admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP GIỮA CƠ QUAN SỬ DỤNG LAO ĐỘNG VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ Ý NGHỈ VIỆC

HOÀNG YẾN

Học xong, làm hơn năm rồi nghỉ

Theo đơn khởi kiện của Bưu điện TPHCM, năm 1998, ông T. vào làm việc cho Bưu điện theo hợp đồng lao động không thời hạn. Tháng 7-2003, ông được Bưu điện cử đi học thạc sĩ tại Úc với chi phí khoảng 40 ngàn USD. Ngoài ra, bưu điện còn chi khoảng 41 triệu đồng để ông học Anh văn trước khi đi du học. Bù lại, ông T. cam kết sẽ phục vụ Bưu điện ít nhất 10 năm sau khi học về.

Được cơ quan chi 40 ngàn USD cho đi học tại Úc, nhân viên cam kết làm 10 năm nhưng khi học xong về làm việc được năm rưỡi thì nghỉ, không chịu bồi thường chi phí đào tạo…

Xong khóa học, về làm việc được 18 tháng thì ông T. xin nghỉ việc nên Bưu điện TP yêu cầu ông hoàn trả gần 582 triệu đồng chi phí đào tạo (đã khấu trừ 18 tháng phục vụ). Ban đầu ông T. xin được giảm một nửa do hoàn cảnh khó khăn. Bưu điện không chấp nhận, chỉ cho ông trả thành hai lần. Ông T. đồng ý nhưng lại muốn thanh toán bằng cách trích lương hàng tháng và trả khoảng 40 triệu đồng một năm nhưng Bưu điện cũng không chấp nhận.

Đến tháng 9-2006, nhắc nhở ông T. trả số tiền đợt thứ nhất không được, Bưu điện TP đã khởi kiện ra TAND quận 3 – nơi ông T. sinh sống để đòi lại 582 triệu đồng.

Bên đòi, bên từ chối

Ngày 6-8, TAND quận 3 đã đưa vụ kiện ra xử sơ thẩm. Tại tòa, ông T. cho rằng mình chỉ là một cán bộ, công nhân viên bình thường, không có khoản tiền lớn như trên. Đồng thời, ông cũng cho rằng ông không tự ý nghỉ mà có đơn xin nghỉ việc theo đúng thủ tục, trình tự là thông báo cho bưu điện trước 45 ngày.

Để dẫn chứng, ông T. lập luận rằng Bưu điện TP không hề có yêu cầu bồi thường do ông chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Điều đó có nghĩa ông đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật. Trường hợp của ông không phải là tự ý bỏ việc nên không phải bồi thường chi phí đào tạo.

Đáp lại, Bưu điện TP cho rằng ông T. từ khi nộp đơn xin nghỉ đến khi tự ý bỏ việc chỉ đúng 43 ngày. Để làm bằng, Bưu điện trình ra các bảng chấm công, bảng chấm lương thể hiện điều trên. Ngoài ra, Bưu điện còn cho rằng sau kỳ nghỉ phép sáu ngày, ông T. đã tự ý không đi làm lại…

Có phải bồi hoàn?

Phần tranh luận tại phiên xử đã trở nên gay gắt xung quanh việc vận dụng pháp luật về lao động.

Theo luật sư của Bưu điện TP, Nghị định 44 năm 2003 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động) có sự chưa rõ ràng, có thể làm đôi bên hiểu không đúng pháp luật để giải quyết vấn đề. Theo nghị định, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải bồi thường chi phí đào tạo, trừ trường hợp “thực hiện đúng và đủ các quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động”. Ở đây, ông T. đã thông báo trước 45 ngày là đúng nhưng chưa đủ bởi ông còn phải chứng minh thêm những điều khác được quy định ngay trong Điều 37 Bộ luật Lao động như không được Bưu điện đãi ngộ, không được trả lương hay gặp khó khăn không thể tiếp tục làm việc…

Đồng thời, luật sư của phía Bưu điện còn cho rằng đây không chỉ là trường hợp cá biệt, nếu giải quyết không đúng sẽ tạo tiền lệ không tốt cho những vụ việc tương tự. Sẽ thật vô lý nếu như người lao động được Bưu điện bỏ ra cả đống tiền cho đi du học, về lại không phục vụ đúng cam kết mà chỉ cần nộp đơn xin nghỉ trước 45 ngày thì không cần bồi thường.

Về chuyện này, luật sư của ông T. đã đề nghị tòa hoãn xử để hỏi ý kiến TAND tối cao cho rõ thế nào là “thực hiện đúng và đủ các quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động”. Ông T. cũng yêu cầu tòa hoãn xử để buộc Bưu điện xuất trình đơn xin nghỉ phép của ông nhằm tính toán cho đúng số ngày thông báo trước khi nghỉ việc của ông.

Tuy nhiên, luật sư của Bưu điện cho rằng không cần thiết phải hoãn xử. Nếu thấy nghị định chưa rõ, tòa có thể kiến nghị ngay trong bản án để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đồng tình, tòa tiếp tục xét xử nhưng dời ngày tuyên án đến 12-8 để cân nhắc vụ việc cho kỹ lưỡng.

Theo nhiều chuyên gia, ngoài quy định của pháp luật lao động, quan hệ giữa Bưu điện TP với ông T. còn bị ràng buộc bởi bản cam kết phục vụ 10 năm. Rõ ràng ở đây đã có sự ràng buộc quyền lợi và trách nhiệm giữa hai bên mà tòa cần phải xem xét.

Đã từng có tiền lệ

Năm 2005, Công ty D. đài thọ 78 triệu đồng cho ông A. theo học một khóa Anh văn, ngược lại ông A. cam kết làm việc cho công ty năm năm sau khi học xong. Tuy nhiên, ông làm được một năm thì nghỉ và không chịu bồi hoàn chi phí lao động nên bị Công ty D. khởi kiện.

Năm 2007, TAND quận 5 (TP.HCM) đã xét xử, nhận định ông A. tự nguyện ký cam kết mà lại vi phạm nên phải bồi thường cho Công ty D.

——————

Ngày 12/8/2008, TAND quận 3 đã buộc ông T. phải bồi thường gần 582 triệu đồng chi phí đào tạo cho Bưu điện TP. Ngoài ra, ông T. còn phải chịu án phí sơ thẩm là gần 13 triệu đồng. Theo tòa, ông T. từ lúc nộp đơn xin nghỉ đến lúc nghỉ chưa đủ 45 ngày, vi phạm thời hạn mà Bộ luật Lao động quy định. Đồng thời, ông cũng không thuộc trường hợp đủ các yếu tố được miễn bồi hoàn chi phí đào tạo khi nghỉ việc

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://thuvienphapluat.com/?CT=NW&NID=14369

(Tên gọi bài viết thay đổi do Civillawinfor)

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading