admin@phapluatdansu.edu.vn

LOGO HẢI YẾN CỦA CHỒNG HAY CỦA VỢ?

HOÀNG TÚ

Hai logo na ná nhau, một được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, một được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Ông Vĩnh Thanh – Giám đốc Công ty TNHH Thể thao Ngôi Sao vừa gửi đơn lên Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Tiền Giang yêu cầu xử lý việc Công ty Hải Yến vi phạm quyền tác giả đối với logo do ông sáng tác.

Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, bà Huỳnh Hồng Thúy – Giám đốc Công ty Hải Yến lại cho rằng chính ông Vĩnh Thanh mới là người xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của công ty bà.

Logo na ná

Trước đây, ông Thanh và bà Thúy từng là vợ chồng, cùng gầy dựng nên Công ty Hải Yến. Năm 2003, Công ty Hải Yến đăng ký lại nhãn hiệu Hải Yến và nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm cầu lông, dịch vụ thể thao… Năm 2005, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Công ty Hải Yến.

Cũng trong năm 2005 này, ông Thanh và bà Thúy ly hôn. Bà Thúy cho biết hai bên đã thỏa thuận phân chia tài sản. Bà sở hữu Công ty Hải Yến bao gồm cả thương hiệu, logo… và cả nợ nần của công ty. Còn ông Thanh lấy tiền mặt, xe và một phần bất động sản.

Sau ly hôn, ông Thanh lập Công ty Ngôi Sao và đi đăng ký thiết kế logo. Tháng 3, Cục Bản quyền tác giả đã cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho ông Thanh, công nhận ông là tác giả thiết kế mẫu logo. Logo này được xem là một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Tuy nhiên, logo này lại na ná logo của Công ty Hải Yến.

Đăng ký trước sẽ có giá hơn

Trên thực tế, logo mà Công ty Hải Yến đang sử dụng có khác đôi chút so với mẫu đăng ký độc quyền. Mẫu được sử dụng thực tế có thêm chữ “Hải Yến” nửa bên dưới và dòng chữ “Công ty TNHH Thể thao” chạy vòng tròn ở nửa trên, còn mẫu đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ lại không có. Chính vì vậy mới nảy sinh tranh chấp.

Ông Thanh cho rằng nếu Công ty Hải Yến sử dụng đúng logo đã đăng ký thì đâu có gì để nói. Đằng này Hải Yến lại thêm thắt chi tiết khiến hình ảnh đó giống với tác phẩm của ông. Vì vậy, ông mới yêu cầu Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Tiền Giang xử lý.

Ban đầu Sở cho rằng Công ty Hải Yến vi phạm và buộc tháo gỡ bảng hiệu. Bất bình, bà Thúy gửi đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu làm rõ quyền của các bên.

Đầu tháng 6, Cục Sở hữu trí tuệ có công văn khẳng định Công ty Hải Yến được độc quyền sử dụng logo đã đăng ký. Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Hùng – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thì công văn này chỉ trả lời cho đúng logo mà bà Thúy đã đăng ký trên giấy tờ chứ không phải là cái mà Hải Yến đang sử dụng. Việc Công ty Hải Yến sử dụng nhãn hiệu không đúng như đăng ký là đúng hay sai thì Cục sẽ xem xét sau.

Trước mắt, ông Trần Việt Hùng cho biết do giấy chứng nhận quyền tác giả của ông Vĩnh Thanh được cấp sau giấy đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của Công ty Hải Yến nên Cục Sở hữu trí tuệ đã có công văn gửi Cục Bản quyền tác giả đề nghị xem xét, hủy giấy chứng nhận của ông Thanh.

“Trộm” của chính mình?

Thấy sự việc lùng bùng nên vừa qua, Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Tiền Giang cũng đã rút lui và yêu cầu hai bên tự giải quyết.

Theo ông Vũ Mạnh Chu – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả thì ông đã nhận được công văn của Cục sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, do hai bên tranh chấp từng là vợ chồng và logo nói trên có được trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp nên Cục cần phải xem lại hồ sơ mới kết luận được. Mặt khác, nếu trước kia ông Thanh đúng là người sáng tác mẫu nhãn hiệu cho Hải Yến thì nay ông Thanh có quyền đi đăng ký quyền tác giả đối với sản phẩm của mình. Tuy nhiên, chủ sở hữu vẫn là Công ty Hải Yến. Do đó, ông Thanh chỉ có một số quyền nhân thân như đặt tên, công bố, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm… chứ không có quyền khai thác, sử dụng hay mua bán đối với logo trên.

Một cán bộ quản lý trong ngành sở hữu trí tuệ cho biết đối với đơn đăng ký nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ phải thẩm định nội dung, xem xét nhãn hiệu đó có khác biệt với những nhãn hiệu đã đăng ký trước đó hay không rồi mới cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, trong quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có khâu thẩm định nội dung, không tra cứu xem nội dung tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng… có trùng hay có nhái của ai hay không. Vì vậy, việc Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận cho ông Thanh là đúng quy trình. Nếu Công ty Hải Yến thấy ông Thanh vi phạm quyền bảo hộ của mình thì có quyền làm đơn yêu cầu Cục Bản quyền tác giả xem xét, hủy giấy đã cấp cho ông Thanh.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, một biểu tượng, hình ảnh, logo… có thể được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới dạng nhãn hiệu hàng hóa hoặc được bảo hộ quyền tác giả dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Chẳng hạn như một mẫu thiết kế bao bì gói mì ăn liền, chai đựng nước, hộp đựng sản phẩm… đều có thể được bảo hộ như kiểu dáng công nghiệp hoặc tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Dù bảo hộ dưới dạng nào cũng được độc quyền sử dụng hình ảnh, thiết kế đó trên bao bì, trên sản phẩm hoặc dùng quảng cáo.

Trong trường hợp hai bên đăng ký mẫu thiết kế na ná nhau như tranh chấp ở đây thì phải xem bên nào là chủ hợp pháp của thiết kế đó.

TÌM HIỂU THÊM THÔNG TIN CÓ LIÊN QUAN TẠI ĐÂY

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ HCM

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/kinh-te/view.aspx?news_id=218462

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading