Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TRANH CHẤP BẤT ĐỘNG SẢN LIỀN KỀ: HÒA GIẢI KHÔNG THÀNH THÌ CHUYỂN SANG TÒA

Advertisements

KHÁNH LY

Từ năm 1958, gia đình ông Chu Xuân Huy đã cư ngụ tại 469/7E Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Trong giấy chủ quyền nhà mà ông được cấp năm 1990, quận chỉ công nhận diện tích nhà, không công nhận sân phía trước. Tuy nhiên, họa đồ bổ túc hồ sơ nhà của ông Huy có thể hiện phần diện tích sân này.

Năm 1972, bà C. mua lại căn nhà giáp sân nhà ông Huy, có cửa chính trổ ra đường Nguyễn Kiệm. Từ thời chủ trước, căn nhà này đã có một cửa nhỏ phía sau nhưng chỉ để thông thoáng, không phải lối đi. Mâu thuẫn giữa hai nhà phát sinh khi bà C. sửa cửa sau và đã xây lấn sang sân nhà ông Huy. Ông Huy làm đơn khiếu nại bà C., UBND phường 9 đã mời hai bên đến để hòa giải nhưng không thành.

Sau đó, bà C. gửi đơn khiếu nại nhà ông Huy lấn chiếm hẻm chung làm sàn nước, dây phơi che chắn cửa sau nhà bà. Viện lẽ ông Huy chỉ được công nhận phần diện tích đất có nhà, phần còn lại là hẻm chung nên UBND quận đã ra thông báo yêu cầu gia đình ông Huy không được che chắn, bao bọc cửa phía sau nhà bà C.

Ông Huy không hài lòng cách giải quyết này. Theo ông thì trước đây, hẻm có hình chữ U, gia đình ông và các hộ vẫn sử dụng lối nhỏ bên phải, ngang qua cổng và sân nhà ông để đi. Đến năm 1968, lối đi lớn bên trái được sửa sang, lối nhỏ không ai sử dụng nữa. Lâu dần, các hộ đã lấn chiếm và bít luôn. Khi làm giấy chủ quyền nhà, cán bộ cho biết “chỉ công nhận phần diện tích nhà, còn phần sân vẫn thể hiện trong bản vẽ”.

Bà Nguyễn Thị Sê (ngụ tại 469/7B) khẳng định: “Sân nhà ông Huy không phải là lối đi chung. Trước đây, nhà tôi và mấy hộ khác có băng ngang qua sân nhà ông Huy để đi lối nhỏ ra hẻm vì lối đi lớn dơ bẩn. Sau đó, chúng tôi cùng nhau đổ đất làm lại lối đi lớn để sử dụng cho tới bây giờ và không đi lối cũ nữa”.

Cho rằng việc hòa giải thành là tối ưu nên UBND phường 9 vẫn cố gắng hòa giải nhiều lần. Ông Đỗ Phụng Hiệp, Phó Văn phòng UBND quận Phú Nhuận, cho biết: “Sắp tới, quận sẽ đề nghị phường họp một số hộ dân sống lâu năm tại khu vực để lấy ý kiến về việc sử dụng, nguồn gốc thửa đất trên. Nếu bên nào không đồng ý thì có thể khởi kiện ra tòa bởi các nhà đều đã có chủ quyền. Việc điều chỉnh lại giấy chủ quyền của các hộ cũng sẽ được tiến hành dựa trên bản án của tòa”.

Theo luật sư Cổ Hiệp, Đoàn luật sư TP.HCM, việc kéo dài thời gian hòa giải tại phường là không đúng quy định. Lý ra sau khi hòa giải không thành thì phường phải lập biên bản ngay để người dân có thể kiện ra tòa, hạn chế việc kéo rê không cần thiết.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=221037

Exit mobile version