admin@phapluatdansu.edu.vn

CẦN QUI ĐỊNH TRÁCH NHIỆM LIÊN ĐỚI TRẢ NỢ

ĐỖ VĂN HỮU

Theo Điều 298 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 (Điều 304 BLDS năm 1995), thì “nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ”

Theo Điều 298 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 (Điều 304 BLDS năm 1995), thì “nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ”. Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thanh toán phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

BLDS năm 2005 cũng như BLDS năm 1995 quy định về việc buộc những người cùng có lỗi trong việc gây thiệt hại phải liên đới bồi thường thiệt hại đã được đề cập, nhưng không  quy định buộc những người cùng có lỗi trong việc để người khác dùng tài sản của mình, hoặc tài sản của người thứ ba để thế chấp có nghĩa vụ liên đới trả nợ, dẫn đến tình trạng tại thời điểm vay, người vay đã dùng những giấy tờ có giá trị pháp lý để xác định số tài sản thế chấp thuộc sở hữu (hoặc quyền sử dụng đối với đất đai) của mình, nhưng sau đó có tranh chấp về phần tài sản này, Toà án xác định tài sản mà người vay mang thế chấp không phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của họ. Toà án buộc người vay phải trả tài sản lại cho chủ cũ, đồng thời buộc người vay phải trả tiền đã vay cho người cho vay và buộc người cho vay phải trả chủ cũ giấy tờ thế chấp để họ làm thủ tục sang tên. Trong khi đó, người vay lại không có khả năng thanh toán khoản tiền vay gây thiệt hại cho người cho vay. Hai vụ kiện sau đây cho thấy điều này.

Vụ kiện thứ nhất

Năm 1974, ông Quảng mua 6840m2 đất nông nghiệp tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Năm 1977, số đất trên được đưa vào Tập đoàn. Năm 1988 khi giải thể Tập đoàn, ông Quảng giao số đất này cho anh Anh (con trai ông Quảng) quản lý và sử dụng. Trong quá trình quản lý số đất trên, anh Anh đã kê khai, đăng ký và năm 1992, anh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Quảng biết nhưng không tranh chấp. Và cũng từ năm 1988 đến nay, ông Quảng không đăng ký kê khai, không sử dụng số đất này. Năm 2006, anh Anh mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Ngân hàng vay 80 triệu đồng. Sau khi kiểm tra tính pháp lý của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Ngân hàng đã ký hợp đồng cho anh Anh vay. Đến tháng 5/2006, ông Quảng khởi kiện đòi anh Anh số đất trên. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 267/2006/DS-ST ngày 21/11/2006, TAND huyện Châu Phú quyết định bác yêu cầu của ông Quảng đòi anh Anh phải trả ông Quảng 6897m2 đất.

Không đồng ý với phán quyết của Toà án, ngày 22/11/2006, ông Quảng kháng cáo. Tại Bản án phúc thẩm số 171/2007/DSPT ngày 27/3/2007, TAND tỉnh An Giang quyết định sửa án sơ thẩm, buộc anh Anh phải trả cho ông Quảng diện tích đất ruộng 6.897m2; anh Anh phải trả Ngân hàng số nợ; ngân hàng phải giao giấy chứng nhận cho ông Quảng để ông Quảng làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất.

Vụ kiện thứ hai

Ông Viện với bà Thanh là anh em cùng cha khác mẹ là sở hữu chung Cơ sở sản xuất nước đá Tiến Ngọc. Cơ sở nước đá này nằm trên diện tích 4.715m2 đất toạ lạc tại huyện Cao Lãnh do ông Viện đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 09/01/1999, ông Viện uỷ quyền cho bà Thanh được toàn quyền quản lý doanh nghiệp, ký hợp đồng mua bán, thế chấp vay vốn ngân hàng, mua bán doanh nghiệp. Ngày 3/11/1999, bà Thanh giả mạo chữ ký của ông Viện ký hợp đồng chuyển nhượng số đất trên cho ông Toản (người làm công tại cơ sở sản xuất nước đá của ông Viện, bà Thanh). Tiếp đó, ngày 8/11/1999, ông Viện với bà Thanh làm giấy uỷ quyền cho ông Toản có quyền quyết định quá trình sản xuất, kinh doanh cơ sở nước đá, nhưng không được quyền sang bán hay chuyển nhượng. Trong quá trình quản lý doanh nghiệp và sử dụng số đất trên, ông Toản đã làm thủ tục sang tên diện tích đất này và ngày 29/02/2002, ông Toản được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tháng 12/2000, ông Toản được Sở Kế hoạch – đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Cơ sở nước đá đứng tên mình.

Ngày 21/3/2002, ông Toản vay Ngân hàng 250 triệu đồng để đầu tư vào cơ sở nước đá; khi vay có thế chấp một căn nhà cấp 3, toàn bộ dây chuyển sản xuất nước đá, một xe ô tô và số đất nêu trên. Khi cho vay, Ngân hàng đã kiểm tra tính pháp lý của các tài sản này. Sau đó, giữa ông Viện, bà Thanh với ông Toản có phát sinh tranh chấp. Tháng 6/2003, ông Viện cùng bà Thanh làm đơn khởi kiện đòi ông Toản trả lại cơ sơ nước đá cũng như diện tích đất trên.

TAND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định trong Bản án dân sự sơ thẩm số 02T/DSST ngày 01/8/2003 buộc ông Toản phải trả lại diện tích đất và toàn bộ dây chuyền sản xuất nước đá cho ông Viện, bà Thanh; đồng thời phải trả cho Ngân hàng 271.633.333đ, bao gồm cả gốc và lãi; chấp nhận sự tự nguyện của ông Viện về việc quản lý sở hữu những tài sản do ông Toản đầu tư trong quá trình quản lý doanh nghiệp, nhưng phải trả ông Toản 389 triệu đồng (làm tròn số), số tiền này được quản lý không trả cho ông Toản để đảm bảo thi hành án phần ông Toản nợ. Sau đó, cả ông Viện, bà Thanh cũng như ông Toản đều kháng cáo.

Trong Bản án dân sự phúc thẩm số 105/DSPT ngày 09/4/2004, Toà phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh quyết định: huỷ một phần Bản án sơ thẩm về việc giải quyết diện tích đất và tài sản; các phần khác của Bản án sơ thẩm không bị huỷ vẫn có hiệu lực.

Quá trình giải quyết sơ thẩm lần hai TAND tỉnh Đồng Tháp không đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng. TAND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định trong Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2005/DS-ST ngày 27/5/2005 rằng: vẫn buộc ông Toản phải trả lại cơ sở sản xuất nước đá, đất cho ông Viện, bà Thanh và vẫn giữ lại số tiền 389 triệu đồng mà ông Toản được hưởng để thực hiện việc thi hành án đối với các khoản nợ. Sau đó, các đương sự đều kháng cáo.

Tại Bản án số 366/2005/DS-PT ngày 06/10/2005, Toà phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh nhận định: không có sự chuyển nhượng đất cùng cơ sở nước đá từ ông Viện, bà Thanh, việc bà Thanh ký giả mạo chữ ký của ông Viện trong hợp đồng chuyển nhượng đất là không đúng. Từ đó Tòa quyết định: huỷ hợp đồng uỷ quyền ngày 8/11/1999 được ký giữa ông Viện, bà Thanh với ông Toản. Huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 471/CN ngày 3/11/1999 giữa ông Viện với ông Toản do bà Thanh ký giả chữ ông Viện. Buộc ông Toản phải giao trả ông Viện 4.715m2 đất. Buộc ông Toản phải trả cho ông Viện, bà Thanh toàn bộ cơ sở sản xuất nước đá. Ông Thanh, bà Viện được nhận và sở hữu các tài sản trên đất bao gồm căn nhà cấp 3, bờ kè đá… nhưng không phải trả 389 triệu đồng như án sơ thẩm đã tuyên. Các phần khác của Bản án sơ thẩm số 04/2005/DS-ST ngày 27/5/2005 TAND tỉnh Đồng Tháp không có kháng cáo, kháng nghị vẫn giữ nguyên.

Nhận xét

Trong cả hai vụ án trên, Ngân hàng là bên cho vay thực hiện đúng những quy định của pháp luật về việc cho vay. Để đảm bảo việc thu hồi vốn, Ngân hàng đã yêu cầu bên vay phải thế chấp tài sản, cụ thể ở đây là quyền sử dụng đất. Người vay là anh Anh, ông Toản đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình được cơ quan có thẩm quyền cấp, mà theo quy định tại Điều 728 BLDS năm 1995 thì điều kiện thế chấp quyền sử dụng đất là: “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, thì có quyền thế chấp quyền sử dụng đất theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai”. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của BLDS năm 2005 cũng như pháp luật đất đai hiện hành. Như vậy, Ngân hàng không có lỗi trong việc cho vay cũng như chấp nhận tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất; họ phải được pháp luật bảo vệ. Nhưng Toà án cấp phúc thẩm của hai vụ án trên đã buộc người vay phải trả tiền vay (điều mà không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện được, nhất là khi người vay không có khả năng chi trả mà ngân hàng chỉ biết níu vào tài sản thế chấp để giải quyết nợ) và buộc Ngân hàng trả lại giấy chứng nhận cho các chủ đất cũ gây thiệt hại cho Ngân hàng. Cũng phải khẳng định rằng, trong cả hai vụ kiện trên đều thấy sự có lỗi của người thứ ba. ở vụ thứ nhất là lỗi của ông Quảng, thể hiện qua việc ông Quảng không thực hiện đúng những quy định của pháp luật về đất đai. Đó là không sử dụng đất từ năm 1988, không đăng ký, kê khai quyền sử dụng đất, khi phát hiện thấy anh Anh đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã không khiếu nại. Còn ở vụ kiện thứ hai, bà Thanh là người giả mạo chữ ký của ông Viện trong hợp đồng chuyển nhượng đất dẫn đến ông Toản dựa vào hợp đồng này để có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình. Chính những hành vi có lỗi trên đã gián tiếp làm cho những người vay nợ của Ngân hàng có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để họ dùng giấy chứng nhận này thế chấp vay tiền Ngân hàng. Vậy mà trong quá trình xét xử của Toà án, họ lại là người vô can không phải chịu trách nhiệm gì. Điều đó là không hợp lý, dễ dẫn đến việc thông đồng rút tiền Ngân hàng. Chúng ta đều biết rằng, bản chất của thế chấp là việc bên có nghĩa vụ dùng tài sản thuộc sở hữu (hoặc thuộc quyền sử dụng đối với đất đai) của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền. Vì vậy, trong những trường hợp tương tự nêu trên, để đảm bảo quyền lợi của bên cho vay, theo chúng tôi, cần phải có quy định: Người nào có lỗi trong việc để người khác dùng tài sản của mình hoặc tài sản của người thứ ba làm tài sản thế chấp để vay tài sản, phải có nghĩa vụ liên đới trả nợ.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/y_kien_luat_gia/can-quy-111inh-trach-nhiem-lien-111oi-tra-no

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading