admin@phapluatdansu.edu.vn

NGHỊ QUYẾT 1373 NGÀY 28 THÁNG 9 NĂM 2001 CỦA HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HỢP QUỐC về phong tỏa, tịch thu tài sản của các phần tử khủng bố và tài trợ cho khủng bố

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc,

Khẳng định lại Nghị quyết số 1269 ngày 19/10/1999 và Nghị quyết số 1368 ngày 12/9/2001,

Tái khẳng định tội ác rõ rệt của vụ tấn công khủng bố tại New York, Washington D.C và Pennsylvania vào ngày 11/9/2001 và thể hiện quyết tâm ngăn chặn tất cả các loại hành động như vậy,

Một lần nữa, khẳng định rằng những hành động khủng bố quốc tế kiểu như thế, sẽ đe dọa hoà bình và an ninh quốc tế do các hành động khủng bố gây ra,

Tái khẳng định sự tồn hữu quyền cá nhân hoặc quyền tự vệ chung theo như quy định trong hiến chương của Liên hiệp quốc trong Nghị quyết 1368 (2001),

Một lần nữa, khẳng định sự cần thiết, bằng mọi biện pháp phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc, chống lại sự đe doạ hoà bình và an ninh thế giới,

Lo ngại sâu sắc, ở hầu hết các khu vực trên thế giới về gia tăng các hành động khủng bố được hậu thuẫn bởi sự kích động hoặc chủ nghĩa cực đoan,

Kêu gọi các quốc gia hợp tác khẩn thiết nhằm phòng và trấn áp các hành động khủng bố, thông qua sự tăng cường hợp tác và thực hiện đầy đủ các công ước quốc tế liên quan đến chủ nghĩa khủng bố,

Nhận thức được sự cần thiết của các quốc gia hỗ trợ cho hợp tác quốc tế bằng cách áp dụng các biện pháp tăng cường phòng và chống việc tài trợ chuẩn bị bất kỳ hành động khủng bố nào trong nội địa quốc gia, thông qua các công cụ pháp luật phù hợp,

Tái khẳng định các nguyên tắc thiết lập bởi Đại Hội đồng trong tuyên ngôn tháng 10/1970 (nghị quyết 2625 (XXV) và được lặp lại bởi Hội đồng Bảo an trong Nghị quyết 1189 (1998 ) ngày 13/8/1998 cho rằng tất cả các quốc gia có nghĩa vụ kiềm chế các hoạt động tổ chức, xúi bẩy, hỗ trợ hoặc tham gia vào các hoạt động khủng bố tại các quốc gia khác hoặc đồng thuận với những hoạt động có tính tổ chức trong nội địa quốc gia mình nhằm hướng tới thực hiện các hoạt động đó.

Thực hiện theo Chương VII của Hiến chương Liên hiệp quốc.

1. Quyết định rằng tất cả các quốc gia phải:

(a) Phòng và chống tài trợ cho hoạt động khủng bố;

(b) Hình sự hoá hành vi cố ý cung cấp hoặc thu thập, dưới bất kỳ hình thức nào, trực tiếp hay gián tiếp, những nguồn vốn bởi công dân của họ hoặc trên lãnh thổ của họ với ý định rằng những nguồn vốn đó sẽ được dùng hoặc nhận thức được rằng, chúng cũng được sử dụng để tiến hành các hành động khủng bố;

(c) Niêm phong không chậm trễ các khoản vốn và các tài sản tài chính khác, hoặc các nguồn lực kinh tế của những người cam kết hoặc nỗ lực thực hiện các hành động khủng bố hoặc tham gia hay tạo điều kiện thực hiện các hoạt động khủng bố; của các tổ chức thuộc sở hữu hoặc thuộc quyền kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp của những người đó; của các cá nhân hay tổ chức hành động nhân danh hay dưới sự chỉ đạo của cá nhân, tổ chức đó; bao gồm các khoản tiền có được hoặc phát sinh từ tài sản thuộc sở hữu hay thuộc quyền kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp của những cá nhân, tổ chức hoặc nhóm người đó;

(d) Nghiêm cấm công dân của mình hoặc bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trong lãnh thổ của họ tạo vốn, tài sản tài chính hay nguồn lực kinh tế hoặc các dịch vụ tài chính hay các dịch vụ khác có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp, cho lợi ích của các cá nhân cam kết hay nỗ lực thực hiện tạo điều kiện hoặc tham gia tiến hành các hành động khủng bố, của các tổ chức thuộc sở hữu hoặc kiểm soát, trực tiếp hay gián tiếp của các cá nhân đó và của những cá nhân và tổ chức hoạt động dưới danh nghĩa hoặc dưới sự chỉ đạo của các cá nhân đó.

2. Cũng quyết định rằng các quốc gia phải:

(a) Kiềm chế việc cung cấp bất kỳ hình thức trợ giúp chủ động hoặc bị động nào, cho các tổ chức hoặc cá nhân tham gia vào các hoạt động khủng bố, bao gồm cả việc ngăn chặn tuyển dụng thành viên của các nhóm khủng bố và loại bỏ nguồn cung cấp vũ khí cho những tên khủng bố;

(b) Tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa thực hiện các hành động khủng bố, bao gồm cả biện pháp thông qua việc đưa ra những cảnh báo sớm đối với các quốc gia khác thông qua trao đổi thông tin;

(c) Từ chối cung cấp chỗ ấn náu an toàn cho những kẻ tài trợ, lập kế hoạch, hỗ trợ hoặc thực hiện các hành động khủng bố hoặc cung cấp nơi ẩn náu an toàn;

(d) Ngăn ngừa những kẻ tài trợ, lập kế hoạch, tạo điều kiện hoặc thực hiện các hành động khủng bố khỏi việc sử dụng lãnh thổ quốc gia mình cho những mục tiêu chống lại các quốc gia khác hoặc công dân của họ;

(e) Bảo đảm rằng bất cứ người nào tham gia vào việc tài trợ, lập kế hoạch, chuẩn bị, gây ra các hành động khủng bố hoặc hỗ trợ các hành động khủng bố phải bị đưa ra xét xử và bảo đảm rằng, như vậy bên cạnh bất cứ biện pháp nào chống lại chúng, những hành động khủng bố như vậy phải là tội phạm hình sự nghiêm trọng trong các luật và quy chế của các quốc gia và việc trừng phạt phải phản ánh đúng mức độ nghiêm trọng của những hành động khủng bố đó;

(f) Nỗ lực hỗ trợ liên tục, tối đa trong việc điều tra hoặc truy tố hình sự liên quan đến việc tài trợ hoặc hỗ trợ hoạt động khủng bố, bao gồm sự trợ giúp trong việc thu thập bằng chứng thuộc quyền kiểm soát của họ cần thiết cho quá trình truy tố;

(g) Ngăn ngừa việc di chuyển của những kẻ khủng bố hoặc nhóm khủng bố thông qua việc kiểm soát biên giới hiệu quả và kiểm soát việc cung cấp các giấy tờ nhận dạng, giấy tờ du lịch và thông qua các biện pháp ngăn chặn giả mạo, làm giả, lừa lọc sử dụng giấy tờ nhận dạng và du lịch.

3. Kêu gọi các quốc gia:

(a) Tìm các biện pháp tập trung, thúc đẩy việc trao đổi thông tin hoạt động, đặc biệt liên quan đến các hoạt động, sự di chuyển của các cá nhân hoặc mạng lưới khủng bố, giả mạo hoặc làm giả giấy tờ du lịch, buôn lậu vũ khí, chất nổ hoặc vật liệu dễ cháy nổ; sử dụng công nghệ thông tin của nhóm khủng bố, và mối đe dọa gây ra bởi sở hữu các vũ khí phá huỷ hàng loạt của các nhóm khủng bố;

(b) Trao đổi thông tin phù hợp với luật pháp trong nước và quốc tế; hợp tác hành chính và pháp lý nhằm ngăn chặn tài trợ hoạt động khủng bố;

(c) Hợp tác, cụ thể thông qua các thoả thuận hoặc dàn xếp song phương và đa phương nhằm phòng, chống và trấn áp các đợt tấn công khủng bố và thực hiện các biện pháp chống lại những kẻ đã thực hiện các hành động đó;

(d) Trở thành thành viên càng sớm càng tốt vào các công ước quốc tế liên quan và Nghị định thư liên quan đến khủng bố, bao gồm các Công ước quốc tế về chống tài trợ khủng bố ngày 9/12/1999;

(e) Tăng cường hợp tác và tuân thủ đầy đủ các công ước quốc tế liên quan và Nghị định thư liên quan đến khủng bố và các Nghị quyết 1269 (1999) và 1368 (2001) của Hội đồng bảo an;

(f) Tiến hành các biện pháp phù hợp với các điều khoản liên quan của luật trong nước và quốc tế, bao gồm các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến nhân quyền trước khi xác lập tình trạng của người nhập cư, nhằm bảo đảm rằng những người tị nạn không lên kế hoạch, hỗ trợ hoặc tham gia vào tiến hành hành động khủng bố;

(g) Bảo đảm rằng, phù hợp với luật quốc tế, thân phận người tị nạn không bị lợi dụng bởi những kẻ thực hiện, tổ chức hoặc tạo điều kiện cho các hành động khủng bố và những yêu cầu mang động lực chính trị không được coi như là nguyên nhân cơ bản cho việc từ chối việc dẫn độ hoặc dẫn chứng tội khủng bố.

4. Lưu ý tới mối quan hệ gần gũi giữa chủ nghĩa khủng bố quốc tế và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, buôn lậu ma túy, rửa tiền và buôn bán vũ khí bất hợp pháp, chuyển dịch bất hợp pháp hạt nhân, chất hóa học, sinh học hoặc các vật liệu có khả năng gây ra chết người khác và chính vì vậy nhấn mạnh tới nhu cầu tăng cường nỗ lực hợp tác ở cấp quốc gia, miền, vùng và cấp độ quốc tế nhằm tăng cường sự phản ứng đối với những thách thức không thể coi thường và đe dọa an ninh thế giới.

5. Tuyên bố rằng những hành động, những biện pháp và thực tiễn của chủ nghĩa khủng bố là đối lập với mục đích và nguyên tắc của Liên hợp quốc và việc tài trợ, lập kế hoạch hay xúi giục các hành động khủng bố cũng đi ngược với mục đích và nguyên tắc của Liên hợp quốc.

6. Quyết định thiết lập, theo nguyên tắc 28 của điều khoản luật về quy trình, một Ủy ban của Hội đồng bảo an bao gồm tất cả các thành viên của Hội đồng, nhằm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này, với sự trợ giúp từ các chuyên gia và kêu gọi tất cả các quốc gia báo cáo lên Ủy ban, không chậm hơn 90 ngày kể từ ngày thông qua Nghị quyết này và sau đó theo mốc thời gian do Ủy ban đặt ra, các bước đã tiến hành để tuân thủ Nghị quyết.

7. Giao cho Ủy ban đề ra nhiệm vụ, đệ trình chương trình làm việc trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông qua Nghị quyết này và cân nhắc sự hỗ trợ mà Ủy ban yêu cầu, có tham khảo ý kiến của Tổng thư ký.

8. Thể hiện quyết định tiến hành các bước cần thiết để bảo đảm việc thực hiện đầy đủ Nghị quyết này, phù hợp với những trách nhiệm được nêu trong Hiến chương.

9. Quyết định tiếp tục lưu tâm vấn đề này.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading