admin@phapluatdansu.edu.vn

ÁN KINH TẾ TĂNG – MỪNG VÀ LO

HOÀNG YẾN

Án tăng không chỉ bởi nền kinh tế phát triển, doanh nghiệp sẵn sàng “nhờ cậy” cơ quan tố tụng mà còn bởi không ít doanh nghiệp thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng pháp luật…

Theo báo cáo của TAND TP.HCM với Ban Pháp chế HĐND TP, năm 2007 án kinh doanh thương mại (án kinh tế) là 1.286 vụ, tăng gần 30% so với năm trước. Dù không tăng mạnh như năm 2006 (gần 50%) nhưng tính chất, mức độ tranh chấp ngày càng phức tạp.

Theo Chánh tòa kinh tế TAND TP Phan Gia Quí, năm nay án kinh tế phát sinh nhiều dạng tranh chấp mới cả về nội dung lẫn hình thức. Những dạng tranh chấp đang gia tăng là kinh doanh địa ốc, giao dịch điện tử, mua bán chứng khoán, chuyển nhượng kinh doanh… Trong các năm tới, dự đoán tranh chấp liên quan đến chứng khoán hoặc có yếu tố nước ngoài sẽ tăng đột biến. Đây là thử thách mới của ngành tòa án bởi giải quyết những tranh chấp này đòi hỏi phải nắm được kiến thức chuyên ngành, công nghệ, phải cập nhật các nguyên tắc quốc tế cũng như vận dụng pháp luật trong nước một cách hợp lý.

Khẳng định vai trò của tòa án

Ông Quí đánh giá án kinh tế tăng chưa hẳn do nước ta đã gia nhập WTO bởi những tranh chấp cấp quốc gia như chống phá giá đã có sự can thiệp của chính phủ, còn những tranh chấp lớn từ các tập đoàn đa quốc gia có xảy ra thì thường cũng do các bộ, ngành liên quan giải quyết.

Theo ông, nguyên nhân chủ yếu là hiện nay môi trường kinh doanh đang mở rộng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước bắt tay cùng hợp tác. Dĩ nhiên khi đó không thể tránh được các tranh chấp xảy ra trong quá trình làm ăn. Khi các doanh nghiệp không tự giải quyết được tranh chấp thì họ đưa nhau ra tòa.

Ông Quí nhận xét đây là một tín hiệu đáng mừng bởi các doanh nghiệp đã không “tự xử” mâu thuẫn mà đang có xu hướng giải quyết bằng con đường pháp luật như ở các nước tiên tiến. Trước đây, doanh nghiệp ở Việt Nam vốn dĩ không thích đưa nhau ra tòa vì ngại phiền phức, ngại “mang tiếng” thì nay đã có thói quen nhờ tòa phân định đúng, sai. Nhờ thế, môi trường kinh doanh ngày càng được minh bạch, ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp được nâng lên.

Đồng tình, nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng án kinh tế tăng thể hiện rằng pháp luật về kinh tế đã đi vào cuộc sống. Các doanh nghiệp đã biết vận dụng luật trong làm ăn, đã biết tin tưởng ở tòa khi giải quyết tranh chấp. Mặt khác, việc án kinh tế tăng còn thể hiện sự tăng trưởng của nền kinh tế, bởi một nền kinh tế phát triển thì các quan hệ kinh tế sẽ gia tăng và tranh chấp, xung đột tất yếu cũng gia tăng theo.

Song song đó, án kinh tế tăng làm cho ngành tòa án, chủ yếu là tòa kinh tế nâng cao được năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn. Có một thời tòa này “ế ẩm”, các thẩm phán thường được phân công giải quyết thêm các án dân sự, lao động… thì nay đã bắt đầu “nếm mùi” quá tải (tỷ lệ án kinh tế quá hạn cao, chỉ sau án dân sự, chiếm tới gần 30% trong tổng số án thụ lý).

Và điều đáng lo

Tuy nhiên, lật lại vấn đề, có người nhìn nhận án kinh tế tăng còn bởi một nguyên nhân đáng lo ngại: sự thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng pháp luật trong các doanh nghiệp.

Theo một thẩm phán tòa kinh tế, không ít doanh nghiệp còn hời hợt trong việc soạn thảo, ký kết các hợp đồng làm ăn, không nhờ luật sư tư vấn, thậm chí còn xem nhẹ, tìm cách “lách luật”… nên khả năng xảy ra tranh chấp là rất cao. Đó thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã có đội ngũ cố vấn pháp lý bài bản). Trong các giao dịch, các doanh nghiệp này thường rơi vào hoàn cảnh nắm “phần lưỡi” nên khi tòa xử thì luôn bị đuối lý, phải chịu thiệt thòi.

Để khắc phục, thạc sĩ luật Trương Trọng Nghĩa, Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP, cho rằng hiện nay việc phổ biến kiến thức pháp luật về kinh doanh thương mại đang diễn ra khá da đạng, qua rất nhiều nguồn như các website của chính phủ, quốc hội, các bộ, ngành… Các doanh nghiệp nên biết tận dụng để nâng cao kiến thức, nắm bắt luật lệ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể nhờ các đội ngũ tư vấn miễn phí của đoàn luật sư, hội luật gia, các hiệp hội doanh nghiệp… vốn đang phát triển rất mạnh hoặc chú trọng đến việc thuê chuyên gia pháp lý. Càng chấp hành pháp luật nghiêm túc, càng chặt chẽ trong việc ký kết hợp đồng làm ăn thì càng tránh được những rủi ro, tranh chấp ngoài ý muốn.

Tranh chấp giải quyết bằng trọng tài cũng tăng

Hiện nay khi có tranh chấp, rất nhiều doanh nghiệp đã chọn con đường giải quyết tranh chấp bằng cách nhờ trọng tài thương mại thay vì kiện ra tòa. Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, thành viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết: Năm nay, số tranh chấp về kinh tế được giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam là 30 vụ, tăng gấp đôi năm 2006. Các tranh chấp kinh tế mới trong năm qua là về dịch vụ trong lĩnh vực bảo hiểm, giải trí – văn hóa, cho thuê tài sản…

SOURCE: PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=206712

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading