admin@phapluatdansu.edu.vn

BÀN VỀ QUYỀN CHỦ NỢ CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

CHU VĂN THÁI

Ngân hàng được đề cập trong bài viết này là ngân hàng thương mại (NHTM), trung gian tài chính, kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ. Cho đến nay, hoạt động chính của ngân hàng vẫn là huy động tiền gửi với trách nhiệm hoàn trả và sử dụng số tiền đó để cho vay, đầu tư… nhằm thu lợi nhuận trên cơ sở bảo đảm khả năng thanh toán. Do đó, mục tiêu quan trọng nhất trong hoạt động của các ngân hàng là đảm bảo thu hồi được vốn cho vay và có lãi ngày càng bền vững.

Với bản chất là đi vay để cho vay, nên ngân hàng là chủ nợ lớn nhất và cũng là con nợ lớn nhất. Điều đó khiến cho hoạt động tín dụng của ngân hàng luôn thường trực và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao. Khi khách hàng không trả nợ đúng hạn, ngân hàng không trả được tiền vay của người gửi tiền. Do đó, phát huy quyền chủ nợ đã được pháp luật quy định khi khách hàng không thực hiện nghĩa vụ đầy đủ và đúng hạn là công cụ đầu tiên và có hiệu quả nhất để bảo đảm khả năng thu hồi vốn của ngân hàng qua đó đảm bảo an toàn và ổn định của hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) ở Việt Nam.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là quyền chủ nợ của ngân hàng và các biện pháp, phương thức đảm bảo cho quyền chủ nợ của ngân hàng có được thực thi một cách hiệu quả trên thực tế hay chưa. Hiện trạng nợ xấu với tỷ lệ cao của hệ thống ngân hàng hiện nay đặc biệt là hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) là câu trả lời cho vấn đề này. “Đánh giá tình hình quản trị doanh nghiệp” của Wolrd Bank năm 2006 cũng nhận định quyền pháp định của chủ nợ ở Việt Nam yếu hơn so với trung bình các nước trong khu vực và các nước OECD. Đánh giá này được căn cứ trên một loạt thước đo chuẩn mực do Ngân hàng Thế giới xây dựng cho 130 quốc gia trong đó có Việt Nam.

Bảo lãnh, thế chấp đảm bảo tiền vay: các hình thức phổ biến ở Việt Nam

Bản chất của bảo đảm tiền vay là sử dụng tài sản của con nợ hay cam kết của người thứ ba về việc sẽ trả nợ thay cho con nợ khi con nợ không có khả năng hoặc không thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình khi nghĩa vụ đáo hạn. Về mặt hình thức, pháp luật về hoạt động ngân hàng đã có các quy định tương đối đầy đủ về bảo đảm tiền vay, trong đó, văn bản quan trọng nhất phải kể đến là Nghị định số 178/1999/NĐ-CP về bảo đảm tiền vay và các văn bản hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như Thông tư 03/2001/TTLT/NHNN-BTP-BCA-BTC-TCĐC ngày 23 tháng 4 năm 2001 của NHNN Việt Nam – Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Bộ Tài chính – Tổng cục Địa chính hướng dẫn việc xử lý tài sản đảm bảo tiền vay để thu hồi nợ cho các TCTD (sau đây gọi là Thông tư 03); Thông tư 07/2003/TT-NHNN ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hướng dẫn thực hiện một số quy định về bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng… Các văn bản này đã tạo lập một khung pháp lý khá cơ bản cho ngân hàng thực thi quyền chủ nợ của ngân hàng.

Quy định là như vậy, nhưng trên thực tế hoạt động tín dụng ngân hàng việc xử lý tài sản để thu nợ, đặc biệt là đối với với những doanh nghiệp lâm vào tình trạng thua lỗ mất khả năng thanh toán là rất khó khăn. Đài truyền hình VTV, cuối năm 2006, đã phát một phóng sự về tình trạng một chi nhánh cấp I của một NHTMNN ở Đồng bằng Sông Cửu Long không thu hồi được khoản nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong khi đó số sổ đỏ thế chấp cho khoản nợ này, theo ước tính, có thể bày kín một sân vận động và chiều dài của chúng lên tới vài ki – lô – mét. Hình ảnh đó cho thấy việc áp dụng trong thực tế các quy định của pháp luật về xử lý tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh để thu hồi nợ còn nhiều bất cập. Hầu hết các NHTM ở Việt Nam hiện nay đều áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản khi cấp tín dụng, một biện pháp tưởng như là nắm đằng chuôi nhưng thực tế lại chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Bất cập trong xử lý tài sản đảm bảo thể hiện ở các điểm sau:

Thứ nhất là công tác định giá khi xử lý tài sản. Các tài sản khách hàng đem thế chấp cho ngân hàng để vay vốn được chia làm hai loại: Bất động sản và động sản. Bất động sản đem thế chấp chủ yếu là quyền sử dụng đất và đây cũng là vấn đề bất cập nhất khi xử lý hiện nay. Việt Nam chưa có một thị trường bất động sản phát triển như các nước trên thế giới nên việc định giá gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ hai là sự phức tạp trong thủ tục hành chính. Theo quy định tại Thông tư 03 “Trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất tài sản gắn liền với đất không xử lý được theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng thì TCTD được tài sản ra bán đấu giá hoặc khởi kiện tại tòa án”. Tuy nhiên để có thể đấu giá quyền sử dụng đất thì “TCTD gửi hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bán đấu giá quyền sử dụng đất” và kể từ đó việc tài sản có được đem xử lý hay không là ở trong tay cơ quan có thẩm quyền. Cũng theo Thông tư 03, các loại đất quy định tại Điều 30 của Luật Đất đai thì không được phép đấu giá do không được phép chuyển nhượng. Trong thực tế việc tách bạch các loại đất này là rất khó khăn.

Khác với nhiều nước trên thế giới, phán quyết của toà án Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất hay việc chủ nợ áp dụng các biện pháp xử lý tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất (đã thoả thuận với con nợ) của con nợ không mặc nhiên đem lại quyền về bất động sản cho chủ nợ. Để có thể xử lý tài sản loại này nhằm thu hồi nợ, chủ nợ còn phải thông qua một thủ tục hành chính là đăng ký bất động sản tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để biến tài sản đó thành tài sản của mình, sau đó mới có thể xử lý chúng. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho ngân hàng khi xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là khi con nợ chây ỳ hay bất hợp tác và thủ tục đăng ký bất động sản còn quá nhiều bất cập như hiện nay.

Với các tài sản đảm bảo không phải là quyền sử dụng đất (như nhà ở, công trình xây dựng, đất đai hay bất động sản xây dựng trên đất đai), việc xử lý chúng cũng không phải là không còn nhiều khó khăn. Đã có thực tế là khi xử lý đấu giá thì nhiều tài sản chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý. Với nhà cửa, thiết bị máy móc lạc hậu, hệ thống nhà cửa ở nông thôn, tàu thuyền ở vùng biển… các tài sản thế chấp này hầu hết do bên thế chấp quản lý, sử dụng, phía ngân hàng chỉ giữ giấy tờ sở hữu tài sản, do đó khi bên vay vốn không thực hiện nghĩa vụ của mình, ngân hàng muốn bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo phương thức đã thoả thuận cũng khó thực hiện được.

Luật phá sản và sự thờ ơ của các ngân hàng

Luật Phá sản được Quốc hội thông qua đã khá lâu nhưng sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống nó chưa thực sự phát huy được vai trò quan trọng của mình: là công cụ hữu hiệu để chủ nợ thực hiện quyền và cũng là phương tiện giải thoát trách nhiệm cho con nợ. Chính vì lý do đó, các ngân hàng thể hiện thái độ thờ ơ với Luật Phá sản và hầu như không sử dụng nó, dù có mong muốn để thực hiện quyền đòi nợ với doanh nghiệp mắc nợ. Tính đến tháng 5/2006, Việt Nam có khoảng 3200 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), 5.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hơn 200.000 công ty và công ty một thành viên, 15.000 hợp tác xã, 2,9 triệu hộ kinh doanh cá thể (1). Trong đó, con số các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thậm chí là trầm trọng đặc biệt lớn ở khối DNNN lên đến con số hàng ngàn nhưng hầu như rất ít doanh nghiệp xin toà tuyên bố phá sản hoặc bị các chủ thể có quyền yêu cầu tuyên bố phá sản. Theo tác giả Gia Khang trong bài “Luật Phá sản 2004 sẽ tiếp tục bị phá sản” đăng trên Việt NamNet ngày 08/12/2006, thì sau gần 10 năm thực thi Luật Phá sản doanh nghiệp ban hành năm 1994, cả nước chỉ thụ lý 151 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, trong đó hoàn thành thủ tục phá sản chỉ 46 doanh nghiệp. Luật Phá sản sửa đổi, bổ sung năm 2004 cũng chẳng giúp cải thiện thêm tình hình. Sau 2 năm tồn tại của nó, Toà kinh tế thuộc Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ thụ lý 22 vụ phá sản và chỉ tuyên phá sản 02 vụ. Toà Hà Nội thì trong hai năm 2005 – 2006 thụ lý và giải quyết chỉ vẻn vẹn 11 vụ.

Chủ nợ trong đó có các ngân hàng không muốn yêu cầu toà tuyên doanh nghiệp phá sản do các lý do chủ yếu sau:

Thứ nhất: Sự can thiệp của các cơ quan chức năng có thẩm quyền: Các DNNN bao giờ cũng là con đẻ của một bộ ngành chủ quản hay uỷ ban nhân dân cấp nào đó. Dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản có vai trò trực tiếp hay gián tiếp ở các mức độ khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền này nên nếu để doanh nghiệp phá sản thì câu hỏi đặt ra là “xấu voi thì hổ mặt nào”. Do đó, bằng nhiều biện pháp tác động khác nhau, kể cả biện pháp hành chính hay ảnh hưởng quyền lực, các cơ quan này luôn có tác động để việc phá sản các doanh nghiệp không xảy ra. Do đó, các chủ nợ đặc biệt là NHTMNN hầu như rất ngại khi yêu cầu toà tuyên DNNN phá sản. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy rằng DNNN là con nợ lớn nhất và có nhiều nợ xấu nhất của các ngân hàng.

Thứ hai: Sự không minh bạch trong chế độ tài chính của doanh nghiệp. Chỉ số minh bạch về tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam được xếp vào loại yếu kém nhất trên thế giới. Sự không minh bạch về tài chính đã dẫn đến tình trạng lãi giả lỗ thật và thua lỗ trầm trọng kéo dài. Hậu quả tất yếu là tình trạng tài chính âm có nghĩa là tổng giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp nhỏ hơn nghĩa vụ tài sản phải thanh toán. Do đó, nếu yêu cầu phá sản doanh nghiệp thì ngân hàng có nguy cơ phải chia phần tài sản với các chủ nợ khác, do đó đứng trước nguy cơ không thu hồi được hết nợ. Điều này không chỉ khiến ngân hàng mất tiền mà còn bị thiệt hại về uy tín trong con mắt của công chúng.

Thứ ba: Thủ tục phá sản doanh nghiệp còn rất nhiều bất cập. Ví du, theo Luật Phá sản ban hành năm 2004, Nghị quyết của hội nghị chủ nợ là căn cứ để thẩm phán ra quyết định thanh lý tài sản, nhưng thực tế các doanh nghiệp không lập hội nghị chủ nợ. Hội nghị chủ nợ không ra được nghị quyết thì thẩm phán sẽ không có căn cứ để ra phán quyết thanh lý tài sản, một thủ tục rất quan trọng của thủ tục phá sản và thi hành án dân sự.

Tóm lại: Thủ tục yêu cầu phá sản doanh nghiệp theo quy định của Luật Phá sản Việt Nam hiện nay còn quá nhiều bất cập, tốn kém chi phí và thời gian, không có tính hiệu quả cao. Do đó, chủ nợ nói chung trong đó có ngân hàng không nhìn nhận và sử dụng nó như một công cụ đòi nợ hữu hiệu.

Con đường dài khúc khuỷu khi khởi kiện tại toà án

Về mặt lý thuyết, đây được coi là biện pháp cứu cánh cuối cùng và hiệu quả nhất cho ngân hàng để thu hồi các khoản nợ khi con nợ lẩn tránh thực hiện nghĩa vụ đến hạn. Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy việc khởi kiện tại toà án chưa thực sự là phương thức hiệu quả để bảo vệ quyền của chủ nợ. Điều này được thể hiện ở những bất cập sau:

– Sự nghiêm minh của cơ quan tài phán vẫn còn là vấn đề còn nhiều tranh luận. Chi phối bởi lợi ích của chính toà xét xử, sự thiếu nghiêm minh, thậm chí là xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp của một số thẩm phán, sự can thiệp sau lưng của các chủ thể có thế lực… đã khiến cho tính công minh và trung thực của toà án bị giảm sút.

– Thủ tục tố tụng kinh tế và dân sự còn phức tạp: thời gian kéo dài, khó khăn trong việc thu thập chứng cứ và tiếp cận các nguồn thông tin nhạy cảm và quan trọng, chi phí theo kiện tốn kém.

– Công tác thi hành án còn quá nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ thi hành án còn thiếu và yếu, chưa có đủ các quyền để thực thi trách nhiệm một cách tương đối độc lập; quy định về thủ tục xử lý tài sản thi hành án đặc biệt là thủ tục phát mại còn rất phức tạp; nhiều vụ án đã có quyết định thi hành án nhưng lại không còn tài sản để thi hành, sự trốn tránh, gây khó khăn của con nợ… đã khiến cho công tác thi hành án kinh tế, dân sự khó thực hiện trong thực tế. Vì những khó khăn trên, hiện nay, các quyết định, bản án của toà án được thi hành trên thực tế chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ so với tổng số các quyết định, bản án có đã có hiệu lực thi hành. Hậu quả là sau một chặng dường dài lao tâm khổ tứ, tốn kém thời gian, tiền bạc cho hoạt động tố tụng, ngân hàng vẫn đứng trước nguy cơ mất trắng các khoản nợ.

Kết luận

Các quyền luật định không mang lại hiệu quả cao trong công việc thu hồi nợ cho các chủ nợ trong đó có các ngân hàng. Do đó, thực tế hiện nay, thay vì việc sử dụng các con đường công khai, ngân hàng thường đi tìm các giải pháp khác khôn ngoan hơn và có lợi hơn qua việc thu xếp kín đáo các khoản nợ. Ví dụ điển hình là việc biến khoản nợ khó đòi thành phần vốn góp trong liên doanh giữa ngân hàng và con nợ là một giải pháp khá hiệu quả và được nhiều chủ nợ áp dụng hiện nay. Tuy nhiên, các con đường ngầm đó rõ ràng là bao hàm những khoảng tối. Nó gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý. Do tính không minh bạch, các cuộc dàn xếp trong phòng kín như thế nếu không êm thấm trong tương lai sẽ là mầm mống của các tranh chấp nghiêm trọng và phức tạp, cũng như mầm mống của bất ổn của thị trường tài chính tiền tệ nước ta.

Sửa đổi bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật cũng như các cơ chế, thiết chế đảm bảo cho quyền của chủ nợ được thực thi hiệu quả trong thực tế là một yêu cầu cấp thiết. Nó là cơ sở cho sự minh bạch và hoạt động an toàn của thị trường tài chính tiền tệ nước ta cũng như đáp ứng yêu cầu lành mạnh hoá các NHTM trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

(1): Theo số liệu trong “Đánh giá tình hình quản trị doanh nghiệp” của Wolrd Bank năm 2006.

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 6/2007

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading