admin@phapluatdansu.edu.vn

ĐỂ SỬ DỤNG BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TIỀN VAY ĐÚNG QUI ĐỊNH, BẢO ĐẢM AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ

VÕ MƯỜI – Ngân hàng Nhà nước Quảng Ngãi

Ngày 29/12/1999, Chính phủ có Nghị định số 178/1999/ NĐ-CP về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng (gọi tắt là Nghị định 178), trong đó Nghị định quy định tổ chức tín dụng được quyền lựa chọn, quyết định việc cho vay có bảo đảm bằng tài sản, cho vay không có bảo đảm và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Quy định này đã mang lại lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây việc tuân thủ các điều kiện quy định về các biện pháp bảo đảm tiền vay của một số tổ chức tín dụng (TCTD) chưa được đầy đủ đã làm phát sinh nhiều khoản nợ không còn khả năng thu hồi, nguy cơ dẫn đến rủi ro đối với các ngân hàng cho vay (NHCV) là rất lớn.
Thực trạng áp dụng và nguyên nhân tồn tại
Quy định trên đã giúp NHCV chủ động hơn trong việc lựa chọn biện pháp bảo đảm tiền vay. Nhìn chung, việc được quyền tự lựa chọn, quyết định cho vay có bảo đảm bằng tài sản, cho vay không có bảo đảm đối với các NHCV trong thời gian qua không những đảm bảo tương thích với từng loại khách hàng vay, quy mô tín dụng không ngừng tăng trưởng mà còn đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả. Thực tế cho thấy, nhờ tính chủ động trong lựa chọn đã tạo điều kiện thuận lợi để NHCV có cơ hội quyết định đúng đắn biện pháp bảo đảm tiền vay, từ đó giúp nhiều doanh nghiệp nhà nước, các tổng công ty, doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn vay vốn không có tài sản bảo đảm đã tiết giảm được nhiều chi phí; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho các dự án/phương án khả thi và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, hoặc các doanh nghiệp có tài sản bảo đảm nhưng giá trị đảm bảo thấp đã không phải bỏ lỡ các cơ hội làm ăn, phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xem xét, quyết định biện pháp bảo đảm tiền vay có nơi, có lúc do NHCV chủ quan, thiếu sâu sát trong phân tích; đánh giá không đầy đủ, chính xác các điều kiện của biện pháp bảo đảm tiền vay, các yếu tố về khách hàng vay như: mức độ tín nhiệm, khả năng tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh, tính khả thi của dự án/ phương án và khả năng tổ chức thực hiện, quy mô hoạt động, tính chất sở hữu nên không những góp phần làm phiền hà đến khách hàng vay mà còn tăng nguy cơ rủi ro đối với NHCV. Có 3 nguyên nhân chính sau đây:
1. NHCV chấp hành không đầy đủ các điều kiện về biện pháp bảo đảm tiền vay của Nhà nước, của Ngân hàng Nhà nước và của Hội sở chính TCTD.
Đã xảy ra không ít trường hợp khách hàng vỡ nợ cùng lúc với nhiều ngân hàng trên địa bàn. Một mặt do NHCV thực hiện không nghiêm túc các điều kiện quy định về biện pháp bảo đảm tiền vay, nhất là trong trường hợp cho vay không có tài sản bảo đảm. Sự hời hợt, chủ quan trong phân tích, đánh giá về mức độ đáp ứng các điều kiện đối với khách hàng quan hệ vay vốn lần đầu làm nảy sinh tình trạng “phải theo”. Loại khách hàng này NHCV đã lỡ đầu tư, nếu dừng cho vay thì không thể thu hồi được nợ cũ. Mặt khác, không ít NHCV quyết định biện pháp bảo đảm tiền vay chỉ chú trọng vào uy tín của khách hàng, còn những tính toán về mức độ đáp ứng các điều kiện cho vay khác thì chỉ làm cho đủ. Họ cho rằng, uy tín là tài sản vô giá của mọi khách hàng, điều này cũng không sai nhưng chưa đầy đủ vì có ai dám chắc uy tín là bất nhất, nó sẽ không bị suy giảm, đó là chưa kể đến trường hợp mất hết giá trị nếu vớ phải loại uy tín hão. Thực tế cho thấy có trường hợp khách hàng quan hệ với một ngân hàng lâu năm, thực hiện trả nợ đúng cam kết nhưng đâu ngờ việc trả nợ sòng phẳng đó không phải từ lợi nhuận mà từ khoản vay của TCTD khác. Hoặc NHCV nhận tài sản bảo đảm tiền vay trong trường hợp giá trị của tài sản nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm, nhưng khách hàng vay chưa đáp ứng các điều kiện vay không có bảo đảm bằng tài sản. Bảo đảm bằng tài sản loại này, nhiều NHCV tỏ ra thiếu nhất quán, lúng túng trong việc quyết định của mình, thể hiện một cách mơ hồ bằng cách ghi chép theo kiểu hàng hai trong tờ trình thẩm định và trên hợp đồng tín dụng (HĐTD) đại loại như “có tài sản bảo đảm + không có tài sản bảo đảm” hay “thế chấp tài sản của khách hàng vay, tài sản của bên thứ ba và tín chấp”. Việc NHCV sử dụng đồng thời biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản và biện pháp bảo đảm tiền vay trong trường hợp cho vay không có bảo đảm bằng tài sản trong một HĐTD là để che dấu hành vi cho vay vượt giá trị tài sản bảo đảm (nếu ghi cho vay có tài sản bảo đảm) và cho vay không đáp ứng đủ các điều kiện về biện pháp bảo đảm tiền vay không có bảo đảm bằng tài sản (nếu ghi bảo đảm bằng tài sản như là một biện pháp bổ sung đối với khoản vay). Thậm chí có trường hợp khách hàng vay không còn tài sản, hoặc còn nhưng giá trị tài sản bảo đảm không đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ cho khoản vay mới, NHCV đã thực hiện định giá lại tài sản với giá trị cao hơn nhiều so với giá thực tế tại thời điểm định giá lại.
2. Do chủ quan trong phân tích, đánh giá các điều kiện về biện pháp bảo đảm tiền vay
Cơ sở đánh giá các điều kiện về biện pháp bảo đảm tiền vay nói chung, biện pháp bảo đảm tiền vay trong trường hợp cho vay không có tài sản nói riêng không ít NHCV chỉ dựa vào nguồn số liệu khách hàng cung cấp, chưa có sự kiểm chứng giữa các sổ sách kế toán và thực tế kiểm kê. Nhiều cán bộ tín dụng phân tích, đánh giá chưa đi vào chiều sâu cho nên kết quả thẩm định thường đi ngược lại với thực tế hoạt động của khách hàng vay. Nhiều trường hợp khách hàng vay có các chỉ tiêu tài chính rất khả quan: doanh số hoạt động tăng qua mỗi năm, doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, nhưng khách hàng vẫn không trả được nợ vay. Bởi vì nguồn số liệu mà CBTD sử dụng tính toán có chất lượng kém, không chính xác, hoặc nguồn số liệu đã quá xa so với thời điểm vay vốn nên hiệu quả thẩm định thấp, thậm chí mất tác dụng. Qua xem xét loại khách hàng này nhận thấy hầu hết họ đã rơi vào trạng thái suy giảm về mặt tài chính, kinh doanh kém hiệu quả, nếu không tiếp tục được vay thì không thể trả được nợ cũ nên kiếm cớ trì hoãn gửi báo cáo tài chính hoặc tìm cách “đánh bóng” lại số liệu, đôi khi được sự đồng ý của NHCV.
3. Tình trạng đặt nặng yếu tố tài sản để xem xét quyết định cho vay
Ai cũng biết tài sản bảo đảm chỉ là nguồn thu thứ hai, nhưng nó rất quan trọng nếu chẳng may khách hàng gặp rủi ro trong làm ăn, không còn khả năng thanh toán nợ, hơn nữa tình trạng thiếu trung thực của khách hàng trong việc cung cấp thông tin, tài liệu đang là phổ biến. Vì vậy để giảm bớt rủi ro, thời gian qua các NHCV phần lớn sử dụng biện pháp cho vay có tài sản bảo đảm, đặc biệt đối với những khách hàng chưa đủ niềm tin trong quan hệ tín dụng, khách hàng mới quan hệ lần đầu, một số khách hàng thuộc loại hình Công ty TNHH, DNTN. Tuy nhiên, tình trạng thiên về tài sản bảo đảm, coi đây là yếu tố quan trọng để xem xét quyết định cho vay đôi khi quá khắt khe, không những gây ra phiền phức cho khách hàng, mà còn đánh mất cơ hội đầu tư, nhất là đối với khách hàng có quy mô hoạt động lớn đang cần vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, khách hàng thuộc sở hữu nhà nước có lịch sử tài chính trung bình đủ điều kiện vay không có bảo đảm bằng tài sản, hoặc khách hàng có tài sản nhưng do giá trị tài sản bảo đảm thấp so với nhu cầu vốn thực hiện dự án đầu tư.
Giải pháp khắc phục
Để thực hiện đúng quy định về biện pháp bảo đảm tiền vay, đảm bảo an toàn và hiệu quả, cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:
Một là, ngoài khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của khách hàng nói chung, khi quyết định chọn lựa biện pháp bảo đảm tiền vay trong các trường hợp cho vay có bảo đảm bằng tài sản (bằng tài sản của khách hàng vay, bằng tài sản hình thành từ vốn vay, bằng tài sản của bên thứ ba), cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng vay, NHCV cần phải tuân thủ các điều kiện quy định của Nhà nước, của Ngân hàng Nhà nước và của Hội sở chính TCTD về biện pháp bảo đảm tiền vay tương ứng. Tuy nhiên để thực hiện tốt yêu cầu trên, NHCV cần phải có biện pháp tích cực nhằm hạn chế tính chủ quan trong quyết định chọn lựa, đặc biệt kiên quyết xử lý bồi thường đối với những hành vi thông đồng với khách hàng để sửa chữa, hợp thức hoá các chỉ tiêu tài chính trên bảng cân đối kế toán và các tài liệu liên quan để đủ các điều kiện theo quy định, nhất là trong cho vay không có tài sản bảo đảm, hoặc hành vi nâng giá trị tài sản bảo đảm cao hơn nhiều so với giá thị trường tại thời điểm giá/định giá lại nhằm đáp ứng nghĩa vụ được bảo đảm vì vụ lợi cá nhân dẫn đến nợ không có khả năng thu hồi.
Hai là, để có được một biện pháp bảo đảm tiền vay không những phù hợp với từng loại hình khách hàng cụ thể, mà còn đảm bảo an toàn, hiệu quả, trước hết NHCV cần phải có sự tính toán đầy đủ, đồng bộ và cân nhắc chính xác các yếu tố như tình hình sản xuất kinh doanh, khả năng tài chính, hiệu quả dự án/phương án, tài sản bảo đảm, mối quan hệ tín dụng trên cơ sở có sự phối hợp kiểm tra, đối chiếu thực tế, sau đó phân ra từng loại khách hàng để có chính sách ưu tiên hợp lý. Cụ thể, NHCV có thể ưu tiên áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay trong trường hợp cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có quy mô rộng lớn, ngành nghề kinh doanh quan trọng, doanh nghiệp truyền thống và đã được kiểm toán báo cáo tài chính và quyết toán thuế hàng năm, có dự án/phương án khả thi. Ngược lại, NHCV phải yêu cầu tài sản bảo đảm đối với các doanh nghiệp có thái độ trì hoãn gửi báo cáo tài chính, doanh nghiệp tuy đảm bảo khả năng tự chủ về mặt tài chính, vốn lưu động ròng dương… nhưng chất lượng và khả năng thu hồi hàng tồn kho, các khoản phải thu kém và chiếm tỷ trọng quá lớn so với tài sản lưu động, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp không đầy đủ, thiếu trung thực về thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn.
Ba là, mặc dù cho vay có tài sản bảo đảm các khoản vay vẫn hàm chứa rủi ro không thu đủ nợ do nhiều nguyên nhân khác nhau như tài sản hư hỏng, khó bán, giảm giá trị… Vì vậy, việc quyết định lựa chọn đúng đắn biện pháp bảo đảm tiền vay cho từng khoản vay cụ thể đảm bảo an toàn và hiệu quả, NHCV cần phải đánh giá khách hàng một cách toàn diện và chính xác sau đó chọn lấy yếu tố mạnh nhất để quyết định biện pháp bảo đảm tiền vay. Đặc biệt, không được chủ quan cho vay chỉ căn cứ vào mỗi tài sản bảo đảm, xem nhẹ các yếu tố tài chính, dự án/phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng./

One Response

  1. Saukhi có Nghị định 163 năm 2006 về giao dịch bảo đảm, Nghị định 178 không còn hiệu lực. Trừ các trường hợp sau:
    Các giao dịch bảo đảm được giao kết theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng, Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng hoặc văn bản quy phạm pháp luật khác mà còn thời hạn thực hiện sau ngày Nghị định này có hiệu lực thì vẫn có hiệu lực mà không phải sửa đổi hoặc giao kết lại giao dịch bảo đảm đó.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading