Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

LUẬT BẢO HỘ ĐẶC SẢN Ở ĐỊA PHƯƠNG

Advertisements

LÊ LINH (Theo sipo.gov.cn)

Bảo hộ tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý của hàng hóa thực phẩm nhằm bảo vệ danh tiếng của đặc sản địa phương, loại bỏ nạn cạnh tranh không lành mạnh, đánh lừa người tiêu dùng bằng sản phẩm giả mạo có chất lượng kém hơn hoặc hương vị khác hơn.

Vi phạm bị khép tội hàng giả

Từ năm 1992, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành các quy định bảo hộ tên gọi của các sản phẩm làm tại một vùng miền địa phương đặc trưng trong phạm vi EU.

Đến năm 2003, EU ban hành Quy định về biện pháp hải quan chống hàng hóa bị nghi ngờ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các biện pháp chống hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để thay thế cho các quy định trước đó.

Quy định mới năm 2003 xem chỉ dẫn địa lý hàng hóa như quyền sở hữu trí tuệ, chủ yếu để bảo vệ tên gọi của các sản phẩm như rượu, bơ, xúc xích, bia, bánh mì và các loại rau quả.

Chỉ những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng và đúng về nguồn gốc địa lý mới được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý.

Chẳng hạn, các loại phó mát Gorgonzola, Asiago của Ý hay Camembert, Roquefort của Pháp chỉ có thể được đóng gói đúng với tên gọi đó nếu phó mát có nguồn gốc từ miền quê Gorgonzola, Asiago ở Ý hay Camembert, Roquefort ở Pháp.

Để được gọi là phó mát Roquefort, phó mát phải làm bằng sữa của một giống cừu nuôi trong hang động tự nhiên ở thị trấn Roquefort, vùng Aveyron nước Pháp.

Người vi phạm chỉ dẫn địa lý có thể bị khép tội làm hàng giả hay quảng cáo sai lệch. Hiện quy định này đang được mở rộng ra ngoài EU thông qua các thỏa thuận song phương.

Sản xuất và chế biến tại một chỗ

Năm 2006, EU ban hành Quy định về bảo vệ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm được ban hành.

Để được chứng nhận “tên gọi xuất xứ được bảo hộ” (PDO), sản phẩm phải đạt hai yêu cầu: Có chất lượng và đặc trưng của một vùng miền nơi sản xuất sản phẩm; được sản xuất, chế biến trong vùng miền đó.

Để được chứng nhận “chỉ dẫn địa lý được bảo hộ” (PGI), sản phẩm phải có danh tiếng (không cần phải có đặc trưng) và được sản xuất, chế biến tại một vùng miền cụ thể.

Đơn xin chứng nhận PDO hay PGI trước hết phải nộp cho cơ quan chức năng trong nước. Nếu xét thấy sản phẩm đáp ứng quy định, cơ quan chức năng của nước đó sẽ chuyển cho Ủy ban châu Âu chứng nhận.

Bên thứ ba nếu thấy đơn xin này có thể tổn hại công việc kinh doanh của mình thì có thể nộp đơn phản đối.

Quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý được EU thực hiện rất nghiêm ngặt. Chẳng hạn bia Newcastle Brown Ale chỉ được sản xuất và đóng chai ở thành phố Newcastle bên bờ sông Tyne.

Năm 2004. sau khi được chứng nhận PGI, công ty bia quyết định chuyển sang thị trấn Gatehead bên kia bờ sông Tyne. Mặc dù chỉ cách nhau một con sông nhưng Newcastle và Gatehead là hai địa danh khác nhau nên công ty bia phải nộp đơn lên EU xin hủy bỏ các hạn chế về địa danh.

Năm 2007, EU không đồng ý và thu hồi chứng nhận PGI đối với bia Newcastle Brown Ale.

Luật ở Mỹ và Trung Quốc

Tại Mỹ, chỉ dẫn địa lý cũng có thể được bảo vệ như thương hiệu. Theo luật về thương hiệu của Mỹ, các thuật ngữ địa lý hay ký hiệu địa lý không thể đăng ký thành thương hiệu nếu chỉ đơn thuần mô tả xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, nếu một chỉ dẫn địa lý hay ký hiệu địa lý được sử dụng để xác định nguồn gốc hàng hóa và dịch vụ trong một thời gian dài và người tiêu dùng xem đó là biểu thị cho một công ty, một nhà sản xuất riêng biệt thì có thể được đăng ký trở thành thương hiệu.

Trong trường hợp này, luật cấm bên thứ ba sử dụng chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký thương hiệu.

Chẳng hạn như hai thuật ngữ chỉ dẫn địa lý Idaho và Được trồng ở Idaho đã được Hội đồng khoai tây bang Idaho đăng ký làm thương hiệu cho khoai tây trồng ở bang Idaho.

Điều này có thể giải thích như sau: Khoai tây ở Idaho đã quá nổi tiếng, do đó khi nói đến hai thuật ngữ trên, người tiêu dùng không đơn thuần nghĩ đến địa danh Idaho mà còn nghĩ đến những cánh đồng khoai tây.

Tại Trung Quốc, theo luật về thương hiệu, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu biểu thị nguồn gốc của hàng hóa, chất lượng, danh tiếng của hàng hóa cũng như các đặc trưng khác chủ yếu có được nhờ các yếu tố văn hóa và thiên nhiên của vùng đó.

Khi một thương hiệu có chứa chỉ dẫn địa lý của hàng hóa nhưng hàng hóa đó không có xuất xứ từ vùng địa lý đã chỉ dẫn thì bị cấm sử dụng.

Theo Liên minh châu Âu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao thu nhập cho những người sản xuất ra sản phẩm được bảo hộ, cụ thể là nông dân, để qua đó giúp giữ chân họ, không để họ rời bỏ làng quê.

Ngoài ra, khi sản phẩm được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý, người sản xuất tự cảm thấy phải có trách nhiệm cải thiện chất lượng sản phẩm.

Một mục đích nữa của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý là quảng bá thương hiệu các sản phẩm có chất lượng đặc trưng ở vùng nông thôn kém phát triển và giúp cho người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc sản phẩm.

SOURCE: THUVIENPHAPLUAT.COM

Exit mobile version