137.917 ngày.

Giải pháp hạn chế TNLĐ và bệnh nghề nghiệp

Thanh tra Lao động tăng cường thanh tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động ở tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi vi phạm luật pháp lao động theo quy định tại Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16/4/2004 của Chính phủ; các Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty tăng cường kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý của mình thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động và các chế độ bảo hộ lao động. Tổ chức huấn luyện về an toàn lao động cho người sử dụng lao động theo quy định tại Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2005 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Người sử dụng lao động phải thường xuyên kiểm tra máy, thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động để đảm bảo cho môi trường an toàn. Xây dựng đầy đủ các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động theo hướng dẫn tại các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn và hướng dẫn cho người lao động trước khi làm việc.

Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra kịp thời, chính xác các vụ tai nạn lao động chết người trong các thành phần kinh tế, chú ý các doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy trình sản xuất phức tạp, độc hại, ảnh hưởng môi trường nhưng thiếu ý thức phòng ngừa TNLĐ;

Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động nhằm nâng cao trách nhiệm đối với các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động để mọi người đều có ý thức cảnh giác và phòng ngừa tai nạn lao động.

Cần nêu các gương điển hình về công tác an toàn lao động và bệnh nghề nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ sở, cá nhân khác học tập, làm theo./.

SOURCE: TẠP CHÍ BẢO HIỂM XÃ HỘI SỐ 11/2007

======================================

THÔNG TIN CẬP NHẬT:

Theo một số liệu nghiên cứu mới đây của Cục An toàn Lao động, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ở nước ta trong 6 tháng đầu năm 2008 đã tăng 18,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số 250 vụ TNLĐ chết người đã làm 266 người chết và 546 người bị thương nặng. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các căn bệnh nghề nghiệp ngày một gia tăng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, trên thực tế số vụ TNLĐ còn lớn hơn nhiều mà nguyên nhân chủ yếu là công tác bảo hộ lao động chưa được người sử dụng lao động và người lao động coi trọng.

TNLĐ ở nông thôn bị bỏ quên

Theo điều tra khảo sát của Hội ATVSLĐ Việt Nam tiến hành tại 45 DNVVN với 1.676 người lao động (NLĐ) ở 12 địa phương trong cả nước cho thấy tần suất vụ TNLĐ trên thực tế lớn hơn rất nhiều so với con số thống kê của Bộ LĐTB và XH công bố hàng năm (chỉ chưa đến 1%). Chỉ tính từ năm 2000-2004 trong số 51,11% số DN được khảo sát có xảy ra TNLĐ thì tần suất TNLĐ hàng năm trung bình là 12,21%. Nếu theo NLĐ tự khai thì tần suất TNLĐ bình quân hàng năm qua 5 năm (2000-2004) là 11,45% cũng cao gấp hàng chục lần so với tần suất TNLĐ của cả nước thống kê được. Còn tính các vụ TNLĐ và số người chết trung bình mỗi năm tăng 7,85%. Trong 6 tháng đầu năm 2008, trong số 2.497 vụ TNLĐ thì có 250 vụ tai nạn chết người làm 266 người chết, 546 người bị thương nặng. Nguyên nhân các vụ TNLĐ thường xuất phát từ lỗi của người sử dụng lao động như không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về ATVSLĐ, cố tình không trang bị phương tiện bảo hộ cho người lao động, không đảm bảo các điều kiện về môi trường lao động… Song do thiếu hiểu biết, tâm lý chủ quan, coi thường sức khỏe tính mạng của chính người lao động cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNLĐ.

Ông Vũ Văn Như -Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội) cho biết: Trong các trường hợp bị TNLĐ thì số người bị tai nạn nhiều nhất là trong các ngành nghề xây lắp chiếm 27,86%/tổng số vụ, sau đó là đến khai khoáng chiếm 12,93%, cơ khí chế tạo chiếm 7,8% và cuối cùng là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 4,98%. Sở dĩ các khu vực này thường xảy ra TNLĐ vì qua khảo sát điều kiện làm việc tại các DN đều cho thấy điều kiện và môi trường làm việc của các DNVVN còn chưa đủ tiêu chuẩn nếu không muốn nói là xấu. Đa số nhà xưởng cũ kĩ, tạm bợ, không đúng kiểu dáng công nghiệp, bố trí xen lẫn trong khu dân cư, không có các công trình xử lí khí thải, nước thải, chất thải rắn mà cứ thải tự nhiên ra ngoài làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Hiện nay các DN phần lớn sử dụng thiết bị, máy móc cũ kĩ, lạc hậu, lao động thủ công nặng nhọc. Thêm vào đó là các yếu tố nguy hiểm và có hại trong môi trường sản xuất vượt giới hạn cho phép nhiều lần chiếm tới trên 30%. Còn tại khu vực nông thôn số vụ TNLĐ cũng không phải là ít nhưng do người lao động chủ yếu làm trong các ngành nghề truyền thống và tập trung ở những hộ gia đình và DN nhỏ nhiều hơn. Cho nên việc phòng ngừa và thực hiện các biện pháp phòng chống TNLĐ ở nông thôn nhiều năm qua vẫn bị bỏ quên.

Thêm nhiều bệnh mới

Bên cạnh đó, bệnh nghề nghiệp (BNN) do mang tính chất đặc trưng của nghề nghiệp tác động thường xuyên, kéo dài của các yếu tố nguy hiểm đến cơ thể người lao động gây ra hiện tượng bệnh lý đang có chiều hướng gia tăng. ở nước ta, đến nay đã có 25 BNN được Nhà nước công nhận nhưng theo PGS -TS Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội KHKT ATVSLĐ Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Quốc gia về Bảo hộ lao động cho rằng: Đây là con số quá ít so với thế giới. Tại các nước phát triển người ta đã nghiên cứu và phân ra có 29 nhóm BNN khác nhau và số người mắc BNN nhiều vẫn là các công nhân trong lĩnh vực công nghiệp. Còn ở Việt Nam số người mắc BNN đã được công bố tăng dần theo từng năm song còn rất nhiều căn bệnh khác chưa công bố. Chẳng hạn, tại một cuộc điều tra thực tế gần đây từ các công nhân ngành thuỷ sản cho thấy: Sau một ngày làm việc các chuyên gia theo dõi và kiểm tra tình hình sức khoẻ của các công nhân thì đều thấy công nhân đứng làm việc đều bị giãn tĩnh mạch ở bắp chân và số vòng đo giãn trung bình từ 0,5-1, 5 cm. Mức độ nguy hiểm và hậu quả của BNN cũng không thua kém so với những vụ TNLĐ thông thường và còn ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người lao động. Thực tế ở nước ta mỗi năm có từ 1.000- 1.500 người lao động mắc các BNN mới. Vì vậy trong điều kiện phát triển như hiện nay BNN cũng cần được nghiên cứu để có biện pháp phòng ngừa và chính sách đền bù thoả đáng.

Được biết, bên cạnh việc thực hiện chương trình Quốc gia về bảo hộ lao động, ATVSLĐ đến năm 2010, Cục An toàn Lao động đang có đề xuất xây dựng Luật VSATLĐ và Đề án quỹ bồi thường TNLĐ, BNN… Theo đó người lao động sẽ được hưởng các lợi ích cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường, ngăn chặn TNLĐ, BNN, được chăm sóc và được bồi thường theo nhiều mức khác nhau để điều trị, chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng, được hỗ trợ tiền để đi học nghề kể cả khi bị tàn tật… Tuy nhiên, trước mắt để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình và cộng đồng, giảm TNLĐ là trách nhiệm và phụ thuộc nhận thức của chính các DN và người lao động.

SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT ĐIỆN TỬ

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading