admin@phapluatdansu.edu.vn

VẤN ĐỀ OAN SAI TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ VÀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

areiz015008 TS. NGUYỄN VĂN TUÂN

1. Đặt vấn đề

Để đảm bảo trật tự kỷ cương xã hội, bảo vệ các quyền cơ bản của công dân đã được pháp luật ghi nhận, Nhà nước phải sử dụng quyền lực của mình để chống lại mọi hành vi vi phạm pháp luật nhất là trong lĩnh vực tội phạm. Giải quyết các vụ án hình sự một cách khách quan, đúng pháp luật là sự thể hiện việc bảo vệ quyền con người. Nhà nước phải ngăn chặn hoặc xử lý kịp thời không để cho những hành vi phạm tội xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nhưng không phải vì việc xử lý nhanh chóng vụ án hình sự mà để quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bị xâm phạm.

Tố tụng hình sự là hoạt động của các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong việc điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự theo những quy định của luật tố tụng hình sự. Nhiệm vụ của tố tụng hình sự là phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam đã thể hiện rõ tư tưởng “lấy dân làm gốc”, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý kiên quyết và triệt để mọi hành vi phạm tội.

Nhà nước thông qua hoạt động tố tụng hình sự để bảo vệ quyền và lợi ích của công dân. Nhưng cũng chính trong hoạt động tố tụng hình sự này mà quyền của công dân cũng dễ bị vi phạm nhất. Thông qua hoạt động tố tụng hình sự mà cơ quan tiến hành tố tụng phải giải quyết vụ án hình sự mà ở đó số phận pháp lý của một con người sẽ được định đoạt hoặc là tước bỏ ở họ một số quyền hoặc là bảo vệ quyền của họ. Mục đích của tố tụng hình sự là xét xử đúng người, đúng tội nhưng cũng không được làm oan người vô tội.

Bản tuyên ngôn thế giới về nhân quyền là một văn kiện chính trị, pháp lý cơ bản, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình đấu tranh của nhân loại vì các quyền tự do dân chủ của mỗi con người, mỗi dân tộc, trong đó có nhiều quy định về quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự. Điều 9 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định:” Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an ninh cá nhân. Không ai bị bắt hoặc giam giữ vô cớ. Không một ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp có lý do và phải theo đúng những thủ tục mà luật pháp quy định…Bất cứ người nào trở thành nạn nhân của việc bắt hoặc bị giam giữ bất hợp pháp đều có yêu cầu được bồi thường “[1].

Ở Việt Nam, ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên – Hiến pháp năm 1946, vấn đề quyền con người, quyền công dân đã được chú ý, trong đó có các quyền liên quan đến hoạt động tố tụng hình sự như: “Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam”(Điều thứ 11). Các quy định này là những nguyên tắc quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự nhằm bảo vệ quyền con người.

Trong Hiến pháp năm 1959 các quy định về quyền con người được mở rộng hơn, quyền bất khả xâm phạm về thân thể tiếp tục được khẳng định và được nâng lên một bước về mặt nội dung: “Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được bảo đảm. Không ai có thể bị bắt nếu không có sự quyết định của Tòa án nhân dân hoặc sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân” (Điều 27).

Hiến pháp 1980 tiếp tục khẳng định và ghi nhận quyền con người trong tố tụng hình sự một cách rõ ràng hơn, cụ thể hơn và chặt chẽ hơn. Điều 69 quy định: “Không ai có thể bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân. Việc bắt và giam giữ người phải theo đúng pháp luật”.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 đánh dấu một bước tiến mới của quá trình pháp điển hóa pháp luật tố tụng hình sự, đồng thời cùng với Bộ luật Hình sự năm 1985 là cơ sở pháp lý đảm bảo quyền con người trong tố tụng hình sự. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự có nhiều quy định mang tính nguyên tắc là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành hoạt động tố tụng hình sự và bảo vệ quyền con người. Một nguyên tắc tiến bộ lần đầu tiên đã được quy định trong Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và sau này được thể hiện trong Hiến pháp năm 1992: “Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật của. Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý” (Điều 72).
Kế thừa những nguyên tắc dân chủ của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 còn có những quy định cụ thể hơn về quyền được bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự. Điều 29 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định “Người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi. Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã làm oan phải bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan; người đã gây ra thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Quy định này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm việc bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự cho người bị oan. Tuy nhiên vấn đề oan trong tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan cũng còn những vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn cần được làm rõ, nhất là vào thời điểm hiện nay chúng ta đang tiến hành xây dựng Luật Bồi thường nhà nước.

2. Vấn đề oan trong tố tụng hình sự

Trước hết cần xác định ai là người bị oan trong tố tụng hình sự và căn cứ để xác định một người bị oan trong tố tụng hình sự là gì? Oan theo nghĩa thông thường là “bị quy cho tội mà bản thân không phạm, phải chịu sự trừng phạt mà bản thân không đáng phải chịu”[2]. Còn dưới góc độ khoa học tố tụng hình sự, có nhận thức như sau:

“Người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra được bồi thường thiệt hại bao gồm:

– Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

– Người bị tạm giam mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giam vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

– Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, đã bị kết án tử hình mà có bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

– Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án ngoài các trường hợp quy định trên đây mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội (người bị khởi tố nhưng được tại ngoại”[3].

Đối chiếu với các quy định của Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra (sau đây viết tắt là Nghị quyết 388) thì những người bị oan nói trên lại trùng với các trường hợp người được bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 388. Theo nhiều quy định của Nghị quyết 388 thì người được bồi thường thiệt hại được hiểu là người bị oan.

Nghị quyết 388 được ban hành và có hiệu lực trước Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Một vấn đề được đặt ra là có thể hiểu Điều 29 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định người bị oan được xây dựng trên tinh thần Nghị quyết 388 hay khi thực thi Điều 29 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì áp dụng các quy định của Nghị định 388? Thực tế cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng khi phải giải quyết bồi thường thiệt hại chỉ dựa trên Nghị quyết 388 và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.

Tại Điều 1 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về “Nhiệm vụ của Bộ luật Tố tụng hình sự” trong đó có nhiệm vụ “ không làm oan người vô tội”, điều đó có thể  hiểu người bị oan phải là người vô tội. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”, thì người có tội là người đã bị Toà án kết tội, trước khi có bản án kết tội của Toà án có hiệu lực pháp luật thì không ai bị coi là có tội hay nói một cách khác là họ vô tội. Cũng xuất phát từ Điều 9 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì chỉ có Toà án mới có quyền kết tội một người nào đó và không ai, không cơ quan nào có quyền này. Như vậy theo nghĩa hẹp người bị oan là người vô tội nhưng bị Toà án kết tội oan. Còn người bị oan theo quy định của Điều 29 Bộ luật Tố tụng hình sự  thì chưa được xác định cụ thể mà chỉ quy định chung là “người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra”. Người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự có thể là người thuộc cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án và tương ứng người bị oan có thể là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án. Để xác định một người bị oan trong tố tụng hình sự theo chúng tôi cần phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Nghị quyết 388 và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị quyết 388 không phải là các văn bản cụ thể hoá Điều 29 Bộ luật Tố tụng hình sự, mặt khác Nghị quyết 388 lại ban hành và có hiệu lực trước Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có hai điều, một điều quy định về người bị oan (Điều 29 “Bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị oan”) và một điều quy định về người bị thiệt hại (Điều 30 ” Bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại do cơ quan hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra”). Người bị oan và người bị thiệt hại là hai khái niệm không phải hoàn toàn là một. Người bị oan đồng thời là người bị thiệt hại (thiệt hại về thể chất hoặc tinh thần), còn người bị thiệt hại không phải lúc nào cũng là người bị oan.

Nghị quyết 388 được ban hành dựa trên ba căn cứ quan trọng là: Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Dân sự. Nghị quyết này đã đáp ứng được yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và khôi phục danh dự cho những người bị oan trong tố tụng hình sự trong thời gian qua. Tuy nhiên cũng cần phải phân tích, đánh giá những các quy định của Nghị quyết 388 cả về mặt được và chưa được, điều đó là cần thiết cho việc xây dựng Luật Bồi thường nhà nước.

Trong Điều 1 Nghị quyết 388 theo chúng tôi cần phải được làm rõ khái niệm “không thực hiện hành vi vi phạm phạm pháp luật”, “không thực hiện hành vi phạm tội” là gì? Ai là người có quyền và căn cứ pháp lý để xác định một người không thực hiện “hành vi vi phạm pháp luật”, “hành vi phạm tội” là gì?

Điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 388 quy định: “Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”. Trong Thông tư liên tịch số 04/2006 ngày 22/11/2006 của Viện kiểm sát nhân tối cao – Toà án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Bộ quốc phòng – Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 388 có đưa ra ví dụ về trường hợp không được đòi bồi thường thiệt hại vì có hành vi vi phạm pháp luật cụ thể như sau: “Bộ đội biên phòng đồn 56 huyện A. bắt quả tang 10 người Việt Nam đang vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới từ Trung Quốc về Việt Nam và ra lệnh tạm giữ họ. Qua điều tra xác định được giá trị hàng hoá chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, vì vậy đã huỷ bỏ lệnh tạm giữ để xử lý họ về hành chính. Trong trường hợp này họ đã có hành vi vi phạm pháp luật (vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới), nên không được bồi thường thiệt hại”. Ở đây cần phải phân biệt là họ bị tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự mà không phải tạm giữ theo thủ tục hành chính và tất nhiên việc huỷ bỏ việc tạm giữ phải theo thủ tục tố tụng hình sự. Vì vậy không thể nói rằng hành vi của họ chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự và huỷ bỏ lệnh tạm giữ để xử lý họ về hành chính. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định huỷ bỏ tạm giữ để xử lý hành chính mà chỉ có quy định “Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết…” (Điều 94) và “Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ” (Điều 87). Tạm giữ là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự nhằm ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn việc trốn tránh điều tra, để xác minh tội phạm và để quyết định việc khởi tố bị can. Không nhất thiết trong mọi trường hợp đều áp dụng biện pháp tạm giữ và áp dụng hết thời hạn tạm giữ mà luật cho phép. Khi hết hạn tạm giữ hoặc sớm hơn, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do cho người bị tạm giữ. Người bị tạm giữ không đúng (trái pháp luật) đã bị thiệt hại và có quyền đòi bồi thường thiệt hại. Còn hành vi của họ có vi phạm pháp luật và bị xử lý như thế nào phải theo quy định của pháp luật. Họ không có hành vi phạm tội thì không thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với họ. Điều này càng đúng với các quy định của Điều 72 Hiến pháp  năm 1992 “Người bị bắt, bị giạm giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường và phục hồi danh dự”. Mặt khác, ví dụ nói trên cũng không thuộc trường hợp không được bồi thường theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 388.

Điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 388 quy định như sau: “Người bị tạm giam mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giam vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội”. Vấn đề đặt ra là cơ quan nào có thẩm quyền xác định một người không thực hiện hành vi phạm tội và căn cứ pháp luật là gì? Theo chúng tôi việc huỷ bỏ tạm giam phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Căn cứ vào Điều 94 Bộ luật Tố tụng hình sự thì có 2 trường hợp huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, trong đó có biện pháp tạm giam. Trường hợp thứ nhất: Hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không cần thiết (cho tại ngoại) hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác (khoản 2 Điều 94 BLTTHS). Như vậy người bị tạm giam chưa được tự do hoàn toàn vì họ vẫn là bị can hoặc bị cáo của vụ án, họ vẫn ở trong “vòng tố tụng”. Trường hợp thứ hai: Khi  vụ án bị đình chỉ  thì mọi biện pháp ngăn chặn đã áp dụng đều phải huỷ bỏ (khoản 1 Điều 94 BLTTHS). Trong trường hợp này người bị tạm giam được tự do, họ không còn là bị can hoặc bị cáo của vụ án. Ngoài ra Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự còn quy định việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong trường hợp đình chỉ điều tra. Theo chúng tôi điểm b, khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 388 có thể quy định theo hướng biện pháp tạm giam được hủy bỏ vì có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án.

Điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 388 quy định: “Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, đã bị kết án tử hình mà có bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội”. Theo các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì Toà án cấp sơ thẩm ra bản án trong đó xác định bị cáo có tội hoặc không có tội (Điều 224), Toà án cấp phúc thẩm ra bản án, trong đó có quyền quyết định huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án (Điều 248 BLTTHS); Hội đồng giám đốc thẩm có quyền ra quyết định huỷ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án (Điều 285 BLTTHS); Hội đồng tái thẩm có quyền ra quyết định huỷ bản án hoặc quyết định bị kháng nghị và đình chỉ vụ án (Điều 298 BLTTHS). Như vậy trong các bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền không quy định việc xác định một người không thực hiện hành vi phạm tội. Để xác định một người không thực hiện hành vi phạm tội thì cần phải căn cứ vào quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án của các cơ quan có thẩm quyền hoặc bản án xác định bị cáo không có tội.

Điểm d khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 388 quy định:”Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội”. Như vậy ngoài những người bị tạm giữ, tạm giam, đang hoặc đã thi hành án phạt tù, án tử hình hay nói một cách khác là những bị can, bị cáo không bị tạm giam và người bị kết án không phải là án phạt tù, án tử hình nếu bị oan có quyền được bồi thường. Trong Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định rất rõ địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, đặc biệt là những người là đối tượng của việc điều tra, truy tố và xét xử. Tùy theo từng giai đoạn tố tụng hình sự mà họ được xác định là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hay người bị kết án. Các quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng đều xác định rõ đối tượng áp dụng là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hay người bị kết án. Vì vậy khi xác định người bị oan trong tố tụng hình sự cần căn cứ vào địa vị tố tụng của họ.
Nói tóm lại những người bị oan trong tố tụng hình sự là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và người bị kết án mà có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc bản án xác định họ vô tội. Bản án xác định một người vô tội không phải bàn cãi, tuy nhiên trong các trường hợp đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án không phải phải trường hợp nào cũng xác định bị can, bị cáo là người bị oan. Các quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đã đủ cơ sở để xác định một người bị oan trong tố tụng hay chưa còn phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cơ quan điều tra quyết định điều tra trong những trường hợp sau đây: 1) Có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật Hình sự; 2) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
Các trường hợp đình chỉ vụ án được quy định tại các điều 169, 180, 199, 248, 251, 285, 286, 298 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo quy định của Điều 169 thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc tại Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật Hình sự. Các điều luật khác chỉ viện dẫn những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của Bộ luật Tố tụng hình sự (Ví dụ Điều 180 BLTTHS) hoặc căn cứ quy định tại Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự (Ví dụ Điều 251 và 286 BLTTHS) .
Nói tóm lại các căn cứ đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án bao gồm: 1) Điều 25 và khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự; 2) Khoản 2 Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự; 3) Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự; 4) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Về Điều 25 và khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự, đây là những điều quy định về miễn trách nhiệm hình sự cho nên không được xác định là bị oan và không được quyền đòi bồi thường (xem điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 388).

Khoản 2 Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Yêu cầu của người bị hại ở đây là yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự, rút yêu cầu của người bị hại có nghĩa là bị can không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, vì vậy sẽ không có sự oan và quyền đòi bồi thường ở đây.

Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định các căn cứ không được khởi tố vụ án. Nếu phát hiện có một trong các căn cứ này thì vụ án phải được đình chỉ. Tuy nhiên trong các căn cứ này, căn cứ nào là căn cứ xác định một người bị oan và có quyền đòi bồi thường. Một người bị oan là người bị khởi tố, truy tố, xét xử không có căn cứ vì hành vi  trái pháp luật của người tiến hành tố tụng. Theo quy định của Điều 251 Bộ luật Tố tụng hình sự:”Khi có một trong những căn cứ quy định tại điểm 1 và điểm 2 Điều 107 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án; nếu có một trong các căn cứ quy định tại các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì hủy bản án sơ và đình chỉ vụ án”. Như vậy chỉ trong trường hợp 1 và 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự mới đủ cơ sở để tuyên bị cáo vô tội và cũng chỉ trong hai trường hợp này thể hiện lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng. Theo chúng tôi một người bị oan trước hết họ là người vô tội và bị vào “vòng tố tụng” do hành vi trái pháp luật của người tiến hành tố tụng.
Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm mặc dù cơ quan điều  tra đã làm hết sức mình thì phải đình chỉ điều tra và bị can phải được coi là không có tội. Những gì mà bị can phải chịu đựng không phải do lỗi của họ mà do lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố họ khi chưa có đầy đủ căn cứ. Đây cũng là trường hợp bị oan trong tố tụng hình sự.

Chúng tôi kiến nghị những người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra được bồi thường thiệt hại bao gồm:

– Người bị tạm giữ mà có quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giữ của cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát;

– Người bị khởi tố bị can mà có quyết định đình chỉ điều tra của cơ quan điều tra trong những trường hợp sau đây:1) Không có sự kiện phạm tội; 2) Hành vi không cấu thành tội phạm; 3) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;

– Người bị khởi tố bị can mà có quyết định đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát trong những trường hợp sau đây:1) Không có sự kiện phạm tội; 2) Hành vi không cấu thành tội phạm;

– Người đã bị truy tố mà có quyết định của thẩm phán đình chỉ vụ án trong những trường hợp sau đây:1) Không có sự kiện phạm tội; 2) Hành vi không cấu thành tội phạm;

–  Người bị đưa ra xét xử với tư cách bị cáo mà có bản án sơ thẩm xác định không có tội hoặc bản án phúc thẩm, trong đó quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án trong những trường hợp sau đây:1) Không có sự kiện phạm tội; 2)  Hành vi không cấu thành tội phạm;

– Người bị kết án mà có quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án trong những trường hợp sau đây:1) Không có sự kiện phạm tội; 2) Hành vi không cấu thành tội phạm.

Có thể quy định gọn hơn về những người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra được bồi thường thiệt hại như sau:

1- Người bị tạm giữ mà có quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giữ của cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát;

2- Bị can mà có quyết định đình chỉ điều tra của cơ quan điều tra trong những trường hợp sau đây:1) Không có sự kiện phạm tội; 2) Hành vi không cấu thành tội phạm; 3) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;

3- Bị can, bị cáo, người bị kết án mà có bản án, quyết định của cơ quan hoặc người tiến hành tố tụng xác định không có tội hoặc đình chỉ vụ án trong trong những trường hợp sau đây:1) Không có sự kiện phạm tội; 2) Hành vi không cấu thành tội phạm.”

3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan, Điều 29 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã làm oan phải bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan;”. Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự có thể hiểu là cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án. Tuy nhiên thủ tục, mức phải bồi thường thì chưa được hướng dẫn. Việc bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan hiện được áp dụng Nghị quyết 388 và các văn bản hướng dẫn Nghị quyết này. Theo Điều 10 Nghị quyết 388 thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án các cấp, cơ quan thi hành án. Việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại dựa trên nguyên tắc cơ quan nào (hoặc người của cơ quan nào) gây thiệt hại thì cơ quan đó có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về cơ quan nào không phải lúc nào cũng dễ xác định. Đôi khi lỗi của cơ quan này là nguyên nhân dẫn đến lỗi của cơ quan khác. Vì thế không thể xác định là cơ quan nào gây thiệt hại cuối cùng thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vì vậy dẫn đến tình trạng cơ quan tiến hành tố tụng hay đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, gây khó khăn cho việc thực hiện quyền được bồi thường thiệt hại của người bị oan trong tố tụng hình sự. Điều 10 Nghị quyết 388 quy định rất cụ thể các trường hợp và trách nhiệm của cơ quan nào phải bồi thường thiệt hại. Theo Điều 10 Nghị quyết 388 thì có đến 9 loại cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Tuy nhiên việc quy định chi tiết và cụ thể như vậy đôi khi lại gây khó khăn cho người bị oan nếu như họ không đủ trình độ nhận thức và xác định phải yêu cầu cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Sau khi Nghị quyết 388 được ban hành đã giải quyết nhiều trường hợp bị oan, giảm bớt được bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên lại có những phản ứng nhất định từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là Viện Kiểm sát nhân dân các cấp – cơ quan phải bồi thường nhiều nhất trong các cơ quan tiến hành tố tụng. Một số chuyên gia của ngành kiểm sát có kiến nghị cá nhân nên quy trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại về một cơ quan. Trong hoạt động tố tụng hình sự luôn có sự phối hợp làm việc giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, vì vậy trong trường hợp để xảy ra oan trong tố tụng hình sự thì không thể quy trách nhiệm một cách đơn giản như pháp luật hiện hành là cứ sai ở khâu nào, giai đoạn nào của quá trình tố tụng hình sự thì cơ quan chịu trách nhiệm ở khâu đó, giai đoạn đó chịu trách nhiệm bồi thường. Việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự nên tập trung vào một cơ quan thì sẽ khách quan hơn nhằm giúp  các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không phải mất nhiều thời gian giải quyết việc bồi thường[4].

Chúng tôi đồng ý với quan điểm cho rằng:”Việc quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về Nhà nước là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới. Ở đây cần có sự phân biệt rõ ràng và cụ thể là trách nhiệm thuộc về ai và việc thực hiện trách nhiệm thuộc về ai. Trách nhiệm có thể thuộc về một chủ thể nhất định, tuy nhiên việc thực hiện trách nhiệm có thể không phải do chính chủ thể đó đảm nhận mà do một chủ thể khác đảm nhận. Chính vì vậy, việc quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về Nhà nước là điều tất yếu, còn việc thực hiện trách nhiệm đó như thế nào sẽ phụ thuộc vào quyết định của từng quốc gia sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của mình”[5].

Theo quy định Nghị quyết 388 kinh phí bồi thường thiệt hại là một khoản trong ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý, cấp phát và quyết toán kinh phí bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Như vậy có thể thấy được trách nhiệm của Nhà nước trong việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự.
Hiện nay pháp luật nhiều nước quy định về mô hình giải quyết bồi thường theo hai  mô hình chính là mô hình phân tán và mô hình tập trung. Theo mô hình phân tán cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan tiến hành tố tụng có công chức gây ra thiệt hại như quy định của Nghị quyết 388. Còn theo mô hình tập trung thì trách nhiệm giải quyết bồi thường không giao cho cơ quan tiến hành tố tụng mà được quy định cho một số cơ quan đại diện cho Nhà nước.
Trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại theo quy định Nghị quyết 388 được giao cho nhiều cơ quan theo mô hình phân tán và thực tiễn cho thấy mô hình này vận hành kém hiệu quả, có nhiều bất cập trong thực tế áp dụng. Còn nếu quy định một cơ quan duy nhất có chức năng đại diện Nhà nước ví dụ là Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp giải quyết bồi thường với những lý do sau: Thứ nhất, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các chức năng có liên quan đến các vấn đề pháp lý; Thứ hai, các cơ quan tư pháp từ xưa đến nay đã có kinh nghiệm trong việc tham gia giúp Chính phủ khi giải quyết các tranh chấp quốc tế; Thứ ba, giao chức năng trên cho Bộ tư pháp, Sở Tư pháp có thể coi là một bước tiến trong quá trình cải cách tư pháp.[6]Với những lập luận như  vậy chưa thật sự thuyết phục. Việc giao cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thêm chức năng giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng sẽ phát sinh nhiều vấn đề như thêm bộ máy, thêm biên chế, nhưng quan trọng là có giải quyết tốt nhiệm vụ được giao. Một trong những lý do mà chúng tôi băn khoăn là các cơ quan này không phải là cơ quan tiến hành tố tụng vì thế họ sẽ không hiểu hết những tình tiết của việc gây oan,  mức độ thiệt hại cho người bị oan cũng như việc xác định lỗi của công chức (người tiến hành tố tụng) để có yêu cầu bồi hoàn và xử lý các vấn đề khác liên quan đến trách nhiệm pháp lý của họ.

Hiện nay có quan điểm cho rằng cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không phải là cơ quan gây oan mà là cơ quan đã ban hành bản án, quyết định xác định oan trong tố tụng hình sự. Theo quan điểm này về cơ bản không khác gì nhiều so với phương án cơ quan nào gây oan thì có trách nhiệm giải quyết bồi thường bởi vì có quá nhiều cơ quan giải quyết bồi thường, bởi vì có bao nhiêu cơ quan gây oan thì có bấy nhiêu cơ quan minh oan. Chúng tôi cho rằng sẽ là hợp lý hơn nếu giao cho Viện Kiểm sát thực hiện việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự. Đây là cơ quan thực hiện quyền công tố và có nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp từ khởi tố, điều tra, truy tố đến xét xử, thi hành án. Trong mọi hoạt động tư pháp, trong mọi giai đoạn tố tụng đều có sự hiện diện của Viện kiểm sát với mục đích mọi hành vi tố tụng phải đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Trong trường hợp việc giải quyết bồi thường thiệt hại cần phải theo thủ tục tư pháp thì Tòa dân sự thì sẽ giải quyết việc bồi thường. Theo chúng tôi mô hình này có những ưu điểm như sau: Thứ nhất có ít cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết bồi thường, cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường được tập trung không bị phân tán; Thứ hai trong giai đoạn điều tra, truy tố thì cơ quan gây oan và minh oan chủ yếu là Viện kiểm sát, còn trong giai đoạn xét xử thì Tòa án có thể là cơ quan gây oan và cũng có thể là cơ quan minh oan. Đây là hai cơ quan nắm và hiểu rõ nhất vấn đề oan trong tố tụng hình sự; Thứ ba là  thuận lợi cho người bị oan trong việc yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.

Một vấn đề được đặt ra là công chức gây thiệt hại có chịu trách nhiệm bồi hoàn không? Điều 16 Nghị quyết 388 quy định: “Người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây oan do lỗi của mình trong quá trình khởi tố, điều tra, xét xử, thi hành án hình sự có nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của pháp luật”. Điều 620 Bộ luật Dân sự quy định: “Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm yêu cầu người có thẩm quyền đã gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu người có thẩm quyền có lỗi trong khi thi hành nhiệm vụ”. Như vậy vậy pháp luật Việt Nam có quy định về việc hoàn trả của công chức có lỗi trong việc gây ra thiệt hại. Tuy nhiên có quan điểm cho rằng có thể buộc Nhà nước bồi thường song không nên quy trách nhiệm cá nhân công chức vì trách nhiệm cá nhân công chức sẽ được xử lý trong nội bộ  trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước và cá nhân công chức đó vì nếu đặt vấn đề hoàn trả thì có vấn đề về tâm lý, công chức sẽ e dè khi thi hành công vụ. Ngược lại nếu không đặt vấn đề trách nhiệm hoàn trả đối với cá nhân công chức gây thiệt hại thì Nhà nước sẽ khó khăn về tài chính, ngân sách sẽ bị quá tải và công chức không thấy hết trách nhiệm của mình trong thi hành công vụ. Chúng tôi cho rằng cần tham khảo và học tập kinh nghiệm của Nhật Bản là quy định một cách linh hoạt là công chức chỉ phải bồi hoàn nếu phạm lỗi nặng, nếu phạm lỗi nhẹ không phải hoàn trả. Quy định này ở Nhật Bản là dựa trên quan điểm Nhà nước là một người tuyển dụng lao động, vì vậy người làm thuê cho Nhà nước gây thiệt hại trong quá trình thực hiện công việc của Nhà nước thì Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thực tế áp dụng quy định này ở Nhật Bản ít có trường hợp phải hoàn trả mà chủ yếu là xử lý nội bộ.[7]

========== ****** ===========

Chú thích:

[1] Xem Các văn kiện quốc tế về quyền con người Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 1998, trang 181

[2] Viện ngôn ngữ học – Từ điển tiếng Việt – NXB, Đà Nẵng năm 2005, trang 744

[3] Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp – Bình luận KH Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, NXB,Tư pháp – 2005, trang 54, 55.

[4] Xem “Kỷ yếu hội thảo các toạ đàm về Luật Bồi thường nhà nước”- Dự án hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Việt nam và Nhật Bản, trang 143-144.

[5]Xem “Kỷ yếu hội thảo các toạ đàm về Luật Bồi thường nhà nước”- Dự án hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Việt nam và Nhật Bản, trang 142.

[6] Xem Tờ trình Chính phủ về dự án Luật Bồi thường nhà nước (dự thảo 4)

[7] Xem “Kỷ yếu hội thảo các toạ đàm về Luật Bồi thường nhà nước”- Dự án hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Việt nam và Nhật Bản, trang 145

SOURCE: TẠP CHÍ DÂN CHỦ VÀ PHÁP LUẬT

Trích dẫn từ: http://vibonline.com.vn/vi-VN/Home/TopicDetail.aspx?TopicID=2028

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading