TS. TÔN THANH TÂM
1. Cổ phần hóa – xu hướng của thời hội nhập
Xu hướng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nói chung, các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) nói riêng như: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam VCB (đã hoàn tất cổ phần hóa và phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng – IPO), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB)… đang trở thành xu thế chung của thời hội nhập. Cổ phần hóa nhằm thay đổi vai trò sở hữu vốn và tài sản tại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần, trong đó Nhà nước nắm giữ một phần vốn (thường tối thiểu là 51%) và bên ngoài (có thể là pháp nhân, tư nhân..) nắm giữ tối đa là 49%. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn tùy thuộc vào tầm quan trọng ngành nghề mà doanh nghiệp đó đang đảm nhận đối với nền kinh tế quốc dân để Chính phủ xem xét, quyết định đưa ra tỷ lệ Nhà nước cần nắm giữ là cao hay thấp. Có một điều chúng ta phải thừa nhận rằng: “cổ phần hóa”có nghĩa là thay đổi tính chất sở hữu vốn, tài sản từ “Doanh nghiệp nhà nước” sang “Doanh nghiệp cổ phần” đã mang lại cho chúng ta những thay đổi lớn về nhận thức, tính năng động, sáng tạo và hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Song, quá trình cổ phần hóa đang đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu và giải quyết, trong đó vấn đề quyền lợi của người lao động tại doanh nghiệp cổ phần hóa là một trong những nội dung quan trọng đang được dư luận trong cuộc và ngoài cuộc hết sức quan tâm vì nó liên quan đến quyền lợi trực tiếp của từng cán bộ công nhân viên (CBCNV). Chính vì vậy, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa, Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ đã tạo thuận lợi cho người lao động được hưởng quyền lợi thông qua mua số cổ phần tính theo năm công tác (mỗi năm tương ứng 100 cổ phần và không phân biệt chức danh) với giá mua bằng 60% giá đấu thành công bình quân. Ngoài ra, người lao động còn được hưởng một số quyền lợi khác từ số cổ phần tương đương 3% vốn điều lệ của doanh nghiệp mà tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa được mua. Tuy nhiên, “giá mua cổ phần bằng 60% giá đấu thành công bình quân” và “tỷ lệ tương đương 3% vốn điều lệ mà tổ chức công đoàn được mua” khi doanh nghiệp Nhà nước nói chung, các NHTMNN nói riêng sắp tới cổ phần hóa thực sự có “ưu đãi” và “khả thi” khi thực hiện hay không? Hay đó chỉ là một chỉ tiêu “kỳ vọng” mà Nhà nước đặt ra đối với người lao động và tổ chức công đoàn. Bởi trước sự sụt giảm “không phanh” của thị trường chứng khoán (TTCK), cộng với lạm phát tăng cao đang làm ảnh hưởng lớn đến các quyền lợi mà người lao động được hưởng (tính theo năm công tác) hay tổ chức công đoàn tại các NHTMNN được mua cổ phần khi các NHTMNN cổ phần hóa. Chúng tôi cho rằng đây là những vấn đề mang tính thời sự cao mà hầu hết CBCNV của các NHTMNN còn lại như Vietinbank, BIDV, MHB… đang hết sức quan tâm trước khi các ngân hàng này bước vào giai đoạn cổ phần hóa. Vì vậy, bài viết này tập trung phân tích 2 nội dung lớn, đó là (i) giá bán ưu đãi cho người lao động; và (ii) giá bán cho tổ chức công đoàn tại các NHTMNN như hiện nay là cao hay thấp? nên ứng xử như thế nào cho hợp lý… để qua đó giúp cho Ban lãnh đạo và tổ chức công đoàn tại các NHTMNN xem xét, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nhằm giải quyết thỏa đáng, hợp tình, hợp lý khi bán cổ phần cho CBCNV và tổ chức công đoàn của mình.
2. Giá bán cổ phần ưu đãi bằng 60% giá đấu thành công bình quân cho CBCNV là cao hay thấp?
Theo qui định tại khoản 2, Điều 37 của Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, qui định: “giá bán ưu đãi là giá bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp bằng 60% giá đấu thành công bình quân….”. Giá đấu thành công bình quân là: “giá bán theo phương thức đấu giá công khai là giá đấu thành công của từng nhà đầu tư. Theo phương thức này, các nhà đầu tư trúng thầu ở mức giá nào thì mua cổ phần ở mức giá đó”. Thoạt nghe, giá bán ưu đãi cho người lao động ở mức bằng 60% giá đấu thành công bình quân, tưởng là “ưu đãi”. Nhưng khi đi sâu phân tích kỹ mới thấy đây là mức giá hoàn toàn không ưu đãi chút nào, thậm chí là “ngược đãi” nếu với xu hướng giá các loại cổ phiếu trên TTCK sụt giảm gần như về “số không” như hiện nay. Đây cũng là lý do tại sao nhiều người lao động, sau khi mua cổ phần với “giá ưu đãi” đã phải bán đi ngay để trả nợ, thậm chí là bán ngay khi doanh nghiệp chưa IPO mà mọi người hay biết đến đó là “rao bán năm công tác” (một phương thức mà người lao động ứng tiền trước của nhà đầu tư để trả cho doanh nghiệp nhằm hưởng một phần chênh lệch)…; Rõ ràng, người lao động phải bán, bán dưới nhiều hình thức mà chung qui lại vì không đủ tiền để mua, vì giá “ưu đãi” quá cao. Thông qua ví dụ sau, chúng tôi sẽ lý giải tại sao giá bán ưu đãi, nhưng vẫn quá cao so với túi tiền của người lao động, cụ thể: ngày 26/12/2007, VCB chính thức hoàn tất việc IPO, với giá khởi điểm đưa ra “đấu trường” để đấu là 100.000 đ/1cp, (còn theo qui định tại khoản 1, Điều 9, Nghị định 109 qui định thì “mệnh giá 1 cổ phần là 10.000 đ/1cp”), và giá đấu thành công bình quân là 107.870 đ/1cp. Theo công bố này, người lao động trong VCB phải mua với giá ưu đãi là 64.722 đ/1cp (tức bằng 60% giá đấu thành công bình quân). Như vậy, giá mà người lao động được mua với giá ưu đãi là 64.722 đ/1cp, cao gấp 6,47 lần so với mệnh giá gốc là 10.000 đ/1cp. Tuy nhiên, tại thời điểm ngày 6/6/2008, giá cổ phần của VCB được rao bán trên thị trường OTC (thị trường phi chính thức) là 32.000 đ/ 1 cổ phần, chỉ bằng ½ giá mua ưu đãi (64.722đ/cp). Như vậy, phần ưu đãi mà người lao động được mua theo giá “ưu đãi” đã hoàn toàn bị mất sạch chỉ sau 6 tháng. Không những thế, người lao động còn phải bù lỗ vào đó 32.000 đ/cp, nếu họ đem bán với giá 32.000 đ/cp. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) thường bán cho CBCNV của mình với giá 1,2 đến 1,5 lần so với mệnh giá gốc (tức chỉ vào khoảng 12.000 đ/1cp – 15.000đ/1cp). Thậm chí có những NHTMCP chỉ bán với giá 1/1 tức 10.000 đ/1cp. Đây mới thực sự là giá ưu đãi dành cho người lao động, còn giá cao gấp 6,47 lần như phân tích trên sau khi đã giảm, bằng 60% giá đấu thành công bình quân, thì quả thực không phải là giá ưu đãi, mà là “ưu tiên” bán trước cho người lao động, ai có tiền thì mua, không có tiền thì thôi.
Từ ví dụ trên chúng tôi cho rằng: trước xu hướng sụt giảm không phanh của TTCK như hiện nay (chỉ số VN-Index đã xuống đáy 385 điểm vào ngày 6/6/2008), 3 NHTMNN còn lại cần chủ động trao đổi với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam để chủ động làm việc với Bộ Tài chính, và kiến nghị với Chính phủ xem xét,điều chỉnh lại giá bán cho CBCNV trước khi tiến hành cổ phần hóa để đảm bảo rằng: giá bán cổ phần cho CBCNV là giá bán mà trong đó có phần “ưu đãi” thực sự dành cho người lao động, những người đã gắn bó cuộc đời mình với ngân hàng từ những ngày đầu đầy khó khăn và gian khổ.
Còn đối với tỷ lệ tương đương 3% mức vốn điều lệ mà các tổ chức công đoàn của 3 NHTMNN còn lại, kể cả Tổ chức công đoàn VCB (đã cổ phần hóa) được mua có khả thi hay không? Hay chỉ là một chỉ tiêu mang tính “hình thức”?
3. Tỷ lệ 3% vốn điều lệ mà tổ chức công đoàn được mua với giá ưu đãi bằng 60% giá đấu thành công bình quân liệu có khả thi?
Để hỗ trợ cho người lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa (bao gồm các NHTMNN như VCB, VietinBank, BIDV…), ngoài những ưu đãi dành cho người lao động tính theo năm công tác (không phân biệt chức danh) với mức giá mua cổ phần bằng 60% giá đầu thành công bình quân như đề cập trên, Chính phủ còn tiếp tục hỗ trợ cho người lao động thông qua tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa được mua cổ phần bằng 3% vốn điều lệ với mức giá ưu đãi. Cụ thể: theo qui định tại Điều 35, khoản 2, mục c của Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ qui định cổ phần bán cho tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa, như sau: “Tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa được sử dụng nguồn quỹ hợp pháp (của công đoàn) tại doanh nghiệp cổ phần hóa (không huy động, vay vốn) để mua cổ phần nhưng không quá 3% vốn điều lệ. Số cổ phần này do tổ chức công đoàn nắm giữ nhưng không được chuyển nhượng. Bộ Tài chính và Tổng liên quan đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn việc sử dụng nguồn quỹ hợp pháp để mua cổ phần trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người lao động tại doanh nghiệp”. Trên cơ sở qui định này, ngày 6/12/2007, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn số 146/2007/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện một số vấn đề tài chính theo Nghị định 109, trong đó tại Mục V – Bán cổ phần lần đầu – đoạn 5.2 qui định: “giá bán cho người lao động và tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp được xác định bằng 60% giá đấu thành công bình quân”. Như vậy, giá mua cổ phần của tổ chức công đoàn không phải bằng mệnh giá, mà dựa vào giá đấu thành công bình quân để xác định, giống như giá bán cho người lao động. Từ qui định này, chúng ta thấy ngay đây là mức giá sẽ làm cho nhiều tổ chức công đoàn “bó tay” trước tỷ lệ mua cổ phần không quá 3% mức vốn điều lệ của doanh nghiệp. Tại sao bó tay, ví dụ sau đây sẽ minh chứng cho điều đó:
-Mức giá khởi điểm mà VCB đưa ra là 100.000 đ/cp (trong khi mệnh giá gốc mỗi cổ phần theo qui định là 10.000 đ/cp), cao gấp 10 lần mệnh giá gốc. Giá đấu thành công bình quân cổ phần VCB công bố vào ngày 26/12/2007 là 107.870 đ/cp. Vốn điều lệ của VCB sau cổ phần hóa là 15.000 tỷ đ. Theo qui định, tổ chức công đoàn được mua số cổ phần bằng 3% vốn điều lệ (tương đương 45 triệu cổ phần hay 450 tỷ đ nếu mua với giá gốc là 10.000đ/cp), trong khi tổ chức công đoàn phải mua với giá bằng 60% giá đấu thành công bình quân, tức với giá 64.722 đ/cp. Tổng số tiền mà Tổ chức công đoàn VCB phải bỏ ra để mua là 2.912 tỷ đ (bằng với mức vốn điều lệ của 1 NHTMCP lớn nhất hiện nay). Chênh lệch giá mua không được tính cổ tức là 2.462 tỷ đ (2.912 tỷ đ – 450 tỷ đ), vì cổ tức chỉ tính trên số tiền mua qui theo mệnh giá gốc là 10.000 đ/cp, tức là cổ tức chỉ trả cho 450 tỷ đ, còn phần chênh 2.462 tỷ đ, tổ chức công đoàn và người lao động tự “xoay xở”. Quả là một con số mà chính các nhà đầu tư cổ phiếu chuyên nghiệp cũng phải giật mình, chứ đừng nói là tổ chức công đoàn chỉ chuyên lo quyền lợi và cũng không phải là tổ chức kinh doanh hay buôn bán gì. Từ ví dụ trên, nếu các NHTMNN còn lại dự kiến cổ phần hóa trong năm 2008 hay năm 2009 với giá đưa ra “đấu” dự kiến vào khoảng 100.000 đ/cp (như VCB) hay thậm chí bằng một nửa của VCB là 50.000 đ/cp và giả sử giá trúng thầu xoay quanh 50.000 đ/cp (hay thấp hơn) thì tổ chức công đoàn của các NHTMNN còn lại cũng phải chuẩn bị một khoản tiền khổng lồ ước vào khoảng 1.450 tỉ đ để mua số cổ phần ưu đãi với giá bằng 60% giá đấu thành công bình quân. Rõ ràng, đây là điều hoàn toàn không tưởng đối với các tổ chức công đoàn!
– Bên cạnh phải mua giá cao, tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa không được phép chuyển nhượng số cổ phần đã mua với giá “ưu đãi”. Đây là một nghịch lý khi mà cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa như VCB… được tự do chuyển nhượng trên TTCK, song số cổ phần mà tổ chức công đoàn nắm giữ thì lại không được chuyển nhượng. Quả là một vấn đề lớn cần phải bàn bạc, bàn ở chỗ : khi tổ chức công đoàn phải mua với giá cao, thì tổ chức công đoàn cũng phải tính chuyện bán, tức là lựa chọn giá cổ phiếu vào thời điểm cao nhất (tối thiểu trên mức giá đấu thành công bình quân) để bán bớt một phần nhằm bù đắp vào phần chênh lệch giá cao mà tổ chức công đoàn đã mua, nhưng không được trả cổ tức, như phân tích trên. Có như vậy, quyền lợi của người lao động và tổ chức công đoàn mới được “bảo trọng”. Nếu không, nó sẽ là nỗi lo không những của tổ chức công đoàn mà của cả người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước sắp cổ phần hóa.
– Nếu gộp cả hai lần mua: người lao động mua với giá bằng 60% giá đấu thành công bình quân và tổ chức công đoàn cũng phải mua với giá bằng 60% giá đấu thành công bình quân thì vô hình dung, người lao động mua 2 lần với giá cao: lần thứ nhất của chính mình khi tham gia mua cổ phần theo chế độ 1 năm tương ứng 100 cổ phần với giá “ưu đãi” bằng 60% giá đấu thành công bình quân và lần thứ hai là khi tham gia đóng góp vốn cho tổ chức công đoàn để tổ chức công đoàn tiến hành mua cổ phần cũng với giá “ưu đãi” bằng 60% giá đấu thành công bình quân. Liên quan đến lần mua thứ hai: theo qui định, tổ chức công đoàn “không được vay”, “không được huy động”… vậy tổ chức công đoàn lấy đâu ra tiền để mua? Rõ ràng, chỉ còn con đường duy nhất là huy động theo phương thức “đóng góp tự nguyện” của người lao động một cách hợp pháp để tổ chức công đoàn có vốn đứng ra thay mặt người lao động mua lại số cổ phần theo qui định. Nếu vậy, thì người lao động phải mua hai lần với giá cao, nói đúng hơn là theo giá thị trường. Vì nếu dựa vào mức rơi tự do của TTCK như hiện nay ở mức 385 điểm (vào ngày 6/6/2008), và mức giá cổ phần của VCB được rao bán trên thị trường tự do là 32.000 đ/cp, thấp hơn ½ mức giá ưu đãi mà CBCNV VCB đã bỏ tiền ra mua vào tháng 12/2007 là 64.716 đ/cp. Từ con số “không biết lý giải” này, người lao động và tổ chức công đoàn tìm đâu ra hai chữ “ưu đãi”? Quả là một cái giá “quá cao” mà theo chúng tôi không phải là “ưu đãi” mà là “ưu tiên” cho người lao động và tổ chức công đoàn được quyền mua trước một số nhà đầu tư khác mà thôi. Hay chúng ta có thể đặt câu hỏi “giá ưu đãi” hay là “ngược đãi”?
4.Một số kiến nghị về giá bán cổ phần cho CBCNV và tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa
Trước sự biến động khó lường của TTCK gần đây, đặc biệt là sự sụt giảm gần như không phanh về giá của tất cả các loại cổ phiếu, cả trên sàn chính thức lẫn trên sàn OTC, thậm chí giá hàng loạt cổ phiếu đã về đúng bằng mệnh giá gốc (thậm chí còn dưới mức mệnh giá gốc), chúng tôi cho rằng: thứ nhất, với vai trò bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cần phối hợp với các tổ chức công đoàn của các NHTMNN chủ động trao đổi với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam để kiến nghị với Bộ Tài chính và Chính phủ xác định lại mức giá ưu đãi bán cho người lao động và tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa nói chung, các NHTMNN nói riêng, sao cho mức giá thực sự là giá ưu đãi, mà theo chúng tôi, tối đa là cao gấp 1,5 lần so với mệnh giá gốc. Không nên lấy giá đấu thành công bình quân làm tham khảo giá bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn như hiện nay. Vì từ thực tế sụt giảm mạnh về giá của các loại cổ phiếu trên TTCK như hiện nay, chúng ta có thể khẳng định mức giá “ưu đãi” bán cho CBCNV thực sự chỉ bằng 1 mới gọi là ưu đãi. Hơn nữa, bằng 1 (tức 10.000 đ/cp) với điều kiện cổ phần của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa có thể giao dịch được trên thị trường chứng khoán, còn nếu không giao dịch được thì chưa hẳn đã là ưu đãi, mà đôi khi còn là gánh nặng cho người lao động và tổ chức công đoàn mua vào loại cổ phiếu đó. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước nên tiếp tục nghiên cứu đưa ra một mức giá bán cho người lao động và tổ chức công đoàn phù hợp với từng thời điểm, không nên cố định “bằng 60% giá đấu thành công bình quân”. Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp đem ra bán đấu giá cổ phần, nhưng không có người mua (thực tế này đã xảy ra ở một vài doanh nghiệp nhà nước) thì lấy đâu ra giá đấu thành công bình quân để tham chiếu bán cho người lao động và tổ chức công đoàn. Thứ hai, cho phép tổ chức công đoàn, sau khi mua số cổ phần bằng 3% vốn điều lệ, có quyền bán bớt một phần khi giá cổ phiếu lên cao để bù đắp phần chênh lệch phải mua với giá cao như phân tích trên.
Người lao động và tổ chức công đoàn thực sự cần ưu đãi, chứ không yêu cầu “ưu tiên” được mua cổ phần với giá ưu đãi vượt quá khả năng tài chính của người lao động và công đoàn. Chúng tôi hy vọng một số kiến nghị về giá cổ phần bán cho CBCNV và tổ chức công đoàn sẽ được các cấp có thẩm quyền giải quyết trước khi các NHTMNN còn lại cổ phần hóa.
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 13/2008
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Cổ phần hóa |
Leave a Reply