admin@phapluatdansu.edu.vn

MỘT PHIÊN TÒA, HAI BẢN ÁN

PHAN GIA HI

Bản án gửi cho đương sự khác với bản án gửi cho cơ quan thi hành án về diện tích và vị trí đất.

Bà Bùi Thị Cải rất bất bình khi được biết TAND TP.HCM đã cho “ra lò” hai bản án khác nhau để xử vụ án của bà.

Phải đính chính, bổ sung

Cuối năm 2004, bà Cải bị bà D. thưa ra tòa để đòi lại lối đi. Đồng thời, bà D. cũng đề nghị bà Cải phải tháo dỡ phần xây dựng trên lối đi đó để bà D. xây bức tường làm ranh giới giữa hai nhà. Bà Cải không chấp nhận các yêu cầu này, viện lẽ phần đất đó thuộc quyền sử dụng của gia đình bà.

Năm 2007, TAND quận 2 đã tuyên buộc bà Cải phải tháo dỡ tường rào, trả lại phần đường cho bà D. làm lối đi riêng. Không đồng ý, bà Cải kháng cáo.

Đầu năm 2008, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm vụ án và vẫn tiếp tục tuyên bà Cải phải trả lại lối đi cho bà D. nhưng có sửa một số nội dung của bản án sơ thẩm để làm rõ hơn phần diện tích phải trả, phí định giá…

Sau đó, TAND TP.HCM đã gửi bản án phúc thẩm cho đương sự và Thi hành án (THA) quận 2. Trong bản án gửi cho đương sự, phần nhận xét nêu rõ: “Như vậy phần đất là lối đi của bà D. được xác định theo ranh giới với phần đất của bà Cải qua các điểm A; D; T; N kéo thẳng ra đường 15 đến bức tường rào của bà Cải đã xây dựng”. Thế nhưng trong bản án gửi cho cơ quan THA, phần này lại ghi: “Như vậy phần đất là lối đi của bà D. được xác định theo ranh giới với phần đất của bà Cải qua các điểm A; D; T; N. A là trụ xi-măng nhà bà D.; D là góc sau nhà bà Cải; T là cột trước nhà bà Cải; N là trụ điện thuộc quyền sở hữu của bà D. kéo thẳng ra đường 15 đến bức tường rào của bà Cải đã xây dựng tạo thành điểm tiếp giáp”. Sự khác biệt này tiếp tục được lặp lại trong phần quyết định của hai bản án nêu trên.

Giữa năm 2008, khi nhận thấy có sự sai sót, nhầm lẫn giữa hai bản án, TAND TP.HCM đã ra thông báo sửa chữa, bổ sung. Tòa này xác định phần nội dung tuyên trong bản án gửi cho cơ quan THA mới là chính xác.

Tuy nhiên, theo bà Cải thì sự nhầm lẫn này đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà. Bởi lẽ giữa bản án gửi cho bà với bản án gửi cho cơ quan THA có sự khác biệt lớn về diện tích và vị trí đất phải THA. Do vậy, bà đã gửi đơn đề nghị VKSND tối cao và TAND tối cao giám đốc thẩm bản án phúc thẩm trên.

Nên ghi âm phiên tòa

Việc các tòa ra những phán quyết thiếu thống nhất không phải là hiếm. Trước đây, có một thầy giáo sờ lướt qua ngực học trò. Ngay lập tức, cô học trò đẩy tay thầy ra. Thầy trò sau đó chở nhau đi ăn, hát karaoke… Bố mẹ học trò biết chuyện nên tố cáo. Tại phiên tòa, nạn nhân trước sau thừa nhận thầy giáo chỉ sờ nhẹ vào ngực mình… Biên bản phiên tòa và bản án lại viết: “Bị cáo đã sờ vào bộ phận sinh dục của nạn nhân”…

Vị luật sư bào chữa cho thầy giáo không hài lòng: “Chuyện sờ vào đâu, sờ như thế nào trong tình huống này rất quan trọng vì nó quyết định bị cáo có phạm tội dâm ô với trẻ em hay không. Ở đây, nạn nhân khai chỉ sờ nhẹ vào ngực nhưng tòa lại viết sờ vào bộ phận sinh dục là sao?”. Luật sư trên cho biết sau khi nhận bản án, ông đã tìm ngay thẩm phán và thư ký phiên tòa để chất vấn nhưng những người này… im lặng!

Gần đây, một bản án cũng đã bị kháng cáo do có sự khác biệt với thực tế. Đương sự cho rằng mình đã nhiều lần nói với tòa là không đồng ý bán đất để bên kia mở lối đi và cũng không muốn nhận tiền đất. Chẳng hiểu sao tòa lại “phán” vào bản án là đương sự tự nguyện hiến đất!

Không bàn đến khía cạnh tiêu cực, ở đây có thể do nhiều lý do khách quan như cường độ làm việc căng thẳng, các đương sự nói nhỏ, nói nhanh… khiến thư ký nghe câu được, câu mất rồi ghi nhầm vào biên bản từ “không” thành “có”, từ “có” thành “không”, không thể hiện đầy đủ ý chí của đương sự. Mọi việc chắc hẳn sẽ rõ rành rành, không cãi vào đâu được nếu các phiên tòa được ghi âm. Đáng tiếc là điều này ít được thực hiện!

Vừa qua, TAND tỉnh Khánh Hòa đã lắp đặt hệ thống camera và tổ chức ghi âm lại phiên tòa. Đây là một biện pháp hữu hiệu để kiểm soát hoạt động phiên xử. Tới đây, nếu các tòa đều tổ chức ghi âm, ghi hình lại những phiên xử, các tòa sẽ tránh được nhiều sai sót và có bằng chứng cụ thể để xác định tính chính xác của bản án.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=218710

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading