admin@phapluatdansu.edu.vn

ĐƯƠNG SỰ ĐÁNH LUẬT SƯ, NHÀ BÁO TẠI TÒA: TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ CHỦ TỌA?

1. Đương sự có hay không có hành vi gây rối trật tự công cộng và  xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác?

Luật sư cho rằng cần phải khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng và xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

j0387188Ngày 1- 4, TAND TP Hà Nội mở phiên xử vụ tranh chấp tiền giữa bà Trần Thị Yến, nguyên đơn với ông Phan Quốc Thắng và bà Nguyễn Bích Thủy (đồng bị đơn).

Phiên tòa náo loạn

Trong lúc luật sư Trần Đình Triển (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đang phát biểu ý kiến bảo vệ cho ông Thắng thì phía dưới tòa, bà Thủy liên tục dùng nhiều lời lẽ không hay xúc phạm luật sư…

Trước những lời nói nặng nề của bà Thủy, luật sư Triển đề nghị chủ tọa cho dừng phiên tòa, lập biên bản, mời bà Thủy ra ngoài. Nhưng yêu cầu này không được HĐXX chấp nhận. Gần trưa, khi chủ tọa vừa tuyên bố tạm dừng phiên tòa để chiều xử tiếp thì bà Thủy đột ngột xông lên bàn luật sư cướp tài liệu rồi cởi guốc bổ vào mặt luật sư Triển. Luật sư hốt hoảng vội chạy tránh nhưng vẫn bị dính đòn sưng cả đầu và tay.

Phóng viên Dương Ngọc Thành – Báo Khoa học Đời sống đang dự phiên tòa đã đưa máy ảnh lên chụp cảnh hy hữu nói trên thì ngay lập tức bị bà Thủy quay sang tấn công, cướp máy ảnh. Cả luật sư và phóng viên sau đó bị bà Thủy đuổi chạy vòng quanh từ phòng xử án ra đến sân tòa. Bản thân ông Thắng cũng bị mẹ con bà Thủy chửi bới, đánh đập túi bụi.

Vụ việc náo động nói trên xảy ra trước mắt hàng trăm người tại TAND TP Hà Nội. Riêng HĐXX đã không có động thái nào can thiệp.

Tòa đã làm ngơ?

Ngay sau khi sự việc xảy ra, luật sư Triển đã làm đơn khẩn cấp gửi Chánh án Tòa dân sự, Chánh án TAND TP Hà Nội đề nghị xử lý hành vi của bà Thủy và trách nhiệm của những cán bộ tố tụng tại phiên tòa.

Riêng với thẩm phán chủ tọa Trần Thị Hải, luật sư Triển chỉ trích khá nhiều bởi bà dường như đã cố tình làm ngơ trước những hành vi càn quấy của đương sự, cũng như đã bỏ qua những lời cảnh báo của luật sư.

Theo luật sư, đây là lần thứ ba bà Thủy gây rối tại tòa. Trước đó, ở phiên sơ thẩm và trong phiên hòa giải, cả luật sư và bị đơn đã nhiều lần bị bà Thủy xúc phạm, hành hung nhưng bà Hải đã không có biện pháp can thiệp nào. Thậm chí trước phiên tòa này, lường trước sự việc xảy ra, ông Thắng đã làm đơn gửi TAND TP Hà Nội đề nghị thay đổi thẩm phán và bố trí lực lượng cảnh sát bảo vệ nhưng yêu cầu không được chấp nhận.

Luật sư Triển bức xúc, theo quy định, những người gây rối tại phiên tòa tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị chủ tọa đuổi khỏi phiên tòa, xử lý hành chính hoặc ra quyết định bắt giữ ngay hoặc có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can ngay tại tòa… Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa này đã không có động thái nào như lập biên bản hay gọi lực lượng cảnh sát tư pháp để bảo vệ mọi người mà đã để mặc cho đương sự tiếp tục phá rối đối với luật sư và nhà báo.

Tội gây rối và xúc phạm danh dự

Trước những hành vi của bà Thủy, luật sư Triển cho rằng cần phải khởi tố vụ án, ít nhất là tội gây rối trật tự công cộng và tội xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Riêng đối với thẩm phán Hải, luật sư Triển đã đề nghị xem xét lại cách hành xử của một vị chủ tọa. Theo ông, chủ tọa đã không vô tư khách quan, không làm tròn trách nhiệm, không đủ tư cách làm thẩm phán…

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Sơn cho biết đang xem xét, kiểm tra vụ việc, nếu đúng tính chất nghiêm trọng như trên sẽ phối hợp với Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án.

Đại diện Báo Khoa học Đời sống cũng cho biết sau khi sự việc xảy ra đã báo cáo lên ban biên tập và sẽ phản ánh chi tiết về việc này. Nếu sự việc không có diễn biến mới sẽ gửi văn bản lên Hội Nhà báo Việt Nam…

2. Trách nhiệm thuộc về chủ tọa?

Chủ tọa nói vụ việc xảy ra khi phiên tòa đã kết thúc và bà cũng đã yêu cầu công an can thiệp sau đó.

Chiều 3-4, đại tá Đỗ Kim Tuyến, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết cơ quan đã cử người sang phối hợp với tòa án để điều tra, nếu thấy có vi phạm về hình sự thì sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật. Theo đại tá Tuyến, không thể chấp nhận tình trạng có những sự việc như trên xảy ra ngay tại cơ quan bảo vệ pháp luật.

Ông Nguyễn Sơn Chánh án TAND TP Hà Nội cũng cho biết ông đang cho cán bộ tòa có liên quan tường trình về sự việc, trong hôm nay sẽ có văn bản gửi cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Luật sư Chu Khang- Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội khẳng định đoàn sẽ có kiến nghị tòa án, viện kiểm sát để có những quy định, cơ chế bảo vệ luật sư tham gia tố tụng tại tòa. Luật sư Khang cho rằng TAND TP Hà Nội cũng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong vụ việc này.

Ẩu đả xảy ra khi đã hết phiên xử (!?)

Trả lời báo chí, thẩm phán Trần Thị Hải chủ tọa phiên tòa trên cho biết bà đã vào trong phòng ngay sau khi tuyên bố tạm dừng phiên tòa để buổi chiều xử tiếp nên khi sự việc xảy ra bà không có mặt. Bà Hải cũng bác bỏ lời cáo buộc của luật sư Trần Đình Triển rằng bà đã làm ngơ khi không có bất cứ động thái can thiệp nào từ HĐXX. Bà nhấn mạnh: “Nếu tôi không can thiệp thì lực lượng công an sẽ không thể biết mà có mặt ngay sau đó”.

Đại tá Tuyến cho rằng thông thường lực lượng công an sẽ có mặt bảo vệ đương sự cũng như giữ an ninh trật tự tại tòa khi tòa án yêu cầu. Tuy nhiên, trong hầu hết các vụ án dân sự tòa không yêu cầu nên phía công an không tham gia. Phiên tòa có xảy ra sự cố nói trên cũng vậy, trước đó phía công an không nhận được thông tin gì của tòa án nên không thể có mặt để can thiệp kịp thời.

Chủ tọa phải xử lý vi phạm

Ông Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết nếu thông tin đúng như báo chí nêu thì cần xem xét trách nhiệm của HĐXX, chủ tọa phiên tòa. Trong trường hợp như vậy, chủ tọa phải có trách nhiệm bảo vệ sự tôn nghiêm của phiên xử, tùy theo tính chất, mức độ, thẩm phán có quyền khởi tố vụ án, chuyển cho cơ quan điều tra hoặc xử phạt hành chính. Lực lượng cảnh sát nếu có mặt ở đó cũng cần phải có biện pháp kịp thời chứ không cần phải đợi đến ý kiến của thẩm phán mới hành động.

Chánh án TAND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Tùng cũng cho rằng chủ tọa phải ngay lập tức có biện pháp xử lý đương sự gây mất trật tự phiên xử. Nếu đương sự không chấm dứt hành vi gây mất trật tự thì có thể áp giải ra khỏi phiên tòa, phạt tiền hoặc bắt giữ. Làm như vậy thể hiện được chức trách của chủ tọa nói riêng và của HĐXX nói chung.

Thẩm phán Đỗ Thị Thu Hương Phó Chánh án TAND quận Tân Bình (TP.HCM) cũng đồng tình với ý kiến này bởi chủ tọa hoàn toàn có quyền xử lý những hành vi làm mất trật tự hoặc gây rối trong phiên tòa…

Ngoài phiên xử, khó cho chủ tọa…

Theo thẩm phán Tùng, trường hợp đương sự hành hung, đánh luật sư khi phiên tòa đã kết thúc thì lại là một quan hệ pháp luật khác. Lúc đó đơn giản chỉ là quan hệ giữa hai cá nhân với nhau. Nếu luật sư cho rằng đương sự xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của mình thì có quyền kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường. Ngoài ra, đương sự có hành vi đánh người cũng có thể bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích nếu xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe của luật sư.

Thẩm phán Đỗ Thị Thu Hương cũng cho rằng nếu hành vi xô xát, ẩu đả xảy ra khi phiên xử đã tạm dừng, đã xong thì hành vi này không xử lý về hành vi gây rối trật tự phiên tòa được mà chỉ có thể là hành vi gây rối trật tự công cộng…

Theo chúng tôi, việc gây lộn, đánh nhau tại tòa dù khá hiếm hoi nhưng không phải mới xảy ra lần đầu, thậm chí đã có trường hợp đâm chết người tại tòa. Từ sự việc này, cơ quan chức năng cần phải cảnh giác, rút kinh nghiệm để không xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Thẩm phán đã không hoàn thành nhiệm vụ

Qua sách báo tôi được biết ở nước ngoài, các tòa án luôn là nơi “bất khả xâm phạm”. Tại phiên tòa, luật sư, công tố viên đều có thể thoải mái tham gia tranh tụng nhưng phải… xin phép và chỉ được phát biểu khi được chấp thuận. Các đương sự hay những người khác tham dự phiên tòa cũng buộc phải giữ trật tự và phải răm rắp tuân theo sự điều khiển, mệnh lệnh của tòa. Xem phim Trung Quốc, mọi người luôn ấn tượng với hình ảnh Bao Công uy nghi, dứt khoát; những gương mặt nể sợ, kính trọng của các tội đồ hay của những người dự khán…

Ở phiên tòa trên, nên lý giải thế nào về việc đương sự “tỉnh queo” biến phiên tòa thành chỗ cướp giật và đánh nhau? Vì sao thẩm phán lại hiền lành, thụ động đến mức không thể chấp nhận được? Chính việc không hành động khi lẽ ra phải hành động của chủ tọa phiên tòa đã làm cho tòa án trở nên hỗn loạn, không ra thể thống gì. Ngoài việc xem xét, xử lý hành vi sai phạm của bị đơn, tôi đề nghị Chánh án TAND TP Hà Nội xem xét thêm bản lĩnh, kỹ năng hành nghề của thẩm phán trên để không lặp lại các sự cố tương tự.

Lại Tuyết (Nhà Bè)

CIVILLAWINFOR TỔNG HỢP (THEO THÁI SƠN – BÁO PLTPHCM)

Trích dẫn từ:

http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=212997

http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=213088

One Response

  1. Vẫn biết là nền pháp luật của Việt Nam còn nhiều điểm cần hoàn thiện và điều kiện chưa cho phép chúng ta có được một nền “văn minh pháp lý” nhưng nếu chính tại nơi được coi là “biểu tượng công lý” mà còn để cho sự việc như thế này xẩy ra thì chúng ta còn “mông muội” lắm. Dân Luật phải thực sự phẫn nộ với những hiện tượng này.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading