admin@phapluatdansu.edu.vn

TỜ TRÌNH CHÍNH PHỦ NGHỊ ĐỊNH QUI ĐỊNH VỀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI

Thực hiện Chỉ thị số 10/2007/CT-TTg ngày 03 tháng 5 năm 2007 về việc triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4825/VPCP ngày 28/8/2007 về việc chuyển giao nhiệm vụ xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới từ Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (cũ) sang Bộ Tư pháp, sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

Luật Bình đẳng giới được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI kỳ họp thứ X thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, Tại các Điều 14 (Khoản 4), Điều 17 (Khoản 3), Điều 19, Điều 21 (Khoản 4), Điều 44 Luật Bình đẳng giới giao Chính phủ có trách nhiệm quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều, khoản liên quan đến các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới Chỉ thị số 10/2007/CT-TTg ngày 03/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới cũng đã xác định Nghị định quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới là một trong ba nghị định mà Chính phủ cần ban hành để hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Bình đẳng giới.

Để Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống, về mặt thể chế, Chính phủ cần phải quy định và làm rõ nội dung, cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; về tổ chức thực hiện, Chính phủ phải có giải pháp tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, gia đình và mọi cá nhân về bình đẳng giới; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bao gồm cả việc ban hành hoặc đề xuất ban hành các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, dự liệu để đảm bảo các điều kiện về nguồn lực (con người, cơ sở vật chất, kinh phí bảo đảm…) cũng như thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đã được quy định tại Luật Bình đẳng giới.

Vì những lý do trên đây, việc ban hành Nghị định quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới là thật sự cần thiết.

II. QUÁ TRÌNH SOẠN THẢO

Ngay sau khi Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua, Uỷ ban Dân số, gia đình và trẻ em (cũ) đã được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Dự thảo các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới. Tuy nhiên, do Chính phủ thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức nên ngày 16/10/2007, Uỷ ban Dân số, gia đình và trẻ em đã bàn giao hồ sơ của các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới cho Bộ Tư pháp. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, Uỷ Ban Dân số, gia đình và trẻ em chưa có điều kiện nghiên cứu, chưa xác định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.

Vì vậy, ngay sau khi nhận bàn giao, ngày 31/10/2007, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1667/QĐ-BTP về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới (trong đó có Nghị định quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới), với các thành viên là đại diện một số đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp, Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Ban soạn thảo đã tích cực tiến hành việc xây dựng dự thảo Nghị định trên cơ sở các quy định của Luật Bình đẳng giới, đồng thời rà soát các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề giới và bình đẳng giới, các khuyến nghị và báo cáo đánh giá vấn đề giới và bình đẳng giới ở Việt Nam của Uỷ ban CEDAW của Liên hợp quốc.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định, Ban soạn thảo đã tham vấn ý kiến của nhiều chuyên gia về giới và chuyên gia pháp luật trong nước và quốc tế thông qua hình thức tổ chức các buổi Toạ đàm, Hội thảo (có sự phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Tổ chức UNDP. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tham vấn của chuyên gia, của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, Ban soạn thảo đã chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và Văn phòng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo việc tiếp tục tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan, tổ chức có liên quan.

III. BỐ CỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH

Nghị định gồm 6 chương, 22 điều, được cơ cấu như sau:

Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 2).

Chương II. Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới (từ Điều 3 đến Điều 6).

Chương III. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (từ Điều 7 đến Điều 12).

Chương IV. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nữ và phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ dân tộc thiểu số (từ Điều 13 đến Điều 17).

Chương V. Nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới (từ Điều 18 đến Điều 19).

Chương VI. Điều khoản thi hành (từ Điều 21 đến Điều 22).

IV. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NGHỊ ĐỊNH

1. Phạm vi điều chỉnh

Để bảo đảm tổ chức thực thi Luật Bình đẳng giới trên thực tế, Dự thảo Nghị định tập trung vào qui định chi tiết hai nhóm vấn đề cơ bản:

1/ Các điều khoản liên quan đến các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới thuộc thẩm quyền trách nhiệm của Chính phủ (Qui định tại Điều 19, Điều 21, Điều 23 và Điều 24 Chương III) và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục – đào tạo (qui định tại khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 13, khoản 5 Điều 14 Chương III);

2/ Chính sách của Nhà nước bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ, phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa và phụ nữ dân tộc thiểu số, hỗ trợ bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh ế – xã hội đặc biệt khó khăn (qui định tại Điều 7, Khoản 4 Điều 14, Khoản 3 Điều 17).

2. Biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới

Căn cứ vào Điều 23 Luật Bình đẳng giới, Dự thảo Nghị định cụ thể hoá biện pháp thông tin, giáo dục truyền thông về bình đẳng giới với tư cách là một trong các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới. Biện pháp này được quy định cụ thể tại Chương II của Dự thảo Nghị định (từ Điều 3 đến Điều 6) bao gồm các vấn đề: yêu cầu, nội dung, hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới.

Việc cụ thể hoá biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới này nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như định hướng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân vận dụng cho phù hợp trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình cũng như toàn xã hội về giới và bình đẳng giới.

3 Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Tại khoản 4 Điều 21 Luật Bình đẳng giới, Quốc hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật- một biện pháp quan trọng bảo đảm bình đẳng giới. Căn cứ vào nội dung các khoản 1, 2, 3 Điều 21 của Luật, Chương III của dự thảo Nghị định (từ Điều 7 đến Điều 12) tập trung giải quyết các vấn đề như: Phạm vi và yêu cầu; nội dung lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của cơ quan thẩm định đối với việc đánh giá lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới trong việc phối hợp soạn thảo, đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Mục tiêu của việc quy định các nội dung trong chương này là tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ và hướng dẫn cụ thể về nội dung, cách thức thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình đề xuất xây dựng văn bản, soạn thảo và thẩm định (đánh giá) dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giới. Áp dụng các quy định này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình đều có thể trả lời rõ các câu hỏi: ai làm, làm gì, làm như thế nào để lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm phù hợp về nội dung với quy định của Luật Bình đẳng giới và phù hợp về trình tự, thủ tục với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

4. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, chính sách hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con nhỏ dưới 36 tháng và phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ dân tộc thiểu số

Để cụ thể hoá các quy định của Luật Bình đẳng giới về các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới cũng như chính sách hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức và phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ dân tộc thiểu số, dự thảo Nghị định (từ Điều 13 đến Điều 17) quy định cụ thể về các vấn đề có liên quan như nội dung của các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; cụ thể hoá trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục – đào tạo và chính sách hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi; hỗ trợ phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.

5. Nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới

Để bảo đảm thực hiện có hiệu quả chính sách bình đẳng giới và Luật Bình đẳng giới, Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về các vấn đề liên quan đến nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới, dự kiến có Quỹ thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới (từ Điều 18 đến Điều 20 Dự thảo Nghị định).

Nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới bao gồm: nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp; nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác. Ngân sách nhà nước ở cấp nào bảo đảm chi cho hoạt động bình đẳng giới của cơ quan, tổ chức ở cấp đó theo dự toán chi ngân sách của các cơ quan, tổ chức hàng năm. Ngân sách nhà nước ở Trung ương cấp bù bổ sung theo thực chi của địa phương để hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới đối với vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để tạo cơ chế pháp lý huy động sự đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho các hoạt động có liên quan đến giới và bình đẳng giới, Dự thảo Nghị định dự kiến xây dựng Quỹ thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hình thành và phát triển quỹ thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới theo quy định của pháp luật về quỹ (Điều 20).

IV. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU

1. Về phạm vi điều chỉnh

Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng Dự thảo Nghị định cần hướng dẫn cụ thể về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới được quy định tại Luật Bình đẳng giới và các quy định mà Quốc hội đã giao Chính phủ quy định chi tiết bao gồm : (1) Biện pháp thông tin, giáo dục truyền thông về bình đẳng giới; (2) Biện pháp lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; (3) Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới ; (4) Chính sách hỗ trợ với nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi; phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng Dự thảo Nghị định quá ôm đồm, chỉ nên tập trung hướng dẫn các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới vì đây mới là trọng tâm của dự thảo Nghị định còn các vấn đề khác nên để các văn bản khác điều chỉnh (VD : Vấn đề lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nên để Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan có liên quan đã được điều chỉnh tại Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới (Nghị định số 70/2008/NĐ – CP ngày 04/6/2008) .

Bộ Tư pháp tán thành loại ý kiến thứ nhất vì cho rằng, đây là các vấn đề mà Luật quy định Chính phủ phải hướng dẫn cụ thể chi tiết. Bên cạnh đó, nếu đây là Nghị định quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới thì phạm vi điều chỉnh của Nghị định phải đề cập đến tất cả các biện pháp đã được quy định trong Luật tại Chương III- Các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, chứ không chỉ tập trung vào việc quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Dự thảo Nghị định cũng không thể không đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc ban hành và tổ chức thực thi các biện pháp vì đây là cơ chế bảo đảm cho việc tổ chức triển khai và thực hiện các biện pháp này một cách có hiệu quả trong cuộc sống.

2. Về các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng dự thảo Nghị định nên tiếp cận theo hướng: cụ thể hoá các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong từng lĩnh vực cụ thể, ví dụ như: lĩnh vực chính trị, lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực lao động…. và trong từng lĩnh vực nhất định nên quy định rõ các tỷ lệ giới (ví dụ: tỷ lệ nam nữ trong tuyển dụng lao động, trong ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là bao nhiêu…)

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng dự thảo không nên và cũng không thể quy định một cách chi tiết nội dung các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong từng lĩnh vực cụ thể mà chỉ tập trung vào hai vấn đề: (1)Giải thích nội dung các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được quy định tại Điều 19 Luật Bình đẳng giới; (2) Quy định trách nhiệm các cơ quan, tổ chức trong việc kiến nghị, đề xuất ban hành, tổ chức thực hiện và đề xuất chấm dứt thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong từng lĩnh vực cụ thể đã đựơc quy định tại khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 13, khoản 5 Điều 14 của Luật Bình đẳng giới. Cơ quan quản lý Nhà nước tuỳ thuộc vào chức năng nhiệm vụ được phân công, phân cấp sẽ hướng dẫn chi tiết nội dung các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực cụ thể do Bộ, ngành quản lý.

Bộ Tư pháp tán thành ý kiến thứ hai, bởi hai lý do :

Thứ nhất: Luật Bình đẳng giới mang tính chất của một luật khung, Điều 19 của Luật mới chỉ nêu tên của các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới nên Nghị định này cần phải làm rõ nội hàm của mỗi biện pháp và cụ thể hóa trách nhiệm cũng như cách thức để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện việc kiến nghị, đề xuất ban hành, tổ chức thực hiện hay đề xuất chấm dứt thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

Thứ hai, mặt khác, Nghị định lại không thể quy định quá chi tiết nội dung của các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới vì hai lẽ: (1) Thẩm quyền ban hành các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không phải chỉ thuộc Chính phủ mà nhiều biện pháp phải được ban hành bằng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (ví dụ: quy định tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân ….); (2) Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới mang tính chất đặc biệt và tạm thời và chỉ được ban hành để thực hiện trong những điều kiện, thời hạn nhất định đối với những nhóm đối tượng cụ thể tại những địa bàn cụ thể để giải quyết những bất bình đẳng (chênh lệch lớn) giữa nam và nữ. Do đó, nội dung cụ thể của mỗi biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới (ví dụ: tỉ lệ nam, nữ là bao nhiêu, đối với ngành, nghề nào…) chỉ có thể được đề xuất và quyết định trong những bối cảnh cụ thể, không thể quy định cứng ngay trong Nghị định này.

3. Về phạm vi loại văn bản quy phạm pháp luật cần phải lồng ghép vấn đề bình đẳng giới

Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng “xác định vấn đề giới” tại khoản 1 Điều 21 có nghĩa là chỉ nên lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đối với các văn bản quy phạm pháp luật được xác định có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới.

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng: Không nên chỉ khai thác vấn đề giới theo hướng tiêu cực “là vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới” mà nên hiểu rộng hơn, nghĩa là “vấn đề giới” bao gồm tất cả các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới.

Bộ Tư pháp tán thành quan điểm thứ hai vì cho rằng cách hiểu đó là phù hợp với tinh thần của Luật Bình đẳng giới và cũng phù hợp với quy định liên quan tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới được Quốc hội thông qua ngày 2/6/2008. Khoản 1 Điều 47 của Luật này quy định: “Uỷ ban các vấn đề xã hội có trách nhiệm tham gia thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đối với các dự án, dự thảo…khi dự án, dự thảo đó có nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.”

Như vậy, phạm vi văn bản cần lồng ghép vấn đề bình đẳng giới gồm các văn bản có nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, tuy nhiên cần nhấn mạnh đến các văn bản đã được xác định ngay từ đầu là có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới trong phạm vi điều chỉnh của văn bản. Do đó, Khoản 2 Điều 7 Dự thảo Nghị định quy định:

“Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới áp dụng đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới trong phạm vi điều chỉnh của văn bản”.

4. Về Quỹ thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới

Vấn đề này có hai loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng để tạo cơ chế huy động nguồn hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo chủ trương xã hội hoá, cần thiết phải quy định về Quỹ thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới trong Dự thảo Nghị định này. Hơn nữa, vấn đề này cũng đã được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Bình đẳng giới nhưng Quốc hội thấy rằng vấn đề này nên để Chính phủ quy định chi tiết.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định về Quỹ thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới vì Luật Bình đẳng giới không quy định về vấn đề này. Hơn nữa, hiện nay, pháp luật về Quỹ đã quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập và hoạt động của Quỹ, vì vậy, không nhất thiết phải quy định trong Dự thảo Nghị định về vấn đề này.

Ban Soạn thảo tán thành loại ý kiến thứ nhất và thể hiện trong Dự thảo Nghị định.

Trên đây là Tờ trình về Dự thảo Nghị định quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, Bộ Tư pháp kính trình Chính phủ xem xét, quyết định./.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: