admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THỰC HIỆN THÔNG QUA NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO ỦY QUYỀN: TRẮNG TAY?

THỤY CHẤU

Năm 2001, ông C. đã đặt cọc cho ông T. 50 lượng vàng để mua một căn nhà nằm trên đường Ba Tháng Hai, quận 10. Hai bên thỏa thuận: Nếu bên mua đổi ý thì mất cọc, nếu bên bán đổi ý thì phải bồi thường gấp đôi số vàng đặt cọc.

Đặt cọc với người thụ ủy

Tuy nhiên, ông T. không phải là chủ sở hữu căn nhà. Căn nhà đó của người khác và ông T. là người được ủy quyền để thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu. Hợp đồng ủy quyền có chứng nhận của Phòng Công chứng nhà nước số 2 TP.HCM nêu rõ: Ông T. được thay mặt chủ sở hữu để “quản lý, sử dụng, cho thuê, thế chấp và được làm thủ tục để bán, chuyển nhượng, được quyền định đoạt giá bán, cho thuê đối với căn nhà”. Thời hạn ủy quyền kéo dài trong 10 năm, tính đến ngày 28-12-2008 sẽ không còn hiệu lực.

Sau khi xem kỹ nội dung ủy quyền này, ông C. yên tâm đặt cọc cho ông T. Nhưng rồi việc mua bán không thành nên ông C. đã khởi kiện ông T. ra tòa để đòi tiền cọc. Phía ông T. không chịu trả cọc viện lẽ ông C. có lỗi làm cho việc mua bán không diễn ra như ý muốn của hai bên.

Tháng 9-2003, TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ án và cho rằng ông T. không chứng minh được lỗi của ông C. Hơn nữa, các bên đã đồng ý chấm dứt hợp đồng. Tranh chấp hiện thời là tiền đặt cọc nên không cần thiết phải đưa chủ sở hữu của căn nhà vào tham gia tố tụng.

Cấp sơ thẩm tuyên buộc ông T. trả lại cho ông C. 50 lượng vàng SJC. Đồng thời, ông T. bị cấm bán, cho thuê, cầm cố, chuyển nhượng, đổi chác, thế chấp… căn nhà đến hết ngày 28-12-2008 như ghi nhận trong hợp đồng ủy quyền. Phúc thẩm vụ án hồi tháng 4-2004, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm trên.

Không thi hành án được

Thi hành án dân sự quận 10 được giao thi hành bản án phúc thẩm. Nhưng đến nay, ông C. vẫn chưa nhận được 50 lượng vàng SJC như tòa đã tuyên. Ông C. đã nộp đơn yêu cầu cơ quan chức năng kê biên căn nhà và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông T. về tội không chấp hành án.

Tháng 9-2005, liên ngành nội chính quận 10 xác định không có cơ sở kê biên nhà cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông T. Liên ngành đã chỉ đạo Thi hành án dân sự quận 10 gửi công văn đề nghị các cơ quan chức năng giám đốc thẩm bản án, đồng thời hướng dẫn ông C. khiếu nại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm để có thể ràng buộc được trách nhiệm của chủ sở hữu nhà. Ông C. không hiểu vì sao mình thắng kiện mà lại được hướng dẫn làm thủ tục này… Để rồi đến thời điểm này, thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án trên đã không còn.

Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hữu Hòa, Trưởng Thi hành án dân sự quận 10, cho biết cơ quan này đã nỗ lực triển khai việc thi hành án nhưng chưa được. Bởi lẽ ông T. không có tài sản, thu nhập, không có điều kiện để thi hành án.

Căn cứ vào hợp đồng ủy quyền, có thể thấy giao dịch mua bán giữa ông C. và ông T. hoàn toàn hợp pháp về thẩm quyền ký kết. Bởi lẽ ông T. đã được chủ sở hữu ủy quyền làm thủ tục để bán, chuyển nhượng, định đoạt giá bán. Thậm chí chủ sở hữu còn bằng lòng cho ngân hàng phát mại căn nhà để trừ nợ nếu ông T. thế chấp căn nhà mà không trả được nợ.

Để bản án phúc thẩm được thi hành, nên chăng cơ quan thi hành án cần trích thu nhập có được từ việc kinh doanh (cho thuê) căn nhà trên để thi hành án cho ông C. Vì chủ sở hữu từng cam kết trong hợp đồng ủy quyền sẽ “chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về mọi cam kết do bên B (tức ông T.) nhân danh bên A (tức chủ sở hữu) thực hiện trong phạm vi ủy quyền”.

Luật sư Nguyễn Đình Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM:

Người chủ sở hữu nhà phải là bị đơn

Theo các điều 581, 586 Bộ luật Dân sự, bên được ủy quyền chỉ là người có nhiệm vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền; bên ủy quyền phải chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền. Như vậy, trong những trường hợp tương tự như trên, người đặt cọc mua nhà phải khởi kiện người ủy quyền (tức người chủ sở hữu) chứ không phải kiện người được ủy quyền. Bấy giờ, khi người ủy quyền là bị đơn thì người được ủy quyền là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo nguyên tắc hiện hành của Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa án chỉ giải quyết vụ án theo yêu cầu của đương sự. Cho nên, nếu thấy đương sự xác định sai đối tượng bị kiện, các tòa án chỉ có thể giải thích, hướng dẫn đương sự làm lại cho đúng chứ các tòa không phải chịu trách nhiệm về quyết định của đương sự. Không ai khác, chính các đương sự phải cố gắng tìm hiểu để có thể tự bảo vệ quyền lợi của chính mình. TP ghi

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=222668

(Tên bài viết thay đổi do Civillawinfor)

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading