NHẬT LINH
Khái quát về phát triển của hệ thống an sinh xã hội
Ngay từ những ngày đầu Trung Quốc giành độc lập, các chính sách, chế độ về an sinh xã hội đã được ban hành. Năm 1950 chính sách nhằm trợ giúp và giải quyết vấn đề công nhân thất nghiệp từ chế độ cũ để lại đã được triển khai. Năm 1951, chính sách, chế độ bảo hiểm về hưu trí, tàn tật, tử tuất, ốm đau, chăm sóc y tế, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản đã được đưa ra. Sau đó Trung Quốc đã ban hành một loạt các chính sách, chế độ về an sinh xã hội bao gồm cả cứu tế xã hội, chế độ đối xử và chăm sóc đặc biệt nhằm không ngừng đẩy mạnh và điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu nâng cao của xã hội. Tuy nhiên, phạm vi của chế độ an sinh xã hội cho đến những năm giữa của thập kỷ 80 về cơ bản mới được thực hiện ở khu vực thành phố và tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước.
Kể từ năm 1984, Trung Quốc tiến hành một loạt các cải cách đối với lĩnh vực an sinh xã hội. Năm 1984 bắt đầu cải cách chính sách hưu trí đối với lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Năm 1986, ban hành chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Các chính sách BHXH như thai sản, tai nạn lao động, chăm sóc y tế được cải cách và ban hành vào các năm 1994, 1996 và 1998. Năm 1999, chính sách bảo đảm mức sống tối thiểu được đưa ra và năm 2002 mô hình hợp tác xã y tế kiểu mới đối với khu vực nông thôn được thiết lập… Những cải cách và phát triển của hệ thống an sinh xã hội đã thực sự đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội
Hệ thống an sinh xã hội ở Trung Quốc về cơ bản bao gồm: BHXH, cứu trợ xã hội, phúc lợi xã hội, chế độ đối xử và chăm sóc đặc biệt, chính sách tương hỗ xã hội.
– Chế độ về BHXH gồm: hưu trí, thất nghiệp, BHYT cơ bản, tai nạn lao động và thai sản. Quỹ BHXH bảo đảm mọi cá nhân được trợ cấp và hỗ trợ tài chính khi tuổi già, thất nghiệp, ốm đau, tai nạn lao động và sinh đẻ ở mức cơ bản. Nguồn kinh phí để chi trả các chế độ này chủ yếu trên cơ sở đóng góp của người lao động và chủ sử dụng lao động (nội dung cụ thể của từng chế độ được giới thiệu ở phần sau).
– Chế độ cứu trợ giúp xã hội: nhằm cung cấp, hỗ trợ tài chính cho người dân để đảm bảo duy trì mức sống tối thiểu. Nhóm người được chế độ này quan tâm là: những người không có khả năng làm việc, không có khả năng kiếm tiền, có khả năng kiếm tiền nhưng dưới mức tối thiểu và những người có khả năng kiếm việc làm nhưng tạm thời nghỉ vì tai nạn. Nguồn kinh phí để chi chế độ này chủ yếu từ ngân sách địa phương và hỗ trợ của ngân sách Trung ương.
– Chế độ phúc lợi xã hội: nhằm thực hiện 5 bảo đảm (ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và chi phí mai táng) cho những người già, trẻ em mồ côi đang sống trong những hoàn cảnh quá khó khăn. Ngoài ra, các doanh nghiệp phúc lợi xã hội được khuyến khích để tạo ra các cơ hội việc làm đối với những người tàn tật. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ này được bố trí hàng năm trong ngân sách Trung ương và địa phương.
– Chế độ đối xử và chăm sóc đặc biệt: nhằm công nhận và hỗ trợ đối với những người có đóng góp đặc biệt cho tổ quốc và xã hội như người có công với cách mạng, quân nhân, cựu chiến binh.
– Chính sách tương hỗ xã hội: nhằm khuyến khích và hỗ trợ đối với các tổ chức xã hội mà thực hiện các hoạt động trợ giúp người đói, nghèo. Các hoạt động này hiện chủ yếu cung cấp bởi tổ chức công đoàn, hội phụ nữ, hội thanh niên, nhà tài trợ nhân đạo thuộc các tổ chức chức phi Chính phủ và các tổ chức trợ giúp hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện.
Về quản lý hành chính đối với an sinh xã hội
Chính quyền Trung ương và địa phương cùng chia sẻ trách nhiệm đối với quản lý về an sinh xã hội. Nhiệm vụ của chính quyền Trung ương chủ yếu là đưa ra các quy định, chính sách và mức chuẩn chung trong toàn quốc và cung cấp các trợ giúp tài chính đối với khu vực đặc biệt khó khăn. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về đưa ra các quy định, chính sách và mức chuẩn tại địa phương nhưng phải phù hợp với quy định của Trung ương; tổ chức thu các khoản đóng góp và chi trả trợ cấp về an sinh xã hội.
Tại Trung ương và địa phương, các cơ quan BHXH được thành lập với số cán bộ, nhân viên lên đến trên 100.000 người trong toàn quốc. Nhiệm vụ chính của cơ quan BHXH là: tiếp nhận đăng ký tham gia bảo hiểm, tổ chức thu đóng bảo hiểm; hạch toán các khoản đóng góp, quản lý tài khoản cá nhân của người tham gia, kiểm tra về tính phù hợp của các yêu cầu, thực hiện các khoản trợ cấp, quản lý quỹ BHXH. Cơ quan BHXH cũng chịu trách nhiệm trong việc thực hiện thoả thuận về BHXH giữa Trung Quốc và các nước khác.
Một số nét cơ bản về các chế độ BHXH
Chế độ hưu trí
Các chế độ hưu trí khác nhau được áp dụng đối với người lao động thuộc các doanh nghiệp, nông dân và công chức, viên chức thuộc các cơ quan, tổ chức của Chính phủ:
– Chế độ hưu trí đối với người lao động thuộc các doanh nghiệp được giới thiệu vào những năm đầu 1950 và được cải cách từ năm 1984. Năm 1997, chế độ bảo hiểm hưu trí cơ bản trong toàn quốc đối với những người lao động thuộc các doanh nghiệp đã được ban hành và đang được mở rộng tới người làm tư và lao động tự do. Đến cuối năm 2003, đã có trên 154,9 triệu người tham gia chế độ này và đã có 38,5 triệu người được hưởng chế độ.
Chế độ hưu trí này dựa trên sự kết hợp giữa cộng đồng xã hội (thông qua việc thiết lập quỹ cộng đồng để chia sẻ rủi ro) và các tài khoản cá nhân. Mức đóng hiện tại đối với cá nhân là khoảng 8% tiền lương, tiền công và của người sử dụng lao động là 20% của tổng quỹ tiền lương. Ngoài ra, chính quyền các cấp có thể cung cấp trợ cấp tài chính trong trường hợp quỹ này thiếu hụt. Cơ quan BHXH tạo ra các tài khoản cá nhân về hưu trí cho mỗi người lao động với mức là 11% tiền lương, tiền công trong đó phần 8% đóng góp của người lao động được chuyển trực tiếp vào tài khoản và phần 3% được trích từ phần đóng góp của người sử dụng lao động. Phần đóng góp của người sử dụng lao động sau khi trích chuyển một phần vào tài khoản cá nhân được chuyển vào quỹ cộng đồng.
Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu theo quy định và tham gia ít nhất 15 năm sẽ được nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng. Trợ cấp hưu trí cơ bản bao gồm 2 phần chính: phần từ quỹ cộng đồng bằng 20% mức tiền lương trung bình chung năm trước của người lao động; phần từ tài khoản cá nhân bằng 1/120 của tổng số tiền tích lũy được. Những người làm việc trước thời gian ban hành chính sách hưu trí nói trên thì sẽ áp dụng chế độ hưu trí quá độ khi nghỉ hưu và Nhà nước sẽ điều chỉnh mức độ trợ cấp hưu trí theo sự phát triển kinh tế (từ năm 1998 đến 2002, lương hưu đã tăng khoảng 50%).
Ngoài ra, để đối phó với khó khăn tài chính cho vấn đề già hóa dân số trong tương lai, năm 2000 quỹ bảo đảm xã hội quốc gia không dựa vào sự đóng góp đã được thành lập và số tiền dự phòng tích luỹ đến 2003 khoảng 130 tỷ nhân dân tệ. Chính phủ cũng hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra các chương trình bảo hiểm hưu trí bổ sung nhưng hiện tại mới bao phủ được 7 triệu người lao động.
– Chế độ hưu trí đối với công chức, viên chức: kinh phí thực hiện được bảo đảm bởi Nhà nước và cá nhân không phải đóng góp. Mức trợ cấp hưu trí được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản và số năm phục vụ. Hiện tại, chế độ này bao phủ 30 triệu công chức, viên chức. Đối với quân nhân cũng có chế độ hưu trí tương tự nhưng là hệ thống hưu trí độc lập với chế độ hưu trí đối với công chức, viên chức.
– Trợ cấp tuổi già ở khu vực nông thôn: Năm 1991 Chương trình thí điểm về chế độ hưu trí sử dụng tài khoản cá nhân đang được triển khai ở một số khu vực nông thôn dựa trên sự đóng góp của cá nhân, hỗ trợ của chính quyền địa phương và khuyến khích bằng cơ chế của Nhà nước. Hiện tại, khoảng 55 triệu người hiện đang tham gia chương trình thí điểm này.
Chế độ bảo hiểm thất nghiệp
Năm 1986, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với khu vực doanh nghiệp Nhà nước được ban hành. Năm 1999, chính sách bảo hiểm thất nghiệp áp dụng đối với tất cả cơ quan, doanh nghiệp và người lao động đã được thông qua; mức đóng là 3% mức tiền lương, tiền công trong đó người lao động đóng 1% và người sử dụng lao động đóng góp 2%. Cuối năm 2003, đã có 103,73 triệu người được tham gia và số người được nhận trợ cấp là 4,15 triệu người.
Điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm 3 điều kiện cơ bản: Thứ nhất, thời gian người lao động tham gia và đóng góp là trên 1 năm. Thứ hai, việc không có việc làm không phải là vì lý do cá nhân. Thứ ba, người lao động phải kê khai (đăng ký) là đang thất nghiệp và đang nỗ lực tìm việc làm.
Mức trợ cấp thất nghiệp do chính quyền địa phương quyết định nhưng phải đảm bảo nguyên tắc phải thấp hơn tiền lương tối thiểu đồng thời cao hơn mức sống tối thiểu. Thời gian nhận trợ cấp được xác định chủ yếu dựa vào số năm tham gia đóng góp nhưng không được quá 24 tháng. Trong thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp, được trợ cấp về thuốc men nếu bị ốm đau, được hưởng trợ cấp về mai táng phí và trợ cấp tử tuất nếu bị chết, và được trợ cấp về đào tạo nghề nghiệp và thay đổi việc.
Chế độ BHYT
Năm 1998, Trung Quốc thực hiện cải cách và ban hành chế độ BHYT cơ bản đối với người lao động. Cuối năm 2003, chế độ BHYT cơ bản đã bao phủ được 108,95 triệu người.
Cả người lao động và chủ sử dụng lao động có trách nhiệm đóng góp cho quỹ BHYT với mức đóng của chủ sử dụng lao động là 6% của tổng quỹ tiền lương và người lao động là 2% của tiền lương, tiền công.
Chế độ BHYT là sự kết hợp giữa quỹ cộng đồng và tài khoản cá nhân. Tài khoản cá nhân được mở bởi cơ quan BHXH cho từng người tham gia; toàn bộ phần đóng góp của cá nhân và 30% phần đóng góp của chủ sử dụng lao động được chuyển vào tài khoản cá nhân; tài khoản cá nhân chủ yếu được sử dụng để chi trả cho chi phí điều trị nội trú và một phần nhỏ của chi phí điều trị nội trú. Quỹ cộng đồng chia sẻ được hình thành từ phần 70% còn lại của chủ sử dụng lao động; quỹ này sử dụng để thanh toán chi phí điều trị nội trú nhưng chi phí đó phải trên ngưỡng tối thiểu và chỉ được thanh toán tối đa đến mức trần thanh toán.
Để tăng cường và bổ sung cho BHYT cơ bản, chế độ về trợ cấp cho các chi phí lớn đã được ban hành để đối phó với các chi phí khám chữa bệnh vượt quá mức trần trong BHYT cơ bản.
Để đảm bảo người tham gia bảo hiểm được hưởng các quyền lợi của dịch vụ y tế cơ bản trong khi chi phí y tế không ngừng tăng, Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý y tế, xây dựng danh mục thuốc BHYT và ban hành các mức chuẩn trong chẩn đoán, điều trị. Nhà nước cũng quy định rõ các tiêu chuẩn chuyên môn đối với các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở cung cấp thuốc cho những người tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đưa ra chương trình trợ cấp về y tế cho công chức, viên chức. Các doanh nghiệp cũng được khuyến khích để tạo ra các chương trình bảo hiểm bổ sung cho người lao động của họ. Nhà nước cũng từng bước đưa ra các chính sách trợ giúp y tế xã hội nhằm cung cấp dịch vụ y tế cơ bản cho những người dân nghèo.
Năm 2002, Trung Quốc đã đưa ra mô hình hợp tác xã y tế kiểu mới dựa trên nguyên tắc tương trợ tự nguyện. Thủ đô Bắc Kinh đã thí điểm mô hình này tại một số điểm, với sự chia sẻ tài chính giữa nông dân, cộng đồng và chính quyền địa phương nhằm tạo ta một quỹ chia sẻ rủi ro cho những bệnh tật nghiêm trọng.
Chế độ tai nạn lao động
Quy định về nghĩa vụ của chủ sử dụng động trong việc bồi thường tai nạn lao động đã có từ những năm 1950. Năm 1996, Bộ Lao động đưa ra quy định về về bảo hiểm tai nạn lao động đối với người lao động trong các doanh nghiệp và bắt đầu thiết lập các chương trình bảo hiểm tai nạn lao động ở một số khu vực. Cùng năm 1996, tiêu chuẩn về đánh giá mức độ thương tật lao động đã được ban hành. Cuối năm 2003, đã có 45,73 triệu người tham gia vào chương trình và số người được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động là 370.000 người.
Quy định mới về bảo hiểm tai nạn lao động được ban hành ngày 27/4/2003 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2004 áp dụng đối với tất cả loại hình doanh nghiệp và các cơ sở tư nhân có thuê lao động. Theo quy định, người lao động không phải đóng góp mà chủ sử dụng lao động phải đóng góp để hình thành quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tại các tỉnh, thành phố. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động chủ yếu để chi trả chi phí y tế và trợ cấp thương tật, lương hưu cho những người bị mất khả năng lao động do tại nạn lao động, cũng như để chi trả chi phí về chăm sóc bệnh nhân.
Chế độ thai sản
Chế độ về thai sản đã được thiết lập từ những năm 1950. Năm 1994, Bộ Lao động ban hành chính sách mới về chế độ thai sản đối với người lao động trong các doanh nghiệp, trong đó quy định nghĩa vụ đóng góp thuộc về chủ sử dụng lao động và tối thiểu là 1% của tổng tiền quỹ tiền lương. Người lao động không phải đóng góp và được hưởng trợ cấp sinh đẻ và chi phí y tế trong thời gian sinh đẻ; thời gian hưởng chế độ không thấp hơn 90 ngày. Trong thời gian sinh đẻ, chủ sử dụng lao động không được giảm mức tiền công, tiền lương và chắm dứt hợp đồng lao động. Cuối năm 2003 đã có 36,48 triệu người tham gia chế độ bảo hiểm thai sản tại 29 tỉnh, thành phố và số phụ nữ được hưởng chế độ thai sản là 350.000 người.
SOURCE: TẠP CHÍ BẢO HIỂM XÃ HỘI SỐ 10/2005
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG VÀ ASXH |
Leave a Reply