admin@phapluatdansu.edu.vn

LÀM LUẬT TRONG KHUNG CẢNH HỘI NHẬP

image TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN – KHOA LUẬT ĐẠI HỌC CẦN THƠ

Một năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cơ chế xây dựng pháp luật vẫn được giữ nguyên. Nhiều người cho rằng muốn đổi mới thì phải thay đổi cơ sở pháp lý là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề có phải như vậy không?

Nhiều người lý giải sự chậm trễ trong việc đổi mới hoạt động làm luật bằng cách viện dẫn các điều khoản ràng buộc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành: bản thân việc làm luật đã được luật hóa; bởi vậy, muốn đổi mới, thì phải thay đổi cơ sở pháp lý. Hẳn việc sửa đổi luật, đang được thực hiện dưới sự chủ trì của Bộ Tư pháp, xuất phát từ suy nghĩ đó.

Thực ra, có rất nhiều việc phải làm, chứ không chỉ đơn giản là sửa luật, để có được một cơ chế xây dựng pháp luật gọi là thích hợp với khung cảnh hội nhập.

Ở các nước tiên tiến, luật, một khi được cơ quan lập pháp thông qua, sẽ được áp dụng trong đời sống xã hội một cách trực tiếp mà không cần chờ sự hướng dẫn của cơ quan hành pháp. Văn bản lập quy chỉ có tác dụng tổ chức công việc của cơ quan hành pháp, đặc biệt là chỉ định ứng xử của công chức, trong khuôn khổ thi hành luật, chứ không phải là điều kiện để luật được thực thi.

Cá biệt, một số luật chỉ dừng lại ở việc đề ra các quy định tổng quát, quy định cụ thể được dành cho văn bản lập quy. Trong trường hợp này, văn bản lập quy phải phù hợp với luật. Việc bảo đảm tính hợp luật của văn bản lập quy tất nhiên không chỉ dựa vào ý thức tự giác của nhà lập quy; song, giao cho cơ quan lập pháp, một thiết chế tập thể, kiểm tra tính hợp pháp của văn bản lập quy là điều không thiết thực.

Bởi vậy, pháp luật thừa nhận quyền của công dân, khi thấy có lợi ích, yêu cầu xem xét tính hợp luật của văn bản lập quy trong khuôn khổ một tranh chấp pháp lý trước một cơ quan tài phán.

Cũng có trường hợp cơ quan hành pháp được trao quyền tham gia xây dựng pháp luật của riêng mình, nghĩa là không phụ thuộc vào quyền lập pháp. Khi đó, văn bản lập quy được xếp ngang với luật.

Nhưng thông thường, để có được quyền này, cơ quan hành pháp phải do dân trực tiếp bầu ra, như cơ quan lập pháp. Vả lại, văn bản lập quy, cũng như luật, phải phù hợp với hiến pháp. Việc kiểm tra tính hợp hiến thuộc thẩm quyền của một thiết chế tài phán bảo hiến hoạt động độc lập, cả đối với cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp.

Có thể nhận ra, từ các yếu tố đặc trưng của cơ chế làm luật đó, bóng dáng của người dân trong việc xây dựng pháp luật. Hoặc, thông qua người được dân cử ra để giữ chức vụ nhà nước, người dân đề ra quy tắc ứng xử pháp lý; hoặc, thông qua người giữ vai trò phân xử khách quan, người dân buộc người giữ chức vụ nhà nước phải ra quy tắc ứng xử pháp lý phù hợp ý chí của dân.

Tất cả những điều ấy, suy cho cùng, đi theo đúng quan niệm thống trị trong nhà nước pháp quyền: làm luật là việc chuẩn hóa thỏa thuận của các thành viên xã hội về cách xử sự chung trong khuôn khổ trật tự xã hội.

Xuất phát từ cuộc sống, luật sẽ không bị coi là một thứ chuẩn mực ngoại lai được nhà chức trách dùng sức mạnh của mình để áp đặt lên toàn xã hội. Đó cũng chính là điều kiện cần thiết để luật được người dân tôn trọng một cách tự nguyện.

Ở Việt Nam, luật trước hết là công cụ được Nhà nước sử dụng để quản lý xã hội, quản lý con người. Bởi vậy, việc xây dựng pháp luật dựa chủ yếu vào kế hoạch, chính sách của Nhà nước, chứ không phải vào các xu thế ứng xử tích cực phổ biến.

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Trích dẫn từ: http://vneconomy.vn/home/63358P0C5/lam-luat-trong-khung-canh-hoi-nhap.htm

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading